Theo dự thảo, quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư bao gồm: Quản lý, sử dụng chi phí chuẩn bị đầu tư và chi phí thực hiện dự án của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP; hướng dẫn cơ chế quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP; phương án tài chính của dự án PPP
Quản lý tài chính đối với dự án PPP cũng bao gồm: Hướng dẫn lập kế hoạch đối với phần vốn thanh toán cho nhà đầu tư sử dụng nguồn chi thường xuyên và nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ công; thanh toán vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện các dự án PPP; hướng dẫn xác định giá trị tài sản công tham gia trong dự án PPP; hướng dẫn xác định giá trị phần vốn đầu tư công đã đầu tư của dự án đầu tư công được chuyển sang đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP; quyết toán giá trị công trình dự án PPP hoàn thành.
Nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư
Dự thảo nêu rõ về nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 63/2018/NĐ-CP như sau: Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh chủ động huy động các nguồn vốn hợp pháp để hỗ trợ công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án PPP phù hợp với quy định của pháp luật ngân sách, pháp luật về quản lý nợ công và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Chi phí chuẩn bị đầu tư của dự án PPP mà Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đã thực hiện phải được quy định trong hồ sơ mời thầu.
Sau khi hợp đồng PPP được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư trúng thầu (hoặc nhà đầu tư trúng thầu và doanh nghiệp dự án), nhà đầu tư trúng thầu có trách nhiệm hoàn trả nguồn chi phí chuẩn bị đầu tư của dự án PPP cho Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đã thực hiện theo hồ sơ mời thầu.
Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm ưu tiên bố trí nguồn thu do nhà đầu tư hoàn trả chi phí chuẩn bị đầu tư để tạo nguồn chuẩn bị đầu tư cho các dự án PPP tiềm năng khác. Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư phải phù hợp với quy định của pháp luật ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý nợ công và các pháp luật khác có liên quan.
Đối với nguồn vốn huy động không phải là ngân sách nhà nước và nhà cung cung cấp vốn có quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư khác với quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh tự chịu trách nhiệm về huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn này. Trường hợp cần thiết phải ban hành quy định riêng, Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đề xuất, phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành.
Lợi nhuận của nhà đầu tư
Theo dự thảo, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được tính từ thời điểm dự án được cấp có thẩm quyền cho phép đi vào vận hành, khai thác.
Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tính toán trong giai đoạn lập, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu được xác định trên cơ sở khung lợi nhuận của dự án PPP do Bộ, cơ quan ngang bộ ban hành và lợi nhuận của các dự án PPP tương tự khác (nếu có).
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |