Do Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tòa án” ban hành năm 2007 đã được hơn 10 năm nên có một số điều, khoản, quy định không còn phù hợp với thực tiễn và không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật... Vì vậy, Tòa án nhân dân tối cao đang dự thảo Quy chế xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tòa án” thay thế Quy chế năm 2007.
Theo dự thảo, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tòa án” là hình thức tặng thưởng của Tòa án nhân dân để ghi nhận công lao, thành tích của các cá nhân đã có đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Tòa án nhân dân.
Kỷ niệm chương chỉ được xét tặng một lần, không có hình thức truy tặng. Việc xét tặng Kỷ niệm chương phải được thực hiện theo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục quy định, đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng, kịp thời.
Hàng năm, Tòa án nhân dân tối cao xét tặng Kỷ niệm chương vào dịp Kỷ niệm “Ngày truyền thống Tòa án nhân dân” (13/9) và xét tặng đột xuất theo Quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương
Đối tượng xét tặng Kỷ niệm chương là những cá nhân đã và đang công tác trong hệ thống Tòa án nhân dân hoặc làm công tác Hội thẩm nhân dân, Hội thẩm quân nhân, gồm: a- Cá nhân công tác tại các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao; Học viện Tòa án; các Tòa án quân sự; các Tòa án nhân dân cấp cao; các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương. b- Cá nhân làm công tác Hội thẩm nhân dân tại các Tòa án nhân dân và Hội thẩm quân nhân tại các Tòa án quân sự.
Bên cạnh đó, cũng xét tặng Kỷ niệm chương với đối tượng khác: a- Cá nhân công tác ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, bộ, ban, ngành, tỉnh, huyện, đoàn thể, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị - xã hội. b- Cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài.
Không xét, tặng Kỷ niệm chương đối với các cá nhân bị kỷ luật buộc thôi việc; bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt tù.
Tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương
Các đối tượng gồm: Cá nhân công tác tại các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao; Học viện Tòa án; các Tòa án quân sự; các Tòa án nhân dân cấp cao; các Tòa án nhân dân cấp tỉnh; các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương đạt một trong các tiêu chuẩn sau có thể được xét, đề nghị tặng Kỷ niệm chương: a- Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; b- Phó Chánh án Tòa án quân sự trung ương, Thẩm phán cao cấp được đề nghị xét tặng khi đủ 01 nhiệm kỳ. Lãnh đạo các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Học viện Tòa án, các Tòa án nhân dân cấp cao, các đơn vị thuộc Tòa án quân sự trung ương, các Tòa án nhân dân cấp tỉnh được đề nghị xét tặng khi đủ 02 nhiệm kỳ (trường hợp lãnh đạo sắp nghỉ hưu, đã nghỉ hưu hoặc chuyển công tác là 01 nhiệm kỳ) và 03 nhiệm kỳ đối với cấp phó. (Đối với lãnh đạo là nữ được giảm 1/3 thời gian so với quy định). Đồng thời, có thời gian công tác trong hệ thống Tòa án nhân dân từ đủ 20 năm trở lên (đối với nam) và từ đủ 15 năm trở lên (đối với nữ).
Cá nhân đã và đang công tác trong hệ thống Tòa án nhân dân hoặc làm công tác Hội thẩm nhân dân, Hội thẩm quân nhân được tặng thưởng Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang và Huân chương (Sao vàng, Hồ Chí Minh, Độc lập các hạng) được đề nghị xét tặng ngay sau khi có quyết định khen thưởng.
Xét tặng sớm hơn thời gian quy định từ 1-5 năm khi cá nhân được tặng thưởng “Huân chương Lao động” các hạng, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” hoặc “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, “Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân”, “Thẩm phán mẫu mực”, “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán giỏi”.
Cá nhân có thời gian công tác trong hệ thống Tòa án nhân dân mà có thời gian công tác ở các cơ quan bảo vệ pháp luật (Công an, Viện Kiểm sát…) thì thời gian công tác ở các cơ quan đó cũng được tính như thời gian công tác trong hệ thống Tòa án nhân dân, nhưng ít nhất phải công tác tại Tòa án từ đủ 5 năm.
Các đối tượng không công tác trong hệ thống Tòa án nhân dân đạt một trong các tiêu chuẩn sau có thể được xét, đề nghị tặng Kỷ niệm chương: a- Có công lao, thành tích đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Tòa án nhân dân. b- Có công trình nghiên cứu khoa học hoặc sáng kiến, giải pháp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận và có giá trị đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Tòa án nhân dân. c- Có công lao, thành tích trong quá trình thực hiện các công trình, dự án, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Tòa án nhân dân…
Cá nhân được tặng Kỷ niệm chương được nhận Kỷ niệm chương, bằng chứng nhận của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và được ghi tên vào Sổ vàng truyền thống của Tòa án nhân dân.
Tòa án nhân dân tối cao đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |