Bộ Tư pháp đang chủ trì dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã nghèo giai đoạn 2016 - 2020.
Ảnh minh họa |
Đối tượng thụ hưởng chính sách là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và người được trợ giúp pháp lý khác tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; xã nghèo không thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, bao gồm: xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; xã biên giới và xã an toàn khu; thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi không thuộc các xã nghèo quy định trên (sau đây gọi là thôn, bản đặc biệt khó khăn).
Theo dự thảo, thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho các đối tượng thụ hưởng chính sách, trong đó chú trọng các hình thức trợ giúp pháp lý: Tham gia tố tụng, đặc biệt là trong lĩnh vực tố tụng hình sự, hôn nhân và gia đình; Đại diện ngoài tố tụng; Tư vấn pháp luật tại trụ sở, tư vấn pháp luật tiền tố tụng.
Bộ Tư pháp cho biết, xuất phát từ đặc thù của các huyện nghèo, xã nghèo (diện người được trợ giúp pháp lý rất lớn, họ chưa biết nhiều về trợ giúp pháp lý, nhận thức pháp luật còn hạn chế); nhu cầu trợ giúp pháp lý rất cao, trong khi đó chất lượng nguồn nhân lực làm công tác pháp luật còn nhiều hạn chế. Do vậy, bên cạnh việc chú trọng thực hiện các vụ việc trợ giúp pháp lý cho các đối tượng thụ hưởng chính sách khi có nhu cầu thì cần tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp pháp lý của Trung tâm để nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý trên các địa bàn khó khăn thông qua việc hỗ trợ đào tạo luật sư làm nguồn bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý. Cụ thể, hỗ trợ học phí cho viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh có huyện nghèo, xã nghèo tham gia khóa đào tạo nghề luật sư theo mức học phí hiện hành của cơ sở đạo tạo. Số lượng hỗ trợ 03 người/Trung tâm/năm.
Bên cạnh đó, hỗ trợ thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý 50 triệu đồng/Trung tâm.
Tập trung hoạt động truyền thông trực tiếp về trợ giúp pháp lý
Cũng theo Bộ Tư pháp, trên địa bàn này cần tập trung hoạt động truyền thông trực tiếp về trợ giúp pháp lý cho người dân biết về hệ thống tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, về quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý. Do các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn là địa bàn xa trung tâm, đi lại khó khăn nên bên cạnh việc tuyên truyền về hoạt động trợ giúp pháp lý thông qua các phương tiện truyền thông thì cần phải trực tiếp tổ chức các đợt truyền thông ở cơ sở để người dân có thể hiểu biết sâu sắc và cụ thể hơn về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý.
Cụ thể, dự thảo quy định, đối với truyền thông về trợ giúp pháp lý, hỗ trợ xây dựng chuyên trang, chuyên mục trên Báo hình, Báo viết, Đài phát thanh, Báo hình phát sóng trên Đài truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: 20 triệu đồng/01 số/quý/Trung tâm; báo viết đăng trên báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: 3 triệu đồng/01 số/tháng/Trung tâm; Phát thanh chuyên mục, băng cát – xét, đĩa CD bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc về trợ giúp pháp lý trên Đài phát thanh xã: biên soạn nội dung: 1 triệu đồng/01 số/tháng/xã, thôn, bản; chi phí phát thanh: 500.000 đồng/xã, thôn, bản/tháng (4 lần phát/tháng).
Ngoài ra, đặt Bảng thông tin, Hộp tin về trợ giúp pháp lý tại trụ sở UBND, Trung tâm bưu điện, Nhà sinh hoạt cộng đồng, Nhà văn hoá, Đồn Biên phòng đóng trên địa bàn các xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn: 4 triệu đồng/xã/lần (2 lần/8 năm); 2 triệu đồng/thôn, bản/lần; tổ chức các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở: 2 triệu đồng/xã/01 lần/năm; 1 triệu đồng/thôn, bản/01 lần/năm.
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |