1. Điều kiện cấp Chứng chỉ kiểm toán viên

Ngày 07/03/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 286/QĐ-BTC về việc công bố thủ tục hành chính thay thế lĩnh vực hoạt động kế toán, kiểm toán thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính; trong đó có thủ tục đăng ký dự thi cấp Chứng chỉ kiểm toán viên

Với thủ tục này, người dự thi phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành Tài chính, Ngân hàng, Kế toán, Kiểm toán; Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán tối thiểu 36 tháng; Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật.

Người dự thi phải dự thi 07 môn: Pháp luật về kinh tế và Luật doanh nghiệp; Tài chính và quản lý tài chính nâng cao; Thuế và quản lý thuế nâng cao; Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao; Kiểm toán và dịch vụ bảo đảm nâng cao; Phân tích hoạt động tài chính nâng cao; Ngoại ngữ trình độ C của 01 trong các ngoại ngữ thông dụng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức. Để được cấp chứng chỉ, người dự thi phải có tổng số điểm từ 38 điểm trở lên.

Thời hạn cấp chứng chỉ kiểm toán viên trong 60 ngày, kể từ ngày kết thúc thi. Lệ phí là 200.000 đồng/môn thi.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Hỗ trợ vốn 5 năm cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo

Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo đã được Chính phủ ban hành ngày 11/03/2018.

Theo Nghị định này, căn cứ vào điều kiện ngân sách địa phương, UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp giao cho tổ chức tài chính Nhà nước của địa phương có chức năng đầu tư tài chính để thực hiện đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Doanh nghiệp nhận đầu tư từ tổ chức tài chính Nhà nước của địa phương là doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo đáp ứng các tiêu chí: Hoạt động trong các lĩnh vực mà địa phương ưu tiên phát triển; Phải được ít nhất một trong các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo lựa chọn để đầu tư.

Định kỳ hàng quý, tổ chức tài chính Nhà nước của địa phương cập nhật, công bố danh sách các doanh nghiệp nhận đầu tư trên Cổng thông tin điện tử của tổ chức tài chính Nhà nước của địa phương và của UBND cấp tỉnh.

Khoản vốn đầu tư từ tổ chức tài chính Nhà nước của địa phương cho một doanh nghiệp nhận đầu tư không quá 30% tổng vốn đầu tư mà doanh nghiệp đó huy động được từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo cùng đầu tư.

Thời hạn đầu tư từ ngân sách địa phương tối đa là 05 năm, từ thời điểm đầu tư.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Sẽ có thêm nhiều ưu đãi thuế đối với ngành cơ khí

Theo Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, cơ khí được coi là ngành công nghiệp nền tảng với trọng tâm là cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, ô tô, thiết bị công trình công nghiệp, thiết bị điện và công nghiệp hỗ trợ…

Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung các chính sách thúc đẩy ngành cơ khí bao gồm các ưu đãi về thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu) các biện pháp hỗ trợ đầu tư và kinh doanh theo Luật Đầu tư theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mua thiết kế, công nghệ, đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cơ khí…

Cũng theo Chiến lược, Danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2025 gồm: Các loại thiết bị động lực; Các chủng loại xe ô tô; Thiết bị nâng hạ; Thiết bị nhà máy công nghiệp và thiết bị điện.

Trong đó, các chủng loại xe ô tô gồm: Xe ô tô nông dụng nhỏ đa chức năng; Xe ô tô chuyên dùng; Xe ô tô khách tầm trung và tầm ngắn chạy liên tỉnh, nội đô từ 10 chỗ trở lên; Xe tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường.

Chiến lược này được ban hành kèm theo Quyết định 319/QĐ-TTg của Thủ tướng ngày 15/03/2018.

  1. Miễn phí đào tạo lao động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngày 11/03/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nghị định này chỉ rõ, doanh nghiệp nhỏ và vừa khi cử lao động tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 03 tháng thì được miễn chi phí đào tạo. Các chi phí còn lại do doanh nghiệp nhỏ và vừa và người lao động thỏa thuận.

Để được miễn chi phí đào tạo, người lao động phải đáp ứng các điều kiện sau: Đã làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu 06 tháng liên tục; Không quá 50 tuổi đối với nam và 45 tuổi đối với nữ.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến được hỗ trợ 50% tổng chi phí của một khóa đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhưng không quá 01 lần một năm. Khóa đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp có tối thiểu 10 học viên.

Cũng theo Nghị định này, doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn (không bao gồm tư vấn về thủ tục hành chính theo quy định chuyên ngành) thuộc mạng lưới tư vấn viên. Trong đó, doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 03 triệu đồng/năm; Doanh nghiệp nhỏ được giảm 30% nhưng không quá 05 triệu đồng/năm; Doanh nghiệp vừa được giảm 10% nhưng không quá 10 triệu đồng/năm.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Bãi bỏ 6 Nghị định lĩnh vực ngân hàng

Tại Nghị định 42/2018/NĐ-CP ngày 12/03/2018, Chính phủ quyết định bãi bỏ 6 Nghị định lĩnh vực ngân hàng.

Các Nghị định này bao gồm:

Nghị định 05/2010/NĐ-CP ngày 18/01/2010 quy định việc áp dụng Luật phá sản đối với các tổ chức tín dụng;

Nghị định 59/2009/NĐ-CP ngày 16/07/2009 về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại;

Nghị định 22/2006/NĐ-CP ngày 28/02/2006 về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam;

Nghị định 69/2005/NĐ-CP ngày 26/05/2005 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 48/2001/NĐ-CP ngày 13/8/2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân;

Nghị định 48/2001/NĐ-CP ngày 13/08/2001 về tổ chức và hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân;

Nghị định 14/CP ngày 02/03/1993 ban hành Quy định về chính sách cho hộ sản xuất vay vốn để phát triển nông - lâm - ngư - diêm nghiệp và kinh tế nông thôn.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

  1. Các tiêu chí xác định vụ việc hòa giải thành

Tòa án nhân dân tối cao vừa có Công văn 55/TANDTC-PC hướng dẫn các tiêu chí xác định vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành.

Theo Công văn này, sau khi thụ lý vụ án dân sự, vụ án hành chính, Thẩm phán tiến hành hòa giải mà sau khi hòa giải, người khởi kiện rút đơn khởi kiện hoặc các đương sự thống nhất được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án, nên Tòa không phải đưa ra xét xử thì được coi là hòa giải thành.

Sau khi thụ lý việc dân sự về yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, Thẩm phán tiến hành hòa giải mà sau khi hòa giải, vợ chồng đoàn tụ được coi là hòa giải thành.

Công văn cũng chỉ rõ, vụ hành hành chính thuộc một trong các trường hợp sau thì được xác định là vụ việc đối thoại thành: Trường hợp qua đối thoại mà người khởi kiện rút đơn khởi kiện, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; Trường hợp sau khi đối thoại, người bị kiện ban hành quyết định hành chính mới hoặc thông báo về việc chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện rút đơn khởi kiện như đã cam kết, Tòa án ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành, đình chỉ giải quyết vụ án.

  1. Tuyển sinh trường quân đội 2018: Ngặt nghèo quy định về sức khỏe

Ngày 10/03/2018, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 24/2018/TT-BQP sửa đổi, bổ sung một số quy định và hướng dẫn thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường trong quân đội của Thông tư 17/2016/TT-BQP và Thông tư 42/2017/TT-BQP.

Theo đó, thí sinh trúng tuyển nhập học phải làm nhiều xét nghiệm hơn bao gồm: Xét nghiệm công thức máu; nhóm máu, chức năng gan: SGOT, SGPT); chức năng thận (Ure, Creatinin); đường máu; nước tiểu 10 thông số; điện tim; siêu âm tổng quát; X-quang tim phổi thẳng; xét nghiệm sàng lọc HIV, ma túy.

Trường hợp cần thiết, có thể thực hiện thêm các kỹ thuật chẩn đoán hoặc các xét nghiệm cận lâm sàng khác để kết luận phân loại sức khỏe chính xác.

Bên cạnh đó, điểm mới trong Thông tư này là việc một số ngành được phép tuyển từ 02 thí sinh nữ. Cụ thể: Bác sĩ quân y tại Học viện Quân y và các ngành: Quan hệ quốc tế về quốc phòng, ngoại ngữ tại Học viện Khoa học quân sự; Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Điện tử Y sinh, Khí tài quang, Địa tin học tại Học viện Kỹ thuật quân sự.

Đặc biệt, trường Sĩ quan Không quân thực hiện một điểm chuẩn chung cho thí sinh trong cả nước.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/04/2018.

  1. Không dùng vốn vay để góp vốn thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo

Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo đã được Chính phủ ban hành ngày 11/03/2018.

Theo Nghị định này, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân, do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập. Tài sản góp vốn vào Quỹ có thể là tiền, vàng, giá trị quyền sử dụng đất... Nhà đầu tư không được sử dụng vốn vay để góp vốn thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Bên cạnh đó, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không được góp vốn vào quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo khác.

Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tăng vốn bằng hình thức huy động thêm từ các nhà đầu tư hiện hữu, hoặc huy động vốn từ các nhà đầu tư mới.

Toàn bộ số vốn góp và tài sản của các nhà đầu tư tại quỹ phải được hạch toán độc lập với công ty thực hiện quản lý Quỹ.

Các nhà đầu tư góp vốn thành lập quỹ tự thỏa thuận về thẩm quyền quyết định danh mục đầu tư và nội dung này phải được quy định tại điều lệ Quỹ và hợp đồng với công ty thực hiện quản lý Quỹ (nếu có).

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Sẽ có xe điện kết nối khu dân cư trong đô thị

Văn phòng Chính phủ vừa ra Công văn 2543/VPCP-CN truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng về triển khai các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố trực thuộc trung ương.

Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu tổ chức kết nối hợp lý các ga đường sắt đô thị với các tuyến xe buýt; nghiên cứu phương án sử dụng xe điện kết nối các khu dân cư dọc tuyến đường sắt đô thị và xe buýt nhanh nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông sử dụng hai loại phương tiện này.

Ưu tiên phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng (xe buýt, xe du lịch, taxi) trong tổ chức giao thông đô thị, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng từng bước giảm phương tiện giao thông cá nhân.

Tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ, phục vụ hành khách của đội ngũ  lái xe, nhân viên phục vụ xe buýt, tập trung cải thiện hệ thống hạ tầng trung chuyển, đón trả khách, áp dụng hệ thống vé thông minh, tiện lợi cho người sử dụng…

Công văn này được ban hành ngày 20/03/2018.

  • Các trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Thông tư liên tịch 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để kiểm tra bổ sung đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ban hành.

Theo Thông tư liên tịch này, khi thiếu chứng cứ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Viện kiểm sát, Tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung:

- Chứng cứ để chứng minh “có hành vi phạm tội xảy ra hay không”;
- Chứng cứ để chứng minh “thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội”;
- Chứng cứ để chứng minh “có lỗi hay không có lỗi”;
- Chứng cứ để chứng minh “tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra” là chứng cứ để đánh giá tính chất, mức độ thiệt hại, hậu quả về vật chất, phi vật chất do hành vi phạm tội gây ra.
- Chứng cứ để chứng minh “những tình tiết khác liên quan đến việc loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt”;
- Chứng cứ khác để chứng minh một hoặc nhiều vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật Tố tụng hình sự mà thiếu chứng cứ đó thì không có đủ căn cứ để giải quyết vụ án, như: chứng cứ để xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại là người dưới 18 tuổi…

Thông tư liên tịch này có hiệu lực từ ngày 06/02/2018.

  • Sắp ban hành 7 Nghị định về lao động, tiền lương, bảo hiểm

Ngày 19/03/2018, Bộ Lao động Thương binh và xã hội đã ban hành Công văn 1032/LĐTBXH-PC về việc đôn đốc các đề án phải trình Chính phủ, Thủ tướng trong quý II và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Tại Công văn này, Bộ yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các đề án sau để trình Chính phủ, Thủ tướng trong quý II/2018:

  1. Nghị định sửa đổi Nghị định 60/2013/NĐ-CPquy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc
  2. Nghị định sửa đổi Nghị định 05/2015/NĐ-CPquy định chi tiết thi hành một số nội dung của Bộ luật  Lao động
  3. Nghị định sửa đổi Nghị định 49/2013/NĐ-CPquy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương
  4. Nghị định quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng
  5. Nghị định thay thế Nghị định 126/2007/NĐ-CPquy định chi tiết và hướng dẫn Luật người  lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006
  6. Quyết định của Thủ tướng thay thế Quyết định 144/2007/QĐ-TTgvề thành lập, quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước
  7. Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.
  8. Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hộivề bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
  • Người bị giám sát, giáo dục được rời nơi cư trú

Ngày 10/03/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 37/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.

Theo Nghị định này, người bị giám sát, giáo dục được phép rời nơi cư trú nếu có lý do chính đáng nhưng phải khai báo tạm vắng. Việc vắng mặt tại nơi cú trú có thể được thực hiện nhiều lần nhưng mỗi lần không quá 30 ngày; tổng thời gian vắng mặt không quá 1/3 thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Nếu thời gian vắng mặt dưới 15 ngày, người được giám sát, giáo dục phải thông báo với người giám sát, giáo dục về lý do, thời gian vắng mặt tại cư trú và nơi đến cư trú.

Nếu thời gian vắng mặt từ 15 đến 30 ngày phải làm đơn xin phép Chủ tịch UBND cấp xã, trong đó có ghi rõ lý do, thời gian vắng mặt, nơi đến tạm trú và ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Đơn xin phép được gửi đến người trực tiếp giám sát, giáo dục.

Thời gian rời nơi cư trú được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Nếu người được giám sát, giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú mà không tuân thủ quy định nêu trên thì thời gian vắng mặt không được tính vào thời hạn chấp hành.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký.

  • Nộp chậm báo cáo tài chính bị phạt đến 10 triệu

Nghị định số 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập đã được Chính phủ ban hành ngày 12/03/2018.

Theo đó, việc công khai báo cáo tài chính chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng với hành vi nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 03 tháng so với thời hạn quy định.

Bên cạnh đó, việc thông tin, số liệu công khai báo cáo tài chính sai sự thật hay cung cấp, công bố các báo cáo tài chính để sử dụng tại Việt Nam có số liệu không đồng nhất trong một kỳ kế toán bị áp dụng mức phạt từ 20-30 triệu đồng.

Những hành vi nghiêm trọng hơn như không nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không công khai báo cáo tài chính theo quy định phải nhận mức phạt từ 40-50 triệu đồng.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/05/2018.

  • Tự gây thiệt hại để nhận tiền bảo hiểm bị phạt đến 100 triệu

Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số tại Nghị định 98/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi ngày 21/03/2018 bởi Nghị định 48/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Nghị định 48 chỉ rõ: Phạt tiền từ 90 triệu - 100 triệu đồng đối với hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật; Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp luật quy định khác; Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm… mà số tiền chiếm đoạt dưới 20 triệu đồng, hoặc gây thiệt hại dưới 50 triệu đồng hoặc chưa đến mức bị truy cứu hình sự.

Đặc biệt, hành vi ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức sẽ bị phạt tiền từ 40 triệu - 50 triệu đồng. Riêng với hành vi triển khai các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe trước khi được Bộ Tài chính phê chuẩn sẽ chịu mức phạt cao hơn trước rất nhiều, là 60 triệu - 70 triệu đồng, thay vì chỉ từ 10 triệu - 20 tiệu đồng như trước.

Mức phạt 60 triệu - 70 triệu đồng nêu trên cũng được áp dụng đối với hành vi triển khai quy tắc, điều khoản, biểu phí các sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới trước khi đăng ký và được Bộ Tài chấp thuận; Không tuân thủ quy tắc, điều khoản, biểu phí đã được Bộ Tài chính phê chuẩn…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/05/2018.

  • Thủ tướng ra Công điện về vụ cháy chung cư ở Sài Gòn

Rạng sáng ngày 23/3, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại chung cư cao cấp Carina, đường Võ Văn Kiệt, quận 8, TP. Hồ Chí Minh. Vụ cháy đã để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 13 người chết và hàng chục người bị thương.

Ngay sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra Công điện 359/CĐ-TTg về vụ cháy này.

Trước hết, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia buồn sâu sắc tới các nạn nhân, thân nhân người bị nạn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo UBND TP. Hồ Chí Minh khẩn trương tổ chức thăm hỏi, động viên, có biện pháp hỗ trợ kịp thời gia đình người bị tử vong và bị thương; tập trung khắc phục hậu quả vụ cháy.

Thủ tướng còn yêu cầu Bộ Công an, UBND TP.Hồ Chí Minh phối hợp làm rõ nguyên nhân vụ cháy, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, đặc biệt là các khu chung cư cao tầng có đông dân cư sinh sống

Không chỉ vậy, Công điện này còn nêu rõ: Cần phải kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng cần xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự. 

  • Xét thăng hạng giảng viên: Ưu tiên người có thâm niên

Ngày 12/03/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2018/TT-BGDĐT quy định điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Theo đó, trường hợp có từ 02 người trở lên có kết quả điểm bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng, thì xác định người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên sau: Người có thâm niên công tác lâu hơn; Người được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ có thành tích xuất sắc, tiêu biểu được khen thưởng trong vòng 03 năm liên tục liền kề với năm tổ chức kỳ xét thăng hạng.

Viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập được đăng ký xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp khi: Cơ sở giáo dục nơi giảng dạy có nhu cầu và được cấp có thẩm quyền cử đi xét duyệt;  Hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 03 năm liên tục; được thủ trưởng cơ sở giáo dục đánh giá có đủ phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 27/04/2018.


 

Đang truy cập: 3
Trong ngày: 186
Trong tuần: 877
Lượt truy cập: 1579659
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com