Doanh nghiệp:

  1. XỬ LÝ VƯỚNG MẮC TRONG CỔ PHẦN HÓA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 22/11/2017, Chính phủ đã ban hành quy định về việc xử lý vướng mắc trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Nghị quyết nêu rõ, để hoàn thành tiến độ cổ phần hóa theo đúng kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2017, trong thời gian Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp Nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần chưa có hiệu lực thi hành, Chính phủ cho phép các doanh nghiệp đang tiến hành cổ phần hóa theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP được thực hiện như sau: Các doanh nghiệp đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp nhưng chưa phê duyệt phương án cổ phần hóa trước ngày 01/01/2018 và các doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa trong năm 2017 nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất theo quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, thì được tiếp tục thực hiện cổ phần hóa theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP nhưng phải hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất trước thời điểm công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. BÁN CỔ PHẦN ƯU ĐÃI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG BẰNG 60% MỆNH GIÁ

Đây là nội dung đáng chú ý được Chính phủ nêu tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp Nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.

Theo đó, khi doanh nghiệp cổ phần hóa, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp sẽ được mua cổ phần với giá ưu đãi. Cụ thể, người lao động được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc với giá bán bằng 60% giá trị 01 cổ phần tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, người lao động phải nắm giữ số cổ phần bán với giá ưu đãi này và không được chuyển nhượng trong vòng 03 năm kể từ thời điểm nộp tiền mua cổ phần.

Riêng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và người quản lý của doanh nghiệp cổ phần hóa tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, thuộc đối tượng doanh nghiệp cần sửdụng và có cam kết làm việc lâu dài trong ít nhất 03 năm thì được mua thêm 200 cổ phần cho mỗi năm cam kết làm việc tiếp nhưng sở hữu tối đa không quá 2000 cổ phần. Trường hợp người lao động là các chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn cao được mua thêm 500 cổ phần cho mỗi năm cam kết làm việc tiếp nhưng tối đa không quá 5000 cổ phần.

Người lao động có nhu cầu mua thêm cổ phần ngoài số cổ phần được mua với giá ưu đãi nêu trên thì thực hiện đăng ký mua đấu giá công khai theo quy định như những nhà đầu tư khác.

Nghị định này được ban hành ngày 16/11/2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. ÁP THUẾ SUẤT THÔNG THƯỜNG VỚI NHIỀU MẶT HÀNG NHẬP KHẨU

Ngày 16/11/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 45/2017/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 36/2016/QĐ-TTg quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu.

Theo Quyết định này, một loạt mặt hàng nhập khẩu được áp dụng thuế suất thông thường với mức 05%, như: Chế phẩm dùng trong chăn nuôi động vật; Quặng sắt; Kim cương công nghiệp và phi công nghiệp; Máy điều hòa không khí; Tủ lạnh; Máy in, máy copy và máy fax; Máy hút bụi; Máy ảnh; Máy quay phim…

Đối với hàng hóa không được áp dụng mức thuế suất nhập khẩu thông thường và không thuộc trường hợp được áp dụng thuế suất ưu đãi hoặc thuế suất ưu đãi đặc biệt thì áp dụng mức thuế suất thông thường bằng 150% mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của từng mặt hàng tương ứng quy định tại Phụ lục II Nghị định số 125/2017/NĐ-CP.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018

  1. ÁP THUẾ 0% VỚI LINH KIỆN Ô TÔ NHẬP KHẨU

Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đã được Chính phủ đã ban hành ngày 16/11/2017.

Một trong những nội dung mới của Nghị định này là quy định về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế. Theo đó, linh kiện ô tô nhập khẩu sẽ được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%.

Để được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%, doanh nghiệp phải cam kết sản xuất, lắp ráp xe ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải từ mức 4 và đạt đủ sản lượng theo quy định; Linh kiện nhập khẩu phải thuộc loại trong nước chưa sản xuất được…

Trường hợp doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên và có số tiền thuế đã nộp đối với số linh kiện ô tô đã nhập khẩu lớn hơn số tiền thuế phải nộp thì cơ quan hải quan thực hiện xử lý tiền thuế nộp thừa cho doanh nghiệp theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Giao thông:

  1. QUY ĐỊNH MỚI TRONG KIỂM SOÁT AN NINH HÀNG KHÔNG

Ngày 17/11/2017, tại Thông tư số 45/2017/TT-BGTVT, Bộ Giao thông Vận tải đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2016/TT-BGTVT ngày 01/02/2016 quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam.

Theo quy định mới, hàng hóa, bưu gửi trung chuyển phải được soi chiếu, giám sát an ninh hàng không như hàng hóa, bưu gửi xuất phát, trừ trường hợp hàng hóa, bưu gửi trung chuyển chưa ra khỏi khu vực hạn chế cảng hàng không, sân bay hoặc có sự hộ tống, giám sát liên tục của nhân viên kiểm soát an ninh hàng không. Dữ liệu hình ảnh từ máy soi tia X, camera giám sát an ninh phải được lưu giữ tối thiểu 45 ngày, trước đây là tối thiểu 90 ngày.

Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam có thẩm quyền cấp thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay có giá trị sử dụng dài hạn tại các cảng hàng không, sân bay trên cả nước cho cán bộ, nhân viên của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị, xã hội và các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc các đối tượng có nhiệm vụ tại nhiều cảng hàng không. Trước đây Cục được cấp 02 loại thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay là loại dùng tại một cảng hàng không, sân bay và loại dùng tại nhiều cảng hàng không, sân bay.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/01/2018.

  1. Ô TÔ CHỞ KHÁCH DU LỊCH PHẢI CÓ TÚI THUỐC DỰ PHÒNG

Tại Thông tư số 42/2017/TT-BGTVT ngày 15/11/2017, Bộ Giao thông Vận tải đã có những quy định rất cụ thể về điều kiện của người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ, trang thiết bị, chất lượng dịch vụ trên phương tiện vận tải khách du lịch.

Trong đó, xe ô tô vận chuyển khách du lịch ngoài việc bảo đảm các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, còn phải được gắn thiết bị giám sát hành trình và niêm yết đầy đủ các thông tin theo quy định; bên cạnh giường nằm phải có bảng hướng dẫn cho hành khách về an toàn giao thông và thoát hiểm khi xảy ra sự cố. 

Đối với xe ô tô dưới 09 chỗ, phải có các trang thiết bị như: Điều hòa nhiệt độ; thùng chứa đồ uống; dụng cụ y tế sơ cấp cứu; túi thuốc dự phòng; dụng cụ thoát hiểm, tên và số điện thoại của chủ phương tiện tại vị trí phía sau ghế của lái xe. Đối với ô tô từ 09 chỗ đến dưới 24 chỗ, ngoài các trang thiết bị nêu trên, còn phải có rèm cửa chống nắng; bảng hướng dẫn an toàn; thùng đựng rác. Đối với xe ô tô từ 24 chỗ trở lên, phải có thêm micro; nơi cất giữ hành lý cho khách du lịch và có vị trí dành cho người cao tuổi, người khuyết tật.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Thông tin-Truyền thông:

  1. TỪ 8/1/2018, CHO PHÉP CHUYỂN MẠNG DI ĐỘNG, GIỮ NGUYÊN SỐ

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có quy định chính thức về việc chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số tại Thông tư số 35/2017/TT-BTTTT.

Theo Thông tư này, dịch vụ chuyển mạng được cung cấp trên cơ sở hợp đồng thương mại giữa các nhà mạng và thuê bao di động. Dịch vụ này không bao gồm việc tiếp tục duy trì cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng và dịch vụ ứng dụng viễn thông mà thuê bao đăng ký chuyển mạng đang sử dụng tại nhà mạng cũ. Nhà mạng này phải đảm bảo không phát sinh cước của bất kỳ dịch vụ giá trị gia tăng và dịch vụ ứng dụng viễn thông nào kể từ thời điểm cắt dịch vụ của thuê bao đăng ký chuyển mạng. 

Nhà mạng mà thuê bao chuyển đi chỉ được từ chối chuyển mạng thuộc một trong các trường hợp như: Thông tin thuê bao đăng ký chuyển mạng tại nhà mạng chuyển đến không chính xác so với thông tin của thuê bao đó tại nhà mạng chuyển đi; Đang có khiếu nại, tranh chấp về việc sử dụng dịch vụ đối với nhà mạng chuyển đi; Vi phạm hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông hoặc điều kiện giao dịch chung với nhà mạng chuyển đi…

Thông tư cũng chỉ rõ, kể từ thời điểm đăng ký chuyển mạng đến trước thời điểm nhận được thông báo lịch chuyển mạng, thuê bao có thể hủy chuyển mạng bằng cách yêu cầu với nhà mạng chuyển đến hoặc nhắn tin trực tiếp đến số 1441. Nhà mạng chuyển đi, nhà mạng chuyển đến chỉ được dừng thực hiện quá trình chuyển mạng khi nhận được yêu cầu hủy chuyển mạng. 

Thông tư này được ban hành ngày 23/11/2017; có hiệu lực từ ngày 08/01/2018.

Văn hóa-Thể thao-Du lịch:

  1. ĐẦU TƯ HƠN 30.000 TỶ ĐỒNG PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG DU LỊCH

Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1861/QĐ-TTg ngày 23/11/2017.

Với tổng kinh phí khoảng 30.664 tỷ đồng, Chương trình này hướng tới mục tiêu đến năm 2020, đảm bảo cơ bản đồng bộ về kết cấu hạ tầng cho 03 - 05 khu du lịch quốc gia, góp phần tạo thuận lợi cho du khách cũng như thu hút đầu tư trong và ngoài nước; Hỗ trợ đầu tư giao thông, tạo thuận lợi để tiếp cận một số hạ tầng cơ bản và hạ tầng du lịch của 30 khu, điểm du lịch quốc gia.

Đối tượng được hỗ trợ là các đường từ trục chính đến khu du lịch, điểm du lịch, địa bàn trọng điểm phát triển du lịch vùng; Đường trục chính, hệ thống xử lý chất thải trong khu, điểm du lịch; Các dự án xây dựng xử lý chất thải, bảo vệ môi trường các khu, điểm du lịch quốc gia; Kè hoặc nạo vét lòng hồ để bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch tại các khu, điểm du lịch, địa bàn trọng điểm phát triển du lịch vùng.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Chính sách:

  1. THÍ ĐIỂM CẤP RADIO CHO VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ

Ngày 23/11/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Thí điểm cấp radio cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới tại Quyết định số 1860/QĐ-TTg.

Đề án này được thí điểm triển khai tại 10 tỉnh, gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Quảng Nam, Kon Tum, Đắk Nông, Ninh Thuận, Trà Vinh và Kiên Giang. 

Radio sẽ được cấp phát cho các đối tượng: Già làng, trưởng thôn, bản, người có uy tín; các chức sắc tôn giáo ở các thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực III; Bí thư chi bộ, chi hội trưởng chi hội phụ nữ, Bí thư chi đoàn thanh niên, chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh, chi hội trưởng chi hội nông dân; trưởng ban công tác mặt trận; cán bộ tư pháp, cán bộ văn hóa thông tin ở các thôn đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực III, xã biên giới; Đồn, trạm, đội công tác biên phòng và các đồng chí bộ đội biên phòng tăng cường xuống xã biên giới.

Mỗi đối tượng nêu trên sẽ được cấp 01 chiếc radio. Radio được cấp đảm bảo thu được sóng AM, FM và SW (sóng ngắn) của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh - truyền hình địa phương, dễ sử dụng, dùng được pin sạc và nguồn điện.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Hành chính:

  1. ĐƠN GIẢN HÓA 52 THỦ TỤC HÀNH CHÍNH DO BỘ QUỐC PHÒNG QUẢN LÝ

Tại Nghị quyết số 122/NQ-CP ngày 23/11/2017, Chính phủ đã thông qua Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Quốc phòng. 

Cụ thể, bỏ yêu cầu khai thông tin giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nguyên quán; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và bổ sung thông tin về số định danh cá nhân tại các đơn đề nghị, tờ khai, bản khai… thuộc 52 thủ tục hành chính do Bộ Quốc phòng quản lý. Trong đó có 45 thủ tục thuộc lĩnh vực chính sách, 05 thủ tục lĩnh vực khám chữa bệnh và 02 thủ tục lĩnh vực khen thưởng.

Các thủ tục được sửa đổi tiêu biểu như: Thủ tục xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; Thủ tục giải quyết chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất đối với gia đình hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ; Thủ tục giải quyết chế độ miễn học phí đối với con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ khi học ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập; Thủ tục xác nhận liệt sĩ đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu hy sinh…

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký.

Hình sự:

  1. QUY ĐỊNH VỀ BÁO CÁO ĐIỀU TRA HÌNH SỰ

Ngày 16/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 128/2017/NĐ-CP quy định chế độ báo cáo về điều tra hình sự, bao gồm: Báo cáo định kỳ; Báo cáo về vụ, việc và Báo cáo chuyên đề. 

Trong đó, báo cáo định kỳ là tổng hợp, phân tích đánh giá và dự báo tình hình hoạt động của các loại tội phạm; Kết quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; Kết quả công tác bắt, giam giữ, tiếp nhận, xử lý tội phạm; Phương hướng công tác trọng tâm tiếp theo. Báo cáo định kỳ gồm báo cáo 03 tháng, 09 tháng và báo cáo năm.

Báo cáo về vụ, việc được hiểu là báo cáo về các vụ, việc có dấu hiệu làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm; vụ, việc có khiếu kiện kéo dài nhiều năm; vụ, việc có tính chất nhạy cảm, phức tạp theo yêu cầu của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng…

Báo cáo chuyên đề là báo cáo sơ kết, tổng kết hoặc tổng hợp, đánh giá và dự báo tình hình hoạt động của các loại tội phạm; kết quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; công tác bắt, giam giữ, điều tra xử lý tội phạm theo từng lĩnh vực.

Tất cả các báo cáo nêu trên đều phải được phân loại, xác định và đóng dấu độ mật theo quy định và chỉ được gửi đến nơi nhận đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Nông nghiệp-Lâm nghiệp:

  1. THỨC ĂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN MỚI PHẢI ĐƯỢC KHẢO NGHIỆM

Đây là quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 20/2017/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện Nghị định 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

Theo đó, thức ăn chăn nuôi, thủy sản mới phải được khảo nghiệm theo quy trình phù hợp với từng đối tượng vật nuôi. Trường hợp chưa có quy trình khảo nghiệm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành thì khảo nghiệm theo quy trình do cơ sở khảo nghiệm tự xây dựng và được Hội đồng thẩm định đề cương khảo nghiệm chấp nhận.

Thuốc thú y sử dụng trộn vào thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm phải có tên trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc được cơ quan có thẩm quyền cho phép để phòng bệnh, trị bệnh cho gia súc, gia cầm. Thuốc thú y trộn vào thức ăn chăn nuôi trong quá trình chế biến phải đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả của thuốc trong thời hạn sử dụng của từng loại thức ăn chăn nuôi.

Tổ chức, cá nhân sử dụng thuốc thú y có thành phần kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích phòng bệnh cho gia súc, gia cầm non và trị bệnh cho gia súc gia cầm không phải công bố tên, hàm lượng của kháng sinh trong tiêu chuẩn công bố áp dụng và mẫu nhãn sản phẩm khi đăng ký sản phẩm thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam, nhưng phải công bố tên, hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngừng sử dụng trên nhãn hàng hóa hoặc nhãn phụ, bao bì hoặc tài liệu kèm theo khi lưu hành trên thị trường.

Thông tư này được ban hành ngày 10/11/2017, có hiệu lực từ ngày 25/12/2017.


 

Đang truy cập: 30
Trong ngày: 139
Trong tuần: 847
Lượt truy cập: 1579607
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com