1. Chế độ bảo hiểm xã hội với đại biểu HĐND các cấp

Công văn 1700/LĐTBXH-BHXH hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành ngày 07/05/2018.

Theo Công văn này, đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách đang làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị nếu không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thì thuộc đối tượng áp dụng chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

Cụ thể, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của đối tượng này bao gồm: Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong Hợp đồng lao động.

Trường hợp đại biểu Hội đồng nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mức thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội do người lao động lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất nhưng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

  1. Điều tra doanh nghiệp bằng Phiếu điện tử, thay Phiếu giấy

Đề án ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong Hệ thống thống kê Nhà nước giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 501/QĐ-TTg ngày 10/5/2018.

Đề án này có một số nội dung cụ thể như:

- Sử dụng công nghệ thông minh thay thế phiếu điều tra giấy bằng phiếu điều tra điện tử trong các cuộc điều tra thống kê, trong đó: Sử dụng 80% trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019; 75% trong điều tra nông thôn và nông nghiệp giữa kỳ năm 2020…

- Thay thế phiếu điều tra giấy bằng phiếu điều tra điện tử trong các công đoạn của điều tra doanh nghiệp; Xây dựng trang thông tin điện tử chuyên đề về điều tra doanh nghiệp nhằm tạo môi trường trao đổi thông tin hai chiều.

- Tích hợp, tiếp nhận hoàn chỉnh các dữ liệu hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, bảo hiểm xã hội và cơ sở dữ liệu của một số bộ, ngành để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia…

- Ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn vào năm 2020 để hiện đại hóa, giảm chi phí, nâng cao chất lượng và tăng cường khả năng dự báo đối với một số chỉ tiêu thống kê trong các lĩnh vực thống kê giá và thị trường bất động sản.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Tai nạn giao thông đường sắt được phân thành 4 mức độ

Quy định về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt đã được Bộ Giao thông Vận tải ban hành tại Thông tư 23/2018/TT-BGTVT ngày 04/05/2018.

Theo quy định, tai nạn giao thông đường sắt được phân thành 04 mức độ:

- Ít nghiêm trọng: Tai nạn có từ 01 đến 05 người bị thương hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 20 triệu đến dưới 100 triệu đồng là tai nạn ít nghiêm trọng.

- Nghiêm trọng: Tai nạn có từ 01 người chết hoặc 06 - 08 người bị thương hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 100 đến dưới 500 triệu đồng.

- Rất nghiêm trọng: Tai nạn có 02 người chết hoặc có từ 09 đến 10 người bị thương hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đến dưới 01 tỷ 500 triệu đồng.

- Đặc biệt nghiêm trọng: Tai nạn có từ 03 người chết trở lên hoặc có từ 11 người bị thương trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 01 tỷ 500 triệu đồng trở lên.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

  1. Dừng bổ nhiệm công chức lãnh đạo cấp Chi cục Thuế

Ngày 09/05/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị 01/CT-BTC về việc triển khai kế hoạch sắp xếp, sáp nhập Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành Chi cục Thuế khu vực trực thuộc Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại Chỉ thị này, Bộ Tài chính chỉ đạo phải thực hiện tốt công tác cán bộ và công tác nội vụ trong quá trình sắp xếp, sáp nhập Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã. Cụ thể như sau:

- Dừng việc bổ nhiệm mới công chức lãnh đạo cấp Chi cục và tương đương thuộc các Cục Thuế và cấp Đội thuộc các Chi cục Thuế trên toàn quốc.

- Đối với cấp trưởng (Chi cục trưởng, Đội trưởng): Ưu tiên bố trí các chức danh tương đương trong đơn vị; không thể bố trí các chức danh tương đương thì xem xét bố trí vị trí cấp phó tại các bộ phận phù hợp và được ưu tiên xem xét bổ nhiệm cấp trưởng khi đơn vị có nhu cầu.

- Đối với cấp phó (Chi cục Phó và Đội  phó): Trong thời gian thực hiện, việc sắp xếp, số lượng cấp phó của các Chi cục Thuế do sắp xếp, sáp nhập có thể trước mắt cao hơn so với quy định; khi có cấp phó nghỉ hưu hoặc điều chuyển công tác thì không được bổ sung

- Xem xét hỗ trợ công chức tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi.

  1. Phó Thủ tướng chỉ đạo khen thưởng Hiệp sĩ dũng cảm hi sinh

Liên quan đến sự việc nhóm hiệp sĩ quận Tân Bình bị các đối tượng trộm xe máy sử dụng hung khí tấn công gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, hôm nay (14/5), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 607/CĐ-TTg.

Tại Công điện, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương nhóm hiệp sĩ đã dũng cảm sẵn sàng hi sinh thân mình góp phần bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố và gửi lời chia buồn sâu sắc đến các nạn nhân.

UBND TP. Hồ Chí Minh phải khẩn trương tổ chức thăm hỏi, động viên, có hình thức khen thưởng và hỗ trợ thích đáng, kịp thời đối với các nạn nhân và gia đình người bị nạn.

Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng sớm điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng; đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm, tăng cường tuần tra, bảo đảm an ninh, trật tự; có biện bảo đảm an toàn cho người dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh, Tổ quốc.

  1. Công bố Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ

Ngày 12/04/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 07/2018/TT-BYT quy định chi tiết một số điều về kinh doanh dược của Luật Dược và Nghị định 54/2017/NĐ-CP. Một trong những nội dung nổi bật của Thông tư này là công bố Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ.

Thuốc hạn chế bán lẻ là thuốc có yêu cầu giám sát chặt chẽ việc kê đơn, bán thuốc theo đơn và sử dụng để bảo đảm an toàn, hiệu quả, tránh lạm dụng thuốc trong điều trị mà việc lạm dụng thuốc có thể gây ra tình trạng lệ thuộc thuốc hoặc không đáp ứng khi sử dụng thuốc đó hoặc thuốc khác.

Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ bao gồm một số loại thuốc điều tri lao như: Streptomycin; Kanamycin; Amikacin; thuốc điều trị HIV như: Nevirapine; Ritonavir đơn thành phần hoặc phối hợp với Lopinavir…

Căn cứ vào bệnh tật của địa phương, Sở Y tế có văn bản cho phép bán lẻ một số thuốc thuộc Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ; cơ cấu bệnh tật của địa phương được xác định trên niên giám thống kê về y tế, các khảo sát, nghiên cứu khoa học đã được công bố…

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/06/2018.

  1. Chính phủ nhất trí xây dựng Nghị định về tổ hợp tác

Ngày 14/5/2018, Chính phủ ra Nghị quyết 55/NQ-CP xây dựng Nghị định về tổ hợp tác, trên cơ sở ý kiến của các thành viên Chính phủ và giải trình, tiếp thu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Nghị quyết nêu rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định về tổ hợp tác trình Chính phủ trong năm 2018. Trong quá trình xây dựng Nghị định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia của các thành viên Chính phủ phù hợp với Bộ luật Dân sựLuật Doanh nghiệp và hệ thống pháp luật.

Trong đó lưu ý tới một số nội dung sau:

- Không đăng ký tổ hợp tác

- Không ban hành chính sách hỗ trợ riêng cho tổ hợp tác mà lồng ghép chính sách hỗ trợ trong chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã để bảo đảm sự công bằng.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. 4 trường hợp được coi là phạm tội lần đầu

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định phạm tội lần đầu là một trong các điều kiện để được tha tù trước thời hạn. Toà án nhân dân tối cao mới đây đã hướng dẫn về các trường hợp được coi là phạm tội lần đầu tại Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP.

Các trường hợp được coi là phạm tội lần đầu bao gồm:

- Trước đó chưa phạm tội lần nào;

- Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự;

- Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng;

- Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích.

Trong đó;

Miễn trách nhiệm hình sự là các trường hợp vì những lý do đáng được khoan hồng đặc biệt, mặc dù Tòa án kết tội nhưng trong bản án kết tội lại tuyên miễn hình phạt đối với người phạm tội thì trách nhiệm hình sự mà người phạm tội phải chịu chỉ giới hạn ở phạm vi bị kết tội. Các căn cứ miễn trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng là biện pháp tư pháp do Tòa án quyết định đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nếu thấy do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của người đó mà cần đưa người đó vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ. Thời gian áp dụng biện pháp này là từ 01 năm đến 02 năm.

Không có án tích là các trường hợp gồm: Đương nhiên được xóa án tích; Xóa án tích theo quyết định của Tòa án; Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt. Ngoài ra, người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích.

Trên đây là một số quy định hướng dẫn về phạm tội lần đầu theo Bộ luật Hình sự năm 2015 tại Nghị quyết 01/2018/NQ-HĐTP. Ngoài ra, Nghị quyết này còn có hướng dẫn cụ thể về điều kiện rút ngắn thời gian thử thách với người được tha tù trước thời hạn.

  1. Cấm “mua chuộc” bác sĩ để bán thuốc

Đây là một trong những yêu cầu được Bộ Y tế đặt ra đối với người giới thiệu thuốc tại Thông tư 07/2018/TT-BYT ngày 12/04/2018, có hiệu lực từ ngày 01/06/2018.

Theo đó, người giới thiệu thuốc của các cơ sở kinh doanh dược không được thực hiện các hành vi sau:

- Sử dụng lợi ích vật chất dưới mọi hình thức tác động đến bác sĩ, người dùng thuốc để thúc đẩy việc kê đơn, mua bán, sử dụng thuốc;

- So sánh, giới thiệu thuốc của cơ sở mình tốt hơn thuốc của cơ sở khác mà không có tài liệu khoa học đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kèm theo để chứng minh;

- Giới thiệu thông tin thuốc không đúng với nội dung đã đăng ký; giới thiệu thuốc khi không được cơ sở sở kinh doanh dược phân công; giới thiệu sản phẩm không phải là thuốc;

- Có hoạt động liên quan đến việc mua, bán, ký gửi thuốc với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;

- Tiếp cận người bệnh, hồ sơ bệnh án, đơn thuốc, thảo luận hoặc yêu cầu cung cấp thông tin liên liên quan đến người bệnh.

Cũng theo Thông tư này, người giới thiệu thuốc phải là người có trình độ cao đẳng y, dược trở lên và được huấn luyện, đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn đến hoạt động giới thiệu thuốc. Khi đi giới thiệu thuốc phải đeo thẻ.

Ngoài ra, một nội dung đáng chú ý khác của Thông tư này cũng công bố Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ.

  1. Gây oan sai, công chức phải hoàn trả bằng lương

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 68/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; trong đó yêu cầu người thi hành công vụ gây oan sai phải dùng tiền lương để hoàn trả số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị oan sai.

Lương để hoàn trả là lương cơ sở nhân với hệ số theo ngạch, bậc tại thời điểm có quyết định hoàn trả; trường hợp đã nghỉ việc thì việc hoàn trả căn cứ vào lương của người đó tại thời điểm trước khi nghỉ việc.

Trường hợp công chức cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự phải hoàn trả như sau:

- Nếu Nhà nước đã bồi thường hơn 100 tháng lương của người thi hành công vụ gây thiệt hại, mức hoàn trả là 50 tháng lương của người đó;

- Nếu Nhà nước đã bồi thường từ trên 80 – 100 tháng lương, mức hoàn trả từ 40 – 50 tháng lương nhưng tối đa 50% số tiền mà Nhà nước bồi thường;

- Nếu Nhà nước đã bồi thường từ 60 – 80 tháng lương, mức hoàn trả từ 30 – dưới 40 tháng lương nhưng tối đa 50% số tiền mà Nhà nước đã bồi thường;

- Nếu Nhà nước đã bồi thường thấp hơn 60 tháng lương, mức hoàn trả bằng 50% số tiền Nhà nước đã bồi thường.

  1. Cán bộ Kiểm toán Nhà nước được thưởng đến 0,8 lần lương

Nghị định 66/2018/NĐ-CP quy định về chế độ ưu tiên đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước đã được Chính phủ ban hành ngày 12/05/2018.

Nghị định nêu rõ, hàng năm, Kiểm toán Nhà nước sử dụng số kinh phí 5% số tiền do Kiểm toán Nhà nước phát hiện từ các khoản tăng thu ngân sách Nhà nước; các khoản đã chi ngân sách sai chế độ đã được nộp lại ngân sách nhà nước... để chi khuyến khích, thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước không vượt quá 0,8 lần mức lương do Nhà nước quy định, gồm lương ngạch bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp.

Số kinh phí còn lại sau khi chi khuyến khích, thưởng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Kiểm toán Nhà nước được sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường năng lực hoạt động của ngành.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

  1. Tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh

Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo đã được Chính phủ ban hành ngày 15/5/2018 vừa qua.

Bãi bỏ, đơn giản hoá 50% điều kiện kinh doanh

Năm 2018, Chính phủ hạ quyết tâm hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.

Đồng thời, giảm ít nhất 50% Danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý Nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm; xóa bỏ tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý của nhiều cơ quan…

Giảm thời gian nộp thuế còn 119 giờ

Chính phủ giao cho Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện chỉ số Nộp thuế, phấn đấu giảm thời gian nộp thuế (không bao gồm thời gian nộp bảo hiểm xã hội) xuống còn 119 giờ.

Bên cạnh đó, cần công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm 100% hồ sơ hoàn thuế thuộc diện phải kiểm tra và phấn đấu đến năm 2020 có 100% hồ sơ khiếu nại của người nộp thuế được giải quyết đúng hạn.

Miễn visa đến 30 ngày cho công dân 12 nước

Chính phủ chủ trương sẽ tăng số ngày miễn visa từ 15 ngày lên 30 ngày cho công dân 12 nước đã được miễn visa (Nga, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Hàn Quốc, Nhật Bản…) phù hợp với độ dài các tour xuyên Việt và số ngày nghỉ phép của du khách.

Ngoài ra, xem xét bổ sung một số nước vào diện miễn visa du lịch, có thể gồm: Canada, Úc, New Zealand, Bỉ, Thụy Sỹ, Hà Lan…

  1. Công bố 12 thủ tục hành chính sửa đổi lĩnh vực y tế

Ngày 16/5/2018, Bộ Y tế ban hành Quyết định 2968/QĐ-BYT công bố thủ tục hành chính sửa đổi được quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế.

Tại Quyết định này, Bộ Y tế công bố 12 thủ tục hành chính lĩnh vực y tế sửa đổi, trong đó có: Khám giám định thương tật lần đầu do tai nạn lao động; Khám giám định lần đầu do bệnh nghề nghiệp; Khám giám định để thực hiện chế độ hưu trí đối với người lao động; Khám giám định để hưởng bảo hiểm xã hội một lần; Khám giám định lại đối với trường hợp tái phát tổn thương do tai nạn lao động…

Trong đó, thủ tục Khám giám định để hưởng bảo hiểm xã hội một lần được hướng dẫn như sau:

- Người lao động hoặc tổ chức sử dụng lao động gửi hố sơ xin giám định cho Cơ quan thường trực của Hội đồng Giám định y khoa cấp tỉnh

- Căn cứ hồ sơ, Cơ quan thường trực xem xét, tổ chức khám giám định theo đúng thời gian; Trường hợp không khám giám định, trong thời gian 10 ngày làm việc, Hội đồng giám định trả lời bằng văn bản cho cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu giám định biết, nêu rõ lý do

- Trong 10 ngày làm việc kể từ ngày Hội đồng có kết luận, cơ quan thường trực Hội đồng Giám định y tế có trách nhiệm phát hành Biên bản giám định y tế.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 16/05/2018.

  1. Hướng dẫn định mức xây dựng giá dịch vụ khám, chữa bệnh

Ngày 16/5/2018, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 2704/BYT-KH-TC hướng dẫn định mức xây dựng giá dịch vụ khám, chữa bệnh, trong đó nêu rõ, định mức này không được hiểu là định mức tối đa, không được sử dụng làm căn cứ thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cụ thể.

Về thanh toán khi lượt khám vượt định mức

Bộ Y tế đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh tổ chức giám định để xác định thực tế số lượt khám bệnh của người có thẻ bảo hiểm y tế, không được yêu cầu các bệnh viện chỉ được khám tối đa theo định mức tính giá/1 bàn khám hoặc 1 bác sĩ khám.

Về dịch vụ chẩn đoán hình ảnh

Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải tổ chức giám định để xác định thực tế số ca chụp X quang, số ca chiếu, chụp, chẩn đoán hình ảnh của người có thẻ BHYT; không được yêu cầu các bác sỹ chỉ được đọc tối đa số phim theo định mức tính giá. Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn thanh toán trong các trường hợp vượt định mức giá sau.

Về thanh toán với các giường bệnh không có điều hòa

- Chi phí sử dụng điều hòa nhiệt độ chỉ tính trong giá ngày giường bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I và II, chưa tính trong giá ngày giường bệnh của bệnh viện hạng III, hạng IV nên các bệnh này không có điều hòa thì không được trừ 15% giá tiền ngày giường mà phải thanh toán đủ 100% giá ngày giường theo hạng.

- Sử dụng 15% tiền khám bệnh, tiền ngày giường thu được để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng khu vực khám, chữa bệnh, các khoa điều trị

Về Công văn 2241/BHXH-CSYT năm 2017

Công văn nêu trên chỉ là Công văn của Bảo hiểm xã hội gửi Bộ Y tế để đề nghị hướng dẫn việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, không được sử dụng làm cơ sở để giám định bảo hiểm y tế. Tương tự, các Công văn khác của Bảo hiểm xã hội gửi Bộ Y tế không được áp dụng trong việc giải quyết vướng mắc trong giám định, thanh toán bảo hiểm y tế.

  1. Hà Nội cấm dạy thêm với học sinh tiểu học

Sở Giáo dục và Đào tạo vừa ra Công văn 1819/SGD-GDTX-CN gửi các Phòng giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã trên địa bàn về việc tăng cường quản lý công tác dạy thêm, học thêm.

Công văn nêu rõ:

- Các tổ chức, cá nhân không được tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

- Các trường phải rà soát, kiểm tra việc tổ chức dạy thêm của cán bộ, giáo viên trong và ngoài nhà trường, kịp thời chấn chỉnh xử lý những tổ chức, cá nhân tự mở lớp, ép buộc học sinh học thêm trái quy định hiện hành.

- Các Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu với UBND các quận, huyện, thị xã quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép, gia hạn, thu hồi giấy phép nếu có sai phạm của các tổ chức, cá nhân dạy thêm trong và ngoài nhà trường trên địa bàn.

- Phòng Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm trước Sở và UBND quận, huyện, thị xã về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn theo quy định.

Công văn này được ban hành ngày 17/05/2018.

  1. Chính thức có Nghị định tăng lương cơ sở

Ngày 15/05/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 72/2018/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Theo Nghị định này, từ ngày 01/07/2018, mức lương cơ sở là 1,39 triệu đồng/tháng, thay cho mức 1,3 triệu đồng/tháng trước đây. Mức lương này được dùng làm căn cứ tính mức lương trong bảng lương, phụ cấp; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật, tính các khoản trích và chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Các đối tượng áp dụng bao gồm:

- Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện

- Cán bộ, công chức cấp xã

- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập

- Người làm việc theo chế độ hợp đồng xếp lương theo cán bộ, công chức

- Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội và Công an nhân dân…

Trước đó, tại Nghị quyết 49/2017/QH14, Quốc hội cũng đã thống nhất chủ trương tăng lương cơ sở lên 1,39 triệu đồng/tháng.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.

  1. Thu hồi Giải thưởng chất lượng quốc gia nếu có gian lận

Đây là nội dung mới được bổ sung tại Nghị định 74/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Cụ thể, trong thời gian 03 năm, kể từ ngày tổ chức, doanh nghiệp đạt Giải thưởng chất lượng quốc gia, nếu bị phát hiện có hành vi gian lận về hồ sơ trong quá trình tham dự Giải hoặc vi phạm các quy định pháp luật làm ảnh hưởng đến uy tín của Giải thưởng thì cơ quan thường trực của Giải thưởng căn cứ vào mức độ vi phạm của tổ chức, doanh nghiệp để xem xét, kiến nghị thu hồi, hủy bỏ kết quả trao tặng.

Việc thu hồi, hủy bỏ kết quả đã trao tặng đối với tổ chức, doanh nghiệp đạt Giải thưởng chất lượng quốc gia phải được công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Cũng theo Nghị định, các tổ chức, doanh nghiệp đạt Giải thưởng chất lượng quốc gia được phép thông báo, tuyên truyền, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức giới thiệu khác; được sử dụng biểu tượng trên sản phẩm; Được ưu tiên vay vốn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia…

Nghị định này được ban hành ngày 15/5/2018, có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

  1. Đề án tạo bước đột phá về giáo dục hướng nghiệp

Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo duc phổ thông giai đoạn 2018 – 2025 được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong các trường phổ thông.

Đề án này đề ra mục tiêu đến năm 2020, 55% trường trung học cơ sở và 60% trường trung học phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến năm 2025, mục tiêu này là 100%.

Năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các trường dạy nghề trình độ sơ cấp và trung cấp; 40% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông được học các trường dạy nghề trình độ cao đẳng…

Đề án cũng nêu rõ, sẽ xây dựng mô hình thí điểm về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông tại một số địa phương đại diện cho các vùng kinh tế, trong đó áp dụng phương thức hướng nghiệp tiên tiến, có sự tham gia của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp.

Đề án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 và có hiệu lực cùng ngày.


 

Đang truy cập: 5
Trong ngày: 110
Trong tuần: 202
Lượt truy cập: 1561282
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com