1. Khẩn trương di dời dân ra khỏi chung cư cũ, nguy hiểm

Ngày 13/6/2018, Bộ Xây dựng đã ra Công văn 1405/BXD-QLN về thực hiện Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng lại nhà chung cư cũ, hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, Bộ Xây dựng yêu cầu UBND tỉnh, thành phố:

- Khẩn trương tổ chức di dời và bố trí tạm cư cho các hộ gia đình đang sinh sống tại các nhà chung cư cũ đã được xác định thuộc diện nguy hiểm, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho các hộ dân trước mua mưa bão;

- Lập, phê duyệt, công bố quy hoạch xây dựng phân khu 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực, dự án có nhà chung cư cũ làm cơ sở để triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư trên địa bàn .

- Ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích hỗ trợ đầu tư xây dựng và việc bồi thường hỗ trợ tái định cư khi thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn.

- Chủ động tạo lập quỹ nhà để bố trí tái định cư, bố trí tạm cư và tổ chức di dời các hộ gia đình đang sinh sống tại các nhà chung cư cũ thuộc diện nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ, cần phải phá dỡ để xây dựng lại…

  1. Hướng dẫn phối hợp thi hành quyết định phá sản

Thông tư liên tịch 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC về phối hợp trong thi hành quyết định của Tòa án giải quyết phá sản đã được Liên bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 12/6/2018.

Thông tư liên tịch này hướng dẫn một số nội dung về phối hợp thi hành quyết định phá sản như sau:

- Sau khi nhận được thông báo của Tòa án về thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là người phải thi hành án. Thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm việc.

- Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản được chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trong 30 ngày, kể từ ngày có hiệu lực. Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định Tòa án giải quyết phá sản, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền chủ động ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên.

- Sau 30 ngày kể từ ngày người mua tài sản nộp đủ tiền mà Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không giao được tài sản, giấy tờ cho người trúng đấu giá thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có văn bản đề nghị và bàn giao toàn bộ giấy tờ cho cơ quan thi hành án dân sự để thực hiện cưỡng chế giao tài sản, giấy tờ…

  1. Mỗi huyện phải có 1 điểm tiêm chủng tại bệnh viện

Ngày 13/6/2018, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 3354/BYT-DP về việc triển khai các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng tại bệnh viện.

Tại Công văn này, Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế triển khai thực hiện một số nội dung như sau:

- Hướng dẫn các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên tổ chức tiêm chủng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo mỗi huyện phải có ít nhất một điểm tiêm tại bệnh viện để tăng tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.

- Khuyến cáo đưa trẻ có nguy cơ cao đến các điểm tiêm chủng mở rộng tại bệnh viện trên địa bàn, đặc biệt là các trẻ bị mắc bệnh bẩm sinh, tiền sử bị bệnh mạn tính, dị ứng, có nguy cơ cao hoặc cần theo dõi chặt chẽ…

- Yêu cầu các cơ sở trên địa bàn thực hiện nghiêm túc việc khám sàng lọc trước khi tiêm chủng và hướng dẫn đầy đủ cho các bà mẹ cách theo dõi, chăm sóc trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng, thông báo kịp thời cho cán bộ y tế trong trường hợp trẻ có biểu hiện bất thường.

  1. Thủ tướng ra Chỉ thị về đổi mới sách giáo khoa phổ thông

Ngày 18/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng nhận định việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới chưa bảo đảm theo lộ trình; việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của các địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện một số nhiệm vụ sau:

- Phê duyệt, ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới và tổ chức biên soạn một bộ sách đủ các môn học ở các lớp, đảm bảo yêu cầu giảm tải, khoa học, thiết thực, khả thi; khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

- Tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa để các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sử dụng trong nhà trường.

- Xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên và chuẩn hiệu trường trường phổ thông; rà soát, đánh giá năng lực của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn.

- Rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên; xay dựng chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm…

  1. Cấm ngân hàng mua trái phiếu để cơ cấu nợ cho doanh nghiệp

Đây là nội dung mới được quy định tại Thông tư 15/2018/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 22/2016/TT-NHNN về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, Thông tư 15 bổ sung quy định: Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành, trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Thông tư này cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp phải có quy định về kiểm soát nội bộ hoạt động mua trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu phát hành với mục đích thực hiện các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đồng thời, phải có quy định cụ thể về các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và chính sách tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực này.

Ngoài ra, Thông tư cũng đã bãi bỏ quy định về các loại trái phiếu doanh nghiệp được mua.

Thông tư 15/2018/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 18/6/2018, có hiệu lực từ ngày 2/8/2018.

  1. Triển khai hiệu quả dự án chống ngập úng tại Hà Nội, TP. HCM

Đây là chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai, được ban hành ngày 18/6/2018 vừa qua.

Cụ thể, Chính phủ các địa phương nâng cao khả năng tiêu thoát nước, quản lý chặt chẽ, hạn chế việc san lấp ao, hồ và triển khai có hiệu quả các dự án chống ngập úng đô thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, dự án thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh…

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu ban hành chính sách cụ thể thúc đẩy xã hội hóa khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phòng chống thiên tai, nhất là trong nghiên cứu ứng dụng khoa học, đầu tư xây dựng công trình, cung cấp dịch vụ công và bảo hiểm rủi ro thiên tai.

Chính phủ đề ra mục tiêu mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 100% số hộ dân thuộc khu vực đông dân cư thường xuyên xảy ra thiên tai có nơi ở đảm bảo an toàn; Giảm 30% thiệt hại về người do thiên tai so với giai đoạn 2015 - 2020; 100% chính quyền các cấp, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức được tiếp nhận đầy đủ thông tin về thiên tai…

  1. Xử lý nghiêm việc bán mỹ phẩm giả trên mạng xã hội

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 17/CT-TTg về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Chỉ thị nêu rõ, sự bùng nổ của dịch vụ internet và hoạt động kinh doanh, quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội khiến người tiêu dùng dễ dàng tiếp nhận thông tin và thực hiện việc mua bán các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nhưng có rất nhiều thông tin không chính xác về công dụng, chức năng của nhiều loại mỹ phẩm, thực phẩm, vị thuốc cổ truyền…

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu:

- Bộ Công Thương phải chỉ đạo xử lý cá nhân, tổ chức sử dụng mạng xã hội kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

- Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế kiểm tra chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ đối với doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… có dấu hiệu rủi ro cao về thuế; xử lý nghiêm trường hợp kê khai không đúng, gian lận thuế, trốn thuế…

- Bộ Thông tin và Truyền thông ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung quảng cáo, thông tin sai quy định trong kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…

  1. Công bố mức thu phí chứng thực mới nhất

Ngày 9/5/2018, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định 1024/QĐ-BTP công bố thủ tục hành chính sửa đổi lĩnh vực chứng thực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp, trong đó có quy định về mức thu phí chứng thực mới nhất.

Cụ thể như sau:

- Phí chứng thực bảo sao từ bản chính: 2000 đồng/trang, từ trang thứ 3 trở lên thu 1000 đồng/trang, tối đa không quá 200.000 đồng/bản.

- Phí chứng thực chữ ký: 10.000 đồng/trường hợp (trường hợp được tính là một hoặc nhiều chữ ký trong một giấy tờ, văn bản).

- Phí chứng thực việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch: 30.000 đồng/hợp đồng, giao dịch

- Phí chứng thực việc sửa lỗi sai sót trong hợp đồng, giao dịch: 25.000 đồng/hợp đồng, giao dịch

- Phí cấp bản sao có chứng thực từ bản chính hợp đồng, giao dịch đã được chứng thực: 2.000 đồng/trang; từ trang thứ 3 trở lên thu 1.000 đồng/trang, tối đa thu không quá 200.000 đồng/bản.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Từ 1/7, lương hưu, trợ cấp tăng 6,92%

Ngày 15/6/2018, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 88/2018/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng.

Theo đó, từ thời điểm 1/7/2018, tăng thêm 6,92% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2018 đối với các đối tượng sau:

- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu;

- Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng;

- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng

- Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng theo Quyết định 130/CP năm 1975 và Quyết định 111-HĐBT năm 1981.

- Quân nhân, Công an đang hưởng trợ cấp hàng tháng

- Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.

  1. Đã có Nghị định mới về kinh doanh khí

Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí đã được Chính phủ ban hành ngày 15/6/2018.

Nghị định này yêu cầu thương nhân kinh doanh mua bán khí phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Là thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật;

- Có bồn chứa khí đáp ứng các quy định về an toàn hoặc có chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) đáp ứng đủ điều kiện lưu thông trên thị trường hoặc có hợp đồng thuê bồn, thuê chai LPG.

- Đáp ứng các điều kiện về phòng cháy và chữa cháy theo quy định.

Đối với thương nhân kinh doanh mua bán khí qua đường ống ngoài đáp ứng các điều kiện nêu trên, còn phải có đường ống vận chuyển khí và trậm cấp khí đáp ứng các điều kiện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy.

Đối với thương nhân kinh doanh mua bán khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), ngoài 3 điều kiện nêu trên còn phải trạm cấp LNG và trạm nạp LNG vào phương tiện vận tải đáp ứng điều kiện về an toàn, phòng cháy và chữa cháy.

Nghị định này được Chính phủ ban hành ngày 15/06/2018, có hiệu lực từ ngày 01/08/2018.

  1. Điều kiện thành lập trường mầm non quốc tế

Đây là một trong những nội dung được quy định tại Nghị định 86/2018/NĐ-CP về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.

Theo đó, thành lập trường mầm non quốc tế phải đáp ứng các điều kiện như:

- Có suất đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ (không bao gồm chi phí sử dụng đất).

- Trường tập trung tại một địa điểm, có môi trường tốt, diện tích bình quân ít nhất 08m2/trẻ đối với thành phố, thị xã và 12m2/trẻ đối với nông thôn.

- Chương trình giáo dục không có nội dung phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không ảnh hưởng đến văn hóa, đạo đức.

- Giáo viên ít nhất phải có trình độ cao đẳng sư phạm mầm non hoặc tương đương.

Cũng theo Nghị định này, trường mầm non quốc tế được phép tiếp nhận học sinh Việt Nam vào học chương trình giáo dục nước ngoài. Số học sinh Việt Nam học chương trình giáo dục của nước ngoài phải thấp hơn 50% tổng số học sinh học chương trình giáo dục của nước ngoài tại cơ sở giáo dục.

  1. Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh

Trong tháng 5 và tháng 6/2018, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020.

- Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất Hà Nội

Theo Nghị quyết 65/NQ-CP, đến năm 2020, Hà Nội có 174.429ha đất nông nghiệp, chiếm 51,93%; 159.716ha đất phi nông nghiệp, chiếm 47,55%; đất chưa sử dụng là 1.747ha, chiếm 0,52%; đất khu công nghệ cao là 1.586ha, chiếm 0,47%...

- Điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất TP. Hồ Chí Minh

Nghị quyết 80/NQ-CP chỉ rõ, đến năm 2020, diện tích đất nông nghiệp của TP. Hồ Chí Minh là 88.005ha, chiếm 42,1%; đất phi nông nghiệp là 118.890ha, chiếm 56,9%; đất chưa sử dụng 309ha, chiếm 0,1%, đất khu công nghệ cao là 913ha, chiếm 0,4%...

UBND TP. Hà Nội, UBND TP. Hồ Chí Minh có trách nhiệm tiếp tục chỉ đạo việc lập và phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện theo quy định của pháp luật đất đai; Quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhất là khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để tập trung cho phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị…

  1. Cửa hàng bán lẻ gas phải rộng tối thiểu 12m2

Theo Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí, cửa hàng bán lẻ LPG chai (bán lẻ gas) sẽ phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Là thương nhân được thành lập theo quy định của pháp luật; Có hợp đồng tối thiểu 1 năm với thương nhân có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí.

- Cửa hàng phải có diện tích tối thiểu 12m2, cách ly với các nguồn gây cháy ít nhất 03m; thiết bị điện của cửa hàng phải là loại phòng nổ, cách bình ga tối thiểu 1,5m.

- Chỉ được phép trưng bày trên giá quảng cáo những bình không chứa gas.

- Nơi chứa bình gas phải bảo đảm thông thoáng, không được bố trí phòng kín, hầm kín, không cất giữ bình gas ở khu vực cửa ra vào, lối đi công cộng.

- Không được tiến hành sửa chữa, nạp bình gas tại cửa hàng.

Nghị định cũng quy định, không được vận chuyển gas cùng với người trong thang máy, trừ người trực tiếp vận chuyển; Khi giao nhận gas phải kiểm tra độ kín của van chai, các đấu nối và ống mềm sau khi lắp đặt mới hoặc thay bình gas, có sự chứng kiến quá trình kiểm tra và ký tên xác nhận vào biên bản giao nhận của khách hàng.

Nghị định này được Chính phủ ban hành ngày 15/06/2018, có hiệu lực từ ngày 01/08/2018.

  1. Lệ phí nhập quốc tịch Việt Nam là 3 triệu đồng

Ngày 08/05/2018, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định 1021/QĐ-BTP công bố thủ tục hành chính được sửa đổi trong lĩnh vực quốc tịch thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp.

5 thủ tục lĩnh vực quốc tịch được sửa đổi bao gồm: Thủ tục cấp Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam; Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam; Thủ tục trở lại quốc tịch Việt Nam ở trong nước; Thủ tục cấp Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam ở trong nước; Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho người Lào được phép cư trú tại các huyện của Việt Nam tiếp giáp với Lào.

Riêng thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam được quy định như sau: Người xin nhập quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Tư pháp nơi cư trú. Thời gian giải quyết là 115 ngày và lệ phí nhập quốc tịch Việt Nam là 03 triệu đồng. Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, người có hoàn cảnh khó khăn có xác nhận của UBND xã nơi cư trú sẽ được miễn lệ phí.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Bộ Y tế: 12 website cung cấp thông tin về các bệnh phổ biến

Thông tin này được Bộ Y tế đưa ra tại Hướng dẫn hoạt động dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị và quản lý một số bệnh không lây nhiễm phổ biến cho tuyến y tế cơ sở ban hành kèm theo Quyết định 3756/QĐ-BYT ngày 21/06/2018.

Cụ thể, trong hoạt động dự phòng một số bệnh không lây nhiễm phổ biến, nhân viên y tế cần giới thiệu đến người dân 12 website cung cấp thông tin về các bệnh phổ biến gồm: Suckhoetoandan.vn; vncdc.gov.vn; kcb.vn; huyetap.vn; benhviennoitiettrunguong.com.vn; benhphoitacnghen.vn; benhvienk.vn; bvtttw1.gov.vn; nihe.org.vn; iph.org.vn; tihe.org.vn; pasteur-nhatrang.org.vn.

Ngoài 12 website cung cấp thông tin về các bệnh phổ biến, người dân có thể gọi điện thoại đến tổng đài cai nghiện thuốc lá 18006606 hoặc 18001214 và nghe đài tại tần số 98.9 Mhz và xem các chương trình sức khỏe trên Kênh truyền hình VTV2, VTV3, 02TV và các kênh truyền hình khác để nâng cao kiến thức.

Để phát hiện sớm người có nguy cơ mắc một số bệnh không lây nhiễm phổ hiến, người dân có thể tự đánh giá nguy cơ mắc một số bệnh không lây nhiễm phổ biến dựa vào bảng kiểm đăng tải trên website https://suckhoetoandan.vn để đi khám, phát hiện bệnh kịp thời.

Cũng tại Quyết định này, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn phát hiện người có yếu tố nguy cơ mắc một số bệnh không lây nhiễm như: Tăng huyết áp và nguy cơ tim mạch; Đái tháo đường típ 2; Hen phế quản; Tâm thần phân liệt; Động kinh; Một số bệnh ung thư…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

  1. Tăng số trẻ tối đa trong 1 nhóm, lớp mẫu giáo tư thục lên 70 trẻ

Đây là quy định được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra tại Thông tư 13/2018/TT-BGDĐTngày 30/05/2018 về sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục ban hành kèm theo Thông tư 13/2015/TT-BGDĐT.

Cụ thể, số trẻ em trong nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không quá 70 trẻ. Trẻ em trong mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo được tổ chức theo độ tuổi và số lượng theo quy định tại Điều lệ trường mầm non. Trước đây, Thông tư 13 quy định số trẻ em trong 01 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là không quá 50 trẻ.

Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục mới cũng ghi nhận nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục là cơ sở giáo dục khác thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Cơ cấu tổ chức bao gồm: Chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục; tổ trưởng tổ chuyên môn; giáo viên, nhân viêc và các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo. Tổ trưởng chuyên môn phải có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm mầm non trở lên.

Ngoài ra, đối với những nơi mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non chưa đáp ứng đủ nhu cầu đưa trẻ em tới trường, lớp, các cá nhân có thể tổ chức nhóm trẻ nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em của cha mẹ và phải đăng ký hoạt động với UBND cấp xã, bảo đảm các điều kiện sau:

“a) Số lượng trẻ em trong nhóm trẻ tối đa là 07 trẻ em;

  1. b) Người chăm sóc trẻ em có đủ sức khỏe, không mắc bệnh truyền nhiễm, đủ năng lực chịu trách nhiệm dân sự và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định;
  2. c) Cơ sở vật chất phải bảo đảm các điều kiện tối thiểu như sau: Phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có diện tích tối thiểu là 15 m2; bảo đảm an toàn, thoáng, mát; có đồ dùng, đồ chơi an toàn, phù hợp lứa tuổi của trẻ em; có đủ đồ dùng cá nhân phục vụ trẻ em ăn, uống, ngủ, sinh hoạt và các thiết bị phục vụ nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em; có đủ nước uống cho trẻ em hằng ngày; có phòng vệ sinh và thiết bị vệ sinh phù hợp với trẻ em; có đủ nước sạch cho trẻ em dùng; có bản thỏa thuận với phụ huynh về việc nhận nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo đảm an toàn cho trẻ em tại nhóm trẻ; có tài liệu hướng dẫn thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ em.”

(Khoản 6 Điều 10 Nghị định 46/2017/NĐ-CP)

UBND cấp xã chỉ đạo tổ chức kiểm tra (thường xuyên, đột xuất) hoạt động của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục và nhóm trẻ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm theo quy định hiện hành.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/07/2018.

  1. Năm 2018, nhiều vắc xin mới được đưa vào tiêm chủng mở rộng

Ngày 21/06/2018, Bộ Y tế ban hành Công văn 3535/BYT-DP và xác định công tác tiêm chủng mở rộng tiếp tục là hoạt động cần được ưu tiên thực hiện. Đặc biệt trong năm 2018 sẽ có một số vắc xin mới được đưa vào tiêm chủng mở rộng.

Cụ thể, đưa mới vào tiêm chủng mở rộng vắc xin ComBE Five thay thế vắc xin Quinvaxem để tiêm cho trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi; Vắc xin IPV bổ sung thêm cho trẻ 05 tháng tuổi; Vắc xin MRVAC do Việt Nam sản xuất thay thế cho vắc xin MR do Ấn Độ sản xuất sử dụng cho trẻ 18 - 24 tháng tuổi…

Để công tác tiêm chủng tiếp tục được triển khai hiệu quả, đạt tỷ lệ cao và từng bước bổ sung các vắc xin mới vào tiêm chủng mở rộng, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành:

- Tổ chức điều tra, thống kê, tổng hợp, quản lý chặt chẽ các đối tượng tiêm chủng trên địa bàn bao gồm cả đối tượng sử dụng vắc xin tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ. Đảm bảo tất cả các cơ sở tiêm chủng áp dụng Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia, kể cả các cơ sở tiêm chủng dịch vụ và cơ sở y tế có phòng sinh, 100% trẻ sinh ra đều được quản lý trên Hệ thống.

- Lập kế hoạch và tổ chức tiêm bù ngay trong tháng đối với các trường hợp trì hoãn tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm chủng đầy đủ, tránh bỏ sót đối tượng, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt trên 95% theo quy mô xã, phường.

- Trong thời gian dịch bệnh có xu hướng gia tăng, cần bố trí kinh phí mua vắc xin tiêm chủng bổ sung, tiêm chủng chống dịch ở vùng có nguy cơ cao. Có biện pháp hỗ trợ người dân khi sử dụng một số loại vắc xin không thuộc tiêm chủng mở rộng tùy theo tình hình từng địa phương.

Đặc biệt, cần tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về chăm sóc người được tiêm chủng, khuyến cáo người dân tích cực tham gia tiêm chủng phòng bệnh.

  1. Từ 1/7, TP. Hồ Chí Minh tăng mức lương cơ sở làm căn cứ đóng BHXH

Ngày 18/6/2018, Bảo hiểm Xã hội thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Thông báo 1228/TB-BHXH điều chỉnh mức lương cơ sở.

Từ ngày 01/7/2018, Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở lên 1.390.000 đồng.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội thành phố Hồ Chí Minh thông báo tăng mức lương cơ sở làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) kể từ ngày 01/7/2018 như sau:

- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện theo thang, bảng lương do nhà nước quy định, mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, BHYT, BHTN là tổng hệ số lương nhân (x) mức lương cơ sở;

- Người lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTNLĐ-BNN nếu tiền lương làm căn cứ đóng cao hơn 27.800.000 đồng thì đóng BHXH, BHYT, BHTNLĐ-BNN tối đa bằng 27.800.000 đồng;

- Trường hợp thẻ BHYT có giá trị từ ngày 01/7/2018 nhưng đóng tiền trước ngày 01/7/2018 thì thu theo mức lương cơ sở cũ (1.300.000 đồng).

- Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn cao nhất bằng 27.800.000 đồng tại thời điểm đóng.


 

Đang truy cập: 2
Trong ngày: 56
Trong tuần: 303
Lượt truy cập: 1555947
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com