1. Bộ Y tế sắp phải báo cáo về chất lượng dịch vụ y tế

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 1710/VPCP-KGVX, Bộ Y tế phải báo cáo về chất lượng dịch vụ y tế trước ngày 28/02/2018.

Cụ thể, báo chí phản ánh, dù giá dịch vụ y tế đã được điều chỉnh tăng cao nhưng chất lượng dịch vụ y tế vẫn “giậm chân” tại chỗ. Đặc biệt là chất lượng phòng bệnh vẫn còn kém rất xa. Những bất hợp lý này đang đổ  lên đầu người bệnh. Tại nhiều địa  phương, chi phí tiền giường bệnh cao hơn rất nhiều so với tiền thuốc trong tổng chi phí khám chữa bệnh.

Do đó, Bộ Y tế phải làm rõ vấn đề trên và báo cáo Thủ tướng.

  1. Năm nay, giảm 1,7% biên chế công chức so với năm 2015

Nội dung này nằm trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018, ban hành kèm theo Quyết định 217/QĐ-TTg ngày 13/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Chính phủ hạ quyết tâm trong năm 2018 sẽ giảm 1,7% biên chế công chức và tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp  hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với số giao năm 2015. Các cơ quan, đơn vị chưa sử dụng hết số biên chế được giao phải xem xét, cắt giảm cho phù hợp.

Các cơ quan, đơn vị chỉ được tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế đã thực hiện tinh giản biên chế, đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.

Đồng thời, thực hiện sắp xếp, tinh gọn bổ chức bộ máy theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó. Điều chỉnh dứt điểm các vấn đề còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan trong hệ thống tổ chức Nhà nước; gắn với tinh giản biên chế nhằm nâng cao hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Đối với doanh nghiệp Nhà nước, phải đăng ký và thực hiện tiết giảm chi phí quản lý (từ 5% trở lên so với kế hoạch), trong đó tiết giảm tối đa chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, chi phí tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, chi chiết khấu thanh toán, chi phí năng lượng…

  1. Tổ chức tài chính vi mô phải đăng ký doanh nghiệp

Đây là yêu cầu tại Thông tư 03/2018/TT-NHNN ngày 23/02/2018 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.

Điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô gồm: Có Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi trong 03 năm đầu hoạt động; Có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định; Có người quản lý, điều hành, thành viên Ban kiểm soát đủ tiêu chuẩn, điều kiện; Có Điều lệ phù hợp.

Sau khi được cấp Giấy phép, tổ chức tài chính vi mô phải đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phải khai trương hoạt động trong 12 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép; tổ chức tài chính vi mô chỉ được tiến hành hoạt động từ ngày khai trương hoạt động. Quá 12 tháng kể từ ngày cấp Giấy phép, tổ chức tài chính vi mô không khai trương hoạt động thì Ngân hàng Nhà nước thu hồi Giấy phép.

Thông tư cũng yêu cầu, tổ chức tài chính vi mô được cấp Giấy phép phải thông báo cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh về các điều kiện khai trương hoạt động ít nhất 15 ngày, trước ngày dự kiến khai trương.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/04/2018.

  1. Đến 2020, các hãng hàng không vận chuyển 64 triệu hành khách

Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định 236/QĐ-TTg ngày 23/02/2018.

Với mục tiêu đưa thị trường vận tải hàng không Việt Nam đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng vận chuyển, Quy hoạch này đề ra chỉ tiêu đến năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam đạt sản lượng vận chuyển khoảng 64 triệu hành khách và đến năm 2030, con số này tăng lên 131 triệu hành khách…

Về quy hoạch phát triển mạng cảng hàng không, đến năm 2020, sẽ khai thác hệ thống 23 cảng hàng không, gồm 13 cảng hàng không quốc nội và 10 cảng hàng không quốc tế, trong đó cảng hàng không Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất và Cam Ranh là cửa ngõ quốc tế.

Về quy hoạch mạng đường bay quốc tế, sẽ tăng tần suất, tăng điểm khai thác, tăng cường khai thác nối chuyến, kết hợp khai thác giữa các điểm ở Việt Nam với các điểm trong các mạng đường bay khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á… Với mạng đường bay nội địa, mở mới các đường bay liên vùng, đặc biệt là các đường bay liên vùng không trung chuyển qua các cảng hàng không tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; nghiên cứu mở các đường bay ra vùng biển đảo của Việt Nam…

Quyết này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Tin tức thời sự không được bảo hộ quyền tác giả

Ngày 23/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi về quyền tác giả và quyền liên quan, có hiệu lực từ ngày 10/04/2018.

Theo Nghị định này, đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả bao gồm: Tin tức thời sự thuần túy và các văn bản hành chính. Trong đó, tin tức thời sự là các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, chỉ mang tính chất đưa tin, không có tính sáng tạo; Văn bản hành chính bao gồm các văn bản của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội… và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.

Cũng theo Nghị định này, trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình phải đáp ứng 02 điều kiện: Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình; Phần trích dẫn không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn.

Về nhuận bút, Nghị định quy định việc trả nhuận bút, thù lao phải bảo đảm lợi ích của người sáng tạo, tổ chức, cá nhân sử dụng và công chúng hưởng thụ; Mức nhuận bút được xác định căn cứ vào thể loại, hình thức, chất lượng, số lượng hoặc tần suất khai thác…

  1. Luôn có ít nhất 2 cảnh sát trên xe chở tiền, vàng

Ngày 23/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 21/2018/NĐ-CP quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ.

Hàng đặc biệt khi vận chuyển phải được đóng gói, niêm phong, đặt trong các container hoặc thùng chứa hàng, khóa, kẹp chì và bảo quản an toàn. Đối với mỗi chuyến vận chuyển hàng đặc biệt trên đường bộ, phải có 02 xe hộ tống bảo vệ, trong đó, 01 xe dẫn đầu và 01 xe đi cuối xe hoặc đoàn xe vận chuyển hàng đặc biệt.

Đồng thời, bảo đảm ít nhất 02 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát thường xuyên làm nhiệm vụ trên mỗi xe chở hàng, xe hộ tống, toa xe đường sắt hoặc trên mỗi phương tiện vận tải đường thủy nội địa, đường hàng không.

Hàng đặc biệt do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ vận chuyển gồm: Tiền mặt, giấy tờ có giá (trái phiếu, tín phiếu, cổ phiếu, công trái và các loại giấy tờ có giá khác) trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; Tài sản quý (vàng, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ tiền mặt và các loại tài sản quý khác) trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước; Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu Nhà nước.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/04/2018.

  1. Grab, Uber được tiếp tục hoạt động đến khi có quy định mới

Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn 1755/VPCP-CN truyền đạt lại chỉ đạo ý kiến Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng.

Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý kéo dài thời gian thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách khách theo hợp đồng cho đến khi Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP) được ban hành và có hiệu lực.

Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá đầy đủ các ưu điểm, hạn chế trong thời gian thí điểm, làm cơ sở cho việc bổ sung các quy định về quản lý hoạt động thí điểm, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và tạo sự bình đẳng giữa các loại hình vận tải.

  1. Chung cư, khách sạn phải mua bảo hiểm cháy, nổ

Ngày 23/02/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Nghị định này yêu cầu cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ như nhà chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 05 tầng trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên; cửa hàng xăng dầu có từ 01 cột bơm trở lên… phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại các doanh nghiệp kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm cháy, nổ.

Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, gồm: Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà,công trình; máy móc, thiết bị; Các loại hàng hóa, vật tư. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường bảo hiểm cho các thiệt hại xảy ra do cháy, nổ đối với các đối tượng này.

Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không phải bồi thường trong các trường hợp như: Động đất hoặc những biến động khác của thiên nhiên; Thiệt hại do biến cố về chính trị, an ninh và trật tự xã hội gây ra; Thiệt hại do hành động cố ý gây cháy, nổ của người được bảo hiểm; Thiệt hại đối với dữ liệu, phần mềm và các chương trình máy tính…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/04/2018.

  1. Mỗi ô tô chỉ dùng 1 thẻ định danh đi qua trạm BOT

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng, ngày 27/02/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 06/CT-TTg.  

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu việc triển khai hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng phải đảm bảo chính xác, khách quan, minh bạch, kết nối liên thông, đồng bộ trong toàn quốc. Mỗi phương tiện tham gia giao thông chỉ sử dụng 01 thẻ định danh (thẻ đầu cuối) để lưu thông qua tất cả các trạm thu giá.

Các cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ thu giá chuyển thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ sang thực hiện theo hình thức điện tử tự động không dừng, bảo đảm nguyên tắc chỉ sử dụng 01 công nghệ thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng thống nhất trên toàn quốc.

Các nhà cung cấp dịch vụ thu giá cần không ngừng mở rộng hệ thống đại lý ủy quyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc gắn thẻ định danh (thẻ đầu cuối) đối với phương tiện giao thông.

  1. Đẩy mạnh thanh toán tiền điện, nước qua ngân hàng

Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 241/QĐ-TTg.

Đề án này hướng tới mục tiêu đến năm 2020, 80% giao dịch nộp thuế tại các thành phố được thực hiện qua ngân hàng; 70% công ty điện lực, công ty nước chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền điện, nước qua ngân hàng; 100% trường đại học, cao đẳng chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng và có 80% sinh viên nộp học phí qua ngân hàng; 50% bệnh viện tại các thành phố lớn cho phép thanh toán viện phí qua ngân hàng…

Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, Đề án yêu cầu tiếp tục mở rộng mạng lưới thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước, các bệnh viện, trường học để phục vụ thanh toán qua ngân hàng.

Bên cạnh đó, phát triển thêm các thẻ ngân hàng đa năng, đa dụng cho phép thực hiện giao dịch thu, nộp thuế, phí cầu đường, nhận tiền bảo hiểm xã hội, nộp học phí, viện phí với nhiều hình thức thanh toán: Thanh toán trực tuyến, thanh toán trên app di dộng, thanh toán không tiếp xúc…

Hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống thanh toán bù trừ tự động cho các giao dịch bán lẻ, nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán 24/7 của tổ chức, cá nhân.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Sử dụng bản ghi âm, ghi hình với mục đích thương mại phải trả tiền

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 22/2018/NĐ-CP  của Chính phủ, quy định chi tiết Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009.

Theo đó, việc sử dụng trực tiếp, gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã được công bố trong các hoạt động kinh doanh, thương mại như tại nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, siêu thị, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ bưu chính, viễn thông, môi trường kỹ thuật số; trong các hoạt động du lịch, hàng không, giao thông công cộng không phải xin phép, nhưng phải trả nhuận bút, thù lao.

Tương tự, việc tổ chức phát sóng dùng chính bản ghi âm, ghi hình đã được công bố để phát sóng bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả việc truyền qua vệ tinh, môi trường kỹ thuật số; Tiếp sóng, phát lại chương trình đã phát sóng cũng phải trả tiền nhuận bút, thù lao.

Việc hưởng tiền thù lao của người biểu diễn trong trường hợp bản ghi âm, ghi hình được sử dụng theo quy định nêu trên tùy thuộc vào thỏa thuận của người biểu diễn với nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình khi thực hiện chương trình ghi âm, ghi hình.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định tin tức thời sự, văn bản hành chính không được bảo hộ quyền tác giả.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/04/2018.

  1. Lương tháng 13, tiền thưởng tết không tính đóng BHXH

 Tại Công văn 560/LĐTBXH-BHXH, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có hướng dẫn cụ thể về việc xác định tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH)

Theo đó, từ ngày 01//01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác như: Tiền lương tháng 13, tiền thưởng tết, tiền thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ.

Tiền lương tháng đóng BHXH cũng không bao gồm khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác.

  1. Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm Y tế vào năm 2019

Tại Nghị quyết 139/NQ-CP, Chính phủ đã công bố một số Đề án, nhiệm vụ triển khai Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Cụ thể, trong năm 2018, sẽ xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; Rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học; Trong năm 2019, sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế và trong năm 2020, xây dựng Luật Trang thiết bị y tế; Luật Y, Dược cổ truyền; Rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm với quy định về kiểm soát an toàn thực phẩm, dựa trên đánh giá nguy cơ, quản lý rủi ro, sản xuất kinh doanh theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc…

Trong năm 2019 - 2020, xây dựng Luật Phòng bệnh và nâng cao sức khỏe, thay thế Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, sẽ xây dựng Chương trình Sức khỏe Việt Nam; Xây dựng các quy định về dinh dưỡng hợp lý, bổ sung vi chất dinh dưỡng; Đề án Nghiên cứu, sản xuất vắc xin thế hệ mới, tích hợp nhiều loại trong một; Xây dựng Đề án đảm bảo nguồn cung ứng vắc xin cho tiêm chủng; Xây dựng các quy định thực hiện bệnh án điện tử…

Nghị quyết này được ban hành ngày 31/12/2017.

  1. Giảm giá cước kết nối giữa các mạng di động từ 1/5

Ngày 29/12/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 48/2017/TT-BTTTT quy định giá cước kết nối đối với các cuộc gọi giữa 02 nhà mạng.

Cụ thể, từ 01/05/2018, giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại giữa hai mạng di động được áp dụng như sau: Trường hợp gọi đến số thuê bao của nhà mạng Viettel, mạng di động gọi đi phải trả cho Viettel 400 đồng/phút; gọi đến số thuê bao của các nhà mạng Mobifone, Vinafone, VietnamMobile, Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu, mạng di động gọi đi phải trả cho các nhà mạng này 440 đồng/phút (Trước đây, giá cước kết nối được quy định dao động từ 500 đồng - 550 đồng/phút).

Thông tư này cũng quy định cụ thể về giá cước kết nối đối với cuộc gọi thoại từ mạng điện thoại cố định nội hạt vào di động. Theo đó, mạng điện thoại điện cố định nội hạt có cuộc gọi đến mạng di động thì phải trả cho nhà mạng di động 320 đồng/phút.

Giá cước nêu trên đã bao gồm phần giá cước kết nối trả cho doanh nghiệp khi phải kết nối gián tiếp qua mạng đường dài trong nước nhưng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/05/2018.

  1. Công chức đang nghỉ phép, nghỉ ốm cũng không được đi lễ giờ hành chính

Đây là chỉ đạo của Kho bạc Nhà nước tại Công điện 04/CĐ-KBNN về việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Tài chính trong việc triển khai các nhiệm vụ được giao sau kỳ nghỉ Tết.

Cụ thể, Kho bạc Nhà nước yêu cầu Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đơn vị thuộc cơ quan Kho bạc Nhà nước tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm Công điện 240/CĐ-TTg.

Trong đó, đặc biệt lưu ý nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống Kho bạc Nhà nước đi lễ hội, đền chùa trong giờ hành chính, kể cả việc đi lễ trong giờ hành chính trong thời gian nghỉ phép, nghỉ ốm, nghỉ việc riêng….; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thủ trưởng các đơn vị thuộc Kho bạc Nhà nước, Giám đốc Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc quán triệt thực hiện Công điện, chịu trách nhiệm cá nhân trước lãnh đạo Kho bạc Nhà nước về việc thực hiện những nội dung tại các văn bản nêu trên.

Trước đó, Kho bạc Nhà nước đã có chỉ đạo Kho bạc Nam Định thực hiện đình chỉ công tác đối với 07 công chức đi lễ trong giờ hành chính.

  1. Các trường phải báo cáo việc hát Quốc ca trong Lễ chào cờ

Ngày 27/02/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn 693/BGDĐT-GDCTHSSV gửi các Sở giáo dục và đào tạo; các trường đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm về việc báo cáo tình hình thực hiện nền nép, kỷ luật trong trường học.

Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở giáo dục và đào tạo, các trường báo cáo về việc thực hiện và duy trì hát Quốc ca trong các Lễ chào cờ; tình hình tổ chức hoạt động Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường; Tình hình thực hiện tập thể dục buổi sáng, tập thể dục giữa giờ, tập thể dục tại chỗ và hô các khẩu ngữ cho học sinh, sinh viên sau khi tập thể dục…

Bên cạnh đó, các Sở, trường cũng phải báo cáo về tình hình triển khai xây dựng nền nếp, kỷ cương, kỷ luật trong trường học; Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học; Thực hiện quy định về tổ chức cho học sinh, sinh viên trực tiếp lao động tập thể, vệ sinh lớp học và các công trình trong khuân viên nhà trường.

  1. Sắp tới, 100% siêu thị, nhà hàng tại Hà Nội cho phép quẹt thẻ thanh toán

Đây là mục tiêu nằm trong Kế hoạch 51/KH-UBND của UBND TP. Hà Nội về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Hà Nội giai đoạn đến 2020.

Cụ thể, Hà Nội phấn đấu đến cuối năm 2020, 100% siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt khác, cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng.

Cũng đến thời điểm này, có 60% cá nhân, hộ gia đình sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng; Ít nhất 70% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng.

Với mục tiêu nêu trên, Hà Nội đề ra các giải pháp như: Phát triển các loại thẻ phi vật lý, thẻ không tiếp xúc để thu phí cầu đường, mua xăng dầu, mua vé xe buýt, đi taxi…; Phát huy hiệu quả tính năng, tiện ích của máy ATM, tích hợp thêm tính năng thẻ ATM nhằm tạo thuận lợi cho ngời dân tiếp cận với dịch vụ thẻ ngân hàng; Mở rộng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế, bệnh viện….

  1. Làm thủ tục mở quán net không cần nộp bản sao CMND

Ngày 27/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 16/NQ-CP về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo Nghị quyết này, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng (quán game, tiệm net) sẽ được điều chỉnh theo hướng bỏ quy định phải nộp bản sao chứng thực CMND của chủ điểm hoặc của người quản lý trực tiếp.

Trong Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng, các thông tin nhân thân như Số CMND, địa chỉ liên hệ, điện thoại được thay bằng một thông tin duy nhất là số định danh cá nhân.

Với thủ tục cấp Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, sẽ bỏ quy định về Sơ yếu lý lịch của người chịu trách nhiệm quản lý nội dung có xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, có ảnh và dấu giáp lai. Đồng thời, bổ sung số định danh cá nhân của người đề nghị cấp phép tại Đơn đề nghị cấp giấy phép.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Hướng dẫn mới nhất về quyết toán thuế thu nhập cá nhân

Cục Thuế TP. Hà Nội đã có Công văn 5749/CT-TNCN hướng dẫn về quyết toán thuế thu nhập cá nhân và cấp Mã số thuế người phụ thuộc.

Công văn này có một số lưu ý như sau:

Thu nhập chịu thuế phải quyết toán năm 2017 là tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công mà cá nhân thực nhận từ 01/01/2017 đến 31/12/2017.

Trong kỳ tính thuế, cá nhân chưa tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân hoặc tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được tính đủ 12 tháng nếu thực hiện quyết toán thuế theo quy định.

Người phụ thuộc đã đăng ký và có đầy đủ hồ sơ chứng minh người phụ thuộc theo quy định thì được tính giảm trừ gia cảnh trong năm 2017, kể cả trường hợp người phụ thuộc chưa được cơ quan thuế cấp mã số thuế.

Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.

Công văn cũng ấn định cụ thể về thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm 2017 như sau:

Đối với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế, thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất ngày 31/03/2018 nếu có số thuế phải nộp thêm; nếu có số thuế nộp thừa, yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ khai thuế tiếp theo thì thời hạn nộp là bất cứ thời điểm nào trong năm.

Đối với tổ chức chi trả thu nhập, thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất là ngày 31/03/2018 nếu tổ chức chi trả thu nhập phải quyết toán theo năm dương lịch; nếu tổ chức chi trả thu nhập chia, tách, hợp nhất, sáp nhập thì phải quyết toán đối với số thuế thu nhập cá nhân đã khấu trừ chậm nhất là ngày thứ 45, kể từ ngày chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.

  1. Khiếu nại của người lao động phải được giải quyết trong 30 ngày

Ngày 27/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2018/NĐ-CP giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động.

Nghị định chỉ rõ, thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Trong 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết lần đầu thì có quyền yêu cầu giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp hoặc ở vùng sâu, vùng xa thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Cũng theo Nghị định này, người khiếu nại có quyền rút khiếu nại bất cứ lúc nào. Việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/04/2018.


 

Đang truy cập: 2
Trong ngày: 185
Trong tuần: 876
Lượt truy cập: 1579658
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com