Hướng dẫn hoàn thuế TTĐB đối với cơ sở sản xuất xăng sinh học
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 108/2015/NĐ-CP của Chính phủ, theo đó, bổ sung quy định hướng dẫn hoàn thuế TTĐB đối với cơ sở sản xuất xăng sinh học để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và phù hợp với chủ trương của Quốc hội, Chính phủ là khuyến khích sử dụng mặt hàng này.

Bộ Tài chính cho biết, để khuyến khích việc sử dụng nhiên liệu sinh học góp phần bảo vệ môi trường, ngày 26/11/2014 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật thuế TTĐB số 70/2014/QH13 trong đó quy định thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng xăng như sau: Xăng 10%; xăng E5 8%; xăng E10 7%.

Từ ngày Luật thuế TTĐB số 70/2014/QH13 có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2016), các doanh nghiệp sản xuất, pha chế xăng sinh học luôn phát sinh số thuế TTĐB còn được khấu trừ (do thuế TTĐB của xăng khoáng là 10% trong khi thuế suất thuế TTĐB của xăng sinh học là 8% hoặc 7%). Tuy nhiên, tại Nghị định số 108/2015/NĐ-CP chưa có quy định hoàn thuế TTĐB đối với số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết nên doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này gặp nhiều khó khăn.

Mặt khác, tại Nghị định chưa quy định rõ doanh nghiệp được kê khai, khấu trừ số thuế TTĐB bị cơ quan hải quan ấn định ở khâu nhập khẩu khi xác định số thuế TTĐB phải nộp bán ra trong nước nên dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp và chưa quy định hồ sơ, thủ tục hoàn thuế TTĐB đối với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, hàng tạm nhập, tái xuất khẩu.

Xuất phát từ các lý do nêu trên, cần thiết phải bổ sung quy định hướng dẫn hoàn thuế TTĐB đối với cơ sở sản xuất xăng sinh học để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và phù hợp với chủ trương của Quốc hội, Chính phủ là khuyến khích sử dụng mặt hàng này. Đồng thời, bổ sung hướng dẫn rõ khấu trừ thuế TTĐB đối với trường hợp cơ quan hải quan ấn định thu và bổ sung thủ tục hồ sơ hoàn thuế TTĐB cho doanh nghiệp.

Khuyến khích sử dụng xăng sinh học thông qua giá bán

Kể từ ngày 01/01/2018: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ doanh nghiệp chỉ được bán xăng RON95 và xăng E5 RON92 nên sau khi bù trừ với số thuế TTĐB phải nộp khác, doanh nghiệp luôn phát sinh số thuế TTĐB chưa được khấu trừ của nguyên liệu sản xuất xăng E5 RON92, cụ thể: Tập đoàn xăng dầu Việt Nam: Dự kiến số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết phát sinh năm 2018 khoảng 200 tỷ đồng (bình quân khoảng 16,6 tỷ đồng/tháng); Công ty TNHH TM & DV Long Hưng: Dự kiến số thuế TTĐB xăng E5 RON92 chưa được khấu trừ hết phát sinh năm 2018 khoảng 22 tỷ đồng (bình quân khoảng 1,8 tỷ đồng/tháng).

Bộ Tài chính thấy rằng, nếu không hướng dẫn hoàn thuế TTĐB cho doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến tình hình tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ và giá bán của mặt hàng xăng E5 RON92 (nội dung này Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đã có chỉ đạo tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 10/7/2018).

Đối với mặt hàng xăng sinh học E5, mặc dù có tên gọi khác nhưng nguyên liệu để sản xuất xăng E5 bao gồm xăng RON92 chiếm 95% và ethanol chiếm 5% nên số thuế TTĐB đầu vào chưa được khấu trừ hết của xăng RON92 sau khi bù trừ với số thuế TTĐB phải nộp của xăng E5 (thực chất là số thuế TTĐB phải nộp của 95% xăng RON92 vì thuế TTĐB chỉ thu vào lượng xăng khoáng) nên được xác định là trường hợp số thuế TTĐB phải nộp lớn hơn số đã nộp và thuộc đối tượng được hoàn thuế theo hướng dẫn tại Điểm c Khoản 5 Điều 6 Nghị định số 108/2015/NĐ-CP.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, số thuế TTĐB đã nộp của mặt hàng xăng khoáng và mặt hàng xăng sinh học là khác nhau (do có tên gọi khác) nên cần thiết phải bổ sung quy định rõ tại Nghị định của Chính phủ để đảm bảo căn cứ pháp lý.

Để khuyến khích sử dụng xăng sinh học thông qua giá bán và tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung quy định hoàn thuế TTĐB đối với trường hợp số thuế TTĐB chưa khấu trừ hết của xăng khoáng nguyên liệu dùng để sản xuất, pha chế xăng sinh học sau khi bù trừ với số thuế TTĐB phải nộp của hàng hóa, dịch vụ khác hoặc bù trừ giữa các loại thuế với nhau thì được hoàn thuế TTĐB.

Theo quy định của Luật quản lý thuế thì thuế TTĐB được kê khai theo tháng. Theo quy định của Luật thuế GTGT thì thuế GTGT đầu vào của dự án đầu tư hoặc xuất khẩu đạt từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế. Do vậy, để đảm bảo đồng bộ với Luật quản lý thuế và Luật thuế GTGT, Bộ Tài chính đề nghị số thuế TTĐB chưa được khấu trừ hết trong tháng đạt từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế (như quy định về hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư và xuất khẩu).

Về nguồn tiền hoàn thuế TTĐB: Bộ Tài chính đề nghị bố trí nguồn Ngân sách trung ương để hoàn thuế cho doanh nghiệp (dự kiến số thuế TTĐB hoàn năm 2018 khoảng 300 tỷ đồng và năm 2019 khoảng 450 tỷ đồng).

Về hồ sơ thủ tục hoàn thuế: Doanh nghiệp lập hồ sơ hoàn thuế TTĐB như đối với trường hợp người nộp thuế có số thuế nộp thừa quy định tại pháp luật về quản lý thuế.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.


 

Đang truy cập: 22
Trong ngày: 38
Trong tuần: 1216
Lượt truy cập: 1592790
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com