1. 5 điều kiện được hưởng án treo

Ngày 15/5/2018, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ra Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo.

Nghị quyết quy định cụ thể về các điều kiện được hưởng án treo như sau:

- Bị xử phạt tù không quá 03 năm;

- Có nhân thân tốt (ngoài phạm tội lần này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật);

- Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 và không có tình tiết tăng nặng;

- Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục;

- Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo, cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

  1. Chỉ thị của Thủ tướng về phòng, chống phần mềm độc hại

Trước thực trạng lây nhiễm mã độc tại Việt Nam hiện nay đáng báo động, ngày 25/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 14/CT-TTg về việc nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại.

Chỉ thị nêu rõ:

- Có các giải pháp phòng, chống mã độc bảo vệ cho 100% máy chủ, máy trạm, thiết bị đầu cuối liên quan và có cơ chế tự động cập nhật phiên bản hoặc dấu hiệu nhận dạng mã độc mới.

- Các cơ quan Nhà nước mua sắm các thiết bị điện tử có kết nối internet cần kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin; trước khi đưa vào sử dụng cần thiết lập cấu hình an toàn thông tin phù hợp với quy định; Tuyệt đối không sử dụng cấu hình mặc định.

- Tăng cường sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử tại các đơn vị, tổ chức trong phạm vi bộ, ngành, địa phương

- Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập và duy trì hoạt động Nhóm chuyên gia để phối hợp phân tích, xác định, phát hiện ra các mã độc đặc biệt nguy hiểm, các mạng máy tính nhiễm độc lớn; tư vấn các giải pháp xử lý…

  1. Đào tạo bán hàng đa cấp ít nhất 8 tiếng

Ngày 24/05/2018, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 10/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Thông tư này quy định về khung chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, kiểm tra xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp.

Theo đó, khung chương trình đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp phải đảm bảo: Thời lượng đào tạo tối thiểu 08 tiếng; Chương trình đào tạo gồm 5 nội dung: Tổng quan về bán hàng đa cấp; Pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp; Quy tắc đạo đức nghề nghiệp bán hàng đa cấp; Pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Pháp luật về quảng cáo.

Việc kiểm tra và đánh giá kết quả kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp được thực hiện dưới hình thức tự luận hoặc trắc nghiệm trong thời gian tối thiểu 60 phút; Điểm kiểm tra chấm theo thang điểm 100, bài thi dưới 90 điểm đối với thi trắc nghiệm và dưới 75 điểm với thi tự luận là không đạt yêu cầu.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/7/2018.

  1. Hướng dẫn giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu

Ngày 15/05/2018, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Tòa án nhân dân.

Theo hướng dẫn của Nghị quyết này:

- Cá nhân được quyền ủy quyền cho pháp nhân hoặc cá nhân khác tham gia tố tụng để giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

- Pháp nhân có quyền ủy quyền cho pháp nhân hoặc cá nhân khác khởi kiện, tham gia tố tụng để giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu

- Cá nhân, pháp nhân được ủy quyền được ủy quyền lại cho pháp nhân, cá nhân khác tham gia tố tụng nếu được bên ủy quyền đồng ý bằng văn bản.

- Khi giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, nếu hợp đồng ủy quyền được xác lập trước 1/1/2017 mà nội dung, hình thức phù hợp với Bộ luật Dân sự 2015 và tại thời điểm Tòa án thụ lý vụ án không phát sinh tranh chấp về hợp đồng ủy quyền đó thì hợp đồng này được công nhận có hiệu lực mà không cần phải xác lập lại.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018 đến ngày 15/08/2022 (ngày Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực).

  1. Thi THPT quốc gia: Các bệnh viện sẵn sàng 5 - 10 giường bệnh

Đây là một trong những nội dung được quy định tại Công văn 2956/BYT-KCB của Bộ Y tế về bảo đảm y tế cho kỳ thi THPT quốc gia, tuyển sinh Đại học và cao đẳng năm 2018.

Cụ thể, để đảm bảo sức khỏe cho các thí sinh, Bộ Y tế yêu cầu mỗi bệnh viên chuẩn bị sẵn sàng từ 5 – 10 giường bệnh và đảm bảo cơ số thuốc và trang thiết bị thiết yếu sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân.

Sở Y tế xây dựng Kế hoạch cụ thể về công tác y tế phục vụ kỳ thi; đảm bảo cấp cứu y tế, cấp cứu thảm họa (cháy nổ, tai nạn giao thông…), vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm và cử cán bộ làm đấu mối thông tin liên lạc 24/24 để Ban Tổ chức thi liên lạc khi cần.

  1. Người dưới 18 tuổi phạm tội nhiều lần vẫn có thể hưởng án treo

Tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể về những trường hợp không được hưởng án treo.

Bao gồm:

- Người phạm tội nhiều lần, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi

- Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi

- Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị truy nã

- Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo

- Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Ngoài ra, Nghị quyết này cũng quy định cụ thể về 5 điều kiện được hưởng án treo.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

  1. Không có “vùng cấm” trong xử lý tham nhũng

Nội dung này nằm trong Quy định số 01-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung Ương về trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Quy định chỉ rõ: Đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào, có dấu hiệu tham nhũng đều phải được xem xét làm rõ và xử lý nghiêm, “không có vùng cấm”. Tổ chức đảng, đảng viên có hành vi dung túng, bao che tham nhũng hoặc cản trở, can thiệp trái quy định vào việc xử lý các vụ việc tham nhũng sẽ được xử lý nghiêm.

Khi tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu về tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra có trách nhiệm yêu cầu đảng viên không được xuất cảnh; Đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt đảng; Yêu cầu đảng viên giữ nguyên hiện trạng tài sản; Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu đảng viên đến cơ quan Ủy ban kiểm tra giải trình làm rõ các vấn đề liên quan; Có biện pháp bảo đảm bí mật thông tin cho người tố cáo.

  1. Hướng dẫn tính thuế thu nhập cá nhân với phụ cấp

Ngày 18/5/2018, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn 1840/TCT-TNCN hướng dẫn xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân đối với một số khoản phụ cấp.

Theo đó:

- Cán bộ, công chức, viên chức được hưởng một số khoản phụ cấp như: Phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp đặc biệt theo đúng quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì các khoản phụ cấp này không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.

- Cán bộ, công chức, viên chức được hưởng các khoản phụ cấp nêu trên cao hơn mức quy định tại các văn bản hiện hành của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì phần phụ cấp  vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.

  1. Sửa đổi nhiều chính sách thuế để phát triển công nghiệp

Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, xét đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 598/QĐ-TTg ngày 25/5/2018.

Theo kế hoạch, để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp, Bộ Tài chính sẽ chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung một số chính sách thuế liên quan đến các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước.

Cụ thể:

- Điều chỉnh giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm thúc đẩy sản xuất và thu mua các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước;

- Điều chỉnh các quy định liên quan đến thuế giá trị gia tăng nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu;

- Sửa đổi các quy định về thuế nhập khẩu.

- Đề xuất ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, phí… đối với phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế và khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp nội địa, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Sẽ đưa khởi nghiệp vào chương trình đào tạo đại học

Ngày 24/5/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Công văn 2101/BGDĐT-KHCNMT về hướng dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tại Công văn này, Bộ yêu cầu:

- Các cơ sở giáo dục đại học xem xét, bổ sung vào chương trình đào tạo các chuyên đề, nội dung liên quan khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo hướng linh hoạt phù hợp với ngành đào tạo.

- Chủ động kết nối với doanh nghiệp về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo điều kiện cho sinh viên định hướng xây dựng các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo cơ chế, ký kết các chương trình hợp tác cụ thể với doanh nghiệp.

- Thường xuyên tổ chức các hoạt động thực tập, trải nghiệm tại doanh nghiệp, các tổ chức có liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tạo điều kiện cho sinh viên được tiếp xúc với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

  1. Chính sách hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp

Ngày 24/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 83/2018/NĐ-CP về khuyến nông, trong đó quy định cụ thể về nhiều chính sách hỗ trợ với hoạt động chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp thông qua hoạt động khuyến nông.

Theo đó, đối tượng chuyển giao công nghệ và nhận chuyển giao công nghệ được hỗ trợ 100% chi phí tài liệu, tiền ăn, đi lại, nơi ở trong thời gian tham dự đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, khảo sát học tập khuyến nông. Người tham gia giảng dạy, trợ giảng, hướng dẫn tham gia, tổ chức lớp học được hưởng 100% các chế độ theo quy định.

Đồng thời, Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 100% kinh phí xây dựng nội dung tuyên truyền khuyến nông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tài liệu, ấn phẩm, tổ chức sự kiện khuyến nông. Đối tượng chuyển giao và nhận chuyển giao khi tham gia các dự kiện khuyến nông được hỗ trợ chi phí tài liệu, đi lại, tiền ăn, nơi ở.

Cũng theo Nghị định này, các tổ chức, cá nhân tham gia xã hội hóa hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp được vinh danh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; được hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi khi tham gia hoạt động khuyến nông, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp…

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10/7/2018.

  1. Giảm dần chi phí quản lý bảo hiểm xã hội giai đoạn 2019 - 2021

Nghị quyết 528/2018/UBTVQH14 về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019 - 2021 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 26/5/2018.

Mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trong giai đoạn này được quy định như sau:

- Mức chi phí quản lý BHXH năm 2019 bằng 2,15%, năm 2020 bằng 2% và năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi BHXH được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH.

- Mức chi phí quản lý BHTN năm 2019 bằng 2,15%, năm 2020 bằng 2% và năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi BHTN được trích từ quỹ BHTN.

Mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Bộ Công an, người lao động thực hiện chính sách BHTN của ngành lao động - thương binh và xã hội bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

  1. 101 thủ tục chứng khoán được sửa đổi, ban hành mới

Ngày 28/05/2018, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 803/QĐ-BTC công bố thủ tục hành chính mới ban hành và được sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực chứng khoán thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Công bố kèm theo Quyết định này 101 thủ tục trong lĩnh vực chứng khoán thuộc quản lý của Bộ Tài chính trong đó có 01 thủ tục mới ban hành; sửa đổi 100 thủ tục.

Cụ thể, ban hành mới thủ tục Đăng ký tăng vốn điều lệ của công ty chứng khoán là công ty trách nhiệm hữu hạn do Ủy ban chứng khoán nhà nước thực hiện.

Thủ tục hành chính được sửa đổi, điển hình: Đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng; Đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng; Cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty quản lý quỹ; Đề nghị xác nhận tăng, giảm vốn điều lệ quỹ thành viên; Đăng ký thành lập quỹ đầu tư bất động sản…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Mở rộng hệ thống Quản lý hải quan tự động trên toàn quốc

Ngày 30/5/2018, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch số 3009/KH-TCHQ triển khai hệ thống Quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi.

Tại Kế hoạch này, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị triển khai mở rộng hệ thống Quản lý hải quan tự động trên phạm vi toàn quốc, nhằm giảm thời gian giải phóng hàng, chi phí, giấy tờ, thời gian đi lại cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Hệ thống Quản lý hải quan tự động sẽ được ưu tiên triển khai trước với những doanh nghiệp, hải quan sau:

- Có tần suất giao dịch, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn;

- Mức độ sẵn sàng cao về hệ thống công nghệ thông tin;

- Triển khai đồng bộ từ cảng đến kho, bãi đảm bảo sự gắn kết giữa các khâu nghiệp vụ trong việc giám sát vận chuyển hàng hóa.

  1. Mua cổ phần từ doanh nghiệp Nhà nước phải đặt cọc 10%

Đây là nội dung của Thông tư 40/2018/TT-BTC hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu cổ phần hóa của doanh nghiệp Nhà nước và công ty TNHH một thành do doanh nghiệp Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Thông tư chỉ rõ:

- Nhà đầu tư mua cổ phần phải nộp tiền đặt cọc bằng 10% giá trị cổ phần đặt mua theo giá khởi điểm trong 05 ngày làm việc, trước ngày đấu giá theo quy định tại Quy chế bán đấu giá.

- Trong 05 ngày làm việc tính từ ngày công bố kết quả đấu giá, tổ chức thực hiện bán đấu giá có trách nhiệm thanh toán hoàn trả tiền đặt cọc cho nhà đầu tư có tham gia đấu giá hợp lệ nhưng không được mua cổ phần.

- Người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ được mua cổ phần với giá ưu đãi bằng 60% giá trị một cổ phần tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 18/6/2018.

  1. Quy định mới nhất về tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng

Ngày 29/5/2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra Quyết định 1158/QĐ-NHNN về tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Trong đó, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng (trừ Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Hợp tác xã) được ấn định như sau:

- Đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng: 3% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc;

- Đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam kỳ hạn từ 12 tháng trở lên: 1% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc;

- Đối với ngoại tệ của các tổ chức tín dụng ở nước ngoài: 1% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc;

- Đối với ngoại tệ phải tính dự trữ bắt buộc khác không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng là 8% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc;

- Đối với ngoại tệ phải tính dự trữ bắt buộc khác kỳ hạn từ 12 tháng trở lên: 6% trên tổng số dư tiền gửi phải tính dự trữ bắt buộc.

Quyết định này có hiệu lực từ kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng 6/2018.

  1. Có dấu hiệu tham nhũng, Đảng viên bị cấm xuất cảnh

Theo Quy định số 01-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Ủy ban Kiểm tra có quyền yêu cầu Đảng viên không được xuất cảnh nếu có dấu hiệu vi phạm về tham nhũng.

Nếu cần thiết, Ủy ban Kiểm tra sẽ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện bỏ trốn.

Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra cũng sẽ yêu cầu Đảng viên giữ nguyên hiện trạng tài sản; khi cần thiết, đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản và các biện pháp khác theo quy định đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện che giấu, tẩu tán tài sản.

Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra có quyền đình chỉ sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt đảng theo thẩm quyền. Khi cần thiết, báo cáo đề nghị cấp ủy đình chỉ hoặc yêu cầu đình chỉ chức vụ đối với đảng viên hoặc yêu cầu tạm đình chỉ công tác cán bộ, đảng viên có dấu hiệu tham nhũng.


 

Đang truy cập: 2
Trong ngày: 71
Trong tuần: 164
Lượt truy cập: 1561221
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com