Xuất nhập khẩu:

  1. 1.      TIẾP TỤC CẤP PHÉP NHẬP KHẨU TỰ ĐỘNG MỘT SỐ SẢN PHẨM THÉP TỪ 26/7

Ngày 12/06/2015, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 12/2015/TT-BCT quy định áp dụng chế độ cấp Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm thép; trong đó có sản phẩm sắt hoặc thép không hợp kim ở dạng bán thành phẩm; sắt hoặc thép không hợp kim hoặc cán phẳng, có chiều rộng từ 600mm trở lên, đã phủ, mạ hoặc tráng; sắt hoặc thép không hợp kim ở dạng thanh và que khác; các sản phẩm của thép không gỉ cán phẳng, có chiều rộng từ 600mm trở lên…

Thông tư chỉ rõ, Giấy phép nhập khẩu tự động do Bộ Công Thương cấp cho thương nhân nhập khẩu các sản phẩm thép nêu trên dưới hình thức xác nhận đơn đăng ký nhập khẩu cho mỗi lô hàng; Giấy phép này có giá trị thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương xác nhận. Trong lần đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tự động lần đầu tiên, thương nhân phải đăng ký hồ sơ thương nhân với cơ quan cấp Giấy phép và chỉ được xem xét cấp Giấy phép nhập khẩu tự động khi đã đăng ký hồ sơ này. Giấy phép nhập khẩu tự động sẽ được cấp trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan cấp Giấy phép nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng cho phép thương nhân được lựa chọn đăng ký nhập khẩu theo chế độ cấp phép nhập khẩu tự động qua mạng Internet. Cụ thể, thương nhân phải khai báo các thông tin qua mạng Internet theo hệ thống phần mềm do Bộ quy định; sau khi được cấp tài khoản truy cập hệ thống phần mềm, thương nhân tiếp tục khai báo thông tin về hồ sơ đăng ký nhập khẩu tự động và sẽ được thông báo về kết quả thẩm định qua Internet trong vòng 01 ngày. Khi đã nhận được chấp thuận, thương nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhập khẩu tự động. Trong trường hợp này, Giấy phép sẽ được cấp trong thời hạn 05 ngày làm việc.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/07/2015.

 

 

Xây dựng:

  1. 2.      ĐIỀU KIỆN CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/06/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng, trong đó đáng chú ý là quy định về cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng cho cá nhân là công dân Việt Nam, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam để đảm nhận các chức danh, được tham gia công việc cho các chức danh hoặc hành nghề độc lập theo quy định.

Để được cấp chứng chỉ, cá nhân phải có đủ năng lực hành vi dân sự; có Giấy phép cư trú tại Việt Nam (đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài); đạt yêu cầu về sát hạch kinh nghiệm nghề nghiệp và kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành nghề; có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 07 năm trở lên đối với chứng chỉ hạng I, 05 năm với chứng chỉ hạng II và 03 năm nếu cá nhân có trình độ đại học hoặc 05 năm trở lên với trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp đối với chứng chỉ hạng III.

Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng có hiệu lực tối đa trong 05 năm. Các chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp được tiếp tục sử dụng cho đến khi hết thời hạn; sau ngày 01/03/2016, cá nhân có nhu cầu sử dụng chứng chỉ hành nghề phải thực hiện các thủ tục đề nghị cấp chứng chỉ theo quy định mới.

Riêng đối với cá nhân, người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp, hành nghề hoạt động xây dựng ở Việt Nam dưới 06 tháng thì được công nhận hành nghề. Trường hợp hành nghề ở Việt Nam từ 06 tháng trở lên, phải chuyển đổi chứng chỉ tại Bộ Xây dựng.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về đăng tải thông tin về năng lực của tổ chức tham gia hoạt động xây dựng. Theo đó, các tổ chức tham gia hoạt động xây dựng phải cung cấp thông tin về năng lực hoạt động của mình tới cơ quan chuyên môn để đăng tải công khai trên Trang thông tin điện tử do cơ quan này quản lý. Thông tin này là cơ sở để lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia lập quy hoạch, lập, thẩm tra dự án đầu tư xây dựng; quản lý dự án đầu tư xây dựng; khảo sát, giám sát thi công xây dựng...

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/08/2015.

Thương mại:

  1. 3.      ĐĂNG KÝ ĐẤU GIÁ HÀNG DỰ TRỮ QUỐC GIA PHẢI ĐẶT TRƯỚC ĐẾN 15% GIÁ KHỞI ĐIỂM

Theo Thông tư số 89/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 11/06/2015 hướng dẫn nhập, xuất, mua, bán hàng dự trữ quốc gia, người đăng ký tham giá đấu giá hàng dự trữ quốc gia phải nộp phí tham gia đấu giá và một khoản tiền đặt trước cho tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp hoặc hội đồng bán đấu giá trước thời điểm tiến hành mở cuộc bán đấu giá.

Thay vì phải đặt trước 7% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá như trước đây, từ ngày 01/08/2015, tổ chức bán đấu giá tài sản và người có tài sản bán đấu giá được tự thỏa thuận về khoản tiền đặt trước, nhưng phải đảm bảo tối thiểu là 1% và tối đa là 15% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá (không trả lãi trong thời gian ký quỹ). Trường hợp người đăng ký tham gia đấu giá nhiều đơn vị tài sản hàng dự trữ quốc gia bán đấu giá thì khoản tiền đặt trước phải nộp bằng tổng số tiền đặt trước của các đơn vị tài sản tham gia đấu giá.

Theo đó, đơn vị dự trữ quốc gia bán hàng phải thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương việc lựa chọn tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp ngay sau khi có kế hoạch bán đấu giá được phê duyệt; thời gian thông báo tối thiểu 02 lần, mỗi lần cách nhau 03 ngày. Đối với hàng dự trữ quốc gia theo quy định phải bán đấu giá nhưng bán đấu giá 02 cuộc không thành, Bộ Tài chính cho phép các đơn vị dự trữ quốc gia bán trực tiếp rộng rãi cho mọi đối tượng theo quy định của pháp luật. Đối với hàng là thóc, vắc xin, hóa chất khử trùng, thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống cây trồng, muối trắng có thể bán trực tiếp rộng rãi cho mọi đối tượng, không cần qua bán đấu giá; riêng hàng dự trữ quốc gia phục vụ quốc phòng, an ninh chỉ được bán chỉ định cho mục đích quốc phòng, an ninh.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2015.

Chứng khoán:

  1. 4.      TĂNG VỐN ĐIỀU LỆ SỞ GIAO DỊCH CHỨNG KHOÁN TP.HCM LÊN 2.000 TỶ ĐỒNG

Đây là nội dung nổi bật tại Quyết định số 21/2015/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18/06/2015 sửa đổi một số điều của Quyết định số 599/2007/QĐ-TTg ngày 11/05/2007 về chuyển Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM thành Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Cụ thể, vốn điều lệ của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM chính thức tăng gấp đôi, từ 1.000 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng từ ngày 08/08/2015. Số vốn này bao gồm: Vốn ngân sách Nhà nước cấp cho Trung tâm Giao dịch chứng khoán chuyển giao sang Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM tại thời điểm chuyển giao; vốn bổ sung của Nhà nước trong quá trình hoạt động; vốn tự bổ sung từ lợi nhuận sau thuế và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Trước đó, ngày 11/05/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định chuyển Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thành Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM để tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán của các tổ chức phát hành đủ điều kiện niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật.

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM là pháp nhân thuộc sở hữu Nhà nước, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại các ngân hàng thương mại trong nước, nước ngoài, là đơn vị hạch toán độc lập, tự chủ về tài chính, được tổ chức theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, hoạt động theo Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Điều lệ của Sở Giao dịch chứng khoán và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/08/2015.

Thông tin-Truyền thông:

  1. 5.      NÂNG CAO NHẬN THỨC, TRÁCH NHIỆM VỀ AN TOÀN THÔNG TIN

Đề án Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 19/06/2015, với mục tiêu tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn thông tin.

Cụ thể, đến năm 2020, dưới 50% các sự cố mất an toàn thông tin xảy ra vì lý do bắt nguồn từ nhận thức yếu kém về các nguy cơ mất an toàn thông tin của con người; trên 50% người sử dụng nói chung và trên 60% học sinh, trên 70% sinh viên được tuyên truyền, phổ biến về các nguy cơ và kỹ năng cơ bản phòng tránh mất an toàn thông tin; trên 80% công chức, viên chức, cán bộ của các cơ quan, tổ chức Nhà nước được tuyên truyền, phổ biến về thói quen, trách nhiệm và kỹ năng đơn giản để bảo đảm an toàn thông tin khi ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Nhà nước; trên 80% cán bộ, công nhân viên, người lao động của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin được tuyên truyền, phổ biến về nguy cơ, quy trình điều phối ứng cứu, xử lý sự cố mất an toàn thông tin…

Với mục tiêu nêu trên, Đề án này đề ra các nhiệm vụ chính như sau: Định hướng hoạt động và xây dựng, biên tập các tài liệu tuyên truyền thuộc phạm vi của Đề án; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin ở các cơ sở giáo dục và qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội; tuyên truyền qua hệ thống thông tin cơ sở, trong đó có việc tuyên truyền theo các địa điểm cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ mạng hoặc thiết bị công nghệ thông tin, áp dụng với các khu vực có đông người sử dụng mạng, tại các điểm sử dụng máy tính công cộng, các điểm phủ sóng mạng không dây và truy nhập Internet công cộng…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

  1. 6.      VIETTEL THỐNG LĨNH THỊ TRƯỜNG THÔNG TIN DI ĐỘNG MẶT ĐẤT

Ngày 15/06/2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra Thông tư số 15/2015/TT-BTTTT sửa đổi một số quy định của Thông tư số 18/2012/TT-BTTTT ngày 15/11/2012 ban hành Danh mục doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng.

Theo quy định tại Thông tư này, từ ngày 15/06/2015, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) là doanh nghiệp viễn thông duy nhất có vị trí thống lĩnh thị trường với dịch vụ thông tin di động mặt đất, bao gồm cả 03 dịch vụ điện thoại, nhắn tin và truy nhập Internet.

Trước đó, theo Thông tư số 18/2012/TT-BTTTT ngày 15/11/2012, có 03 doanh nghiệp nắm vị trí thống lĩnh đối với các dịch vụ thông tin di động mặt đất này, lần lượt là Viettel, Công ty Thông tin Di động (VMS) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/06/2015.

Chính sách kinh tế-xã hội:

  1. 7.      ĐẾN 2030, CÔN ĐẢO TRỞ THÀNH KHU DU LỊCH TẦM CỠ QUỐC TẾ

Đây là một trong những mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đề ra tại Quyết định số 870/QĐ-TTg ngày 17/06/2015 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030”, với tổng diện tích đất nổi khoảng 75,15km2.

Nhằm mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao, mang đậm đặc trưng văn hóa truyền thống gắn liền với phát huy các giá trị của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo..., Thủ tướng Chính phủ đã đề ra một số định hướng phát triển chủ yếu cho Khu du lịch quốc gia Côn Đảo.

Cụ thể, tập trung khai thác thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - tâm linh, giáo dục truyền thống lịch sử - cách mạng; phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch trên cơ sở các giá trị đặc trưng của văn hóa, lịch sử và thiên nhiên Côn Đảo; nâng cao khả năng tiếp cận Khu du lịch quốc gia Côn Đảo bằng cả đường hàng không và đường biển thông qua việc nâng cấp sân bay Côn Đảo, mở thêm các đường bay thẳng nội địa và quốc tế, nâng cấp cảng tàu du lịch và tăng tần suất vận chuyển; thành lập Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Côn Đảo để thống nhất quản lý mọi hoạt động đầu tư phát triển, bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo...

Dự kiến đến năm 2030, Côn Đảo sẽ đón khoảng 300.000 lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 120.000 lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 2.800 tỷ đồng và tạo việc làm cho khoảng 8.000 lao động.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

  1. 8.      CHUYỂN VỊ TRÍ XÂY DỰNG KHU DU LỊCH, CASINO Ở PHÚ QUỐC

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 868/QĐ-TTg ngày 17/06/2015 phê duyệt điều chỉnh cục bộ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2030.

Trong đó, đáng chú ý là quy định điều chỉnh, chuyển vị trí khu du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí tổng hợp có casino từ khu đất bãi Đá Chồng, xã Bãi Thơm sang khu du lịch sinh thái Bãi Dài, xã Gành Dầu ở bờ biển phía Tây đảo, với quy mô khoảng 567ha. Đồng thời, điều chỉnh chức năng sân golf, quy mô 102ha tại khu đất du lịch sinh thái Cửa Cạn thành đất du lịch sinh thái.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng bổ sung quy hoạch tuyến cáp treo từ thị trấn An Thới ra đảo Hòn Thơm, xã Hòn Thơm; bổ sung khu đất có chức năng dịch vụ du lịch giải trí phức hợp và sân golf quy mô diện tích 2.090ha tại khu vực Đồng Cây Sao và Bắc sông Cửa Cạn, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc trên cơ sở chuyển đổi chức năng 1.718ha diện tích đất nông nghiệp và 372ha đất rừng phòng hộ. Phía Bắc rạch Vũng Bầu cũng được bổ sung khu đất có chức năng du lịch nghỉ dưỡng, giải trí thể thao trên cơ sở chuyển đổi chức năng 142ha từ đất nông nghiệp.

Về hệ thống rừng, cây xanh, công viên, mặt nước và không gian mở, Thủ tướng nhấn mạnh, sẽ khai thác khu vực rừng quốc gia, rừng phòng hộ với các hoạt động du lịch như câu cá, giáo dục cộng đồng; nghiên cứu khoa học; dã ngoại; đi bộ, dạo trong rừng; ngắm cảnh; các môn thể thao mạo hiểm; dù lượn, leo núi; tham quan rừng; nghỉ ngơi sinh thái trong rừng; vườn thú hoang dã...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Nông nghiệp-Lâm nghiệp:

  1. NGÀY 14/11 HÀNG NĂM LÀ NGÀY TRUYỀN THỐNG NGÀNH NÔNG NGHIỆP

Đây là nội dung nổi bật tại Quyết định số 890/QĐ-TTg ngày 18/06/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Cụ thể, ngày 14/11 hàng năm sẽ được lấy làm Ngày Truyền thống ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Việc tổ chức Ngày Truyền thống phải đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, có hiệu quả, tránh hình thức; giáo dục truyền thống, động viên phong trào thi đua lao động, công tác, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ. Đồng thời, phải biểu dương, khen thưởng được cho các cá nhân, tập thể có thành tích trong việc xây dựng ngành, gương mẫu thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng các hình thức phù hợp với quy định của pháp luật...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Tư pháp-Hộ tịch:

10. MIỄN THỊ THỰC CÓ THỜI HẠN CHO CÔNG DÂN 5 NƯỚC CHÂU ÂU

Ngày 18/06/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 46/NQ-CP về việc miễn thị thực có thời hạn đối với công dân các nước Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Liên bang Đức, Vương quốc Tây Ban Nha, Cộng hòa I-ta-li-a.

Theo quy định tại Nghị quyết này, công dân 05 nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và I-ta-li-a nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật sẽ được miễn thị thực khi nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú tại Việt Nam không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh.

Chính sách miễn thị thực nhập cảnh nêu trên được thực hiện trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày 01/07/2015 đến hết ngày 30/06/2016 và sẽ được xem xét, gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Xuất nhập cảnh:

11. NGƯỜI NƯỚC NGOÀI ĐƯỢC ĐƯA Ô TÔ NHÀ Ở LƯU ĐỘNG VÀO VIỆT NAM DU LỊCH

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 57/2015/NĐ-CP ngày 16/06/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2013/NĐ-CP ngày 04/11/2013 của Chính phủ quy định về quản lý phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch.

Theo đó, Nghị định này đã bổ sung xe ô tô nhà ở lưu động có tay lái bên trái thuộc đối tượng phương tiện cơ giới của người nước ngoài được phép đưa vào Việt Nam du lịch, bên cạnh xe ô tô chở khách có tay lái bên trái từ 09 chỗ trở xuống và xe mô tô như quy định trước đây.

Đồng thời, Nghị định cũng đã rút ngắn thời gian xem xét chấp thuận cho phương tiện được tham gia giao thông tại Việt Nam. Cụ thể, chậm nhất sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Giao thông Vận tải phải có văn bản chấp thuận việc phương tiện cơ giới nước ngoài tham gia giao thông tại Việt Nam. Văn bản này được gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, UBND cấp tỉnh có liên quan để phối hợp cùng quản lý. Trường hợp không chấp thuận, phải có văn bản trả lời trong thời gian 03 ngày làm việc và nêu rõ lý do. Trong khi đó, trước đây, thủ tục này được quy định tối đa là 05 ngày làm việc.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2015.

Tiết kiệm-Phòng, chống tham nhũng, lãng phí:

12. TỪ 1/8, GÂY LÃNG PHÍ VỐN ĐẦU TƯ PHẠT ĐẾN 60 TRIỆU ĐỒNG

Ngày 16/06/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; Kho bạc Nhà nước, quy định mức phạt tiền đối với hành vi gây lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn vượt định mức, đơn giá theo quy định là từ 50 - 60 triệu đồng.

Đối với hành vi sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, điện, nước, xăng, dầu, sách báo, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị, hội thảo, chi phí tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước bằng kinh phí ngân sách Nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành, bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng.

Tương tự, tổ chức mua sắm thiết bị phục vụ hoạt động của cơ sở khám, chữa bệnh do ngân sách Nhà nước cấp không đúng Danh mục được phê duyệt sẽ bị phạt từ 01 - 20 triệu đồng; trong đó, mức phạt 01 - 05 triệu đồng áp dụng trong

trường hợp mua sắm trang thiết bị có tổng giá trị trong 01 lần mua dưới 50 triệu đồng; 05 - 10 triệu đồng trong trường hợp mua sắm trang thiết bị có tổng giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng trong 01 lần mua và mức phạt 10 - 20 triệu đồng được áp dụng trong trường hợp mua sắm trang thiết bị có tổng giá trị trong 01 lần mua từ 100 triệu đồng trở lên.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên. Theo đó, mức phạt tiền từ 01 - 05 triệu đồng được áp dụng với hành vi cản trở trái phép việc thực hiện nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, thực hiện các dự án sử dụng tài nguyên tái chế; mức phạt từ 20 - 30 triệu áp dụng với hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên không đúng quy hoạch, kế hoạch, quy trình đã được phê duyệt.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2015.


 

Đang truy cập: 14
Trong ngày: 123
Trong tuần: 832
Lượt truy cập: 1579589
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com