Đề xuất quy định về hoạt động viễn thám

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị định về hoạt động viễn thám.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trên thế giới, viễn thám được ứng dụng hết sức rộng rãi trong hầu hết các ngành và lĩnh vực như an ninh - quốc phòng, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, năng lượng, cơ sở hạ tầng, dịch vụ vị trí, biển hải đảo, quản lý thiên tai, nghiên cứu biến đổi khí hậu… Do vị trí quan trọng của lĩnh vực viễn thám, hầu hết các quốc gia phát triển trên thế giới đều rất chú trọng tới việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cho lĩnh vực này.

Ở nước ta, trong suốt quá trình phát triển, lĩnh vực viễn thám phục vụ điều tra cơ bản, quản lý và quy hoạch lãnh thổ, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; quản lý, giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường; cứu hộ, cứu nạn; nâng cao dân trí, tiến bộ xã hội và nhiều mục tiêu cộng đồng khác đã đem lại những kết quả đáng khích lệ và khẳng định tính ưu việt của công nghệ viễn thám về mọi mặt. Đến nay ở Việt Nam không có trung tâm viễn thám quốc gia nhưng đã hình thành 20 trung tâm, phòng viễn thám thuộc nhiều ngành. Trong số đó có một số đơn vị đã định hình hướng hoạt động chuyên sâu và có chức năng nhiệm vụ đặc thù cho ngành mình. Về hệ thống thu nhận xử lý và cung cấp dữ liệu viễn thám, hiện chúng ta đã có một trạm thu viễn thám hiện đại, trạm thu này đang thu nhận dữ liệu từ vệ tinh VNREDSat-1 của Việt Nam thuộc Cục Viễn thám quốc gia. Bên cạnh trạm thu ảnh viễn thám thuộc Cục Viễn thám quốc gia, hiện nay còn khoảng 10 trạm thu ảnh khác đang hoạt động tại Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, Cục Lâm nghiệp, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia Hà Nội thu các loại ảnh khác nhau như MODIS, NOAA, MTSAT, FY-2, NPP, JPSS.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, công nghệ viễn thám được ứng dụng ở Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ trước. Vấn đề quản lý nhà nước về viễn thám cũng đã được đặt ra trong Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ. Tuy nhiên quản lý nhà nước về viễn thám chỉ chính thức được áp dụng trên thực tiễn vào năm 2013 với việc Chính phủ ban hành Nghị định 21/2013/NĐ-CP ngày 4/3/2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong đó Cục Viễn thám quốc gia chính thức được thành lập.

Qua hơn 5 năm hoạt động theo mô hình quản lý nhà nước, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được rà soát và bổ sung, xây dựng mới và đẩy nhanh quá trình xây dựng, các văn bản về quy trình kỹ thuật, định mức kinh tế đã xây dựng hoặc đưa vào chương trình xây dựng. Tuy nhiên, để ban hành được các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý nhà nước của lĩnh vực viễn thám, cũng như việc triển khai ứng dụng và phát triển viễn thám vẫn còn sự thiếu căn cứ pháp lý là Luật và Nghị định về viễn thám.

Nguyên tắc trong hoạt động viễn thám

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất dự thảo Nghị định về hoạt động viễn thám gồm 7 chương, 41 điều.

Trong đó nêu rõ nguyên tắc trong hoạt động viễn thám: Hoạt động viễn thám phải đảm bảo cung cấp dữ liệu ảnh viễn thám phục vụ hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản và hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành. Dữ liệu, siêu dữ liệu, sản phẩm viễn thám phải được cập nhật thường xuyên, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai, quốc phòng, an ninh, nâng cao dân trí và thúc đẩy tiến bộ xã hội. Cơ sở hạ tầng viễn thám xây dựng bằng ngân sách nhà nước là tài sản công, phải được kế thừa, sử dụng chung, được quản lý và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia phải được duy trì, vận hành và cập nhật thường xuyên, được sử dụng để cập nhật nền dữ liệu không gian địa lý quốc gia.

Theo dự thảo, ngân sách Trung ương bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về viễn thám ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Kinh phí vận hành trạm thu dữ liệu viễn thám quốc gia, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám mức 0; xây dựng, cập nhật, lưu trữ cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia và công bố siêu dữ liệu viễn thám quốc gia do ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định của pháp luật. Ngân sách địa phương bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về viễn thám tại địa phương. Tổ chức, cá nhân tự bảo đảm kinh phí cho hoạt động viễn thám phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của mình.

Dự thảo nêu rõ, không dùng nguồn vốn ngân sách nhà nước để mua dữ liệu viễn thám do nước ngoài thu nhận nếu các loại dữ liệu này đã thu được tại trạm thu dữ liệu viễn thám của Việt Nam hoặc đã có trong cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia đáp ứng được yêu cầu khai thác và sử dụng.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.


 

Đang truy cập: 23
Trong ngày: 175
Trong tuần: 1267
Lượt truy cập: 1592947
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com