Xây dựng cơ chế pháp lý mới hiệu quả về hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Tòa án nhân dân tối cao đang đề xuất xây dựng dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Tòa án nhân dân tối cao cho biết, những năm qua, các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn không ngừng tăng lên tỷ lệ thuận với quy mô tăng dân số và tăng trưởng của nền kinh tế. Cùng với những sửa đổi, bổ sung của các đạo luật mới, thẩm quyền của Tòa án được mở rộng, làm cho số lượng các vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng nhiều so với các năm trước, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp; số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ngày càng nhiều; nhiều vụ án dân sự, hành chính phải xét xử qua nhiều cấp trong nhiều năm; bản án, quyết định của Tòa có hiệu lực pháp luật nhưng chậm được thi hành đã ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Tòa án.

Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, cao thượng, “hai bên cùng thắng”, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề của Tòa án trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.

Theo Tòa án nhân dân tối cao, các cơ chế hòa giải, đối thoại hiện hành còn có những hạn chế. Cụ thể như sau: Về chủ thể tiến hành hòa giải, đối thoại, cơ chế hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng do nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành. Tuy nhiên, trong một số loại hình hòa giải, người tiến hành hòa giải thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm; không phải là những hòa giải viên chuyên nghiệp có kiến thức pháp lý chuyên sâu; thiếu kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết khi tiến hành hòa giải. Cơ chế hòa giải, đối thoại trong tố tụng do Thẩm phán - người sẽ tiến hành xét xử, bị hạn chế bởi các quy định pháp luật về sự vô tư, khách quan, chỉ tuân theo pháp luật, phải chấp hành quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán nên nhiều trường hợp khó linh hoạt để đưa ra những giải thích, lời khuyên giúp các bên tranh chấp cảm thông, chia sẻ, nhượng bộ và hòa giải.

Về phạm vi hòa giải, cơ chế hòa giải ngoài tố tụng chủ yếu được tiến hành đối với những tranh chấp, xích mích nhỏ trong nhân dân hoặc chỉ đối với một số loại tranh chấp đặc thù (như tranh chấp lao động, tranh chấp đất đai, tranh chấp thương mại) nên chưa đáp ứng được đòi hỏi của xã hội.

Về quy mô tổ chức, cơ chế hòa giải ngoài tố tụng được thực hiện ngoài Tòa án, không có sự hỗ trợ, giám sát từ phía Tòa án. Nhiều cơ chế hòa giải ngoài tố tụng không có tổ chức hỗ trợ, điều hành hoạt động mà chủ yếu do người tiến hành hòa giải tự mình thực hiện nên hoạt động của họ thiếu tính tổ chức cũng như sự kiểm tra, giám sát để bảo đảm hiệu quả hòa giải. Pháp luật hiện hành chưa có quy định về hòa giải, đối thoại trước tố tụng tại Tòa án nên chưa có cơ sở pháp lý để hình thành các Trung tâm Hòa giải, Đối thoại, đội ngũ Hòa giải viên, Đối thoại viên chuyên nghiệp tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Về phương pháp tiến hành, việc hòa giải ngoài tố tụng còn thiếu tính chuyên nghiệp, không có sự hỗ trợ từ phía Tòa án nên chưa tạo được niềm tin cần thiết để các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp. Cơ chế hòa giải, đối thoại trong tố tụng được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, tố tụng hành chính với trình tự, thủ tục chặt chẽ, thiếu tính linh hoạt nên cũng làm giảm hiệu quả của hòa giải, đối thoại. Đối với các khiếu kiện hành chính, trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó tham gia đối thoại. Trong bối cảnh các khiếu kiện hành chính ngày càng nhiều, phức tạp, xảy ra trên các lĩnh vực khác nhau, việc tổ chức đối thoại gặp nhiều khó khăn.

Về hiệu lực pháp lý, kết quả hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng không được bảo đảm thi hành nếu không qua thủ tục công nhận của Tòa án. Trường hợp một trong các bên đề nghị Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án theo quy định tại Chương XXXIII của Bộ luật Tố tụng dân sự thì cũng phải qua trình tự, thủ tục phức tạp với thời gian kéo dài.

Từ những hạn chế nêu trên, hiệu quả của các cơ chế hòa giải, đối thoại hiện hành chưa đạt được như kỳ vọng.

Tòa án nhân dân tối cao đã đề xuất xây dựng dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 5 chương, 50 điều nhằm xây dựng cơ chế pháp lý mới hiệu quả về hòa giải, đối thoại tại Tòa án để cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Cơ chế hòa giải, đối thoại này độc lập, không mâu thuẫn, không thay thế các cơ chế pháp lý hiện có. Thu hút, huy động nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội tham gia phối hợp cùng Tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Đồng thời, nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; tăng tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành và hiệu quả thi hành kết quả hòa giải, đối thoại.

Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng và 9 Tòa án nhân dân cấp huyện của Thành phố (thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 8/2018). Sau 6 tháng triển khai thực hiện, hoạt động thí điểm đã thu được những thành công nhất định, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành đạt 76,2%.

Sau thành công thí điểm tại Hải Phòng, Tòa án nhân dân tối cao đang thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thời gian thí điểm từ tháng 11/2018 đến tháng 5/2019 và sẽ được kéo dài thêm nếu điều kiện cho phép). Tại các địa phương này, đã thành lập Ban chỉ đạo thí điểm, các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đào tạo Hòa giải viên, Đối thoại viên; tiến hành hòa giải, đối thoại tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính và đã thu được những kết quả tích cực, được cấp ủy địa phương đánh giá là mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống, xã hội, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.


 

Đang truy cập: 23
Trong ngày: 277
Trong tuần: 1088
Lượt truy cập: 1592473
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com