1. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp

Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) giai đoạn 2017 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 05/01/2018.

Theo Đề án này, Vinachem sẽ thực hiện thoái toàn bộ vốn tại 15 doanh nghiệp, trong đó có: Công ty cổ phần (CTCP) Xà phòng Hà Nội; CTCP Pin Ắc quy Vĩnh Phú; CTCP Sơn tổng hợp Hà Nội; CTCP Pin Hà Nội; CTCP Cảng Đạm Ninh Bình; CTCP Công nghiệp Hóa chất Đà Nẵng; CTCP Thiết kế công nghiệp Hóa chất…

Dự kiến đến năm 2020, vốn điều lệ của Vinachem khoảng 20.000 tỷ đồng. Sau khi cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.

Ngành nghề kinh doanh chính của Vinachem được xác định bao gồm: Sản xuất và kinh doanh hóa chất cơ bản; công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón; sản xuất, kinh doanh phân bón chứa lân; sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, Vinachem sẽ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành hóa chất; công nghiệp cao su; sản xuất hóa chất tiêu dùng; sản xuất phân bón tổng hợp; hóa dược.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Tiếp tục vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con

Đây là nội dung của Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, ban hành kèm theo Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu tiếp tục cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con. Bộ Y tế có trách nhiệm xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với thực trạng của từng vùng, đối tượng theo hướng sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.

Tiếp tục vận động không lựa chọn giới tính khi sinh, chấm dứt tình trạng lạm dụng khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao.

Đồng thời, vận động thanh niên thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân; phụ nữ mang thai thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước khi sinh; trẻ sơ sinh thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức về tác hại, hệ lụy, thực hiện nghiêm các quy định về cấm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Sữa tươi nguyên liệu phải được bảo quản từ 2°C đến 6 °C

Ngày 29/12/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm sữa tươi nguyên liệu tại Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa tươi nguyên liệu có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Việt Nam.

Sữa tươi nguyên liệu được giải thích là sữa nguyên chất dạng lỏng thu được từ bò, trâu, dê, cừu, chưa bổ sung hoặc tách bớt bất cứ thành phần nào của sữa, chưa xử lý qua bất kỳ phương pháp nào, được dùng làm nguyên liệu để chế biến.

Theo Quy chuẩn này, sữa tươi nguyên liệu phải được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 °C đến 6 °C bằng các thiết bị, dụng cụ lạnh chuyên dùng cho thực phẩm, không gỉ, không thôi nhiễm vào sữa, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về cảm quan, sữa tươi nguyên liệu có màu sắc từ màu trắng ngà đến màu kem nhạt; mùi, vị đặc trưng của sữa tươi tự nhiên; có trạng thái là dịch thể đồng nhất, không có tạp chất lạ nhìn thấy bằng mắt thường.

Sữa tươi có hàm lượng chất khô từ 11,5% trở lên; hàm lượng chất béo từ 3,2% trở lên; hàm lượng protein sữa từ 2,7% trở lên; hàm lượng chì tối đa 0,02mg/kg.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

  1. DN logistics phải bồi thường cho khách hàng đến 500 triệu

Ngày 30/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics, thay thế cho Nghị định số 140/2007/NĐ-CP đã được ban hành và áp dụng từ 10 năm nay.

Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định này là quy định về trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp logistics với khách hàng. Cụ thể, trường hợp pháp luật liên quan có quy định về giới hạn trách nhiệm của doanh nghiệp logistics thì thực hiện theo quy định đó. Trường hợp pháp luật không quy định thì trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp logistics với khách hàng do hai bên thỏa thuận.

Trường hợp doanh nghiệp logistics và khách hàng không có thỏa thuận thì thực hiện như sau: Nếu khách hàng không có thông báo trước về trị giá hàng hóa thì doanh nghiệp logistics phải bồi thường tối đa 500 triệu đồng đối với mỗi yêu cầu bồi thường; Nếu khách hàng đã thông báo trước, mức bồi thường của doanh nghiệp logistics không vượt quá trị giá của hàng hóa đó.

Cũng theo Nghị định này, nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics theo hình thức vận tải hàng hóa đường bộ thì có thể hợp tác kinh doanh hoặc thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, nhưng tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 51%. Đặc biệt, 100% lái xe của doanh nghiệp này phải là công dân Việt Nam.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/02/2018.

  1. Chuyển mạng di động, giữ nguyên số chính thức triển khai trong 2018

Ngày 29/12/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 2447/QĐ-BTTTT sửa đổi Quyết định số 1178/QĐ-BTTTT về Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao tại Việt Nam.

Tại Quyết định này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ chính thức cung cấp dịch vụ chuyển mạng di động, giữ nguyên số thuê bao trong năm 2018.

Thứ Hai, 08/01/2018 - 14:45

  1. Chuyển mạng di động, giữ nguyên số chính thức triển khai trong 2018

Ngày 29/12/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 2447/QĐ-BTTTT sửa đổi Quyết định số 1178/QĐ-BTTTT về Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng di động giữ nguyên số thuê bao tại Việt Nam.

Tại Quyết định này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ chính thức cung cấp dịch vụ chuyển mạng di động, giữ nguyên số thuê bao trong năm 2018.

Theo quy định của Thông tư 35/2017/TT-BTTTT, hôm nay (08/01/2018), cho phép các nhà mạng bắt đầu triển khai dịch vụ chuyển mạng di động, giữ nguyên số thuê bao. Tuy nhiên, trên thực tế, các nhà mạng vẫn đang thử nghiệm kỹ thuật và chờ Bộ Thông tin và Truyền thông ra hướng dẫn cụ thể để có thể chính thức áp dụng dịch vụ này.

Đại diện Bộ Thông tin Truyền thông từng khẳng định, chuyển mạng di động, giữ nguyên số thuê bao là chính sách quan trọng để giúp các nhà mạng tăng cường chăm sóc khách hàng và chất lượng dịch vụ.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. VTV có thêm Trung tâm truyền hình tại TP. Nha Trang

Ngày 04/01/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).

Về cơ cấu tổ chức, VTV có 31 đơn vị; trong đó có 1 số đơn vị mới như: Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Nha Trang; Trung tâm Tin học và Công nghệ truyền hình (trước đây là Trung tâm Tin học và Đo lường). Như vậy, theo quy định mới, VTV có 05 Trung tâm Truyền hình tại 05 tỉnh, thành phố, gồm: TP. Hồ Chí Minh; TP. Huế; TP. Đà Nẵng; TP. Nha Trang và TP. Cần Thơ. Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Phú Yên đã không còn trong cơ cấu tổ chức của Đài Truyền hình Việt Nam như quy định trước đây.

VTV được quy định là cơ quan thuộc Chính phủ, là đài truyền hình quốc gia thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần giáo dục, nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân bằng các chương trình truyền hình và các loại báo chí, truyền thông đa phương tiện.

VTV được lãnh đạo bởi Tổng Giám đốc và không quá 04 Phó Tổng giám đốc. Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc do Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm. Tổng Giám đốc chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của VTV.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 04/01/2018.

  1. Đài Tiếng nói Việt Nam có cơ cấu tổ chức mới

Ngày 04/01/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV).

Theo quy định mới, VOV có 27 đơn vị trực thuộc; trong đó có 01 số đơn vị mới được bổ sung như: Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC; Ban Văn học - Nghệ thuật (VOV6); Cơ quan thường trú khu vực Đông Bắc; Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ Chương trình; Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Truyền thông...

Đài Tiếng nói Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, là đài phát thanh quốc gia thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần giáo dục, nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân bằng các chương trình phát thanh và các loại hình báo chí, truyền thông đa phương tiện.

Cũng như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam được lãnh đạo bởi Tổng Giám đốc và không quá 04 Phó Tổng Giám đốc. Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc đều do Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định của pháp luật.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 04/01/2018.

  1. Hà Nội truy xuất nguồn gốc nông sản bằng mã QR

Kế hoạch số 02/KH-UBND về việc duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm trên địa bàn Hà Nội đã được UBND. TP Hà Nội ban hành ngày 03/01/2018.

Theo Kế hoạch, năm 2018, Hà Nội sẽ thí điểm ứng dụng phần mềm sử dụng mã QR trong quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm trái cây tại các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn nội thành; thí điểm ứng dụng quy trình mã xác thực chống hàng giả.

Cũng trong năm nay, hỗ trợ thí điểm ứng dụng phần mềm sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc đối với một số sản phẩm nguy cơ cao về mất an toàn thực phẩm như: Rau, thịt, thủy sản.

Năm 2019, thực hiện mở rộng ứng dụng phần mềm sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông sản thực phẩm khác, tập trung tại các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, trang trại, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở chế biến quy mô lớn, siêu thị, chợ đầu mối…

Năm 2020, phấn đấu 100% chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn Thành phố ứng dụng phần mềm sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng. Tăng tỷ lệ truy xuất nguồn gốc ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, chợ bán lẻ đạt đến 50%.

  1. Từ 5/2018, người cho thuê nhà cả nước được khai thuế qua mạng

Theo Quyết định số 2715/QĐ-BTC được Bộ Tài chính ban hành ngày 29/12/2017, người cho thuê nhà được khai thuế qua mạng. Việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) điện tử đối với người cho thuê nhà, cho thuê tài sản khác sẽ được triển khai từ ngày 01/01/2018.

Cụ thể, từ tháng 01/2018, triển khai trên địa bàn 32 tỉnh, thành phố, trong đó có: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng…

Từ tháng 05/2018, tiếp tục triển khai mở rộng trên địa bàn 31 tỉnh, thành phố còn lại, trong đó có: Tuyên Quang, Hà Nam, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…

Cơ quan thuế, người cho thuê nhà có nhu cầu được khai thuế GTGT, thuế TNCN điện tử đối với hoạt động cho thuê thực hiện kê khai theo quy trình được ban hành kèm theo Quyết định số 2128/QĐ-BTC năm 2016.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Đã có Công văn hướng dẫn áp dụng Bộ luật Hình sự 2015

Công văn 04/TANDTC-PC về việc áp dụng Bộ luật Hình sự 2015 và Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội vừa được Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 09/01/2018 và đã được LuatVietnam cập nhật.

Theo hướng dẫn của Công văn này, tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018.

Các điều khoản của Bộ luật Hình sự 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt… và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018, nhưng sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử...

Các tội phạm mới được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì vẫn áp dụng quy định tương ứng của các văn bản quy phạm pháp luật về hình sự có hiệu lực trước đó để giải quyết.

Các tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “thu lợi bất chính lớn”… của Bộ luật Hình sự năm 1999 đã được áp dụng để khởi tố bị can trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 thì vẫn áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999 để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH14.

  1. Vàng được coi là một loại ngoại tệ

Nội dung này được thể hiện tại Thông tư số 22/2017/TT-NHNN ngày 29/12/017, sửa đổi, bổ sung Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 479/2004/QĐ-NHNN và Chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN.

Cụ thể, vàng là một loại ngoại tệ. Do đó, vàng tại tổ chức tín dụng được hạch toán tương tự như ngoại tệ, đơn vị “chỉ” vàng 99,99% và hạch toán nghiệp vụ mua bán vàng thông qua hai Tài khoản 4711 và 4712 để hạch toán tương tự như hạch toán mua bán ngoại tệ. Tỷ giá sử dụng để hạch toán các nghiệp vụ mua, bán ngoại tệ hoặc vàng là tỷ giá mua, bán thực tế tại thời điểm nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.

Bên cạnh đó, Thông tư này còn điều chỉnh tên của một số Hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng, như: Tài khoản 20 - “Cho vay các tổ chức tín dụng khác” thành “Cấp tín dụng cho các tổ chức tín dụng khác”; Tài khoản 275 - “Cho vay khác” thành “Cấp tín dụng khác”; Tài khoản 41 - “Các khoản nợ các tổ chức tín dụng khác” thành “Các khoản nợ các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng khác”…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/04/2018.

  1. Tăng vốn điều lệ của Tổng công ty Lương thực miền Bắc lên hơn 4.300 tỷ

Ngày 03/01/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2018/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VinaFood1).

Về hình thức pháp lý, VinaFood1 được quy định là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Vốn điều lệ của VinaFood1 hơn 4,359 tỷ đồng, trong khi trước đây, vốn điều lệ chỉ được ấn định ở mức 3,965 tỷ đồng.

Ngành, nghề kinh doanh chính của VinaFood1 là thu mua, bảo quản, sản xuất chế biến, bán buôn, bán lẻ, dự trữ, lưu thông lương thực thực phẩm, nông sản; Xuất, nhập khẩu lương thực, nông sản, vật tư, phân bón; Sản xuất, kinh doanh và xuất, nhập khẩu các loại nguyên liệu, thành phẩm thức ăn chăn nuôi gia súc. Bên cạnh đó, VinaFood1 còn sản xuất, chế biến, thu mua, bán buôn, bán lẻ, xuất nhập khẩu muối, hóa chất làm muối.

Nhà nước là chủ sở hữu của VinaFood1; trong khi đó, người đại diện pháp luật của VinaFood1 là Tổng Giám đốc công ty. Tổng Giám đốc chịu sự quản lý Nhà nước của cơ quan Nhà nước các cấp theo quy định.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 03/01/2018.

  1. Đầu tư tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng được hưởng nhiều ưu đãi

Nghị định số 04/2018/NĐ-CP quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã được Chính phủ ban hành ngày 04/01/2018, có hiệu lực từ ngày 20/02/2018.

Nghị định này có thấy, các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng đầu tư và các ưu đãi khác…

Cụ thể, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới trong Khu công nghệ này sẽ được áp thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm. Riêng các dự án có quy mô từ 3.000 tỷ đồng trở lên được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 30 năm. Không chỉ thế, các doanh nghiệp này còn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo.

Về đất đai, miễn toàn bộ tiền thuê đất đối với: Đất xây dựng công trình giao thông và hạ tầng kỹ thuật, đất cây xanh, đất có mặt nước, công viên sử dụng công cộng; Đất xây dựng công trình sự nghiệp của các tổ chức sự nghiệp công lập; Đất xây dựng cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao; Đất thực hiện dự án nhà ở cho chuyên gia, người lao động thuê khi làm việc tại Khu công nghệ cao…

Cũng theo Nghị định này, nhà đầu tư, chuyên gia và người lao động là người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài làm việc trực tiếp tại Khu công nghệ cao và thành viên gia đình được xem xét cấp thị thực có giá trị xuất, nhập cảnh nhiều lần với thời hạn phù hợp với mục đích nhập cảnh.

  1. Đến 2020, Việt Nam có văn phòng đại diện báo chí ở 32 nước

Ngày 09/01/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1378/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đại diện của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài.

Quyết định này điều chỉnh mục tiêu phát triển mạng lưới văn phòng thường trú của các cơ quan báo chí Việt Nam ở nước ngoài. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2020, các cơ quan báo chí, thống tấn của Việt Nam có văn phòng thường trú ở tối đa 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong khi trước đây, Quyết định số 32/QĐ-TTg quy định mục tiêu này phải hoàn thành vào năm 2015.

Quyết định mới cũng nêu rõ, từ nay đến trước năm 2020, Việt Nam sẽ đặt thêm văn phòng thường trú của cơ quan báo chí ở 01 quốc gia khu vực Châu Á, 01 quốc  gia khu vực châu Âu; 01 quốc gia khu vực châu Mỹ, 01 quốc gia khu vực châu Đại Dương.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Giáo viên mầm non hợp đồng hưởng lương như biên chế

Chính sách mới đối với giáo viên mầm non là một trong những nội dung nổi bật tại Nghị định 06/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 05/01/2018.

Theo Nghị định này, giáo viên mầm non (bao gồm cả phó hiệu trưởng) dạy hợp đồng trong định mức giáo viên đã được phê duyệt ở các trường mầm non công lập nếu đủ tiêu chuẩn chức danh giáo viên mầm non hạng IV trở lên thì được ký hợp đồng lao động, xếp lương ở chức danh giáo viên mầm non hạng IV.

Giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, hiệu phó) đang dạy ở các trường mầm non dân lập, tư thục sẽ được hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ. Mức hỗ trợ như đối với giáo viên mầm non ở trường công lập.

Giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, hiệu phó) trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số thuộc vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn được thanh toán tiền mua tài liệu học tập (không tính tài liệu tham khảo) tiếng nói và chữ viết của người dân tộc thiểu số (nếu có) theo quy định. Tiền mua tài liệu học tập được chi trả theo hóa đơn tài chính thực mua và được trả không quá 03 năm.

Giáo viên mầm non trực tiếp dạy 02 buổi/dạy tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên ở các điểm lẻ hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số tại các điểm lẻ ở các trường mầm non công lập ở vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn được hỗ trợ thêm một khoản bằng 450.000 đồng/tháng; thời gian hưởng hỗ trợ là 09 tháng/năm. Tiền hỗ trợ được trả cùng với chi trả tiền lương của tháng và không dùng tính đóng hưởng BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/02/2018.

  1. Viettel đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội

Ngày 05/01/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2018/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Theo Điều lệ này, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội. Tập đoàn là nhóm công ty gồm công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp thành viên và công ty liên kết, không có tư cách pháp nhân, phối hợp vừa thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, vừa thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; gắn bó chặt chẽ, lâu dài với nhau về nhiệm vụ, lợi ích  kinh tế, công nghệ, thị trường và các dịch vụ kinh doanh khác.

Theo Điều lệ mới, trong giai đoạn từ năm 2015 đến hết năm 2020, vốn điều lệ của Viettel là 300.000 tỷ đồng (trong khi trước đây, vốn điều lệ của Viettel chỉ được quy định ở mức 100.000 tỷ đồng); tại thời điểm ban hành Điều lệ này, vốn điều lệ của Viettel là 121.520 tỷ đồng. Việc điều chỉnh vốn điều lệ của Viettel do Thủ tướng quyết định theo đề nghị của Bộ Quốc phòng.

Điều lệ mới cũng dành một mục riêng quy định về việc người lao động tham gia quản lý trong Viettel. Cụ thể, người lao động của Viettel được tham gia quản lý thông qua các hình thức và tổ chức như: Hội nghị Người lao động; Đối thoại tại nơi làm việc; Lấy ý kiến trực tiếp của người lao động; Tổ chức Công đoàn của Viettel…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 05/01/2018.

  1. Hạn mức rút tiền mặt ở nước ngoài: Tối đa 30 triệu/ngày!

Nhiều quy định mới về thẻ ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tại Thông tư số 26/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN năm 2016.

Trước tiên, Thông tư này bổ sung quy định về hạn mức rút tiền mặt ở nước ngoài. Cụ thể: Một thẻ ngân hàng được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng Việt Nam trong một ngày.

Thông tư cũng quy định, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước; trước đây, đối tượng này cần phải có tài sản riêng đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong việc sử dụng thẻ mới được sử dụng các loại thẻ này.

Người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được người đại diện theo pháp luật của người đó đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ trả trước; thay vì được sử dụng thẻ trả trước, thẻ ghi nợ không được thấu chi như trước đây

Thông tư này mở rộng phạm vi sử dụng của thẻ ngân hàng. Ngoài phạm vi sử dụng đã được quy định trước đây, Thông tư bổ sung thêm tính năng mới của thẻ ngân hàng như sau: Thẻ được sử dụng để thanh toán tiền mua các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm cả trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ ở nước ngoài.
Thông tư này có hiệu  lực từ ngày 03/03/2018.

  1. Bệnh viện phát thuốc hàng ngày, bệnh nhân phải ký nhận

Đây là một trong những nội dung được Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 50/2017/TT-BYT sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thanh toán chi phí khám, chữa bệnh.

Cụ thể, bệnh viện phải công khai thuốc dùng hàng ngày cho từng người bệnh điều trị nội trú bằng cách thông báo cho người bệnh trước khi dùng thuốc, đồng thời yêu cầu người bệnh hoặc người thân ký nhận vào Phiếu công khai dịch vụ khám, chữa bệnh nội trú hàng ngày.  Phiếu này được kẹp đầu giường bệnh hoặc cuối giường bệnh.

Thông này cũng điều chỉnh định nghĩa về gày điều trị nội trú. Theo đó, ngày điều trị nội trú là một ngày mà trong đó, người bệnh được làm bệnh án nội trú, được hưởng ít nhất một trong các chế độ: Theo dõi, chẩn đoán, điều trị hoặc chăm sóc.

Trước đó, tại Thông tư 28/2014/TT-BYT, ngày điều trị nội trú được định nghĩa là một ngày trong đó người bệnh được hưởng mọi chế độ điều trị nội trú, chăm sóc mà bệnh viện phải đảm bảo bao gồm: chẩn đoán, điều trị thuốc, chăm sóc, nghỉ ngơi....

Thông tư này được ban hành ngày 29/12/2017; có hiệu lực từ ngày  01/03/2018.

  1. Xét khen thưởng, Công đoàn phải ưu tiên cán bộ nữ

Quy chế Khen thưởng của tổ chức Công đoàn đã được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành ngày 28/12/2017, kèm theo Quyết định số 2106/QĐ-TLĐ.

Theo nguyên tắc xét khen thưởng nêu tại Quy chế này, khi có nhiều cán bộ, tập thể cùng đủ điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng và có thành tích ngang nhau thì tổ chức Công đoàn phải lựa chọn cá nhân nữ và tập thể có tỷ lệ nữ từ 70% trở lên để xét khen thưởng. Đối với nữ là cán bộ lãnh đạo, quản lý, thời gian giữ chức vụ để xét khen thưởng quá trình cống hiến được giảm 1/3 thời gian so với quy định chung.

Đặc biệt, không nhất thiết phải có hình thức khen thưởng mức thấp mới được khen thưởng mức cao. Chú trọng khen thưởng cho công đoàn cơ sở, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước, cá nhân là người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác và cá nhân có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong lao động, sản xuất, công tác.

Bên cạnh đó, khi xét khen thưởng người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải căn cứ vào thành tích tập thể do cá nhân đó lãnh đạo.

Các hình thức khen thưởng của tổ chức Công đoàn gồm có: Bằng khen của Tổng Liên đoàn; Bằng khen của Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; Bằng Lao động sáng tạo; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn”, “Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh”, “Giải thưởng Nguyễn Văn Linh”…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký

  1. Soạn thảo loạt văn bản hướng dẫn 6 luật mới

Ngày 11/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 50/QĐ-TTg ban hành Danh mục và phân công soạn thảo văn bản hướng dẫn 6 luật mới, đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 4.

Cụ thể, Thủ tướng phân công các Bộ, cơ quan liên quan chủ trì, phối hợp soạn thảo các văn bản hướng dẫn thi hành 06 luật sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2018 - 2019, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (hiệu lực 15/01/2018); Luật Quản lý nợ công (hiệu lực 01/07/2018); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (hiệu lực ngày 01/07/2018); Luật Quy hoạch; Luật Thủy sản và Luật Lâm nghiệp (đều có hiệu lực ngày 01/01/2019).

Trong đó, sẽ có 13 Nghị định quy định chi tiết các luật nêu trên sẽ được soạn thảo trong năm 2018, như: Nghị định về nghiệp vụ quản lý nợ công; Nghị định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch công cụ nợ của Chính phủ; Nghị định về quản lý cấp và bảo lãnh Chính phủ;  Nghị định về cho vay lại vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; Nghị định quy định chi tiết Luật Thủy sản 2017; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Thủ tướng chỉ thị việc triển khai Bộ luật Hình sự 2015

Ngày 01/01/2018, Bộ luật Hình sự 2015 đã chính thức có hiệu lực. Để triển khai kịp thời, đồng bộ, thống nhất và có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc triển khai thi hành Bộ luật này.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Công an khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết về các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự; Nghị định quy định việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, trình Chính phủ đúng tiến độ.

Các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương hoàn thành việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực quản lý được phân công có liên quan đến Bộ luật Hình sự năm 2015, đặc biệt là các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực và đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thi hành hiệu quả Bộ luật Hình sự 2015.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của nhân dân về Bộ luật Hình sự 2015, nhất là những nội dung mới để nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành; phối hợp giám sát hoạt động của người thi hành công vụ.

  1. Thành lập Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, Cao Bằng

Ngày 11/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 57/QĐ-TTg thành lập Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Theo đó, Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén có tổng diện tích tự nhiên 10.593,5ha thuộc địa bàn 05 xã, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, gồm: xã Thành Công, Quang Thành, Phan Thành, Hưng Đạo và thị trấn Tĩnh Túc.

Việc thành lập Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén nhằm đạt được mục tiêu: Bảo tồn các hệ sinh thái đặc trưng, đa dạng sinh học, trong đó, đặc biệt là bảo tồn 90 loại thực vật và 58 loại động vật quý, hiếm; Bảo tồn các giá trị văn hóa, danh lam thắng cảnh, môi trường sinh thái thông qua các chương trình dự án; Bảo vệ toàn bộ diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng hiện có, phục hồi rừng tự nhiên và trồng rừng để nâng cao chất lượng và độ che phủ rừng từ 84% năm 2016 lên 95% vào năm 2030…

Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén sẽ bao gồm 03 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 4.035,5ha; Phân khu phục hồi sinh thái có diện tích 6.417,1ha; Phân khu dịch vụ hành chính có diện tích 140,9ha.

Thủ tướng giao trách nhiệm cho UBND tỉnh Cao Bằng chỉ đạo việc lập các dự án đầu tư xây dựng và phát triển Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén; dự án đầu tư xây dựng và phát triển vùng đệm Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén và các dự án khác có liên quan.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Làng Văn hóa dân tộc Việt Nam có thêm chức năng giáo dục, đào tạo

Ngày 11/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 52/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (sau đây gọi là Làng Văn hóa dân tộc Việt Nam).

Theo điều chỉnh, Làng Văn hóa dân tộc Việt Nam có thêm chức năng giáo dục, đào tạo tại Khu Dịch vụ du lịch tổng hợp nhằm tăng hiệu quả sử dụng của Làng và làm cơ sở để thực hiện việc đầu tư xây dựng Học viện Dân tộc thuộc Ủy ban Dân tộc.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo tại Làng Văn hóa dân tộc Việt Nam phải tuân thủ các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc, phù hợp với quy định về không gian, cảnh quan kiến trúc tổng thể Quy hoạch chung.

Khu Dịch vụ du lịch tổng hợp sẽ được điều chỉnh để trở thành khu phức hợp các dịch vụ du lịch tổng hợp, thể thao có quy mô lớn, kết hợp với hoạt động giáo dục, đào tạo nhằm khai thác có hiệu quả không gian cảnh quan tự nhiên, tăng tính hấp dẫn của dự án, thu hút đầu tư phát triển. Khu này được mở rộng với tổng diện tích 138,89ha, trong đó, diện tích cơ sở giáo dục, đào tạo là 13,5ha.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký


 

Đang truy cập: 20
Trong ngày: 276
Trong tuần: 1340
Lượt truy cập: 1593587
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com