Bộ Công an cho biết, ngày 03/10/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính. Qua hơn 05 năm triển khai thi hành Nghị định số 115/2013/NĐ-CP đã đạt được những kết quả quan trọng trong công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn thi hành Nghị định số 115/2013/NĐ-CP đã phát sinh một số hạn chế, bất cập như: Chưa quy định cụ thể việc xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ khi hết thời hạn tạm giữ; phạm vi áp dụng hình thức đặt tiền bảo lãnh cần được mở rộng để hạn chế việc cơ quan có thẩm quyền phải quản lý, bảo quản quá nhiều phương tiện vi phạm bị tạm giữ; về điều kiện, trình tự, thủ tục đặt tiền bảo lãnh cũng cần được quy định cụ thể hơn nữa để thuận tiện áp dụng… Do đó, để bảo đảm cho việc tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo đúng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm hành chính thì việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP là cần thiết.
Sửa đổi, bổ sung 06 điều và bãi bỏ khoản 4 Điều 7 của Nghị định 115/2013/NĐ-CP
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung 06 điều và bãi bỏ khoản 4 Điều 7 của Nghị định số 115/2013/NĐ-CP, cụ thể: Điều 6 sửa đổi, bổ sung các quy định về nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, cụ thể: Địa điểm, điều kiện, bố trí nơi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc bố trí nơi tạm giữ.
Khoản 1, khoản 2 Điều 13 sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ quản lý, bảo quản, giao, nhận tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, cụ thể: Trách nhiệm của người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Điều 14 sửa đổi, bổ sung các quy định về giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản, cụ thể: Điều kiện để giao phương tiện vi phạm cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản; trình tự giải quyết việc giao phương tiện giao thông vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi được giao phương tiện để giữ, bảo quản.
Đặc biệt, dự thảo sửa đổi, bổ sung các quy định về đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính (Điều 15), cụ thể: Thẩm quyền, trình tự giải quyết đặt tiền bảo lãnh phương tiện giao thông bị tạm giữ theo thủ tục hành chính; chế độ quản lý phương tiện trong thời gian giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản; khấu trừ tiền đặt bảo lãnh; các trường hợp không được đặt tiền bảo lãnh.
Sửa đổi Điều 16 về trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ hoặc chuyển tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu; thu, nộp, quản lý, sử dụng phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ.
Điều 17 sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hết thời hạn tạm giữ, cụ thể: Số lần thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng khi hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính mà người vi phạm không đến nhận; trình tự, thủ tục xử lý đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu.
Dự thảo bãi bỏ khoản 4 Điều 7 về thông báo cho tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp hoặc hội đồng bán đấu giá về tang vật, phương tiện đã có quyết định tịch thu để bán đấu giá.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |