Quá trình triển khai thực hiện các bộ tiêu chí từ năm 1996 đến nay, trong đó có Quyết định 50/2016/QĐ-TTg ngày 03/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, bên cạnh các ưu điểm đã bộc lộ một số bất cập như: Tất cả các bộ tiêu chí từ trước đến nay không đề cập đến tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số, do đó phân định xã vùng dân tộc thiểu số sinh sống là chưa hợp lý. Bên cạnh đó, các tiêu chí từng bước được lượng hóa, nhưng chưa tính đến yếu tố đặc thù, nên còn có sự chênh lệch giữa các vùng miền.
Thôn đặc biệt khó khăn là một trong các tiêu chí xác định xã đặc biệt khó khăn là chưa phù hợp giữa xã quy mô lớn, có nhiều thôn với xã quy mô nhỏ có ít thôn; dẫn đến tình trạng xã khu vực II có nhiều thôn đặc biệt khó khăn hơn xã khu vực III, gây nên bất cập trong việc phân bổ nguồn lực đầu tư và áp dụng các chính sách liên quan.
Do tâm lý của các địa phương muốn có nhiều thôn, xã đặc biệt khó khăn để được đầu tư, thụ hưởng chính sách từ ngân sách trung ương nên một số địa phương tổ chức phân định chưa phù hợp với tiêu chí và điều kiện thực tế, để giảm bớt thủ tục hành chính, quy định hiện hành đã không đề cập đến vai trò thẩm định của UBDT nên việc phân định chưa thật sự công bằng, minh bạch giữa các địa phương, chưa thật sự tập trung nguồn lực cho những nơi khó khăn nhất.
Để giải quyết những khó khăn cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030. Xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có nhiệm vụ “Xây dựng, ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển đảm bảo toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác, làm cơ sở xác định đối tượng, địa bàn cần ưu tiên tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm”.
Ủy ban Dân tộc đã xây dựng Đề án tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 nhằm xây dựng tiêu chí để phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển làm căn cứ thực hiện Đề án và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đảm bảo minh bạch, trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả.
Tiêu chí xác định vùng dân tộc thiểu số và miền núi:
Ủy ban Dân tộc cho biết, khái niệm vùng dân tộc thiểu số đã được quy định tại Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc: “Vùng dân tộc thiểu số là địa bàn có đông các dân tộc thiểu số cùng sinh sống ổn định thành cộng đồng trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tuy nhiên, bao nhiêu là đông, cộng đồng là thôn, xã, huyện hay tỉnh chưa được xác định rõ ràng. Trong khi đó các tiêu chí để xác định vùng dân tộc thiểu số và miền núi không có chỉ tiêu về số lượng (tỷ lệ) hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, trong danh sách 5.266 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay có 476 xã không có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và 1.126 xã có rất ít đồng bào dân tộc thiểu số (dưới 10%). Do vậy, đề án đề xuất: Lấy tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức bình quân chung của cả nước (hiện nay là 14,7%, lấy tròn số là 15%), làm cơ sở xác định địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thành cộng đồng. Địa bàn: Xác định chủ yếu là xã và thôn (bản,...).
Như vậy: Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là địa bàn các xã, thôn có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số từ 15% số hộ trở lên.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |