Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

  1. 1.      RÀ SOÁT AN TOÀN LAO ĐỘNG  TẠI CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TIẾP GIÁP KHU DÂN CƯ

Ngày 10/06/2015, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-LĐTBXH  về tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động và an toàn trên công trình xây dựng tiếp giáp với khu dân cư, đường giao thông.

Theo đó, nhằm bảo đảm quyền được làm việc an toàn của người lao động, quyền được sinh hoạt an toàn của người dân, Bộ đề nghị các UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của doanh nghiệp trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động, đặc biệt là các nhà thầu, ban quản lý dự án công trình tiếp giáp với khu dân cư, đường giao thông.

Đặc biệt, phải công khai thông báo các vi phạm nghiêm trọng trong công tác an toàn, vệ sinh lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng; xử lý nghiêm những vi phạm về an toàn lao động, xem xét khởi tố vụ án, truy tố người vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, quản lý chặt chẽ thiết bị có yêu  cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, nhất là các thiết bị nâng - hạ tại công trình tiếp giáp khu dân cư, đường giao thông; quy định khung giờ hoạt động và phân luồng giao thông hợp lý tại các công trình này…

Các nhà thầu thi công, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động cũng được giao trách nhiệm lập biện pháp quản lý rủi ro trong suốt quá trình làm việc, đảm bảo an toàn cho cả người lao động và người dân xung quanh; lựa chọn người có chuyên môn, kinh nghiệm, được đào tạo phù hợp để làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; huấn luyện thực hiện quy trình, biện pháp an toàn thường xuyên cho người lao động; bố trí người giám sát, phân luồng giao thông, thiết lập tín hiệu cảnh báo khi thi công gần đường giao thông…

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 2.      SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP  ĐƯỢC VAY KHÔNG TÀI SẢN BẢO ĐẢM ĐẾN 3 TỶ ĐỒNG

Theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tổ chức tín dụng được xem xét cho cá nhân, hộ gia đình cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; chủ trang trại và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn (trừ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, khai khoáng, cơ sở sản xuất thủy điện, nhiệt điện)... vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật.

Trong đó, mức cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa là 50 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn, có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn hoặc ngoài khu vực nông thôn, có tham gia liên kết trong sản xuất nông nghiệp với hợp tác xã hoặc doanh nghiệp; tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm; 300 triệu đồng với tổ hợp tác và hộ kinh doanh; 500 triệu đồng với hộ nuôi trồng thủy sản, hộ khai thác hải sản xa bờ có ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tổ chức chế biến, xuất khẩu trực tiếp và tối đa 03 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ...

Các đối tượng được vay không có tài sản bảo đảm nêu trên phải nộp cho tổ chức tín dụng cho vay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy xác nhận chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do UBND cấp xã xác nhận.

Thời hạn cho vay được xác định dựa vào chu kỳ sản xuất kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án, phương án sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng và nguồn vốn cho vay của tổ chức tín dụng. Hết thời hạn cho vay, khách hàng chưa trả được nợ do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, sẽ được xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; đồng thời, sẽ được xem xét cho vay mới khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất nếu dự án, phương án sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ khả thi.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/07/2015.

Thương mại:

  1. 3.      SẼ BÃI BỎ MỘT SỐ QUY ĐỊNH ƯU ĐÃI THUẾ GTGT, THUẾ NHẬP KHẨU

Trước tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp, làm thất thu ngân sách, thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh và hội nhập quốc tế..., ngày 09/06/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 41/NQ-CP về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg quy định cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu, bãi bỏ những quy định về ưu đãi thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế nhập khẩu hiện đang bị lợi dụng để gian lận thương mại gây thất thu cho ngân sách Nhà nước trước ngày 31/07/2015; tăng cường quản lý giá tính thuế, kiểm tra sau thông quan, thanh tra, kiểm tra thuế, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp chống thất thu, thất thoát ngân sách; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi chuyển giá và các hành vi gian lận khác để trốn thuế, chiếm đoạt ngân sách.

Các Bộ, ngành, địa phương có nhiệm vụ củng cố lực lượng làm công tác chống  buôn lậu, gian lận thương mại và làm hàng giả theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức tiếp tay, dung túng hoặc có biểu hiện tiêu cực khác trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đảm bảo nội bộ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công tác; khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc xây dựng và ban hành chế độ, quy trình luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức trong các lực lượng chức năng, nhất là tại các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng trước ngày 30/09/2015.

Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức và nhân dân về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp, có sức lan tỏa sâu, rộng để mỗi người thấy được quyền lợi, nghĩa vụ, tích cực tham gia công tác này; đặc biệt, phải công khai kết quả điều tra, xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm răn đe, phòng ngừa chung...

Tài nguyên-Môi trường:

  1. 4.      SỬ DỤNG NƯỚC TIẾT KIỆM, HIỆU QUẢ ĐƯỢC ƯU ĐÃI VAY VỐN

Ngày 08/06/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 54/2015/NĐ-CP quy định về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; theo đó, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả được hiểu là áp dụng các biện pháp, công nghệ để tuần hoàn, tái sử dụng nước, thu gom nước mưa, xử lý nước lợ, nước mặn thành nước ngọt để sử dụng hoặc để hạn chế lượng nước sử dụng cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Nghị định quy định, doanh nghiệp sẽ được vay vốn ưu đãi theo quy định về tín dụng đầu tư và được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng, nâng cấp hạng mục công trình để thu gom, xử lý nước thải có quy mô từ 40m3/ngày đêm trở lên, đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lượng nước phù hợp với mục đích tái sử dụng và sử dụng lượng nước đó cho hoạt động của mình đạt từ 80% trở lên; hoặc đầu tư hạng mục công trình để sử dụng nước tuần hoàn cho các hoạt động của mình với quy mô từ 500m3/ngày đêm trở lên, không bao gồm hoạt động sử dụng nước tuần hoàn để làm mát và các hình thức tuần hoàn khác theo quy trình và công nghệ sản xuất.

Đồng thời, tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất sản phẩm, thiết bị, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm đáp ứng tiêu chí tiết kiệm nước do cơ quan có thẩm quyền ban hành cũng sẽ được hưởng vay vốn ưu đãi và miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần thu nhập có được từ hoạt động đầu tư sản xuất sản phẩm, thiết bị, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm.

Ưu đãi về việc vay vốn cũng được dành cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân áp dụng công nghệ, kỹ thuật, biện pháp tưới tiết kiệm nước cho sản xuất nông nghiệp với quy mô từ 0,5ha trở lên đối với tưới lúa nước và 01ha trở lên đối với tưới cây trồng cạn; tổ chức đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước mưa, dự trữ vào bể chứa có dung tích từ 500m3 trở lên để sử dụng cho mục đích sinh hoạt tại các vùng biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước ngọt hoặc với hộ gia đình, cá nhân thì hệ thống này phải có dung tích từ 05m3 trở lên…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2015.

Giao thông:

  1. 5.      NHÂN VIÊN ĐƯỜNG SẮT CÓ THỂ LÀM VIỆC TỐI ĐA 12 GIỜ/NGÀY

Ngày 05/06/2015, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 21/2015/TT-BGTVT quy định về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong vận tải đường sắt.

Theo đó, thời giờ làm việc của lái tàu, trưởng tàu tối đa 09 giờ trong 01 ngày và 156 giờ/tháng; thời giờ làm việc này tính từ khi lên ban đến khi xuống ban. Nếu làm công việc chuyên dồn hoặc chuyên đẩy cố định ở 01 ga thì áp dụng thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi như đối với các chức danh làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, liên tục ngày đêm..., cụ thể: Thời gian lên ban không quá 06 giờ, thời gian xuống ban ít nhất 12 giờ, số ban tối đa trong 01 tháng là 26 ban hoặc thời gian lên ban không quá 12 giờ, thời gian xuống ban ít nhất 24 giờ, số ban tối đa trong 01 tháng là 13 ban.

Đối với các chức danh trưởng tàu; nhân viên, công nhân đường sắt làm việc trực tiếp trên các đoàn tàu khách hoặc đoàn tàu hàng, thời giờ làm việc tối đa 12  giờ/ngày và không quá 208 giờ/tháng. Trường hợp hành trình chạy tàu dài hơn 12 giờ thì áp dụng theo chế độ làm việc với thời gian lên ban 08 giờ, thời gian nghỉ tại chỗ 08 giờ. Tại các ga đông khách theo quy định thì nhân viên đang nghỉ tại chỗ có trách nhiệm tăng cường công tác đón tiễn khách với nhân viên đang lên ban.

Cũng theo Thông tư này, thời giờ nghỉ ngơi sau một hành trình chạy tàu để chuyển sang hành trình chạy tàu tiếp theo ít nhất là 12 giờ; trường hợp do yêu cầu của biểu đồ chạy tàu, thời giờ nghỉ giữa 01 hành trình chạy tàu có thể ngắn hơn nhưng tối thiểu cũng phải bằng thời giờ làm việc của ban trước liền kề.

Thông tư này thay thế Thông tư số 23/1998/TT-BGTVT ngày 07/02/1998 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2015.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề

  1. 6.      NĂM HỌC 2015 - 2016, ĐH MỞ TP.HCM THU HỌC PHÍ 13 TRIỆU ĐỒNG/NGƯỜI

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 850/QĐ-TTg ngày 12/06/2015 phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh (sau đây gọi là Trường) giai đoạn 2015 - 2017, trong đó quy định Trường được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về mức thu học phí.

Cụ thể, năm học 2014 - 2015, mức thu học phí bình quân tối đa áp dụng với chương trình đại trà, trình độ đại học, chính quy của Trường là 11 triệu đồng/người học; năm học 2015 - 2016 là 13 triệu đồng/người và năm học 2016 - 2017 là 15 triệu đồng/người học. Đồng thời, với trình độ đào tạo tiến sĩ, mức trần học phí bằng 2,5 lần và với trình độ thạc sĩ là 1,5 lần mức bình quân tối đa này. Riêng những đối tượng đã nhập học trước thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành, Trường thu học phí với mức tăng tối đa năm sau không quá 30% của năm trước liền kề.

Cũng theo Đề án, Trường sẽ hỗ trợ toàn bộ phần chênh lệch giữa mức học phí của Trường so với mức học phí được miễn, giảm theo quy định của Nhà nước đối với các sinh viên thuộc đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo quy định kể từ khóa tuyển sinh sau thời điểm Quyết định này có hiệu lực. Ngoài các đối tượng được miễn, giảm học phí theo chính sách của Nhà nước, Trường xây dựng, thực hiện chính sách học bổng, khuyến khích học tập cho sinh viên học tập xuất sắc và sinh viên là đối tượng chính sách.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Cán bộ-Công chức-Viên chức:

  1. 7.      ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VÀO THÁNG 12 HÀNG NĂM

Theo Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/06/2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo từng năm công tác và được tiến hành trong tháng 12 hàng năm.

Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và một số lĩnh vực khác có thời điểm kết thúc năm công tác trước tháng 12 hàng năm, thời điểm đánh giá, phân loại do người đứng đầu quyết định.

Kết quả đánh giá là căn cứ quan trọng để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, công chức bị phân loại đánh giá ở mức không hoàn thành nhiệm vụ khi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hoặc quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị  nhưng chưa đến mức bị xử lý kỷ luật ở hình thức cao nhất; không hoàn thành nhiệm vụ tương xứng với chức danh đang giữ; thực hiện nhiệm vụ, công vụ có saiphạm đến mức phải có biện pháp khắc phục; gây mất đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; hoàn thành dưới 70% nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch công tác năm hoặc có hành vi cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực, tham nhũng, tham ô, lãng phí bị xử lý kỷ luật...

Nghị định cũng nhấn mạnh, người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đánh giá, phân loại đối với cán bộ, công chức, viên chức hàng năm và gửi báo cáo kết quả đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý về Bộ Nội vụ để tổng hợp trước ngày 01/03 hàng năm.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2015.

Văn hóa-Thể thao-Du lịch:

  1. 8.      TỔ CHỨC MÍT TINH KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY QUỐC KHÁNH TẠI HÀ NỘI

Nhằm khẳng định vị trí, tầm vóc vĩ đại, giá trị lịch sử to lớn của Cách mạng Tháng Tám trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc; giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần đại đoàn kết và thể hiện lòng biết ơn đến các thế hệ đã hi sinh..., ngày 11/06/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 829/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám (19/08/1945 - 19/08/2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/09/1945 - 02/09/2015).

Chương trình Mít tinh, diễu binh, diễu hành do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc và Thành phố Hà Nội tổ chức từ 07 giờ ngày 02/09/2015, tại khu vực Quảng trường Ba Đình và một số tuyến phố trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.

Về nội dung và hình thức diễu binh, diễu hành, Quyết định chỉ rõ, xe mô hình của các khối diễu hành là loại xe tải 2,5 tấn, có chiều cao không quá 3,6m; trang phục của lực lượng diễu hành và ma két xe mô hình do các ban, Bộ, ngành đảm nhận chuẩn bị và phải có sự thống nhất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thành phố Hà Nội có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an bảo đảm an ninh, trật tự trong ngày lễ; huy động lực lượng quần chúng, thiếu nhi tham dự Mít tinh, diễu binh, diễu hành theo kịch bản và bố trí thời gian địa điểm tập kết theo quy định và lắp đặt hệ thống màn hình LED tại một số địa điểm thích hợp để phục vụ nhân dân theo dõi truyền hình trực tiếp Mít tinh, diễu binh, diễu hành...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 Hành chính:

  1. 9.      TỔ CHỨC ĐỐI THOẠI VỚI TỔ CHỨC, CÔNG DÂN VỀ TTHC ĐỊNH KỲ 6 THÁNG

Định kỳ 06 tháng, người đứng đầu cơ quan Nhà nước phải tổ chức đối thoại với tổ chức, công dân về thủ tục hành chính (TTHC), giải quyết TTHC; kịp thời có biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn là một trong những nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đề ra tại Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 10/06/2015 về việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong công tác cải cách TTHC.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đề xuất sáng kiến cải cách TTHC; ứng dụng công nghệthông tin và xây dựng quy trình giải quyết TTHC nội bộ, bảo đảm nhanh, gọn, khoa học, thuận tiện, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cho cá nhân, tổ chức; thực hiện đầy đủ các quy định về công bố, công khai, minh bạch TTHC và giải quyết phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và triển khai vận hành hệ thống theo dõi, đánh giá công tác kiểm soát TTHC theo đúng hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm tăng cường chức năng quản lý Nhà nước về kiểm soát TTHC; chủ trì, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền và hệ thống theo dõi, đánh giá công tác kiểm soát TTHC...

Nông nghiệp-Lâm nghiệp:

10. RỪNG PHÒNG HỘ TỪ 3.000HA PHẢI CÓ BAN QUẢN LÝ

Đây là nội dung quy định tại Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 09/06/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý rừng phòng hộ.

Theo đó, UBND cấp tỉnh phải thành lập Ban quản lý rừng phòng hộ đối với những khu rừng phòng hộ tập trung, có diện tích từ 5.000ha trở lên (với rừng phòng hộ đầu nguồn) hoặc 3.000ha trở lên (với rừng phòng hộ chắn sóng lấn biển, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay) và rừng phòng hộ không tập trung nhưng có tầm quan trọng về chức năng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ chắn sóng lấn biển, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay với tổng diện tích thuộc phạm vi địa giới hành chính của một tỉnh từ 5.000ha trở lên (với rừng phòng hộ đầu nguồn) hoặc 3.000ha trở lên (đối với rừng phòng hộ chắn sóng lấn biển, rừng phòng hộ chắn gió chắn cát bay). Trường hợp đặc biệt, rừng phòng hộ không đảm bảo diện tích nêu trên, nhưng yêu cầu cấp thiết phải thành lập Ban quản lý phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng thuận bằng văn bản.

Ngoài ra, Quyết định cũng có quy định chi tiết về tiêu chuẩn định hình khu rừng phòng hộ. Cụ thể, các khu rừng phòng hộ định hình khi có tỷ lệ diện tích đất có rừng trên diện tích của toàn khu rừng phòng hộ phải từ 70% trở lên; diện tích có rừng liền khoảnh từ 0,5ha trở lên, nếu là dải cây rừng phải có chiều rộng tối thiểu 20m và có từ 03 hàng cây trở lên; là một hệ sinh thái, trong đó thành phần chính là các loài cây lâu năm thân gỗ, cau dừa, tre nứa có chiều cao vút ngọn từ 05m trở lên (trừ một số loài cây rừng ngập mặn ven biển)...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/07/2015.


 

Đang truy cập: 44
Trong ngày: 152
Trong tuần: 860
Lượt truy cập: 1579622
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com