I. Khái niệm, giải thích
1. Khái niệm
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.
Sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện... thuộc mọi lĩnh vực, có kết cấu và chức năng nhất định, được sản xuất và lưu thông độc lập.
2. Điều kiện bảo hộ
Kiểu dáng công nghiệp chỉ được bảo hộ nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Có tính mới trên phạm vi thế giới, nghĩa là chưa từng được bộc lộ công khai ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, dưới hình thức công bố hoặc sử dụng.
- Có tính sáng tạo, nghĩa là kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
- Có khả năng áp dụng công nghiệp, nghĩa là có khả năng dùng làm mẫu để chế tạo lặp đi lặp lại hàng loạt sản phẩm có kiểu dáng giống hệt bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
3. Các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp:
- Hình dáng bên ngoài của sản phẩm được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có trình độ trung bình thuộc lĩnh vực tương ứng, Ví dụ:
- Hình dáng bên ngoài do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có hoặc chỉ mang đặc tính kỹ thuật.
- Hình dáng bên ngoài của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng.
- Hình dáng bên ngoài chỉ có giá trị thẩm mỹ (không dùng làm mẫu để chế tạo sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp).
- Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp.
- Các đối tượng trái với lợi ích xã hội, trật tự công cộng, nguyên tắc nhân đạo.
II. Các tài liệu cần có của đơn
1. Tài liệu tối thiểu
(a) Tờ khai đăng ký KDCN theo mẫu số 03-KDCN trong Phụ lục A Thông tư 01/2007/TT-BKHCN;
(b) Bộ ảnh chụp hoặc bộ bản vẽ KDCN (05 bộ);
(c) Bản mô tả KDCN;
(d) Chứng từ nộp phí, lệ phí.
2. Yêu cầu đối với đơn
(a) Mỗi đơn chỉ được yêu cầu cấp một văn bằng bảo hộ;
b) Mọi tài liệu của đơn đều phải được làm bằng tiếng Việt. Đối với các tài liệu được làm bằng ngôn ngữ khác theo quy định tại điểm 7.3 và điểm 7.4 của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN thì phải được dịch ra tiếng Việt;
(c) Mọi tài liệu của đơn đều phải được trình bày theo chiều dọc (riêng hình vẽ, sơ đồ và bảng biểu có thể được trình bày theo chiều ngang) trên một mặt giấy khổ A4 (210mm x 297mm), trong đó có chừa lề theo bốn phía, mỗi lề rộng 20mm, trừ các tài liệu bổ trợ mà nguồn gốc tài liệu đó không nhằm để đưa vào đơn;
(d) Đối với tài liệu cần lập theo mẫu thì bắt buộc phải sử dụng các mẫu đó và điền đầy đủ các thông tin theo yêu cầu vào những chỗ thích hợp;
(e) Mỗi loại tài liệu nếu bao gồm nhiều trang thì mỗi trang phải ghi số thứ tự trang đó bằng chữ số Ả-rập;
(f) Tài liệu phải được đánh máy hoặc in bằng loại mực khó phai mờ,một cách rõ ràng, sạch sẽ, không tẩy xoá, không sửa chữa; trường hợp phát hiện có sai sót không đáng kể thuộc về lỗi chính tả trong tài liệu đã nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ thì người nộp đơn có thể sửa chữa các lỗi đó, nhưng tại chỗ bị sửa chữa phải có chữ ký xác nhận (và đóng dấu, nếu có) của người nộp đơn;
(g) Thuật ngữ dùng trong đơn phải là thuật ngữ phổ thông (không dùng tiếng địa phương, từ hiếm, từ tự tạo). Ký hiệu, đơn vị đo lường, phông chữ điện tử, quy tắc chính tả dùng trong đơn phải theo tiêu chuẩn Việt Nam;
(h) Đơn có thể kèm theo tài liệu bổ trợ là vật mang dữ liệu điện tử của một phần hoặc toàn bộ nội dung tài liệu đơn.
III. Tờ khai
IV. Quy trình và thời hạn xem xét đơn
Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được xử lý tại Cục SHTT theo trình tự tổng quát sau (sơ đồ quy trình thẩm định đơn đăng ký KDCN):
a) Thẩm định hình thức:
Là việc đánh giá tính hợp lệ của đơn theo các yêu cầu về hình thức, về đối tượng loại trừ, về quyền nộp đơn… để từ đó đưa ra kết luận đơn hợp lệ hay không hợp lệ. Thời gian thẩm định hình thức là 1 tháng kể từ ngày nộp đơn
b) Công bố đơn hợp lệ:
Đơn đăng ký KDCN được chấp nhận là hợp lệ được công bố trên Công báo SHCN trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày được chấp nhận là đơn hợp lệ. Nội dung công bố đơn đăng ký CDĐL là các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ KDCN.
c) Thẩm định nội dung:
Đơn đăng ký KDCN đã được công nhận là hợp lệ được thẩm định nội dung để đánh giá khả năng cấp Bằng độc quyền KDCN cho đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ và xác định phạm vi bảo hộ tương ứng. Thời hạn thẩm định nội dung đơn KDCN là 7 tháng kể từ ngày công bố đơn
V. Sửa đổi, bổ sung, tách, chuyển giao đơn
a) Sửa đổi, bổ sung đơn:
Trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có thể chủ động hoặc theo yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung các tài liệu đơn.
Đối với yêu cầu sửa đổi, bổ sung bản vẽ, ảnh chụp, bản mô tả trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, người nộp đơn phải nộp bản tài liệu tương ứng đã được sửa đổi, kèm theo bản thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi so với bản tài liệu ban đầu đã nộp.
Việc sửa đổi, bổ sung đơn không được mở rộng phạm vi (khối lượng) bảo hộ vượt quá nội dung đã bộc lộ trong phần mô tả đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp và không được làm thay đổi bản chất của đối tượng nêu trong đơn. Nếu việc sửa đổi làm mở rộng phạm vi (khối lượng) bảo hộ hoặc làm thay đổi bản chất đối tượng thì người nộp đơn phải nộp đơn mới và mọi thủ tục được tiến hành lại từ đầu.
Người nộp đơn có thể yêu cầu sửa chữa sai sót về tên, địa chỉ của người nộp đơn, tác giả.
Mọi yêu cầu sửa đổi, bổ sung phải được làm thành văn bản theo mẫu 01-SĐĐ quy định tại Phụ lục B của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN. Có thể yêu cầu sửa đổi với cùng một nội dung liên quan đến nhiều đơn, với điều kiện người yêu cầu phải nộp lệ phí theo số lượng đơn tương ứng.
Việc sửa đổi, bổ sung đơn, kể cả thay đổi về người được uỷ quyền, do người nộp đơn chủ động thực hiện hoặc theo yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ phải được thể hiện bằng văn bản, ghi rõ nội dung sửa đổi, bổ sung và kèm theo chứng từ nộp lệ phí sửa đổi, bổ sung đơn.
b) Tách đơn
Người nộp đơn có thể chủ động hoặc theo yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ tách đơn (tách một hoặc một số kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp sang một hoặc nhiều đơn mới, gọi là đơn tách).
Đơn tách mang số đơn mới và được lấy ngày nộp đơn của đơn ban đầu hoặc (các) ngày ưu tiên của đơn ban đầu (nếu có).
Đối với mỗi đơn tách, người nộp đơn phải nộp lệ phí nộp đơn và mọi khoản phí, lệ phí cho các thủ tục được thực hiện độc lập với đơn ban đầu, nhưng không phải nộp phí yêu cầu hưởng quyền ưu tiên. Đơn tách được thẩm định về hình thức và tiếp tục được xử lý theo các thủ tục chưa được hoàn tất đối với đơn ban đầu. Đơn tách phải được công bố lại và người nộp đơn phải nộp lệ phí công bố nếu việc tách đơn được thực hiện sau khi Cục Sở hữu trí tuệ đã có thông báo chấp nhận đơn hợp lệ đối với đơn ban đầu.
Đơn ban đầu (sau khi bị tách) tiếp tục được xử lý theo thủ tục thông thường và người nộp đơn phải nộp lệ phí sửa đổi, bổ sung đơn.
c) Chuyển giao đơn
Trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra một trong các thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc quyết định cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận việc chuyển giao đơn cho người khác. Yêu cầu ghi nhận việc chuyển giao làm theo mẫu 02-CGĐ quy định tại Phụ lục B của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN. Trong yêu cầu ghi nhận việc chuyển giao đơn phải có tài liệu chứng minh người được chuyển giao đáp ứng yêu cầu về quyền đăng ký.
VI. Gia hạn văn bằng bảo hộ
Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp được gia hạn nhiều nhất 02 lần liên tiếp, mỗi lần 05 năm.
Để được gia hạn hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, trong vòng 06 tháng trước ngày Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp hết hiệu lực, chủ Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp phải nộp đơn yêu cầu gia hạn cho Cục Sở hữu trí tuệ.
Đơn yêu cầu gia hạn có thể nộp muộn hơn thời hạn quy định nêu trên nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày văn bằng bảo hộ hết hiệu lực và chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí gia hạn cộng với 10% lệ phí gia hạn cho mỗi tháng nộp muộn.
Đơn yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ gồm các tài liệu sau đây:
(a) Tờ khai yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, làm theo mẫu 02-GHVB quy định tại Phụ lục C của Thông tư 01/2007/TT-BKHCN;
(b) Bản gốc văn bằng bảo hộ (trường hợp yêu cầu ghi nhận việc gia hạn vào văn bằng bảo hộ);
(c) Giấy uỷ quyền (trường hợp nộp đơn thông qua đại diện);
(d) Chứng từ nộp lệ phí gia hạn, công bố quyết định gia hạn và đăng bạ quyết định gia hạn văn bằng bảo hộ theo quy định.
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |