1. Bỏ quy định máy photocopy màu chỉ dùng nội bộ

Một số quy định về hoạt động in tại Nghị định 60/2014/NĐ-CP ngày 19/06/2014 đã được Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 25/2018/NĐ-CP ngày 28/02/2018.

Cụ thể, Nghị định này bỏ quy định máy photocopy màu chỉ được sử dụng phục vụ công việc nội bộ của cơ quan, tổ chức, không được dùng để kinh doanh. Tổ chức, cá nhân sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu phải đăng ký trước khi sử dụng. Việc đăng ký được thực hiện bằng gửi hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến hoặc dịch vụ bưu chính, chuyển phát hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại UBND cấp tỉnh. 

Nghị định cũng bổ sung quy định về chuyển nhượng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu, theo đó, khi chuyển nhượng máy phải có hồ sơ gửi đến UBND cấp tỉnh nơi đã xác nhận đăng ký máy đó. Tương tự, khi thanh lý máy, tổ chức, cá nhân sử dụng máy đã đăng ký, khi thanh lý phải có văn bản thông báo đến cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động in nơi đã đăng ký máy.

Cơ sở in, cơ sở dịch vụ photocopy hoạt động theo loại hình doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm báo cáo định kỳ 01 năm/lần hoặc đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động in thay vì 06 tháng/lần như trước đây.

Trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động in, chỉ cần nộp Sơ yếu lý lịch của người đứng đầu cơ sở in thay vì phải nộp sơ yếu lý lịch theo mẫu quy định của người đứng đầu cơ sở in kèm theo bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành in trở lên hoặc giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.

Nghị định này có hiệu lực từ 01/05/2018.

  1. 2 thay đổi trong thủ tục cấp phép lập mạng xã hội

Theo Nghị quyết 16/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông, sẽ có 02 thay đổi trong thủ tục cấp phép lập mạng xã hội.

Cụ thể, trong Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thiết lập mạng xã hội, bỏ quy định về sơ yếu lý lịch của người chịu trách nhiệm quản lý nội dung có xác nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, có ảnh và dấu giáp lai.

Trong Đơn đề nghị cấp giấy phép thiết lập mạng xã hội trên mạng, bổ sung số định danh cá nhân của người đề nghị cấp phép, bên cạnh các thông tin: Họ và tên, Chức danh, Số điện thoại liên lạc.

Bên cạnh điều chỉnh thủ tục cấp phép lập mạng xã hội, Nghị quyết này còn điều chỉnh thủ tục lập trang thông tin điện tử tổng hợp; thủ tục mở quán game, tiệm net….

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Được ghi âm, ghi hình người đến tố giác tội phạm

Nội dung này được nêu tại Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC về việc phối hợp thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Thông tư liên tịch chỉ rõ, cơ quan điều tra phải tổ chức trực ban hình sự 24/24 giờ, Viện kiểm sát các cấp cũng phải tổ chức trực nghiệp vụ 24/24 giờ để tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Khi nhận được tin tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc phương tiện thông tin khác, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải ghi vào sổ tiếp nhận. Nếu cá nhân trực tiếp đến tố giác về tội phạm thì lập biên bản và ghi vào sổ tiếp nhận. Có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận.

Cũng theo Thông tư liên tịch, thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được tin. Đối với tố giác, tin báo có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh lại, thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 02 tháng.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực từ ngày 01/03/2018.

  1. Cho phép thành lập Đại học VinUni thuộc Vingroup

Ngày 02/03/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công văn 290/TTg-KGVX gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND TP. Hà Nội về chủ trương cho phép thành lập trường Đại học VinUni.

Theo Công văn này, Thủ tướng đồng ý chủ trương cho phép thành lập Đại học VinUni. Đây là cơ sở giáo dục đại học tư thục, hoạt động không vì lợi nhuận, có trụ sở tại TP. Hà Nội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội và các bộ, cơ quan liên quan tổ chức thẩm định Đề án thành lập trường Đại học ViUni theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, giáo dục và đào tạo.

  1. Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phải ký quỹ 100 triệu đồng

Ngày 31/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.

Theo đó, Nghị định quy định mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 100 triệu đồng, thay vì không phải ký quỹ như trước đây; Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là 250 triệu đồng; Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài là 500 triệu đồng.

Khi kinh doanh các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch như: Bay dù lượn, khinh khí cầu, nhảy dù, đu dây mạo hiểm hành trình trên cao; Đi xe đạp, mô tô, ô tô địa hình trên núi; Lặn dưới nước; lướt ván…thì phải có các biện pháp bảo đảm an toàn gồm: Có cảnh báo, chỉ dẫn về điều kiện khí hậu, thời tiết, sức khỏe và các yếu tố liên quan; Bố trí, sử dụng huấn luyện viên, kỹ thuật viên có chuyên môn phù hợp…

Các loại hình cơ sở lưu trú du lịch gồm: Khách sạn; Biệt thự du lịch; Căn hộ du lịch; Tàu thủy lưu trú du lịch; Nhà nghỉ du lịch; Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; Bãi cắm trại du lịch. Trong đó, khách sạn phải có tối thiểu 10 buồng ngủ, có nhân viên trực 24 giờ mỗi ngày.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

  1. Áp thuế tự vệ với một số sản phẩm phân bón

Ngày 02/03/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 686/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với một số sản phẩm phân bón.

Cụ thể, Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung đối với các sản phẩm phân bón có DAP và MAP có mã HS: 3105.10.20; 3105.10.90; 3105.20.00; 3105.30.00; 3105.40.00, 3105.51.00; 3105.59.00 và 3105.90.00 nhập khẩu từ các nước và vùng lãnh thổ khác nhau.

Mức thuế nhập khẩu bổ sung áp dụng đối với các sản phẩm nêu trên từ ngày 07/03/2018 đến ngày 06/03/2019 là 1.128.531 đồng/tấn; từ ngày 07/03/2019 đến ngày 06/03/2020 là 1.072.104 đồng/tấn và từ ngày 07/03/2020 trở đi là 0 đồng/tấn (nếu không gia hạn).

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 07/03/2018.

  1. Mạng xã hội phải gỡ bỏ nội dung vi phạm trong 3 giờ

Ngày 01/03/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Theo Nghị định này, mạng xã hội phải bảo đảm người sử dụng đồng ý thỏa thuận sử dụng dịch vụ bằng phương thức trực tuyến thì mới có thể sử dụng được các dịch vụ, tiện ích của mạng xã hội; Có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của người sử dụng. Mạng xã hội cũng phải có cơ chế loại bỏ nội dung vi phạm chậm nhất sau 03 giờ, từ khi phát hiện hoặc có yêu cầu.

Trang thông tin điện tử tổng hợp phải có quy trình để xác định phạm vi nguồn thông tin, kiểm tra thông tin trước và sau khi đăng tải; Có cơ chế kiểm soát nguồn tin, đảm bảo thông tin tổng hợp đăng tải phải chính xác theo đúng thông tin nguồn. Tương tự như mạng xã hội, trang thông tin điện tử tổng hợp cũng phải có cơ chế phối hợp để có thể loại bỏ ngay nội dung vi phạm chậm nhất sau 03 giờ, từ khi tự phát hiện hoặc có yêu cầu.

Nghị định cũng chỉ rõ, trang thông tin điện tử và mạng xã hội phải có ít nhất 01 nhân sự chịu trách nhiệm nội dung thông tin là người Việt Nam hoặc nếu là người nước phải, phải có thẻ tạm trú còn thời hạn ít nhất 06 tháng.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/04/2018.

  1. Triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong năm 2018

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 07/CT-TTg ngày 05/03/2018 về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp…

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng Nghị định về hóa đơn, chứng từ điện tử để cơ bản thực hiện trong năm 2018 đối với toàn bộ nền kinh tế; Thí điểm mô hình hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, kết nối thông tin để quản lý doanh thu bán lẻ của các hộ kinh doanh tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…

Bộ Tài chính phải chỉ đạo cơ quan thuế công khai trên Cổng thông tin điện tử danh sách xếp hạng chi tiết 1.000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam; Khẩn trương xây dựng, trình các dự án Luật sửa đổi các Luật về thuế, tháo gỡ ngay những vướng cho doanh nghiệp về thuế.

Đồng thời, đề xuất chính sách thu thuế và kế toán đơn giản, phù hợp với doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp được chuyển từ hộ kinh doanh; Rà soát, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán nhằm giảm cản trợ hoạt động của các doanh nghiệp kế toán.

  1. Mở rộng đối tượng được mua lại ô tô của cơ quan ngoại giao

Ngày 01/03/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 10/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 53/2013/QĐ-TTg ngày 13/09/2013 về việc tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, tiêu hủy, chuyển nhượng đối với xe ô tô, xe hai bánh gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam.
Theo Quyết định này, tại thời điểm chuyển nhượng, nếu năm sản xuất của ô tô quá 5 năm thì cơ quan ngoại giao, viên chức ngoại giao được chuyển nhượng xe cho đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao khác hoặc các đối tượng khác tại Việt Nam với điều kiện xe được cơ quan đăng kiểm xác nhận còn đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để lưu hành.

Trước đây, các xe này không được chuyển nhượng cho cơ quan, tổ chức, thương nhân, cá nhân tại Việt Nam; chỉ đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam mới được nhận chuyển nhượng; khi đối tượng này không có nhu cầu sử dụng xe hoặc khi kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam thì phải tái xuất khẩu hoặc tiêu hủy xe, không được phép chuyển nhượng xe tại Việt Nam.
Riêng đối với xe gắn máy của cơ quan ngoại giao, viên chức ngoại giao, quy định mới vẫn không cho phép chuyển nhượng tại Việt Nam.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 20/04/2018.

  1. Mạng xã hội phải đặt máy chủ tại Việt Nam

 Nghị định 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng có rất nhiều nội dung mới.

Một trong trong số đó là quy định về việc mạng xã hội, trang tin điện tử tổng hợp phải đảm bảo có ít nhất 01 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam, cho phép tại thời điểm bất kỳ có thể đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin.

Riêng mạng xã hội phải lưu trữ tối thiểu 02 năm đối với các thông tin về tài khoản, thời gian đăng nhập, đăng xuất, địa chỉ IP của người sử dụng và nhật ký xử lý thông tin được đăng tải; có cơ chế để loại bỏ nội dung vi phạm trong 03 giờ

Trang thông tin điện tử tổng hợp phải lưu trữ tối thiểu 90 ngày đối với nội dung thông tin tổng hợp kể từ thời điểm đăng tải; lưu trữ tối thiểu 02 năm đối với nhật ký xử lý thông tin được đăng tải.

Mạng xã hội, thông tin điện tử tổng hợp phải sử dụng ít nhất 01 tên miền “.vn” và lưu giữ thông tin về hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam. Mạng xã hội, thông tin điện tử tổng hợp của cùng một tổ chức, doanh nghiệp thì không được sử dụng cùng một tên miền.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/04/2018.

  1. Không được hỏi cung bị can nếu không có ghi âm, ghi hình

Đây là nội dung được quy định tại Thông tư liên tịch 03/2018/TTLT-BCA-VKSBDTC-TANDTC-BQP hướng dẫn về thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong điều tra, truy tố, xét xử.

Cụ thể, Thông tư liên tịch yêu cầu không được tiến hành hỏi cung, lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội tại trụ sở cơ quan điều tra nếu không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.

Trường hợp đang hỏi cung hoặc lấy lời khai mà thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh xảy ra sự cố kỹ thuật thì phải dừng ngay buổi hỏi cung, lấy lời khai. Việc này phải ghi rõ trong biên bản, có xác định của cán bộ chuyên môn.

Cũng theo Thông tư liên tịch này, trường hợp hỏi cung bị can hoặc lấy lời khai tại địa điểm khác thì được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội hoặc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh thì cán bộ hỏi cung, lấy lời khai thông báo cho bị can, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội biết, nếu họ đồng ý tiến hành làm việc; không đồng ý thì không được hỏi cung, lấy lời khai.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực từ ngày 18/03/2018.

  1. 4 quy định mới về tên miền

Tại Nghị định 27/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, Chính phủ quy định 4 điểm mới về tên miền.

Bao gồm:

- Tổ chức, doanh nghiệp không phải cơ quan báo chí, dãy ký tự tạo nên tên miền không được giống hoặc trùng với tên cơ quan báo chí.

- Trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội phải sử dụng ít nhất 01 tên miền “.vn” và lưu giữ thông tin tại hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam.

- Trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội của cùng một tổ chức, doanh nghiệp không được sử dụng cùng một tên miền.

- Tên miền phải còn thời hạn sử dụng ít nhất 06 tháng tại thời điểm đề nghị cấp phép và phải tuân thủ quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet. Đối với tên miền quốc tế phải có xác nhận sử dụng tên miền hợp pháp.

Ngoài 4 quy định mới về tên miền, Nghị định này còn đề cập đến quy định mạng xã hội phải có máy chủ tại Việt Nam và phải gỡ bỏ nội dung vi phạm trong 3 giờ.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/04/2018.

  1. Doanh nghiệp phải cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng

Đây là nội dung tại Công văn 786/LĐTBXH-TCGDNN của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp.

Cụ thể, các Bộ, ngành Trung ương có liên quan và UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn yêu cầu các doanh nghiệp phải cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động theo ngành, nghề và nhu cầu tuyển dụng lao động hàng năm trong giai đoạn 2018 - 2021. Doanh nghiệp đóng góp và tham gia đào tạo nhân lực sẽ được hưởng chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đồng thời, phân công nhân sự cụ thể phụ trách, theo dõi việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, thị trường lao động, đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp; chủ động tiếp cận, truyền thông và thiết lập kênh thông tin (website, email, điện thoại…) để hợp tác với các doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp…

Đẩy mạnh hợp tác 03 bên Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp. Đa dạng hóa các hình thức hợp tác như: Xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo; Tổ chức ký kết đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp…

  1. Thực hiện nghiêm việc không bán nước ngọt trong trường học

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có Công văn 582/BGDĐT-GDTC gửi các Sở giáo dục và đào tạo trong cả nước về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới.

Theo đó, các Sở giáo dục và đào tạo được yêu cầu thực hiện nghiêm việc không quảng cáo, không bán đồ uống có cồn, nước ngọt có ga trong trường học. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn các hoạt động buôn bán, tiếp thị các sản phẩm rượu bia và đồ uống có cồn trong  trường học, căng tin, nhà ăn tập thể, ký túc xá và xung quanh trường học.

Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các trường học tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam; triển khai Chương trình Sữa học đường phù hợp với tình hình thực tế địa phương…

Tổ chức theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, học sinh bằng biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới; phối hợp với ngành y tế trong việc can thiệp để can thiệp tình trạng dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, học sinh trong trường học…

  1. Công bố Bảng phân loại tiêu dùng theo mục đích của hộ gia đình

Ngày 01/03/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 11/2018/QĐ-TTg về Bảng phân loại tiêu dùng theo mục đích của hộ gia đình Việt Nam.

Bảng phân loại này là toàn bộ các khoản chi tiêu dùng của hộ gia đình Việt Nam về hàng hóa và dịch vụ, được sử dụng thống nhất trong hoạt động thống kê Nhà nước.

Bảng phân loại gồm có các nhóm sản phẩm như: Lương thực, thực phẩm và đồ uống không cồn (Lương thực, thịt, cá, sữa, trái cây, nước khoáng, nước có ga…); Đồ uống có cồn, thuốc lá và chất gây nghiện; Quần áo và giày dép; Nhà ở, điện nước, ga và các nhiên liệu khác; Đồ đạc, thiết bị gia đình và bảo dưỡng đồ dùng gia đình;  Giao thông vận tải (Ô tô, xe gắn máy, xe đạp…); Thông tin và truyền thông  (Điện thoại cố định, điện thoại di động thông thường; điện thoại di động thông minh và máy tính bảng)…

Ban hành kèm theo Bảng phân loại là nội dung của bảng phân loại, trong đó giải thích rõ khái niệm của từng loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 20/04/2018.

  1. Thi THPT 2018: Điểm thi được làm tròn đến 2 chữ số thập phân

Tại Thông tư 04/2018/TT-BGDĐT ngày 28/02/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sửa đổi Quy chế thi trung học phổ thông quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BGDĐT.

Theo Thông tư mới, việc chấm thi bài thi tự luận sẽ được thực hiện theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bài thi được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 02 chữ số thập phân; trong khi trước quy định điểm thi được lấy đến 0,25 và không quy tròn điểm.

Thông tư cũng quy định, thí sinh bị hủy kết quả thi và lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý nếu vi phạm một trong 05 lỗi: Giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích; Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; Để người khác dự thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức.

Trước đây, nếu như mắc các lỗi trên, thí sinh sẽ bị tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/04/2018.

  1. Công nhận 85 huyện nghèo và chính sách hỗ trợ

Danh sách các huyện nghèo và huyện thoát nghèo giai đoạn 2018 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 275/QĐ-TTg, ngày 07/03/2018.

Theo đó, Thủ tướng công nhận 56 huyện nghèo thuộc 19 tỉnh đang được hỗ trợ áp dụng cơ chế, chính sách theo quy định của Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP (Nhóm 1); 29 huyện thuộc 18 tỉnh được xét bổ sung vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 - 2020 (Nhóm 2).

56 huyện nghèo thuộc nhóm 1 có các huyện như: Vèo Mạc, Đồng Văn, Yên Minh (Hà Giang)… được thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 30a và các chính sách đặc thù quy định tại Tiểu dự án 1, Tiểu dự án 3, Tiểu dự án 4 thuộc Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo Quyết định 1722/QĐ-TTg năm 2016.

29 huyện nghèo thuộc nhóm 2 c.ó các huyện như: Bắc Trà My (Quảng Nam), Tân Phú Long (Tiền Giang), Trà Cú (Trà Vinh)… sẽ được thực hiện các chính sách đặc thù quy định tại Tiểu dự án 1, Tiểu dự án 3, Tiểu dự án 4 thuộc Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo Quyết định 1722/QĐ-TTg năm 2016 trong giai đoạn từ 2018 - 2020.

Ngoài ra, Quyết định này còn công nhận 08 huyện thoát nghèo, trong đó có: Ba Bể (Bắc Kan), Tân Sơn (Phú Thọ), Như Xuân (Thanh Hóa)… Các huyện này được thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP (trừ chính sách đầu tư và duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng) và các chính sách quy định tại Tiểu dự án 3, Tiểu dự án 4 thuộc Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo Quyết định 1722/QĐ-TTg năm 2016.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký


 

Đang truy cập: 41
Trong ngày: 454
Trong tuần: 990
Lượt truy cập: 1569350
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com