Bảo hiểm:

  1. HCM: DANH SÁCH BỆNH VIỆN NHẬN ĐĂNG KÝ KCB BHYT BAN ĐẦU 2019

Ngày 15/11/2018, Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh đã ra Thông báo 2312/TB-BHXH công bố Danh sách bệnh viện, phòng khám nhận đăng ký khám chữa bệnh (KCB) BHYT ban đầu của Quý 1 năm 2019.
Theo Thông báo, danh sách các cơ sở KCB BHYT nhận đăng ký KCB ban đầu phân theo cơ cấu nhóm đối tượng như sau: Các cơ sở KCB công lập tuyến Trung ương: 03 bệnh viện; Các cơ sở KCB công lập tuyến tỉnh: 14 bệnh viện và viện; Các cơ sở KCB tư nhân tuyến tỉnh: 13 bệnh viện; Các cơ sở KCB công lập tuyến quận, huyện: 43 bệnh viện và phòng khám; Các cơ sở KCB tư nhân tương đương tuyến huyện: 63 bệnh viện, phòng khám…

Thông báo cũng chỉ rõ, các đối tượng là trẻ em dưới 06 tuổi, người có công, người già trên 80 tuổi được đăng ký nơi KCB ban đầu theo nguyện vọng; Viên chức, người lao động của bệnh viện được đăng ký nơi KCB ban đầu tại bệnh viện nơi làm việc…

  1. HƯỚNG DẪN MỚI VỀ CHẾ ĐỘ NGHỈ DƯỠNG SỨC PHỤC HỒI SỨC KHỎE

Bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh đã ra Công văn 2219/BHXH-CĐ ngày 07/11/2018 hướng dẫn nghiệp vụ về chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức.

Riêng về chế độ dưỡng sức phục hồi sức khỏe, Công văn này hướng dẫn cụ thể như sau:

- Nếu vừa nghỉ ốm ngắn ngày, vừa nghỉ ốm dài ngày, thời gian nghỉ ốm của từng loại chưa đủ điều kiện nghỉ dưỡng sức nhưng tổng thời gian nghỉ ốm đã đủ điều kiện dưỡng sức thì được hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức 05 ngày;

- Đang điều trị bệnh ốm đau thuộc bệnh dài ngày nhưng đã nghỉ hết thời gian tối đa trong năm như đối với bệnh thông thường thì được nghỉ dưỡng sức;

- Nghỉ dưỡng sức từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ được tính cho năm người lao động đủ điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe;

- Thời gian tối đa nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản được tính cho 01 năm, từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 năm dương lịch. Thời gian tính hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được tính trên cơ sở thời gian thực tế người lao động nghỉ việc gồm cả ngày nghỉ lễ, Tết và nghỉ hàng tuần.

Xuất nhập khẩu:

  1. GIẢM SỐ LÔ HÀNG NK KIỂM TRA CHUYÊN NGÀNH TẠI CỬA KHẨU CÒN DƯỚI 10%

Ngày 07/11/2018, Bộ Tài chính ra Quyết định 2043/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Quyết định 1254/QĐ-TTg về việc thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020.

Theo đó, Bộ Tài chính đặt ra các mục tiêu nhằm thực hiện Quyết định 1254/QĐ-TTg như sau:

- Đến năm 2020, 100% các thủ tục hành chính thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử;

- Các chứng từ điện tử được cấp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia được sử dụng khi thực hiện các thủ tục hành chính khác liên quan;

- Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa danh mục hàng hóa nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, giảm số lô hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu xuống dưới 10%;

- Năm 2019, trình Quốc hội Đề án thí điểm thực hiện Cơ chế bảo lãnh thông quan đối với một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành….

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề ra các giải pháp và lên kế hoạch chi tiết để đạt được các mục tiêu nêu trên.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 07/11/2018.

Tài nguyên-Môi trường:

  1. HỒ CHÍ MINH: KHÔNG PHÂN LOẠI RÁC CÓ THỂ BỊ PHẠT

Đây là một nội dung trong Quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh do UBND Thành phố ban hành tại Quyết định 44/2018/QĐ-UBND ngày 14/11/2018.

Quy định nêu rõ, hộ gia đình không chấp hành việc phân loại, chuyển giao không đúng nhóm chất thải, sau khi được nhắc nhở từ 03 lần trở lên trong một tuần thì tổ chức, cá nhân thu gom có trách nhiệm thông báo đến UBND xã, phường, thị trấn biết để xử phạt theo quy định.

Cũng theo Quy định của TP. Hồ Chí Minh, chất thải rắn sinh hoạt được phân loại thành các nhóm sau:

- Nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy: Thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật;

- Nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng: Giấy, nhựa, kim loại, cao su, nylon, thủy tinh;

- Nhóm chất thải còn lại.

Thành phố cũng sẽ tổ chức thu gom riêng các chất thải rắn sinh hoạt theo lịch như sau: Thu gom chất thải hữu cơ vào thứ 2, 4, 6 và Chủ nhật; các chất thải còn lại vào thứ 3, 5, 7 trong tuần.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 24/11/2018.

Y tế-Sức khỏe:

  1. ĐẾN 2025, 100% TRẠM Y TẾ XÃ CÓ GÓC TRUYỀN THÔNG VỀ NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN

Bộ Y tế ban hành Quyết định 6847/QĐ-BYT phê duyệt Đề án truyền thông về cải thiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch nông thôn giai đoạn 2018-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Đề án đã đưa ra những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, như:

Mục tiêu đến năm 2025:

- 100% các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội đưa nội dung truyền thông về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn vào kế hoạch hoạt động hàng năm, trung hạn, dài hạn;

- 100% các tỉnh, thành phố có tổ chức tập huấn về phương pháp và kỹ năng truyền thông thay đổi hànhvi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn;

- 100% trạm y tế xã, trường học tổ chức truyền thông và có góc truyền thông về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn...

Dự án đưa ra mục tiêu đến 2030, phấn đấu đạt 100% các chỉ tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2018-2025; Đảm bảo công tác truyền thông về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và sử dụng nước sạch nông thôn được duy trì bền vững.

Quyết định này được ban hành và có hiệu lực từ ngày 13/11/2018.

  1. 9 BỆNH ĐẦU BẾP NHÀ HÀNG KHÔNG ĐƯỢC MẮC

Ngày 12/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Y tế.

Trong đó, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống là một trong những nội dung được đề cập tại Nghị định này. Cụ thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Người trực tiếp chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm và được chủ cơ sở xác nhận không mắc các bệnh tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao, phổi, tiêu chảy cấp khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

- Thực hiện kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn theo hướng dẫn của Bộ Y tế (Kiểm thực ba bước bao gồm: Kiểm tra trước khi chế biến thức ăn; trong quá trình chế biến thức ăn và trước khi ăn).

- Thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh và không gây ô nhiễm.

Ngoài 03 yêu cầu nêu trên, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải tuân thủ các điều kiện tại Điều 28, 29 và Điều 30 của Luật An toàn thực phẩm.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký.

Khoa học-Công nghệ:

  1. BÃI BỎ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH MŨ BẢO HIỂM

Đây là nội dung đáng chú ý được Chính phủ nêu tại Nghị định 154/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định kiểm tra chuyên ngành.

Cụ thể, Nghị định này bãi bỏ Nghị định 87/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy.

Thêm vào đó, Nghị định mới quy định tổ chức giám định sở hữu trí tuệ chỉ được phép hoạt động khi có ít nhất một giám định viên sở hữu trí tuệ, bỏ các điều kiện:

- Có trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc;

- Có nguồn cơ sở dữ liệu thông tin cần thiết để thực hiện hoạt động giám định.

Theo Nghị định này, biện pháp miễn giảm kiểm tra chất lượng hàng hóa được áp dụng đối với: Hàng hóa nhập khẩu có cùng tên gọi, công dụng, nhãn hiệu… của cùng một cơ sở sản xuất, do cùng một người nhập khẩu, sau 03 lần nhập khẩu liên tiếp, có kết quả đánh giá phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được cơ quan kiểm tra có văn bản xác nhận miễn kiểm tra Nhà nước về chất lượng trong thời gian 02 năm.

Nghị định này được ban hành ngày 09/11/2018, có hiệu lực cùng ngày.

Vi phạm hành chính:

  1. ĐÍNH CHÍNH NGHỊ ĐỊNH 141/2018 VỀ XỬ PHẠT TRONG BÁN HÀNG ĐA CẤP

Ngày 12/11/2018, Chính phủ đã ra Công văn 551/CP-KTTH về việc đính chính Nghị định 141/2018/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực kinh doanh đa cấp.

Theo đó, một số lỗi kỹ thuật tại Nghị định 141/2018/NĐ-CP được đính chính lại như sau:

- Tại khoản 1, Điều 1, nội dung “Người có thẩm quyền xử phạt khi xử phạt đối với các hành vi quy định tại khoản 9 Điều này có trách nhiệm thông báo cho cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để xem xét áp dụng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật”.

Đính chính thành: “Người có thẩm quyền xử phạt khi xử phạt đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này…”.

- Tại khoản 2, Điều 1, nội dung: “Người có thẩm quyền xử phạt khi xử phạt đối với các hành vi quy định tại khoản 9 Điều này có trách nhiệm thông báo cho cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp để xem xét áp dụng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật”.

Đính chính thành: “Người có thẩm quyền xử phạt khi xử phạt đối với hành vi quy định tại khoản 10 Điều này…”.

Hành chính:

  1. KHÔNG ĐƯỢC TỔ CHỨC HỌP KẾT HỢP THAM QUAN, NGHỈ MÁT

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 45/2018/QĐ-TTg ngày 09/11/2018 quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính Nhà nước.

Một trong những nội dung nổi bật nhất của Quyết định này là quy định về 05 trường hợp không tổ chức họp, gồm:

- Họp kết hợp với tham quan, giao lưu, nghỉ mát hoặc dùng hình thức họp để tổ chức vui chơi, giải trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;

- Họp giải quyết các công việc thường xuyên trong tình hình có thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp;

- Họp giải quyết công việc đã được phân quyền, phân cấp, ủy quyền cho thủ trưởng cơ quan hành chính cấp dưới giải quyết;

- Họp giải quyết công việc đã được pháp luật quy định giải quyết bằng các cách thức khác không phải thông qua cuộc họp;

- Họp nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác của cấp dưới thay thế cho việc kiểm tra trực tiếp đối với cơ quan, đơn vị cấp dưới và cơ sở.

Cũng theo Quyết định này, thời gian tiến hành các cuộc họp như sau: Họp giao ban, họp giải quyết công việc, họp tham mưu, tư vấn, họp điều phối: Không quá 1/2 ngày làm việc; Họp chuyên môn: Từ 01 buổi làm việc đến 01 ngày, trường hợp những đề án, dự án lớn có thể kéo dài hơn; Họp sơ kết, tổng kết công tác: Không quá 01 ngày; Họp chuyên đề: Không quá 01 ngày; Họp tập huấn, triển khai: Từ 01 - 02 ngày.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 25/12/2018.

  1. XÂY DỰNG 9 VĂN BẢN LIÊN QUAN ĐẾN PHÁT TRIỂN THỦ ĐÔ

Kế hoạch xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phát triển Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định 1491/QĐ-TTg.

Theo đó, sẽ có 09 văn bản liên quan đến phát triển Thủ đô Hà Nội được hoàn thành trong thời gian tới, trong đó tiêu biểu là:

- Nghị định sửa đổi Nghị định 63/2017/NĐ-CP về một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội;

- Nghị định sửa đổi Nghị định 37/2010/NĐ-CP về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

- Nghị định sửa đổi Nghị định 44/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;

- Quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên trong cả nước;

- Quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Quyết định này được ban hành và có hiệu lực cùng ngày 06/11/2018.


 

Đang truy cập: 3
Trong ngày: 19
Trong tuần: 350
Lượt truy cập: 1556116
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com