Đầu tư:

  1. NĂM 2019, THU PHÍ KHÔNG DỪNG TẤT CẢ CÁC TRẠM BOT

Tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).

Cụ thể, sẽ hoàn thiện việc rà soát tổng thể về vị trí đặt trạm, chính sách miễn giảm giá tại tất cả các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ và quản lý doanh thu chặt chẽ để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng. Từ năm 2019, triển khai đồng bộ thu giá dịch vụ không dừng đối với tất cả các tuyến quốc lộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT trên cả nước.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Bổ sung quy định về tiêu chí để đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư, nghiên cứu quy định mức vốn chủ sở hữu phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng nhóm dự án. Rà soát quy định về lập, phê duyệt, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT, đặc biệt sớm ban hành định mức, đơn giá và việc công bố chỉ số giá thị trường phù hợp với điều kiện thực tế.

Đặc biệt, sẽ bổ sung chế tài xử lý đối với các nhà đầu tư chậm quyết toán, chậm thực hiện trách nhiệm công khai, cập nhật lưu lượng phương tiện, doanh thu hoàn vốn, thời gian thu giá sử dụng dịch vụ…

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. CƠ QUAN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT ĐỂ THANH TOÁN

Đây là một trong các nội dung của Nghị định số 117/2017/NĐ-CP quy định về quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại được Chính phủ ban hành ngày 19/10/2017.

Cụ thể, Thủ trưởng cơ quan Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm xem xét, quyết định lựa chọn ngân hàng có uy tín hàng đầu ở nước sở tại để mở tài khoản của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phục vụ hoạt động, đảm bảo an toàn kinh phí, tiền gửi của cơ quan. Khi trả tiền cho bên thụ hưởng, cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải sử dụng các phương tiện thanh toán và gửi chứng từ chi về Việt Nam để kiểm soát. Chỉ dùng tiền mặt để chi trả trong các trường hợp: Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài tại nước có hệ thống tài khoản thanh toán chưa phát triển, đơn vị cung cấp dịch vụ không mở tài khoản ngân hàng; Các khoản chi được phép chi trả bằng tiền mặt theo quy định của Bộ Tài chính.

Nghị định cũng yêu cầu dự toán ngân sách Nhà nước hàng năm của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài phải thể hiện đầy đủ theo từng khoản thu, chi. Về phân bổ và giao dự toán ngân sách Nhà nước đối với các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, sau khi được giao dự toán ngân sách, các bộ, cơ quan trung ương phân bổ và giao dự toán ngân sách Nhà nước cho các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc bằng đô la Mỹ quy đổi ra đồng Việt Nam.

Nghị định này có hiệu lực từ 10/12/2017; bãi bỏ Nghị định số 107/2011/NĐ-CP ngày 24/11/2011.

  1. ĐẢM BẢO AN NINH, AN TOÀN TRONG HOẠT ĐỘNG NGÂN HÀNG

Ngày 11/10/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra Chỉ thị số 07/CT-NHNN về việc tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính.

Theo Chỉ thị này, người đứng đầu của các tổ chức tín dụng phải quán triệt tới tất cả cán bộ chủ chốt trong toàn bộ hệ thống có giải pháp phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng một cách hiệu quả, đặc biệt là các vi phạm quy định về cho vay; về huy động vốn và gửi tiền; về hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng…

Cụ thể như: Thẩm định cho vay không khách quan dẫn đến cho vay không đủ điều kiện; tập trung cho vay, đầu tư kinh doanh lĩnh vực bất động sản nhiều rủi ro, vi phạm; Khách hàng vay vốn sử dụng vốn sai mục đích cam kết nhưng thiếu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên; Áp dụng lãi suất thông qua thỏa thuận với khách hàng rút tiền gửi sổ tiết kiệm bậc thang trước hạn nhưng vẫn được hưởng mức lãi suất có kỳ hạn tính từ thời điểm khách hàng gửi tiền đến khi rút tiền ra, thông qua các công ty trung gian để chi lãi suất ngoài/môi giới/chăm sóc khách hàng trái quy định…

Đồng thời, các tổ chức tín dụng cũng phải có biện pháp nhằm hạn chế, ngăn ngừa việc lãnh đạo và cán bộ, nhân viên thông đồng, cấu kết với nhau, lợi dụng chức vụ quyền hạn, sự quen biết và sơ hở của khách hàng để thực hiện hành vi gian lận, chiếm đoạt tài sản của khách hàng…

Tài nguyên-Môi trường:

  1. XÂY DỰNG DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ QUAN TRẮC TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG

Đề án Xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc tài nguyên và môi trường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1618/QĐ-TTg ngày 24/10/2017.

Đề án này được thực hiện trên phạm vi toàn bộ các số liệu quan trắc về tài nguyên và môi trường của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động quan trắc về tài nguyên và môi trường, bao gồm: Số liệu từ các trạm quan trắc cố định; Số liệu từ các hoạt động quan trắc định kỳ; Số liệu quan trắc ngoài lãnh thổ Việt Nam; Số liệu quan trắc từ các hoạt động không thường xuyên.

Đề án được thực hiện trong 06 năm, từ năm 2017 đến năm 2022 và chia thành 02 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2017 - 2020) tiến hành thiết lập các hệ thống tích hợp, phân tích, xử lý chuyên ngành phục vụ sử dụng dữ liệu quan trắc; ưu tiên quan trắc lĩnh vực môi trường, biển và hải đảo; Giai đoạn 2 (2020 - 2022) hoàn thành kết nối tới tất cả các trung tâm dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và các trạm quan trắc ngành tài nguyên và môi trường; Hoàn thiện cơ sở dữ liệu kết hợp xử lý, phân tích dữ liệu quan trắc…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Y tế-Sức khỏe:

  1. MỤC TIÊU ĐẾN 2025, NGƯỜI VIỆT CÓ TUỔI THỌ TRUNG BÌNH 74,5 TUỔI

Nhằm bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ, ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-TW về việc tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 tuổi thọ trung bình của người Việt Nam khoảng 74,5 tuổi; Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số; Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 167cm, nữ 156cm; Đạt 30 giường bệnh viện, 10 bác sĩ, 25 điều dưỡng viên trên 10.000 dân với tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%.

Để thực hiện mục tiêu trên, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu tập trung đẩy nhanh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin từ quản lý bệnh viện, giám định bảo hiểm y tế, bệnh án điện tử tới chẩn đoán, xét nghiệm, khám, chữa bệnh từ xa; Tăng cường đấu thầu tập trung, giảm giá thuốc, thiết bị, hoá chất, vật tư y tế và kiểm soát chặt chẽ thực phẩm chức năng và hàng hoá có nguy cơ gây hại cho sức khoẻ...

Đồng thời, đổi mới hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế. Về cơ bản, các bộ (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), các cơ quan ngang bộ không chủ quản các bệnh viện; Bộ Y tế chỉ chủ quản một số rất ít bệnh viện đầu ngành.

  1. BỮA ĂN CỦA THUYỀN VIÊN PHẢI PHÙ HỢP VĂN HÓA, TÍN NGƯỠNG

Tại Thông tư số 40/2017/TT-BYT ngày 23/10/2017, Bộ Y tế đã có những quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn đối với thực phẩm, nước ăn uống và định lượng bữa ăn của thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam.

Theo đó, bữa ăn của  thuyền viên phải bảo đảm cân đối đủ các thành phần dinh dưỡng và các vitamin, khoáng chất; Số lượng bữa ăn, định lượng thực phẩm mỗi bữa ăn và khoảng cách giữa các bữa ăn trong ngày phù hợp với điều kiện làm việc trên tàu biển, tối thiểu phải có 03 bữa/ngày (01 bữa phụ và 02 bữa chính) trong điều kiện bình thường; Thực đơn cần thay đổi món ăn giữa các bữa trong ngày. Đặc biệt, phải lựa chọn thực phẩm và cách chế biến thức ăn phù hợp với tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa của thuyền viên.

Thực phẩm tươi sống dùng để chế biến phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; không sử dụng sản phẩm dập nát, hư hỏng; Thực phẩm đã qua chế biến phải còn hạn sử dụng, bao gói không bị thủng, rách, sản phẩm không bị dập nát, ẩm mốc; Thực phẩm chín, thức ăn ngay phải được che đậy hợp vệ sinh…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 06/12/2017.

  1. QUY ĐỊNH VỀ GÓI DỊCH VỤ Y TẾ CƠ BẢN CHO TUYẾN CƠ SỞ

Ngày 18/10/2017, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 39/2017/TT-BYT quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở, gồm: Gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả và Gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe.

Cụ thể, Gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả áp dụng đối với trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám bác sĩ gia đình độc lập, trạm y tế quân dân y và phòng khám quân dân y. Gói này gồm 76 dịch vụ kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có: Khám bệnh; Tiêm; Băng bó vết thương; Thở oxy… và 241 loại thuốc, trong đó có: Thuốc thuộc nhóm thuốc gây mê, tê và oxy dược dụng; Thuốc giảm đau, chăm sóc giảm nhẹ, thuốc điều trị gút…

Gói dịch vụ y tế cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao áp dụng tại trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các trạm y tế xã, phường, thị trấn để chăm sóc sức khỏe, dự phòng và nâng cao sức khỏe. Gói này gồm 17 nhóm dịch vụ chủ yếu, trong đó có: Các dịch vụ về tiêm chủng; Các dịch vụ khám, quản lý sức khỏe cá nhân; Các dịch vụ y tế học đường…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.

  1. 10 BỆNH TRUYỀN NHIỄM BẮT BUỘC PHẢI TIÊM VẮC-XIN

Danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đã được Bộ Y tế ban hành kèm theo Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017.

Danh mục này quy định 10 bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải tiêm vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, bao gồm: Bệnh viêm gan vi rút B; Bệnh lao; Bệnh bạch hầu; Bệnh ho gà; Bệnh uốn ván; Bệnh bại liệt; Bệnh do Haemophilus influenzae tuýp b; Bệnh sởi; Bệnh viêm não Nhật Bản B; Bệnh rubella. So với quy định trước đây, Danh mục này đã loại bỏ 02 bệnh, gồm bệnh thương hàn và bệnh tả; bổ sung bệnh Rubella.

Mỗi loại bệnh nêu trên tương ứng với mỗi loại vắc-xin, đối tượng sử dụng và lịch tiêm/uống nhất định. Nếu chưa tiêm chủng đúng lịch thì tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó, nhưng phải bảo đảm phù hợp với đối tượng và hướng dẫn của Chương trình tiêm chủng mở rộng. 

Ngoài ra, Thông tư này cũng ban hành Danh mục 08 bệnh truyền nhiễm mà người có nguy cơ mắc bệnh tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc-xin, gồm: Bệnh bạch hầu; Bệnh bại liệt; Bệnh ho gà; Bệnh rubella; Bệnh sởi; Bệnh tả; Bệnh viêm não Nhật Bản B; Bệnh dại.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018; thay thế Thông tư số 26/2011/TT-BYT ngày 24/06/2011.

Thông tin-Truyền thông:

  1. CHỨC NĂNG, CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 118/2017/NĐ-CP ngày 26/10/2017, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam, thay thế Nghị định số 88/2013/NĐ-CP ngày 01/08/2013.

Theo Nghị định mới này, Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông và thực hiện chức năng thông tấn Nhà nước trong việc đăng, phát thông tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; Cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; Thu thập, phổ biến thông tin bằng các loại hình báo chí và truyền thông đa phương tiện phục vụ các cơ quan thông tin đại chúng, công chúng và các đối tượng khác trong và ngoài nước. 

Với chức năng nêu trên, Thông tấn xã Việt Nam có các nhiệm vụ chủ yếu như: Công bố những quan điểm chính thống của Nhà nước về các vấn đề thời sự; cải chính những thông tin sai lệch; Khi cần thiết ra tuyên bố bác bỏ những thông tin có dụng ý xuyên tạc; Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan báo chí đối ngoại chủ lực quốc gia; Thông tin, tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bằng tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số…

Thông tấn xã Việt Nam có 30 đơn vị trực thuộc; trong đó có 05 đơn vị là tổ chức giúp việc Tổng giám đốc; 20 đơn vị thông tin và 05 đơn vị phục vụ thông tin. Thông tấn xã Việt Nam được lãnh đạo bởi Tổng Giám đốc và không quá 04 Phó Tổng Giám đốc; Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc đều do Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký.

An ninh trật tự:

  1. TĂNG CƯỜNG XỬ LÝ HÀNH VI CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ

Ngày 24/10/2017, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 39/CT-TTg về tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ.

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu kịp thời phát hiện, giải quyết triệt để những vụ việc khiếu kiện đông người, kéo dài, những nguyên nhân, điều kiện có thể phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc thông báo về địa phương nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người có hành vi chống người thi hành công vụ học tập, làm việc để có biện pháp phòng ngừa, quản lý, giáo dục.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an có hướng dẫn cụ thể cho phép người thi hành công vụ trong trường hợp nào thì được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ để trấn áp, khống chế, vô hiệu hóa người có hành vi chống lại người thi hành công vụ hoặc trong trường hợp phòng vệ chính đáng.

Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xét xử lưu động một số vụ án điểm về chống người thi hành công vụ, nhất là các vụ án có đối tượng coi thường pháp luật, làm người thi hành công vụ hy sinh hoặc gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.

Cơ cấu tổ chức:

  1. THỰC HIỆN MÔ HÌNH BÍ THƯ CẤP ỦY KIÊM CHỦ TỊCH HĐND

Ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nghị quyết chỉ rõ, đối với hệ thống tổ chức của Đảng, thí điểm việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của Đảng và Nhà nước, cơ quan của Đảng và Mặt trận Tổ quốc có chức năng, nhiệm vụ tương đồng ở cấp tỉnh, cấp huyện những nơi có đủ điều kiện. Cơ bản thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân các cấp; thực hiện bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cấp huyện, xã ở những nơi có đủ điều kiện.

Đối với hệ thống tổ chức của Nhà nước ở Trung ương, thực hiện tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách; giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp. Giảm cơ bản số lượng tổng cục, cục, vụ, phòng tại các cơ quan thuộc Chính phủ; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ; giảm tối đa các ban quản lý dự án… Đối với một số lĩnh vực được tổ chức theo ngành dọc, như: Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội… tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức theo khu vực liên tỉnh hoặc liên huyện để thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế.

Đối với hệ thống chính quyền địa phương, giảm số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện; Nghiên cứu thực hiện hợp nhất văn phòng Hội đồng nhân dân, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và văn phòng UBND cấp tỉnh thành một văn phòng tham mưu giúp việc chung.

  1. ĐẾN 2021, GIẢM TỐI THIỂU 10% BIÊN CHẾ ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

Đây là yêu cầu được Ban Chấp hành Trung ương đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, về việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, trong giai đoạn đến năm 2021, sẽ giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015. Cơ bản chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, thực hiện sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cơ sở giáo dục - đào tạo hoạt động không hiệu quả, không nhất thiết mỗi tỉnh phải có một trường đại học. Trong lĩnh vực y tế, thực hiện thống nhất mô hình mỗi cấp huyện chỉ có một trung tâm y tế đa chức năng (trừ các huyện có bệnh viện đạt hạng II trở lên)…

Bên cạnh đó, tổ chức phân loại viên chức theo vị trí việc làm và sắp xếp, bố trí lại cơ cấu viên chức theo hướng vị trí chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỉ lệ ít nhất 65%. Chấm dứt việc tự phê duyệt và giao biên chế sự nghiệp vượt quá số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc thẩm định.

Nông nghiệp-Lâm nghiệp:

  1. ĐƠN GIẢN HÓA NHIỀU THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Ngày 23/10/2017, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 111/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư theo Đề án 896 thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tại Nghị quyết này, Chính phủ đưa ra phương án bãi bỏ 02 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thủy sản, gồm: Thủ tục cấp mới và thủ tục cấp lại chứng chỉ hành nghề sản xuất, khảo nghiệm, thử nghiệm, kinh doanh sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, sẽ điều chỉnh một loạt các thủ tục như: Đăng ký thuyền viên; Cấp Giấy chứng nhận đăng kí tàu cá đóng mới; Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập, xuất kho ngoại quan; Đăng ký kiểm dịch thực vật nhập khẩu/xuất khẩu/quá cảnh; Cấp phép vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật… theo hướng bỏ nội dung về chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp, địa chỉ thường trú và thay bằng số định danh cá nhân trong các mẫu đơn liên quan.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký.

Ngoại giao:

  1. KHÔNG TRANG TRÍ BĂNG RÔN KHI ĐÓN KHÁCH NƯỚC NGOÀI THĂM ĐỊA PHƯƠNG

Đây là một trong những nội dung của Thông tư số 05/2017/TT-BNG về nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài thăm địa phương do Bộ Ngoại giao ban hành.

Cụ thể, Thông tư này quy định không trang trí băng rôn, pano, khẩu hiệu chào mừng khách nước ngoài thăm địa phương. Nếu trong chương trình đón tiếp có lễ ký kết thỏa thuận giữa hai bên, tại phòng ký kết có thể trang trí phông.

Đối với khách nước ngoài tham dự sự kiện tại địa phương, việc trang trí băng rôn, pano, khẩu hiệu chào mừng phải phù hợp với thông lệ lễ tân tổ chức của sự kiện, theo đề án và kế hoạch được phê duyệt với số lượng hợp lý, hình thức phù hợp và tại những địa điểm cần thiết. Cách bài trí băng rôn, pano và sử dụng tiếng nước ngoài phù hợp với quy định của Việt Nam và thông lệ tổ chức sự kiện đó.

Về tặng phẩm đối với khách nước ngoài thăm địa phương, Thông tư quy định chỉ tặng cho Trưởng đoàn khách và Phu nhân/Phu quân (nếu có). Trường hợp đặc biệt, có thể tặng các thành viên đoàn. Tặng phẩm là sản phẩm đặc trưng của địa phương hoặc Việt Nam, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc; Mức độ tặng phẩm thực hiện theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính; Cách thức trao tặng phẩm cho khách thực hiện trên cơ sở trao đổi thống nhất với đoàn.

Thông tư này được ban hành ngày 17/10/2017; có hiệu lực từ ngày 01/12/2017.


 

Đang truy cập: 47
Trong ngày: 101
Trong tuần: 822
Lượt truy cập: 1579563
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com