Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên phổ thông công lập
Từ 15/1/2018, quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập được thực hiện theo Thông tư 29/2017/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo mới ban hành.

Quy chế này áp dụng đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục (gọi chung là giáo viên) đang làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trường chuyên biệt công lập hoặc đang giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên trong các trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh/cấp huyện… và đã được xếp hạng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Thông tư nêu rõ, thông báo xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xét thăng hạng phải được đăng tải ít nhất 1 lần trên một trong các phương tiện thông tin đại chúng (báo viết, báo nói, báo hình) nơi đặt trụ sở làm việc chính của cơ quan, đơn vị; đăng trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xét (nếu có) và niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên và tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trước 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ xét thăng hạng.

Nội dung thông báo xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên bao gồm: Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng; số lượng giáo viên được xét theo từng cấp học và hạng chức danh nghề nghiệp; hồ sơ đăng ký dự xét, thời hạn và địa điểm nộp hồ sơ; hình thức và nội dung xét thăng hạng…

Về tổ chức xét hồ sơ, Thông tư quy định: Các thành viên trong Hội đồng tổ chức xét và chấm điểm chung đối với từng hồ sơ và ghi điểm vào phiếu chấm điểm của mỗi hồ sơ trong đó có cả điểm cộng thêm, từng thành viên ký tên dưới tờ phiếu chấm.

Về tổ chức sát hạch: Đối với hình thức làm bài khảo sát, Thông tư nêu rõ việc tổ chức làm bài khảo sát phải bảo đảm bố trí tối thiểu 2 thành viên Ban coi sát hạch làm nhiệm vụ giám sát trong một phòng và mỗi phòng bố trí tối đa không quá 25 người.

Đối với hình thức phỏng vấn, Chủ tịch Hội đồng phân công nhiệm vụ phỏng vấn cho từng thành viên Hội đồng, tùy vào số lượng thành viên mà chia thành từng nhóm phỏng vấn; số lượng thành viên trong mỗi nhóm phỏng vấn phải có tối thiểu 2 người.

Thông tư cũng quy định về phúc khảo và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Theo đó, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày Hội đồng công bố công khai và gửi kết quả xét thăng hạng đến giáo viên, giáo viên có quyền gửi đơn đề nghị phúc khảo kết quả xét thăng hạng; chỉ xem xét, giải quyết việc phúc khảo đối với đơn đề nghị phúc khảo được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Hội đồng xét thăng hạng.

Chủ tịch Hội đồng xét thăng hạng có trách nhiệm tổ chức phúc khảo trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn đề nghị phúc khảo.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2018.


 

Đang truy cập: 10
Trong ngày: 244
Trong tuần: 1339
Lượt truy cập: 1593546
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com