1. Từ 29/3, phạm nhân được gửi tiền về nhà

Đây là nội dung mới được Bộ Công an quy định tại Thông tư 07/2018/TT-BCA về việc phạm nhân gặp thân nhân; nhận, gửi thư; nhận tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân.

Cụ thể, phạm nhân được gửi tiền về nhà đối với: Tiền thưởng, tiền bồi dưỡng làm thêm giờ, tăng năng suất lao động. Nếu không gửi về nhà, phạm nhân có thể chuyển tiền vào lưu ký để sử dụng mua hàng hóa tại căng tin, gửi điện tín, liên lạc điện thoại với thân nhân hoặc nhận lại khi chấp hành xong án phạt tù.

Đáng chú ý, phạm nhân có thể được ăn cơm cùng với tối đa không quá 03 thân nhân tại căng tin nhà thăm gặp trong 60 phút. Việc tổ chức cho phạm nhân ăn cơm cùng thân nhân phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm tuyệt đối an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn cho thân nhân phạm nhân.

Phạm nhân được gặp vợ hoặc chồng tại phòng riêng phải cam kết chấp hành các quy định về dân số, kế hoạch hóa gia đình hiện hành. Phạm nhân nữ phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai để bảo đảm thời gian chấp hành án phạt tù.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 29/03/2018.

  1. Thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 7 địa phương

Ngày 23/03/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về việc thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyện, quận, thị xã và xã, phường, thị trấn của 07 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

07 địa phương thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm bao gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai. Việc thí điểm được thực hiện trên cơ sở sử dụng đội ngũ công chức, viên chức hiện có, không làm tăng biên chế.

Thời gian thực hiện thí điểm là 01 năm, tại không quá 25% số đơn vị hành chính cấp huyện thuộc 07 địa phương trên và không quá 20% số đơn vị hành chính cấp xã thuộc đơn vị hành chính cấp huyện được lựa chọn thí điểm.

Công chức, viên chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cấp huyện, cấp xã có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; được trang bị trang phục riêng và được hưởng chế độ theo quy định.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. 6 thủ tục lĩnh vực đăng kiểm bị bãi bỏ từ ngày 1/4/2018

Tại Quyết định 467a/QĐ-BGTVT ngày 08/03/2018, Bộ Giao thông Vận tải đã công bố danh sách 06 thủ tục hành chính bị bãi bỏ lĩnh vực đăng kiểm thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ.

Cụ thể, các thủ tục bị bãi bỏ gồm: Thủ tục cấp mới, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở chế tạo, kiểm sản phẩm thiết bị áp lực giao thông vận tải; Thủ tục cấp mới, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận cơ sở thử nghiệm; Thủ tục cấp mới, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận thợ hàn, giám sát viên hàn, nhân viên kiểm tra bằng các phương pháp DT, NDT.

Các thủ tục này đều do Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện, được bãi bỏ theo quy định của Thông tư 32/2017/TT-BGTVT ngày 26/09/2017.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/04/2018.

  1. Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm xe dù, bến cóc

Trước những thông tin phản ánh của báo chí về tình trạng xe dù, bến cóc trên địa bàn TP. Hà Nội và Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Văn phòng Chính phủ đã  ra Công văn 2743/VPCP-CN về việc xử lý thông tin này.

Tại Công văn, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia như sau: UBND TP. Hà Nội cần xem xét thông tin phản ánh về tình trạng xe dù, bến cóc trên địa bàn Thành phố, nếu đúng phải có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng trước 10/04/2018.

Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, UBND TP. Hà Nội và các địa phương liên quan có biện pháp xử lý nghiêm tình trạng xe dù, bến cóc tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 10/04/2018.

  1. Tuyển sinh trường Quân đội 2018: Rộng cửa với người từng đi nghĩa vụ công an

Đây là một trong những thay đổi mới nhất trong Thông tư 24/2018/TT-BQP ngày 10/03/2018 của Bộ Quốc phòng.

Theo đó, về tiêu chuẩn độ tuổi tính đến năm dự tuyển vào các trường Quân đội, Thông tư này quy định các thí sinh đang là quân nhân tại ngũ hoặc đã xuất ngũ, công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia công an nhân dân từ 18 đến 23 tuổi được phép tham gia dự tuyển.

Đây được coi là một trong những điểm khác biệt lớn so với mọi năm. Bởi trước đó, Thông tư 17/2016/TT-BQP chỉ quy định quân nhân tại ngũ hoặc đã xuất ngũ từ 18 đến 23 tuổi được phép dự tuyển vào các trường Quân đội, không quy định về đối tượng đã hoàn thành nghĩa vụ công an nhân dân.

Như vậy, trong kỳ tuyển sinh năm nay, những người từng tham gia nghĩa vụ công an nhân dân nếu vẫn trong độ tuổi 18 đến 23 tuổi tính đến năm dự thi có thêm lựa chọn mới trong những trường thuộc ngành quân đội.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/04/2018.

  1. Lệ phí thi lấy Chứng chỉ kế toán viên 200.000 đồng/môn thi

Thủ tục cấp Chứng chỉ kế toán viên đã được Bộ Tài chính quy định mới tại Quyết định 286/QĐ-BTC.

Theo đó, để được cấp chứng chỉ kế toán viên, phải tốt nghiệp đại học ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán hoặc tốt nghiệp chuyên ngành khác nhưng có tiết học về tài chính, kế toán, kiểm toán, thuế phải từ 7% trở lên trên tổng số tiết học. Đồng thời, phải có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán tối thiểu 36 tháng, không bao gồm thời gian làm trợ lý kiểm toán tại doanh nghiệp kiểm toán.

Người dự thi lấy Chứng chỉ kế toán viên phải dự thi 04 môn: Pháp luật về kinh tế và Luật Doanh nghiệp; Tài chính và quản lý tài chính nâng cao; Thuế và quản lý thuế nâng cao; Kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao. Lệ phí thi 200.000 đồng/môn thi.

Chứng chỉ sẽ được cấp cho người thi đạt sau 60 ngày, kể từ ngày kết thúc thi.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Phạm nhân đang bị kỷ luật vẫn được gọi điện cho người thân

Đây là một trong những nội dung mới, đáng chú ý tại Thông tư 07/2018/TT-BCA được Bộ Công an ban hành ngày 12/02/2018 và sẽ có hiệu lực từ ngày mai - 29/03/2018.

Theo đó, quy định về việc phạm nhân liên lạc qua điện thoại với người thân đã có điểm khác biệt so với quy định tại Thông tư 46/2011/TT-BCA.

Cụ thể: Phạm nhân thường xuyên vi phạm Nội quy của cơ sở giam giữ bị giam riêng; phạm nhân đang bị thi hành kỷ luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện có thể hạn chế việc liên lạc điện thoại với thân nhân nhưng không quá 3 tháng.

Trong khi đó, theo khoản 3 Điều 13 Thông tư 46/2011/TT-BCA, phạm nhân đang bị thi hành kỷ luật tại buồng kỷ luật sẽ  không được liên lạc điện thoại với thân nhân.

Việc chuyển hóa quy định từ không được liên lạc điện thoại với thân nhân sang hạn chế đối với phạm nhân đang bị kỷ luật là một trong những quy định thể hiện tính nhân văn trong Thông tư 07/2018/TT-BCA.

  1. Sắp có 5 Nghị định hướng dẫn Luật Thủy lợi

Ngày 26/03/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 344/QĐ-TTg về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủy lợi. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các Thủ tướng giao cho các Bộ, ngành liên quan là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng 5 Nghị định hướng dẫn Luật Thủy lợi, gồm:

- Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;

- Nghị định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;

- Nghị định quy định việc hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước;

- Nghị định quy định chi tiết về giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi; hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi;

- Nghị định quy định về đối tượng, phạm vi, mức, phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi.

Ngoài ra, xây dựng các Thông tư về: Quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi; Giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; khung giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi khác; sử dụng nguồn tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi sử dụng vốn Nhà nước.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Khoản chi được trừ và không được trừ khi tính thuế TNDN

 Thông tư 25/2018/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 146/2017/NĐ-CP và sửa đổi, bổ sung Thông tư 78/2014/TT-BTCThông tư 111/2013/TT-BTC đã được Bộ Tài chính ban hành ngày 16/03/2018. Thông tư này điều chỉnh quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong đó, doanh nghiệp không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đối với phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để: Trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội, quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN đối với: Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau… Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/05/2018.

  1. Bộ Y tế vận động giảm muối trong khẩu phần ăn

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 2033/QĐ-BYT ngày 28/03/2018 phê duyệt Kế hoạch quốc gia Truyền thông vận động thực hiện giảm muối trong khẩu phần ăn đề phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ và các bệnh không lây nhiễm khác giai đoạn 2018-2025.

Với mục tiêu giảm mức tiêu thụ muối trung bình của người trưởng thành xuống còn dưới 7 gam/người/ngày, kế hoạch đề ra chỉ tiêu trên 30% số cơ sở sản xuất thực phẩm bao gói sẵn có ít nhất 01 sản phẩm được giảm muối và dán nhãn sản phẩm có công bố hàm lượng muối, chỉ báo thực phẩm có nhiều muối và cảnh báo sức khỏe của ăn nhiều muối.

Kế hoạch được triển khai trên toàn quốc, từ năm 2018 đến năm 2025. Một trong các nhiệm vụ đặt ra là nghiên cứu và đưa vào sản xuất, kinh doanh các loại muối, nước chấm, gia vị mặn giảm lượng natri. Đồng thời, xây dựng các mô hình thí điểm về can thiệp giảm tiêu thụ muối tại hộ gia đình, trường học, cơ quan, xí nghiệp, nhà hàng, doanh nghiệp…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Từ 1/4, lương công chức TP. Hồ Chí Minh tăng 0,6 lần

Ngày 16/03/2018, Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý.

Nghị quyết này công bố lộ trình tăng lương cho công chức TP. Hồ Chí Minh như sau:

- Năm 2018: Tăng thêm 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ

- Năm 2019: Tăng thêm 1,2 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ

- Năm 2020: Tăng thêm 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ.

Việc tăng lương cho công chức TP. Hồ Chí Minh được thực hiện từ ngày 01/04/2018 đến hết ngày 31/12/2020.

  1. Tăng vốn điều lệ Quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa lên 100 tỷ

Đây là điều chỉnh quan trọng của Chính phủ tại Nghị định 34/2018/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây gọi là Quỹ).

Theo đó, với vai trò là Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do UBND cấp tỉnh thành lập, thực hiện cấp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ này sẽ phải có vốn điều lệ thức có tại thời điểm thành lập tối thiểu là 100 tỷ đồng, do ngân sách cấp tỉnh cấp; thay vì chỉ 30 tỷ đồng như trước đây.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ được Quỹ xem xét cấp bảo lãnh khi đáp ứng đủ các điều kiện: Có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn và đã được Quỹ thẩm định; Có phương án về vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tham gia dự án đầu tư; Không có các khoản nợ thuế từ 01 năm trở lên tại thời điểm đề nghị cấp bảo lãnh…

Tổng mức bảo lãnh tín dụng của Quỹ bảo lãnh tín dụng tính trên vốn điều lệ thực có của Quỹ bảo lãnh tín dụng không vượt quá 15% đối với một khách hàng và không quá 20% đối với một khách hàng và người có liên quan.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Năm 2025, trên 80% người dân hài lòng với dịch vụ y tế

Bộ Y tế ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới tại Quyết định 1624/QĐ-BYT ngày 06/03/2018.

Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2025 nâng tuổi thọ trung bình của người dân lên khoảng 74,5 tuổi và lên 75 tuổi năm 2030; Mở rộng tiêm chủng tối thiểu 95% với 12 loại vắc xin… Đặc biệt tăng tỉ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%.

Theo đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm đầu mối, phối hợp với cơ quan hữu quan thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh các tuyến nhằm tăng sự hài lòng của người bệnh, giải quyết tình trạng quá tải tại một số bệnh viện tuyến cuối vào năm 2020.

Đồng thời, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm thuộc lĩnh vực y tế.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Từ 1/6, TP. Hồ Chí Minh tăng mạnh phí đỗ ô tô dưới lòng đường
  2. Hồ Chí Minh sẽ áp dụng mức phí đỗ ô tô dưới lòng đường mới từ ngày 01/06/2018, theo Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐND vừa được Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành ngày 16/03/2018.

Theo đó, mức phí đỗ ô tô dưới lòng đường với ô tô đến 09 chỗ được quy định như sau:

- Tại khu vực Quận 1, Quận 3, Quận 5: Dao động 25.000 đồng/giờ - 35.000 đồng/giờ.

- Tại khu vực Quận 10 và Quận 11: Dao động từ 20.000 đồng/giờ - 30.000 đồng/giờ.

Mức phí đỗ ô tô dưới lòng đường với ô tô từ 10 chỗ đến 16 chỗ được quy định như sau:

- Tại khu vực Quận 1, Quận 3, Quận 5: Dao động từ 30.000 đồng/giờ - 40.000 đồng/giờ

- Tại khu vực Quận 10 và Quận 11: Dao động từ 25.000 đồng/giờ - 35.000 đồng/giờ.

Người đỗ xe thanh toán qua các hình thức: Nhắn tin trừ tiền trong tài khoản điện thoại, thẻ thanh toán quốc tế, thẻ thanh toán nội địa… không sử dụng tiền mặt để thanh toán.

Nghị quyết này có hiệu lực từ 01/06/2018.

  1. Hà Nội: Khẩn trương sửa chữa hệ thống phòng cháy chữa cháy chung cư

Đây là một trong những nhiệm vụ UBND TP. Hà Nội giao cho các chủ đầu tư dự án chung cư cao tầng tại Công văn 1267/UBND-ĐT về việc tăng cường hiệu lực công tác quản lý, sử dụng chung cư trên địa bàn TP.

Cụ thể, các chủ đầu tư dự án chung cư cao tầng trên địa bàn Hà Nội phải khẩn trương sửa chữa các tòa nhà, căn hộ, khu sinh hoạt công cộng, hệ thống điện, nước, cầu thang máy, phòng cháy chữa cháy, thoát nước bị hư hỏng, xuống cấp; bố trí phòng sinh hoạt cộng đồng cho cư dân làm nơi sinh hoạt, hội họp.

Đặc biệt, các chủ đầu tư cần phải quan tâm giải quyết nguyện vọng chính đáng của cư dân tại các nhà chung cư tái định cư, nhà ở xã hội; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ do di dân giải phóng mặt bằng sớm ổn định cuộc sống, hạn chế những bức xúc, mâu thuẫn với các cấp chính quyền.

Khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại của người dân đối với chủ đầu tư dự án hoặc đơn vị quản lý vận hành thì chủ đầu tư phải đối thoại, khẩn trương và chủ động giải quyết dứt điểm không để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp. Đối với các dự án để khiếu kiện kéo dài, chủ đầu tư thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết thì UBND TP sẽ xem xét lại năng lực của chủ đầu tư khi xét đề xuất dự án đầu tư khác.


 

Đang truy cập: 16
Trong ngày: 374
Trong tuần: 826
Lượt truy cập: 1564497
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com