Điều chỉnh các hoạt động thống kê ngoài nhà nước; làm rõ các hệ thống thông tin thống kê; quy định rõ hơn trách nhiệm, vai trò của Cơ quan Thống kê Trung ương trong việc thẩm định số liệu thống kê của Bộ, ngành… là một trong những điểm mới nổi bật trong dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi).
Nâng chất lượng số liệu
Trải qua hơn 10 năm thực hiện, đến nay ngoài những kết quả đã đạt được, Luật Thống kê 2003 cũng đã bộc lộ không ít bất cập đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn đang vận động của kinh tế xã hội.
Nhiều mục tiêu đã được đặt ra khi xây dựng Luật Thống kê sửa đổi, nhưng đích đến cuối cùng là chất lượng số liệu phải được nâng lên với các yếu tố: Chính xác, đầy đủ, kịp thời, và minh bạch.
Bài toán nâng cao chất lượng số liệu đã được ngành Thống kê đặt ra từ lâu nay và đã thực hiện nhiều giải pháp như: Áp dụng các phương pháp thống kê tiên tiến, hoàn thiện quy trình sản xuất số liệu, áp dụng công nghệ thông tin trong xử lý, lưu trữ số liệu...
Tuy nhiên câu chuyện đặt ra là nếu chỉ mình ngành Thống kê giải bài toán chất lượng số liệu là chưa đủ, bởi chất lượng thông tin thống kê phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ của các yếu tố: Cung cấp thông tin (cá nhân, đơn vị), sản xuất thông tin (ngành Thống kê) và sử dụng, phổ biến thông tin (người sử dụng thông tin).
Chính vì vậy, trong xây dựng Luật Thống kê sửa đổi sẽ bao hàm các phạm vi đối tượng như chủ thể sản xuất thông tin thống kê, cung cấp và phổ biến thông tin thống kê.
Qua tổng kết, đánh giá thực tiễn việc thi hành Luật Thống kê năm 2003 cũng như qua các lần trưng cầu ý kiến, các buổi hội thảo, tọa đàm khoa học, với sự tham gia đông đảo của các ngành, các cấp, các chuyên gia trong và ngoài nước trong lĩnh vực thống kê, kinh tế, pháp luật và khảo sát nghiên cứu trong nước, kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, dựa trên những mục tiêu cụ thể, dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) đã được xây dựng và trình Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp tháng 3/2015 vừa qua.
Luật Thống kê năm 2003 gồm 8 Chương, 42 điều. Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) bao gồm 9 chương, 74 điều. Về số lượng các điều, dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) tăng 32 điều. Nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) tập trung vào một số điểm sau.
Mở rộng phạm vi điều chỉnh
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với mọi hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Có nghĩa là dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) sẽ điều chỉnh hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước và ngoài nhà nước.
Tuy nhiên, do tầm quan trọng của thông tin thống kê nhà nước trong hoạt động quản lý nhà nước nên các quy định tại Luật chủ yếu vẫn tập trung vào hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê do hệ thống tổ chức thống kê nhà nước thực hiện.
Đối với hoạt động thống kê của các tổ chức, cá nhân ngoài hệ thống tổ chức thống kê nhà nước thực hiện chỉ quy định về mục đích, phạm vi, nguyên tắc và yêu cầu, đồng thời quy định lĩnh vực cấm trong hoạt động thu thập và phổ biến thông tin thống kê (bao gồm các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh).
Làm rõ các hệ thống thông tin thống kê
Thứ hai, về hệ thống thông tin thống kê nhà nước, dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) kế thừa một phần của Điều 7 Luật Thống kê năm 2003 và khẳng định rõ Hệ thống thông tin thống kê nhà nước tại Chương II.
Điểm sửa đổi, bổ sung lần này là làm rõ các hệ thống thông tin thống kê ở nước ta, bao gồm: hệ thống thông tin thống kê quốc gia; hệ thống thông tin thống kê bộ, ngành; hệ thống thông tin thống kê cấp tỉnh; hệ thống thông tin thống kê cấp huyện; làm rõ mối quan hệ giữa các hệ thống thông tin thống kê và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng các hệ thống thông tin thống kê.
Qua đó cụ thể hóa các nội dung: Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành, Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Việc bổ sung một số nội dung mới này nhằm bảo đảm tính nhất quán trong hoạt động thống kê nhà nước, làm cơ sở bảo đảm cho thông tin thống kê nhà nước không mâu thuẫn, chồng chéo, bảo đảm tính khách quan, trung thực, có độ tin cậy cao đối với người sử dụng.
Thứ ba, về hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, dự thảo Luật đã cụ thể hóa danh mục Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia (phụ lục đính kèm Luật) tại khoản 4 Điều 16, quy định phân cấp rõ ràng giữa trách nhiệm thu thập, tổng hợp và công bố của Cơ quan Thống kê Trung ương và bộ, ngành, địa phương.
Sử dụng dữ liệu hành chính cho thống kê
Thứ tư, về hình thức thu thập thống kê nhà nước, dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) bổ sung hình thức thu thập thông tin thống kê từ sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước (Mục 2, Chương III).
Luật Thống kê năm 2003 chỉ quy định hai hình thức thu thập thông tin thống kê chủ yếu là từ điều tra thống kê và báo cáo thống kê.
Khi sử dụng dữ liệu hành chính cho hoạt động thống kê nhà nước sẽ tận dụng được nguồn tài nguyên sẵn có, đầy đủ về phạm vi, đáp ứng tính kịp thời và thường xuyên được cập nhật, tiết kiệm chi phí, đồng thời giảm bớt phiền hà, gánh nặng cho cả người cung cấp thông tin và người thu thập thông tin.
Thứ năm, về hệ thống tổ chức thống kê, Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) kế thừa Luật Thống kê năm 2003 cơ bản giữ nguyên chương V “Tổ chức thống kê” do sự phù hợp của mô hình hệ thống tổ chức thống kê của nước ta, đó là mô hình kết hợp giữa tập trung (hệ thống thống kê tập trung) và phân tán (thống kê bộ, ngành).
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đề cập và làm rõ hơn nội dung về hội nhập quốc tế trong hoạt động thống kê, nâng cao tính so sánh của thông tin thống kê với quốc tế. Đồng thời, nội dung về nghiên cứu ứng dụng phương pháp thống kê tiên tiến, công nghệ thông tin và truyền thông vào hoạt động thống kê cũng được nâng lên thành chương riêng (Chương V), thay vì chỉ là Điều 5 như trong Luật Thống kê năm 2003.
Làm rõ trách nhiệm thẩm định số liệu thống kê
Ngoài ra, để đẩy mạnh công tác dự báo và phân tích thống kê, trong Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) cũng bổ sung nội dung phân tích và dự báo thống kê, phổ biến thông tin thống kê.
Nhằm khắc phục chênh lệch số liệu giữa cơ quan thống kê Trung ương với địa phương và Bộ, ngành, dự thảo Luật cũng quy định rõ hơn trách nhiệm, vai trò của Cơ quan Thống kê Trung ương trong việc thẩm định số liệu thống kê của Bộ, ngành trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Trong trường hợp Bộ, ngành không thực hiện ý kiến thẩm định của cơ quan thống kê Trung ương thì cơ quan thống kê Trung ương tự quyết định và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ (khoản 5, Điều 53).
Bên cạnh đó, để tăng cường trách nhiệm của người sản xuất thông tin, minh bạch hóa việc công bố, phổ biến và tạo điều kiện cho người sử dụng tin tiện khai thác thông tin thống kê, trong Dự thảo Luật này cũng bổ sung quy định về lịch công bố thông tin thống kê.
Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII, dự kiến dự án Luật Thống kê (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 9 và thông qua vào kỳ họp thứ 10, năm 2015.
SGC Navi Law
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |