Vai trò của luật sư và vấn đề tranh tụng trong hoạt động tư pháp

Cải cách tư pháp luôn được coi là một bộ phận quan trọng gắn liền với nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt nam. Mục tiêu của cải cách tư pháp là xây dựng một hệ thống cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh có phương thức tổ chức, hoạt động khoa học, hiện đại góp phần quan trọng vào việc giữ gìn trật tự kỷ cương phép nước. Nội dung chủ yếu của cải cách tư pháp là củng cố, kiện toàn bộ máy các cơ quan tư pháp, phân định lại thẩm quyền của Toà án, đổi mới tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp.

Trong hoạt động tư pháp, hoạt động xét xử được coi là khâu trọng tâm vì  ở đây biểu hiện sự tập trung và thể hiện đầy đủ quyền tư pháp, là nơi trên cơ sở kết quả điều tra, truy tố và bào chữa, Toà án nhân danh Nhà nước đưa ra phán xét một người có tội hay không có tội. Do vậy một phán xét chính xác, khách quan và đúng pháp luật hay không, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân có được bảo đảm hay không phụ thuộc vào quá trình điều tra, truy tố và xét xử từ phía cơ quan tiến hành tố tụng, mặt khác từ phía hoạt động tích cực của luật sư với vai trò là người bào chữa cho bị can, bị cáo và góp phần bảo vệ công lý. Hoạt động của luật sư không phải là hoạt động tư pháp nhưng lại có mối liên hệ gắn chặt với hoạt động tư pháp, hỗ trợ cho hoạt động tư pháp.

Nghiên cứu các văn kiện của Đảng ta về cải cách tư pháp  cho thấy trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt nam Đảng ta rất chú trọng đến cải cách tổ chức và hoạt động luật sư. Nghị quyết 08- NQ/TW ngày 2-1-2002 của Bộ Chính trị về “ Một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới” đã đặc biệt quan tâm đến vai trò của luật sư và đặt nhiệm vụ cho cơ quan tư pháp trong việc bảo đảm hoạt động của luật sư trong tố tụng. Để thực hiện những nhiệm vụ mà Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đòi hỏi phải bổ sung, hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của cơ quan tư pháp và luật sư theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan đồng thời xác định rõ vị trí của luật sư trong hoạt động tư pháp. Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về “ Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” nêu rõ : “ Đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn. Hoàn thiện cơ chế để luật sư thực hiện tốt tranh tụng tại phiên toà, đồng thời xác định rõ chế độ trách nhiệm đối với luật sư. Nhà nước tạo điều kiện về pháp lý để phát huy chế độ tự quản của luật sư đối với các tổ chức thành viên của mình”.

Trong việc đổi mới cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp cần chú ý đến vai trò của luật sư trong việc góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động tư pháp. Trong điều kiện cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay, cần chú trọng đến việc phát triển đội ngũ luật sư chuyên nghiệp có phẩm chất đạo đức tốt , trình độ chuyên môn cao, phát huy vai trò của luật sư trong hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử.

Chế định luật sư đã được quy định tương đối cụ thể trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003. Tuy nhiên do nhận thức chưa thật đầy đủ và do chưa có sự hướng dẫn cụ thể , đồng bộ, thống nhất dẫn đến việc luật sư tham gia vào hoạt động tố tụng chưa hiệu quả. Một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự còn mang tính hình thức hoặc khó thực hiện hoặc có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng thiếu thống nhất. Đã đến lúc phải tiến hành sửa đổi , bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự  một cách toàn diện theo hướng dân chủ hoá hoạt động tố tụng, phải xem việc tham gia của luật sư vào quá trình tố tụng hình sự là sự giám sát tốt nhất đối với các hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Bên cạnh việc làm rõ chức năng buộc tội, chức năng xét xử thì cần phải chú ý đến chức năng bào chữa, trong đó có vai trò của luật sư.

Sự tham gia của luật sư  trong tố tụng  không chỉ giúp bị can, bị cáo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, mà còn góp phần trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp việc điều tra, truy tố và xét xử được nhanh chóng, chính xác, tránh làm oan người vô tội, để lọt tội phạm. Tuy nhiên vị trí, vai trò của luật sư chưa được nhìn nhận đúng và chưa thực sự bảo đảm theo yêu cầu của pháp luật. Theo quy định của pháp luật, luật sư có thể tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can, thậm chí còn sớm hơn là từ khi có quyết định tạm giữ. Nhưng trên thực tế tỉ lệ các vụ án luật sư được tham gia từ giai đoạn điều tra còn quá thấp so với tổng số vụ án hình sự bị khởi tố, trong đó có cả những vụ án theo quy định của pháp luật sự tham gia của luật sư là bắt buộc theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Về vấn đề này có nhiều nguyên nhân, là do bị can không biết mình có quyền mời luật sư hoặc biết nhưng vì có khó khăn về tài chính nên không thể thuê luật sư. Bên cạnh đó còn có một nguyên nhân là do cơ quan tố tụng chưa tạo điều kiện để luật sư thực hiện đầy đủ chức năng tố tụng của mình, một số điều tra viên chưa ủng hộ việc luật sư được tham gia từ giai đoạn điều tra. Trong một số trường hợp sự không ủng hộ này được thể hiện bằng cách khuyên bị can không nên mời luật sư mà tốt nhất là khai báo trung thực để được hưởng khoan hồng. Đối với bị can kém hiểu biết pháp luật, lại ở trong tình trạng tạm giam, do vậy tâm lý bất ổn, lo lắng, vì vậy thường nghe theo lời khuyên nói trên là điều thường có thể xảy ra. Trong trường hợp bị can từ chối luật sư, nhưng khi luật sư đề nghị được xem văn bản từ chối luật sư của bị can thì điều tra viên lấy lý do là luật sư chưa được cấp giấy chứng nhận là người bào chữa cho nên không được xem văn bản từ chối luật sư của bị can. Rất khó xác định được việc từ chối luật sư của bị can có phải xuất phát từ ý chí của bị can hay từ sức ép nào đó. Trong trường hợp này cơ quan điều tra phải tạo điều kiện để bị can được tiếp xúc với luật sư, còn quyền từ chối luật sư của bị can có thể thực hiện ở bất cứ giai đoạn nào của tố tụng. Việc gặp gỡ với luật sư không làm mất đi quyền từ chối luật sư của bị can, nó chỉ giúp cho bị can nhận thức đúng hơn về vai trò của luật sư cũng như sáng suốt hơn trong việc lựa chọn người bào chữa cho mình.

Bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo là nguyên tắc dân chủ trong tố tụng hình sự vì vậy việc mở rộng sự tham gia của luật sư trong tố tụng hình sự, cho phép luật sư tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ là cần thiết. Bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo cần thực hiện theo hướng mở rộng quyền của của bị can, bị cáo và cho phép luật sư tham gia sớm hơn và trong mọi giai đoạn của tố tụng , đồng thời tăng cường trách nhiệm của cơ quan, người tiến tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm quyền tham gia tố tụng của luật sư.

Sự tham gia của luật sư ở giai đoạn điều tra không chỉ mở rộng những nguyên tắc dân chủ trong tố tụng hình sự mà còn nâng cao chất lượng điều tra, tăng cường pháp chế trong giai đoạn điều tra. Việc bào chữa kiên định, dũng cảm trong vụ án hình sự không những không cản trở mà còn thúc đẩy cuộc đấu tranh chống tội phạm, giúp khắc phục những sai lầm trong việc xử lý vụ án. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo và các đương sự khác bằng những phương tiện hợp pháp luật sư thể hiện vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền công dân, góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp ở Việt nam. Vì vậy cần có nhận thức đúng về vị trí , vai trò của luật sư  trong tố tụng nói riêng và trong xã hội nói chung. Nhận thức đó phải được quán triệt trong các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng và mọi người dân.

Theo quy định của Điều 58 Bộ luật Tố tụng hình sự, luật sư có thể tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trong trường hợp bắt người thì luật sư có thể tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ. Nhưng trên thực tế đa phần luật sư  chỉ đến được cánh cửa phòng trực ban của cơ quan điều tra để gửi giấy tờ làm thủ tục chờ được tham gia mà thôi với nhiều lý do khác nhau như cán bộ giải quyết vụ án bận, luật sư thiếu giấy tờ cần bổ sung (dù pháp luật không yêu cầu các giấy tờ đó), thủ trưởng cơ quan đi vắng, chờ cán bộ vào trại gặp hỏi ý kiến bị can có cần có luật sư không. Mặc dù việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Luật sư và các văn bản có liên quan, tuy nhiên do nhận thức khác nhau về vấn đề này do vậy luật sư đã gặp không ít khó khăn khi tham gia tố tụng, nhất là trong giai đoạn điều tra vụ án .

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 đã mở rộng quyền của luật sư trong việc tham gia tố tụng như có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, hỏi cung bị can, được gặp bị can, bị cáo, thu thập và xuất trình tài liệu, đồ vật, nghiên cứu hồ sơ vụ án...Tuy nhiên không phải lúc nào, nơi nào luật sư cũng được tạo điều kiện để thực hiện các quyền của mình đã được pháp luật quy định.

Trong giai đoạn điều tra luật sư có quyền có mặt khi lấy lời khai của người bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu được điều tra viên đồng ý thì được hỏi người bị tạm giữ, bị can. Việc có mặt luạt sư trong các buổi lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can không những giúp cho họ tự tin hơn trong khai báo mà còn ngăn ngừa sự vi phạm từ phía cơ quan tiến hành tố tụng, tránh tình trạng khi ra toà có sự phản cung, khiếu nại về việc dùng nhục hình, bức cung, mớm cung...Trên thực tế việc luật sư tham gia các hoạt động hỏi cung gặp không ít khó khăn. Thường thì cơ quan điều tra không báo thời gian hỏi cung hoặc đã hẹn ngày nhưng sau đó lại hoãn đôi khi lại hoãn nhiều lần.Nếu may mắn được tham dự việc hỏi cung thì chỉ được ngồi nghe mà không được hỏi vì điều tra viên không dành thời gian để luật sư hỏi bị can.

Để tạo thuận lợi cho luật sư trong việc bào chữa, Bộ luật Tố tụng hình sự còn quy định luật sư có quyền gặp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Trên thực tế việc luật sư gặp bị can, bị cáo gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải xuất trình nhiều giấy tờ, thủ tục phiền hà. Còn việc gặp người bị tạm giữ chỉ là ước mơ mà thôi. Trong trường hợp được gặp bị can, bị cáo thì việc gặp đó đều có sự giám sát của điều tra viên hoặc cán bộ trại giam, thời gian và số lần gặp đều bị hạn chế. Việc gặp gỡ của luật sư với bị can, bị cáo là cần thiết, phải bảo đảm cho luật sư được gặp riêng bị can, bị cáo để trao đổi về những vấn đề có liên quan đến việc bào chữa. Không được có bất kỳ sự can thiệp, cản trở nào từ phía cơ quan điều tra, cơ quan quản lý trại tạm giam. Việc gặp gỡ đó không bị hạn chế về số lượng và thời gian gặp. Để tạo điều kiện cho luật sư được gặp riêng bị can, bị cáo thì việc giám sát đó chỉ trong "tầm nhìn" chứ không trong "tầm nghe".

Một trong những quyền của luật sư là được nghiên cứu hồ sơ vụ án mà cụ thể là được đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu có liên quan đến bào chữa. Nhiều vụ án hồ sơ rất lớn và phức tạp, nhưng thời gian dành cho luật sư nghiên cứu rất hạn chế. Mặt khác luật sư không được bố trí nơi ngồi để nghiên cứu mà phải ngồi ngoài hành lang, tiền sảnh để đọc hồ sơ vụ án. Mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định cho luật sư được sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực sự tạo điều kiện cho luật sư thực hiện quyền này. Nhiều cơ quan đã nghĩ ra đủ cách để trì hoãn việc sao chụp tài liệu như không có nhân viên giám sát luật sư sao chụp, máy photocopy hỏng hoặc tiền photo quá cao.[1]

Đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền như Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dan tối cao, Bộ công an và Bộ Tư pháp cần sớm xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thống nhất về mặt nhận thức vai trò của luật sư trong tố tụng cũng như bảo đảm cho luật sư thực hiện đầy đủ quyền của mình đã được pháp luật quy định.

            Nghị quyết 08- NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị "về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới" đã đặc biệt quan tâm đến vai trò của luật sư và đặt nhiệm vụ cho cơ quan tư pháp trong việc bảo đảm hoạt động của luật sư trong tố tụng hình sự. Nghị quyết đã nêu rõ: "Nâng cao chất lượng công tố của kiểm sát viên tại phiên toà, bảo đảm tranh tụng dân chủ với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác..."; "việc phán quyết của toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ ý kiến của kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyển, lợi ích hợp pháp để đề ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn pháp luật quy định"; "Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để luật sư.... tranh luận dân chủ tại phiên toà".

Vấn đề đặt ra ở đây là cần hiểu và nhận thức đúng về "tranh tụng". Tranh tụng được hiểu là hình thức tố tụng, thủ tục xét xử vụ án hay là một nguyên tắc trong tố tụng nói chung hay chỉ trong phiên toà xét xử hình sự nói riêng. Đây là những vấn đề đang còn có những quan điểm, nhận thức khác nhau.

Trong những năm gần đây thuật ngữ tranh tụng mới được nhắc đến trong các tài liệu, sách báo pháp lý để phân biệt giữa luật sư chuyên tham gia bào chữa, biện hộ trước toà (barrister) và luật sư chuyên làm tư vấn pháp luật (solicitor); hoặc để phân biệt giữa hình thức tố tụng tranh tụng (advesery system) ở các nước theo hệ thống luật án lệ và hình thức tố tụng thẩm vấn, xét hỏi (inquisition system) ở các nước theo hệ thống luật dân sự. Ở các nước theo hệ thống luật án lệ, trong một phiên toà hình sự vị thẩm phán đóng vai trò như một vị trọng tài trong một trận đấu giữa một bên là công tố viên và bên kia là luật sư bào chữa. Trong tay thẩm phán không có hồ sơ vụ án mà nó nằm ở vị công tố và luật sư. Trong phiên toà vị thẩm phán hầu như không tham gia vào việc thẩm vấn, xét hỏi. Các luật sư, công tố viên là những người chủ yếu tham gia vào việc thẩm vấn, xét hỏi nhân chứng, nghiên cứu chứng cứ và tranh luận với nhau. Nhiệm vụ của thẩm phán là duy trì trật tự phiên toà, điều khiển sự tranh luận giữa công tố và luật sư. Như vậy, trong một phiên toà hình sự ở các nước theo hệ thống luật án lệ thì ba chức năng tố tụng là buộc tội, bào chữa và xét xử được phân định rất rõ cho công tố viên, luật sư và toà án.

            Ở các nước theo hệ thống luật dân sự các vị thẩm phán xuất hiện trong phiên toà hình sự thường với những tập hồ sơ dầy cộm. Họ là những người nắm tương đối rõ về vụ án, bởi vì họ được nghiên cứu trước. Trong phiên toà họ là người đóng vai trò quan trọng và tích cực trong việc thẩm vấn, xét hỏi bị cáo, nhân chứng và nghiên cứu các chứng cứ. Thẩm phán ở các nước theo hệ thống luật án lệ có vai trò thụ động bao nhiêu trong phiên toà hình sự thì thẩm phán ở các nước theo hệ thống luật dân sự lại có vai trò tích cực bấy nhiêu và đôi khi họ làm thay cả phần việc của công tố viên. Các luật sư ở các nước theo hệ thống luật dân sự phải làm việc rất ít, vai trò của họ rất lu mờ. Họ có rất ít điều kiện để tranh luận với công tố viên và chỉ được bày tỏ quan điểm của mình trong bài bào chữa chỉ khi phiên toà gần kết thúc.

Ở Liên Xô trước đây, vấn đề tranh tụng đã được soi sáng trong nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Xô Viết mà tiêu biểu là viện sỹ hàn lâm M.X. Strogovich. Theo ông tranh tụng là cách thức tiến hành xét xử vụ án hình sự mà ở đó chức năng buộc tội tách khỏi toà án là cơ quan có thẩm quyền xét xử vụ án; chức năng buộc tội và bào chữa do các bên có quyền bình đẳng với nhau thực hiện để bảo vệ các lập luận của mình, bác bỏ các lập luận của bên đối phương; bị cáo là một bên tham gia tố tụng có quyền bào chữa; Hội đồng xét xử điều khiển phiên toà, tích cực nghiên cứu các tình tiết vụ án và tự phán xử vụ án.

Theo M.X. Strogovich thì tranh tụng bao gồm các yếu tố sau đây: a) Việc buộc tội tách khỏi toà ánb) Địa vị tố tụng của công tố viên và bị cáo là các bên tham gia tố tụng; c) Các bên có quyền tố tụng bình đẳng; d) Toà án có vị trí độc lập, tích cực trong mối quan hệ với các bên [2].

Vấn đề tranh tụng ở nước ta cũng chưa được pháp luật chính thức quy định và trên thực tế trước đây cũng ít được chú ý. Sau khi có Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị thì vấn đề tranh tụng đặc biệt được các nhà lý luận và những người làm công tác thực tiễn quan tâm. Trên sách báo pháp lý đã đăng tải một số công trình nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có cách hiểu và nhận thức thống nhất về tranh tụng.

 Tranh tụng là một thuật ngữ cũ được dùng. Tranh tụng có thể được hiểu là sự tranh giành, kiện cáo nhau và sự tranh giành kiện cáo này cần có sự phân xử của người thứ ba. Thuật ngữ tranh tụng mặc dù không được sử dụng, quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự nhưng với tinh thần của Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành thì tranh tụng đã được thể hiện trong tố tụng hình sự và cụ thể là trong phiên toà xét xử vụ án hình sự. Theo đó, kiểm sát viên và luật sư đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tranh tụng, tranh luận dân chủ trước Toà án. Bản án được Toà tuyên trên cơ sở kết quả tranh tụng dân chủ, công khai tại phiên toà. Nội dung cơ bản của tranh tụng là bảo đảm sự bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa, phân định rõ ba chức năng buộc tội, bào chữa và xét xử trong phiên toà xét xử vụ án hình sự.

Trên thực tế nhiều vấn đề luật sư đưa ra nhưng chưa được đại diện Viện kiểm sát tranh luận hoặc tranh luận chưa đầy đủ. Một số luật sư cho rằng, việc công tố viên không tranh luận từng vấn đề mà luật sư đưa ra hoặc nếu bỏ qua thì nói là tôi giữ nguyên quan điểm như cáo trạng. Viện kiểm sát giữ quyền công tố cần tranh luận từng vấn đề, trả lời các câu hỏi mà luật sư đưa ra, có như vậy mới làm rõ được bị cáo có tội hoặc không có tội, có tội thì ở mức độ nào...

Bộ luật Tố tụng hình sự cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng đại diện Viện kiểm sát tại phiên toà hỏi là chính và Hội đồng xét xử cần đóng vai trò trọng tài, phân xử sau khi đã nghe hai bên công tố và luật sư tranh luận với nhau. Vậy, cần phải tăng liều lượng tranh luận của Viện kiểm sát lên nhiều hơn nữa. Thông qua tranh tụng tại phiên toà, các vấn đề mới được cọ xát và được làm sáng tỏ. Hội đồng xét xử đóng vai trò tích con trong việc điều khiển phiên toà, có tác động để quá trình tranh tụng đạt được kết quả cao. Viện kiểm sát cần làm đầy đủ trách nhiệm của mình là truy tố và chứng minh tội của bị cáo. Tuy nhiên muốn bảo đảm tranh tụng dân chủ, công khai trong phiên toà hình sự, cũng như nâng cao vai trò của luật sư trong hoạt động tranh tụng theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW, Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị thì cần có bước đi thích hợp. Để thực hiện những nhiệm vụ đã được đề ra trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đòi hỏi phải bổ sung, hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của cơ quan tư pháp và luật sư theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ các từng cơ quan đồng thời xác định rõ vị trí của luật sư trong hoạt động tư pháp.


 

Đang truy cập: 5
Trong ngày: 36
Trong tuần: 678
Lượt truy cập: 1576537
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com