Hướng dẫn Công ước Istabul về tạm quản hàng hóa
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định hướng dẫn Công ước Istabul về tạm quản hàng hóa nhằm hiện đại hóa hải quan theo hướng áp dụng các chuẩn mực hải quan quốc tế, góp phần giảm thời gian, chi phí thủ tục nhằm mục đích tạo thuận lợi thương mại, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Bộ Tài chính cho biết, Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa được Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) tổng hợp, cơ cấu lại từ các công ước riêng rẽ tồn tại trước năm 1990 về tạm quản từng loại hàng hóa sử dụng chung cơ chế tạm quản ATA. Công ước Istanbul được ký kết ngày 26/6/1990, có hiệu lực ngày 27/11/1993.

Công ước quy định việc áp dụng mô hình chuẩn các chứng từ tạm quản như các chứng từ hải quan quốc tế kèm bảo lãnh nhằm góp phần tạo thuận lợi cho thủ tục tạm quản, đồng thời giúp các cơ quan quản lý chặt chẽ hàng tạm quản.

Ngày 02/01/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về việc đồng ý gia nhập Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa và giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện Công ước Istanbul; xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Công ước Istanbul trình Chính phủ.

Trong xu thế tăng cường xuất khẩu và giao lưu thương mại với các nước, và Chính phủ đang nỗ lực tiến hành cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan theo hướng áp dụng các chuẩn mực hải quan quốc tế, góp phần giảm thời gian, chi phí thủ tục nhằm mục đích tạo thuận lợi thương mại, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, việc áp dụng cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul được coi một dịch vụ cao cấp trong lĩnh vực tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, góp phần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam ra thế giới và ngược lại.

Thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa tạm quản

Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa tham dự hội chợ, triển lãm hay các sự kiện tương tự và phù hợp với thực tế phát sinh đối với hoạt động tạm nhập, tạm xuất hàng hóa tham gia hội chợ, triển lãm... ngày càng phát triển giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới đất liền, Bộ Tài chính đề xuất tại dự thảo Nghị định quy định hàng hóa thực hiện theo chế độ tạm quản này được làm thủ tục tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế, quy định này không trái với pháp luật trong nước và quy định của Công ước.

Dự thảo Nghị định cũng quy định chi tiết thủ tục hải quan đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, theo đó: Về thủ tục hải quan thực hiện theo quy định của pháp luật hải quan, tuy nhiên do việc thực hiện thủ tục hải quan bằng tờ khai hải quan giấy, mặt khác đây là mặt hàng tạm nhập – tái xuất, tạm xuất – tái nhập, theo đó về bản chất hàng hóa tạm nhập, tạm xuất phải đúng là hàng tái xuất, tái nhập. Do vậy, tại dự thảo Nghị định quy định việc tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ giấy và thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa thực hiện. Về mức độ, hình thức kiểm tra giao Chi cục trưởng căn cứ các thông tin tại thời điểm làm thủ tục hải quan để quyết định.

Đồng thời dự thảo Nghị định quy định về cách xử lý trong trường hợp hàng hóa tạm quản kết thúc tạm quản dưới hình thức: chuyển tiêu thụ nội địa, thay đổi mục đích sử dụng, tái xuất xuất vào kho ngoại quan, tiêu hủy, hàng hóa bị hư hỏng do tai nạn hoặc rủi ro bất khả kháng.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.


 

Đang truy cập: 32
Trong ngày: 89
Trong tuần: 1237
Lượt truy cập: 1592842
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com