LAO ĐỘNG – TIỀN LƯƠNG – PHỤ CẤP

  1. 1.      TĂNG LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG TỪ NĂM 2015

Theo Nghị định số 103/2014/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 11/11/2014 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động, từ ngày 01/01/2015, mức lương tối thiểu vùng sẽ dao động từ 2,15 - 3,1 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 250.000 - 400.000 đồng/tháng tùy từng khu vực.

Cụ thể, đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I, như các quận, huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì thuộc Thành phố Hà Nội; các quận, huyện Thủy Nguyên, An Dương, Vĩnh Bảo thuộc Thành phố Hải Phòng; các quận, huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè thuộc TP.HCM..., mức lương tối thiểu chung tăng 400.000 đồng/tháng, từ 2,7 triệu đồng/tháng lên 3,1 triệu đồng/tháng. Đối với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II, III và IV, mức lương tối thiểu chung tăng khoảng 250.000 - 350.000 đồng/tháng lên 2,75 triệu đồng/tháng; 2,4 triệu đồng/tháng và 2,15 triệu đồng/tháng từ ngày 01/01/2015.

Các mức lương tối thiểu vùng nêu trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương; trong đó, mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường phải đảm bảo đủ thời giờ làm việc trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với lao động chưa qua đào tạo làm công việc giản đơn nhất và cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng đối với lao động đã qua học nghề.

Đặc biệt, khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng này, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Nghị định này thay thế Nghị định số 182/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015.

  1. 2.      DỰ KIẾN TẾT ÂM LỊCH 2015 ĐƯỢC NGHỈ 9 NGÀY

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa có Công văn số 4221/LĐTBXH-ATLĐ ngày 10/11/2014 về việc hoán đổi ngày nghỉ hàng tuần các dịp nghỉ lễ, Tết năm 2015, trong đó đề xuất lịch nghỉ Tết Dương lịch, Tết Âm lịch và nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Ngày Chiến thắng 30/04, Ngày Quốc tế lao động 01/05 của năm 2015.

Cụ thể, dịp nghỉ Tết Dương lịch, công chức, viên chức được nghỉ 04 ngày liên tục, từ ngày 01/01/2015 đến hết ngày 04/01/2015, đi làm thứ bảy, ngày 27/12/2014 để nghỉ ngày 02/01/2015. Dịp Tết Âm lịch sẽ được nghỉ 09 ngày liên tục, từ ngày 15/02/2015 đến hết ngày 23/02/2015 (tức là từ 27 tháng Chạp năm Giáp Ngọ đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Ất Mùi); công chức, viên chức sẽ đi làm thứ bảy, ngày 14/02/2015 để nghỉ thứ hai, ngày 16/02/2014.

Đặc biệt, dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay trùng với dịp nghỉ 30/04, 01/05 nên dự kiến công chức, viên chức cũng được nghỉ 08 ngày liên tục, từ ngày 26/04/2015 đến hết ngày 03/05/2015; đi làm bù thứ bảy, ngày 09/05/2015 để nghỉ thứ tư, ngày 29/04/2015.

Riêng các cơ quan, tổ chức không thực hiện lịch nghỉ cố định 02 ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần thì căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.

  1. 3.      CĂN CỨ XÁC ĐỊNH NLĐ NƯỚC NGOÀI ĐƯỢC MIỄN CẤP PHÉP LAO ĐỘNG

Ngày 05/11/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 41/2014/TT-BCT quy định căn cứ, thủ tục xác định người lao động (NLĐ) nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) không thuộc diện cấp Giấy phép lao động; trong đó, 11 ngành dịch vụ này gồm các ngành như: Dịch vụ kinh doanh, dịch vụ xây dựng, dịch vụ tài chính, dịch vụ y tế và xã hội, dịch vụ giải trí, văn hóa và thể thao, dịch vụ vận tải…

Theo hướng dẫn của Thông tư này, căn cứ xác định NLĐ nước ngoài là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong Biểu cam kết với WTO không thuộc diện cấp phép lao động bao gồm: Doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam; hiện diện thương mại của doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi 11 ngành dịch vụ nên trên; NLĐ nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng ít nhất 12 tháng trước khi được cử sang Việt Nam làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp đó trên lãnh thổ Việt Nam.

Để chứng minh NLĐ nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ không thuộc diện cấp phép lao động, người sử dụng lao động phải gửi hồ sơ tới Sở Lao động Thương binh và Xã hội gồm: Văn bản của doanh nghiệp nước ngoài cử sang làm việc nêu rõ thời hạn làm việc của người lao động; văn bản chứng minh NLĐ nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng ít nhất 12 tháng trước khi được cử sang Việt Nam làm việc; văn bản chứng minh hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam hoạt động trong 11 ngành dịch vụ (Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh….). Dựa vào hồ sơ, Sở Lao động Thương binh và Xã hội xác định NLĐ nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp để làm cơ sở xác nhận NLĐ đó không thuộc diện cấp Giấy phép lao động.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/12/2014.

ĐẤT ĐAI – NHÀ Ở

  1. 4.      LẤN CHIẾM ĐẤT Ở, PHẠT ĐẾN 10 TRIỆU ĐỒNG

Từ ngày 25/12/2014, cá nhân, hộ gia đình lấn, chiếm đất ở sẽ bị phạt từ 05 - 10 triệu đồng hoặc từ 03 - 05 triệu đồng nếu lấn chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ... là nội dung quy định tại Nghị định số 102/2014/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 10/11/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Cũng từ ngày 25/12 này, cá nhân, hộ gia đình không đăng ký đất đai lần đầu hoặc không đăng ký biến động khi chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; khi đổi tên người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất; chia tách quyền sử dụng đất... sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng hoặc từ 02 - 05 triệu đồng.

Đối với hành vi tự ý chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đất đang tranh chấp; bị kê kiên để bảo đảm thi hành án hoặc đã hết thời hạn sử dụng nhưng không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền gia hạn, mức phạt dao động từ 03 - 05 triệu đồng đối với cá nhân và 06 - 10 triệu đồng đối với tổ chức.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định rõ mức phạt đối với tổ chức chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở. Theo đó, tổ chức chậm làm thủ tục từ trên 12 tháng trở lên cho dưới 30 hộ gia đình, cá nhân; từ 30 đến dưới 100 hộ gia đình, cá nhân và từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên sẽ bị phạt tiền lần lượt từ 100 - 300 triệu đồng; từ trên 300 - 500 triệu đồng và từ trên 500 triệu đồng đến 01 tỷ đồng...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/12/2014.

TÀI CHÍNH – NGÂN HÀNG – TÍN DỤNG

  1. 5.      GIAO DỊCH NGÂN HÀNG KHÔNG PHẢI KHAI BÁO THÔNG TIN NGƯỜI THÂN

Ngày 11/11/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 31/2014/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định về phòng, chống rửa tiền; trong đó có những điều chỉnh quan trọng về việc đánh giá tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao.

Cụ thể, từ ngày 26/12/2014, khi đánh giá tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao là cá nhân, tổ chức tài chính phải thu thập các thông tin về mức thu nhập trung bình hàng tháng trong vòng ít nhất 03 tháng gần nhất của khách hàng; tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của cơ quan, tổ chức hoặc chủ cơ sở nơi khách hàng làm việc hoặc có thu nhập chính; không còn phải tìm hiểu thu nhập trung bình của khách hàng trong vòng 06 tháng và họ tên, địa chỉ, nghề nghiệp của vợ, chồng, con của khách hàng như trước đây. Đồng thời, tổ chức tài chính phải có trách nhiệm cập nhật thông tin của khách hàng định kỳ ít nhất 01 năm/lần (trước đây là 06 tháng/lần).

Một nội dung đáng chú ý khác của Thông tư này là quy định về báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử. Theo đó, tổ chức tài chính phải báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền từng giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước có mức giá trị từ 500 triệu đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương; giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào Việt Nam có mức giá trị từ 1.000 USD trở lên hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương. Riêng các giao dịch chuyển tiền bắt nguồn từ giao dịch sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hoặc thẻ trả trước để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ; giao dịch chuyển tiền và thanh toán giữa các tổ chức tài chính mà người khởi tạo và người thụ hưởng đều là các tổ chức tài chính, tổ chức tài chính không phải báo cáo.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/12/2014.

THƯƠNG MẠI

  1. 6.      CẤM QUẢNG CÁO SẢN PHẨM SỮA THAY THẾ SỮA MẸ

Đây là nội dung được nhấn mạnh tại Nghị định số 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 06/11/2014 quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo, thay thế Nghị định số 21/2006/NĐ-CP ngày 27/02/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2015.

Cụ thể, Chính phủ nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi (thay vì chỉ cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ dưới 12 tháng tuổi như trước đây), nhằm khuyến khích các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ và không bị ảnh hưởng bởi thông tin quảng cáo về các sản phẩm thay thế sữa mẹ. Đồng thời, việc quảng cáo thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; quảng cáo bình bú, vú ngậm nhân tạo và sử dụng hình ảnh bào thai hoặc trẻ nhỏ trong quảng cáo sữa dùng cho phụ nữ mang thai cũng bị nghiêm cấm.

Riêng quảng cáo thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi thì trong nội dung phải nêu rõ: “Sản phẩm này là thức ăn bổ sung và được ăn thêm cùng với sữa mẹ dùng cho trẻ trên 06 tháng tuổi”; phần đầu của quảng cáo vẫn phải có nội dung: “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ” như hiện tại.

Ngoài các nội dung nêu trên, Nghị định này cũng quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ. Trong đó, yêu cầu các cơ sở này không được cử nhân viên tiếp xúc với bà mẹ, phụ nữ mang thai hoặc thành viên trong gia đình họ với mục đích quảng cáo, tuyên truyền, khuyến khích sử dụng sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ; tổ chức trưng bày sản phẩm thay thế sữa mẹ, thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi tại cơ sở y tế; trưng bày tên, logo sản phẩm sữa thay thế ban hành Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT hướng dẫn ghi nhãn sữa mẹ trên các biểu ngữ, áp phích và tài liệu quảng cáo khác trong các siêu thị, cửa hàng bán lẻ; áp dụng các biện pháp khuyến mại đối với sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ như tặng hàng mẫu, tặng phiếu giảm giá, giải thưởng, quà tặng hoặc bất cứ hình thức khuyến mại khác… Trước đây, việc cấm thực hiện các hành vi này chỉ áp dụng với sản phẩm sữa dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi và thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi.

  1. 7.      QUY ĐỊNH VỀ GHI NHÃN HÀNG HÓA ĐỐI VỚI THỰC PHẨM CHẾ BIẾN

Ngày 27/10/2014, Liên bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương đã hàng hóa đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn, quy định các mặt hàng này lưu thông trên thị trường phải ghi số Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền cấp.

Ngoài ra, trên nhãn của thực phẩm đã qua chế biến, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm bao gói sẵn còn phải có các nội dung như: Tên; thành phần cấu tạo; định lượng theo đơn vị đo quốc tế; hướng dẫn sử dụng; khuyến cáo và cảnh báo an toàn; xuất xứ; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm và ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.

Riêng đối với bánh mỳ, bánh ngọt được tiêu thụ trong vòng 24 giờ sau khi sản xuất; dấm ăn; muối dùng cho thực phẩm và đường ở thể rắn, không bắt buộc phải có thời hạn sử dụng nhưng phải ghi ngày sản xuất trên nhãn. Đối với sản phẩm đồ uống có chứa tối thiểu 10% nồng độ cồn theo thể tích, không nhất thiết phải ghi ngày sản xuất và thời hạn sử dụng.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định miễn áp dụng ghi nhãn bắt buộc đối với các nhãn có diện tích nhỏ hơn 10cm2 hoặc có nhãn phụ, hướng dẫn sử dụng đi kèm; miễn áp dụng ghi thành phần cấu tạo, thời hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng đối với gia vị, thảo mộc và các bao gói nhỏ, có diện tích bề mặt lớn nhất nhỏ hơn 10cm2 nếu có nhãn phụ hoặc bao bì ngoài đã thể hiện đầy đủ các nội dung đó.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/12/2014.

GIAO THÔNG

  1. 8.      GIA HẠN ĐỔI GIẤY PHÉP LÁI XE Ô TÔ ĐẾN TRƯỚC 31/12/2015

Ngày 13/11/2014, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 67/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2013/TT-BGTVT ngày 24/10/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 07/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Theo Thông tư này, Giấy phép lái xe ô tô bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang Giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET trước ngày 31/12/2015; thay vì trước ngày 31/12/2014 như quy định trước đó. Riêng thời hạn chuyển đổi Giấy phép lái xe hạng A4 và Giấy phép lái xe không thời hạn (hạng A1, A2, A3) vẫn thực hiện theo lộ trình cũ. Cụ thể, Giấy phép lái xe hạng A4 phải chuyển đổi trước ngày 31/12/2015; Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 phải chuyển đổi trước ngày 31/12/2016 nếu cấp trước năm 2003; chuyển đổi trước ngày 31/12/2017 nếu cấp trước năm 2004; chuyển đổi trước ngày 31/12/2018 nếu cấp trước năm 2007; chuyển đổi trước ngày 31/12/2019 nếu cấp trước năm 2010; và chuyển đổi trước ngày 31/12/2020 nếu cấp sau năm 2010.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/12/2014.

  1. 9.      TỪ 1/7/2015, CẤM XE KHÁCH GIƯỜNG NẰM HAI TẦNG CHẠY ĐƯỜNG NÚI

Theo Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, từ ngày 01/07/2015, xe khách có giường nằm hai tầng sẽ không được sử dụng để hoạt động vận tải trên các tuyến đường cấp 5 và cấp 6 miền núi.

Đối với lái xe khách giường nằm hai tầng, Bộ yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải phải sử dụng lái xe đã có ít nhất 03 năm kinh nghiệm điều khiển xe khách có sức chứa từ 30 chỗ trở lên; đồng thời, chủ doanh nghiệp còn có trách nhiệm lập, cập nhật đầy đủ các thông tin về quá trình làm việc của lái xe vào lý lịch hành nghề lái xe hoặc phần mềm quản lý lái xe của đơn vị; tổ chức khám sức khỏe khi tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ cho lái xe, chỉ sử dụng lái xe có đủ sức khỏe theo quy định; không tuyển dụng, sử dụng lái xe có sử dụng chất ma túy. Bên cạnh đó, đơn vị kinh doanh vận tải phải thanh toán tối thiểu 90% tiền vé cho hành khách đã mua vé nhưng từ chối chuyến đi trước khi xe khởi hành ít nhất 02 giờ, thanh toán tối thiểu 70% tiền vé cho hành khách từ chối trước khi xe khởi hành ít nhất 30 phút.

Đối với xe taxi, Bộ nhấn mạnh, phải có bảng giá cước tính tiền theo kilômét, giá cước tính tiền cho thời gian chờ đợi và các chi phí khác (nếu có) mà hành khách phải trả; có bình chữa cháy còn hạn sử dụng và còn sử dụng được trên xe; có phù hiệu, hộp đèn xe taxi; có đồng hồ tính cước đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm định và kẹp chì; từ ngày 01/07/2016, xe phải có thiết bị in hóa đơn kết nối với đồng hồ tính cước...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015.

VI PHẠM HÀNH CHÍNH

10. TANG VẬT VPHC LÀ Ô TÔ ĐƯỢC CHUYỂN GIAO CHO TỔ CHỨC SỬ DỤNG

Ngày 27/10/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 159/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 29/2014/NĐ-CP ngày 10/04/2014 của Chính phủ quy định về thẩm quyền, thủ tục xác lập quyền sở hữu của Nhà nước về tài sản và quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước.

Theo đó, đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (VPHC) là xe mô tô, xe gắn máy; trang thiết bị văn phòng, trang thiết bị dùng cho công tác chuyên môn như: Máy móc, thiết bị đo lường phân tích, thiết bị thí nghiệm và các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng khác... có tỷ lệ chất lượng còn lại dưới 50%, còn giá trị sử dụng sẽ được đem ra bán đấu giá.

Đối với tang vật, phương tiện VPHC là xe mô tô, xe gắn máy, máy móc, trang thiết bị, phương tiện làm việc có tỷ lệ chất lượng còn lại từ 50% trở lên và ô tô sẽ được chuyển giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị để sử dụng. Trường hợp không thực hiện được theo hình thức chuyển giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng, cơ quan tài chính có trách nhiệm thông báo lại cho đơn vị chủ trì quản lý, xử lý tài sản để bán đấu giá trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của đơn vị chủ trì, quản lý, xử lý tài sản.

Đặc biệt, Thông tư cũng cho phép đại diện, tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp và cung cấp thông tin tài sản bị đánh rơi, bỏ quên được tham dự các cuộc họp của Hội đồng định giá tài sản để làm căn cứ chi  thưởng; có thể phát biểu ý kiến nhưng không được biểu quyết.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/12/2014.

CHÍNH SÁCH KINH TẾ - XÃ HỘI

11. ĐẾN 2020, VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM MIỀN TRUNG ĐÓN 14 TRIỆU LƯỢT KHÁCH DU LỊCH

Đây là một trong những mục tiêu được nêu tại Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2054/QĐ-TTg ngày 13/11/2014.

Theo đó, với định hướng phát triển Vùng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước, có các sản phẩm đặc thù và có sức cạnh tranh cao, Quy hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2020, Vùng đón khoảng 06 triệu lượt khách du lịch quốc tế và phục vụ trên 08 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng doanh thu từ khách du lịch đạt khoảng 45.000 tỷ đồng; tạo 80.000 việc làm… Để đạt được mục tiêu đó, tập trung phát triển nhóm sản phẩm du lịch đặc thù của Vùng như: Du lịch di sản văn hóa và du lịch biển đảo, ưu tiên sản phẩm du lịch đô thị gắn với sự kiện, lễ hội, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái biển… ; tập trung phát triển các khu du lịch và điểm du lịch quốc gia. Đặc biệt, phát triển tuyến du lịch trọng điểm: “Con đường di sản ASEAN”, du lịch sinh thái biển đảo, du lịch tìm hiểu văn hóa các dân tộc thiểu số…

Bên cạnh phát triển du lịch, Quy hoạch cũng nhấn mạnh tới việc phát triển văn hóa - gia đình, trong đó coi Thành phố Đà Nẵng và Thành phố Huế là 02 trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật và gia đình cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên; Thành phố Quy Nhơn trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của Vùng. Phấn đấu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, xây dựng mới Bảo tàng mỹ thuật (Đà Nẵng), Bảo tàng lịch sử Hoàng Sa - Trường Sa (Quảng Ngãi), thư viện khoa học tổng hợp cấp Vùng (Đà Nẵng), trung tâm giao lưu và biểu diễn nghệ thuật (Thừa Thiên - Huế), 06 rạp chiếu phim…

Riêng việc xây dựng thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp và vùng cửa khẩu biên giới, các huyện đảo, Quy hoạch nêu rõ, đến năm 2020, 100% số khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, trong đó 80% số khu công nghiệp xây dựng được trung tâm văn hóa - thể thao phục vụ công nhân, người lao động.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

CÔNG NGHIỆP

12. QUY ĐỊNH VỀ XỬ LÝ SỰ CỐ HỆ THỐNG ĐIỆN

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 40/2014/TT-BCT ngày 05/11/2014 quy định Quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia thay thế Quyết định số 56/QĐ-BCN ngày 26/11/2001.

Theo quy định tại Thông tư này, đơn vị quản lý vận hành điện phải xây dựng và ban hành quy trình xử lý sự cố thiết bị điện tại trạm điện hoặc nhà máy điện, trung tâm điều khiển phù hợp với các quy định của pháp luật; đồng thời, hàng năm phải tổ chức đào tạo và kiểm tra diễn tập xử lý sự cố ít nhất 01 lần cho nhân viên vận hành của đơn vị.

Về chế độ trực ca vận hành, Thông tư khẳng định nhân viên vận hành phải có mặt trước giờ giao nhận ca ít nhất 15 phút để tìm hiểu những sự việc xảy ra từ ca hiện tại và ca gần nhất để nắm rõ tình trạng vận hành của trạm điện, nhà máy điện, hệ thống điện thuộc quyền điều khiển. Khi xảy ra sự cố, hiện tượng bất thường trong ca trực của mình, nhân viên vận hành phải thực hiện đúng các quy định tại Quy trình xử lý sự cố trong hệ thống điện quốc gia, Quy định khởi động đen và khôi phục hệ thống theo quy định và báo cáo những thông tin cần thiết cho cấp trên, lãnh đạo đơn vị.

Đặc biệt, nghiêm cấm nhân viên uống rượu, bia, sử dụng chất kích thích trong thời gian trực ca; bỏ vị trí công tác khi chưa có nhân viên vận hành thay thế đến nhận ca; làm việc riêng; cho người không có nhiệm vụ vào phòng điều khiển, nhà máy điện, trạm điện, trung tâm điều khiển khi chưa được phép của lãnh đạo hoặc trực ca liên tục quá thời gian quy định...

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/12/2014

SGC Navilaw


 

Đang truy cập: 10
Trong ngày: 121
Trong tuần: 830
Lượt truy cập: 1579585
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com