Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:
- 1. LAO ĐỘNG NỮ MANG THAI ĐƯỢC ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động là nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 85/2015/NĐ-CP ngày 01/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ, có hiệu lực từ ngày 15/11/2015.
Tuy nhiên, trước khi đơn phương chấm dứt hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng, lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động, kèm theo ý kiến đề nghị của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Thời hạn báo trước theo thời hạn của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định; trường hợp không có chỉ định của cơ sở có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ, hai bên tự thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Về việc chăm sóc sức khỏe với lao động nữ, Nghị định quy định, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, mỗi ngày được nghỉ 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi; thời gian nghỉ này vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc; lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động. Ngoài ra, khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ cũng được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám do Bộ Y tế ban hành.
Đặc biệt, Nghị định khuyến khích người sử dụng lao động ưu tiên tuyển dụng, sử dụng phụ nữ vào làm việc khi người đó đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm công việc phù hợp với cả nam và nữ. Doanh nghiệp sử dụng từ 10 đến dưới 100 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm 50% trở lên; từ trên 100 đến dưới 1.000 lao động nữ, trong đó, số lao động nữ chiếm 30% trở lên và doanh nghiệp sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên sẽ được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; các khoản chi tăng thêm cho lao động nữ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đầu tư:
- 2. CÔNG DÂN CÓ QUYỀN GIÁM SÁT CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ
Ngày 30/09/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2015/NĐ-CP về giám sát và đánh giá đầu tư; trong đó trao cho công dân quyền giám sát các dự án đầu tư, thông qua Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Cụ thể, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng có quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước cung cấp các thông tin về quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch xây dựng chi tiết các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp và kế hoạch đầu tư có liên quan trên địa bàn xã; yêu cầu chủ chương trình, chủ đầu tư trả lời, cung cấp các thông tin phục vụ việc giám sát đầu tư như: Quyết định đầu tư; thông tin về chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, địa chỉ liên hệ; tiến độ và kế hoạch đầu tư; diện tích chiếm đất và sử dụng đất; phương án đền bù, giải phóng mặt bằng và phương án tái định cư; phương án xử lý chất thải và bảo vệ môi trường…
Đồng thời, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cũng là đơn vị kiến nghị các cấp có thẩm quyền đình chỉ thực hiện đầu tư, vận hành dự án nếu phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm trong quá trình thực hiện dự án gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, an ninh, văn hóa - xã hội, môi trường sinh sống của cộng đồng; hoặc chủ đầu tư không thực hiện công khai thông tin về chương trình, dự án đầu tư theo quy định…
Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã chủ trì thành lập cho từng chương trình, dự án. Ban gồm có ít nhất 05 người, gồm đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; Thanh tra nhân dân và đại diện người dân trên địa bàn.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 20/11/2015; thay thế Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15/12/2009.
- 3. ĐƯỢC CHUYỂN TRƯỚC VỐN RA NƯỚC NGOÀI ĐỂ ĐẦU TƯ
Tại Nghị định số 83/2015/NĐ-CP ngày 25/09/2015 quy định về đầu tư ra nước ngoài, Chính phủ cho phép nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm đáp ứng các chi phí hoạt động hình thành dự án đầu tư như: Nghiên cứu thị trường và cơ hội đầu tư; khảo sát thực địa… Trong đó, hạn mức chuyển ngoại tệ không được vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300.000 đô la Mỹ.
Để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư nộp 03 bộ hồ sơ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời phải đăng ký thông tin đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ; trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc có nội dung cần phải làm rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nhà đầu tư phải hoàn thiện hồ sơ trong 05 ngày làm việc.
Riêng với trường hợp dự án có vốn đăng ký chuyển ra nước ngoài bằng ngoại tệ tương đương 20 tỷ đồng trở lên thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải lấy ý kiến bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước. Trong 07 ngày làm việc từ ngày nhận được văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước phải có ý kiến gửi lại. Quá thời hạn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư không nhận được văn bản trả lời, thì được hiểu là Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận hồ sơ dự án đầu tư.
Cũng theo hướng dẫn của Nghị định này, ngay sau khi kết thúc dự án đầu tư, nhà đầu tư phải thanh lý dự án đầu tư theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư. Trong vòng 06 tháng, kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế, nhà đầu tư phải chuyển về nước toàn bộ các khoản thu còn lại từ việc thanh lý dự án đầu tư; nếu có nhu cầu kéo dài thời hạn này sẽ được gia hạn một lần và tối đa không quá 06 tháng. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hoàn tất việc thanh lý dự án đầu tư tại nước ngoài và chuyển về nước toàn bộ các khoản thu còn lại từ việc thanh lý dự án đầu tư (nếu có), nhà đầu tư phải làm thủ tục chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 09/08/2006.
Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:
- 4. THỜI HẠN THANH TOÁN TRONG GIAO DỊCH NGOẠI TỆ GIAO NGAY TỐI ĐA 2 NGÀY
Theo Thông tư số 15/2015/TT-NHNN ngày 02/10/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối, ngày thanh toán trong giao dịch giao ngay, giao dịch giao ngay trong giao dịch hoán đổi do các bên thỏa thuận nhưng tối đa không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày giao dịch.
Ngày thanh toán trong giao dịch kỳ hạn, giao dịch kỳ hạn trong giao dịch hoán đổi là ngày cuối cùng của kỳ hạn giao dịch. Trường hợp ngày thanh toán trùng vào ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ, ngày thanh toán được chuyển sang ngày làm việc kế tiếp.
Về bán ngoại tệ cho các giao dịch chưa đến hạn thanh toán, Thông tư quy định tổ tổ chức tín dụng chỉ được bán ngoại tệ kỳ hạn cho khách hàng dùng đồng Việt Nam để mua ngoại tệ trước thời hạn thanh toán từ 03 ngày làm việc trở lên.
Cũng theo Thông tư này, khi thực hiện mua ngoại tệ trong giao dịch giao ngay, giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi; mua quyền chọn mua ngoại tệ, khách hàng phải xuất trình giấy tờ và chứng từ cung cấp đầy đủ thông tin về mục đích, số lượng, loại ngoại tệ, thời hạn thanh toán, chuyển tiền. Tổ chức tín dụng có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ và chứng từ này, đảm bảo giao dịch được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/10/2015.
Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:
- 5. NĂM HỌC 2015 - 2016, HỌC PHÍ PHỔ THÔNG CÔNG LẬP TỐI ĐA 300.000 ĐỒNG/THÁNG
Có hiệu lực từ ngày 01/12/2015, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.
Theo Nghị định, năm học 2015 - 2016, khung học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp học mầm non và giáo dục phổ thông công lập dao động từ 8.000 - 300.000 đồng/học sinh/tháng; trong đó, khung học phí ở khu vực thành thị là từ 60.000 - 300.000 đồng/học sinh/tháng; ở nông thôn từ 30.000 - 120.000 đồng/học sinh/tháng và ở miền núi từ 8.000 - 60.000 đồng/học sinh/tháng. Từ năm học 2016 - 2017 trở đi, học phí sẽ được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo.
Từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2017 - 2018, mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các trường công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư được áp dụng theo từng khối ngành, chuyên ngành đào tạo; cụ thể, với khối ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông lâm, thủy sản là 1,75 triệu đồng/sinh viên/tháng; với khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, khách sạn, du lịch là 2,05 triệu đồng/sinh viên/tháng và với khối ngành y dược là 4,4 triệu đồng/sinh viên/tháng.
Một nội dung đáng chú ý khác tại Nghị định này là quy định về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Theo đó, học sinh tiểu học; sinh viên sư phạm và người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh sẽ không phải đóng học phí. Miễn học phí đối với người có công với cách mạng và thân nhân của họ; trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế, thuộc hộ nghèo và người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp…
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ 100.000 đồng/tháng cho trẻ mẫu giáo, học sinh phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế hoặc có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác; thời gian hỗ trợ theo thời gian học thực tế, tối đa 09 tháng/năm học.
- 6. HỖ TRỢ ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ SƠ CẤP, ĐÀO TẠO DƯỚI 3 THÁNG
Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 28/09/2015 quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng, áp dụng đối với người học là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật, người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu nghèo; người thuộc hộ cận nghèo…
Mức hỗ trợ chi phí đào tạo đối với từng đối tượng được quy định cụ thể như sau: Tối đa 06 triệu đồng/người/khóa học với người khuyết tật; tối đa 04 triệu đồng/người/khóa học với người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học với người dân tộc thiểu số, người được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân; tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học với người thuộc hộ cận nghèo và tối đa 02 triệu đồng/người/khóa học với người học là phụ nữ, lao động nông thôn…
Ngoài được hỗ trợ chi phí đào tạo, các đối tượng nêu trên còn được hỗ trợ tiền ăn với mức 30.000 đồng/người/ngày thực học; hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên. Riêng với người khuyết tật và người học cư trú ở xã, thôn, bản thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, mức hỗ trợ tiền đi lại là 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 5km trở lên.
Cũng theo Quyết định này, người học đăng ký tham gia các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng được lựa chọn nghề học, cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, mỗi người chỉ được hỗ trợ đào tạo một lần; những người đã được hỗ trợ đào tạo theo chính sách hiện hành khác thì không tiếp tục được hưởng hỗ trợ theo Quyết định này. Riêng người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng mất việc làm do nguyên nhân khách quan, UBND cấp xã xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi việc làm, nhưng tối đa không quá 03 lần.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.
Giao thông:
- 7. ÁP DỤNG THỦ TỤC ĐIỆN TỬ CHO TÀU THUYỀN TUYẾN NỘI ĐỊA VÀO, RỜI CẢNG BIỂN
Ngày 24/09/2015, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 54/2015/TT-BGTVT quy định thủ tục điện tử cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển Việt Nam, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc thực hiện thủ tục này.
Thông tư quy định, đối với tàu biển, người làm thủ tục truy cập vào Cổng thông tin một cửa quốc gia tại địa chỉ: https://vnsw.gov.vn và khai báo các thông tin theo mẫu tờ khai; đối với phương tiện thủy nội địa, người làm thủ tục khai báo thông tin tại Cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông Vận tải theo địa chỉ: https://dichvucong.mt.gov.vn, hoặc soạn tin nhắn theo mẫu và gửi tới Tổng đài làm thủ tục cho phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển.
Khi thực hiện thủ tục điện tử, người làm thủ tục có trách nhiệm hoàn thành thanh toán phí, lệ phí vào, rời cảng biển ngay sau khi nhận được thông báo phí, lệ phí bằng một trong các hình thức như: Thanh toán trực tuyến tại Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông Vận tải; Thanh toán chuyển khoản vào tài khoản của Cảng vụ hàng hải và thanh toán bằng tiền mặt.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định rõ, khi tàu biển, phương tiện thủy nội địa vào, rời một khu vực hàng hải thuộc vùng nước cảng biển thì phải làm thủ tục vào, rời một lần. Tàu biển, phương tiện thủy nội địa không phải làm thủ tục khi di chuyển giữa các cảng, bến thủy nội địa, bến cảng biển, cầu cảng biển trong một khu vực hàng hải. Thủ tục vào, rời thực hiện tại cảng, bến đầu tiên và cảng, bến cuối cùng mà tàu biển, phương tiện thủy nội địa vào, rời.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016; riêng đối với phương tiện thủy nội địa sẽ được áp dụng thủ tục tại Thông tư này từ ngày 01/03/2016.
- 8. ĐƯỢC LẮP ĐẶT BIỂN QUẢNG CÁO TRONG PHẠM VI AN TOÀN ĐƯỜNG BỘ
Cá nhân, tổ chức được lắp đặt biển quảng cáo tạm thời trong phạm vi an toàn đường bộ của quốc lộ đang khai thác; trong đó, giới hạn khoảng cách an toàn đường bộ theo chiều ngang của biển quảng cáo tính từ mép đất của đường bộ đến điểm gần nhất của biển quảng cáo tối thiểu bằng 1,3 lần chiều cao của biển và không được nhỏ hơn 5m. Với quảng cáo trong hành lang an toàn đường bộ, chỉ được thực hiện tạm thời khi điều kiện địa hình bên ngoài hành lang an toàn đường bộ không thực hiện được.
Trên đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT do Bộ Giao thông Vận tải ban hành ngày 23/09/2015 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
Một nội dung đáng chú ý khác của Thông tư là quy định cho phép nhà ở, cơ sở sản xuất, kinh doanh có đất trong hành lang đường bộ nhưng chưa ảnh hưởng đến an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ được tạm thời tồn tại nhưng phải giữ nguyên trạng, không được cơi nới, mở rộng. Trường hợp công trình bị xuống cấp, chưa được Nhà nước đền bù, giải tỏa và người sử dụng có nhu cầu, UBND cấp xã và cơ quan quản lý tuyến đường sẽ kiểm kê đất, tài sản trên đất để có cơ sở đền bù hoặc thống nhất phương án sửa chữa.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng nêu rõ, không sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe; việc sử dụng gầm cầu đường bộ trong đô thị làm bãi đỗ xe tạm thời do UBND cấp tỉnh hoặc Bộ Giao thông Vận tải quyết định.
Về cấm đường để thi công, chỉ được ngăn, cấm đường để thi công vào giờ thấp điểm; không ngăn, cấm đường quá 01 giờ, mỗi lần cách nhau từ 04 giờ để bảo đảm giao thông thông suốt. Nếu quá thời gian này, phải được Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông Vận tải chấp thuận.
Khoa học-Công nghệ:
- 9. SẼ XÂY DỰNG 3 TRUNG TÂM CÔNG NGHỆ SINH HỌC CẤP QUỐC GIA
Nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả trong nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trước mắt cũng như lâu dài, ngày 28/09/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1670/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm về CNSH đến năm 2025.
Tại định hướng Quy hoạch, Thủ tướng yêu cầu xây dựng và phát triển 03 trung tâm CNSH cấp quốc gia tại miền Bắc, Trung, Nam, mỗi trung tâm có trung bình từ 200 - 500 cán bộ khoa học công nghệ làm việc; đồng thời, tiếp tục phát triển mạng lưới, đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ cho 10 phòng thí nghiệm CNSH trọng điểm cấp quốc gia để có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại đáp ứng yêu cầu nghiên cứu cơ bản, định hướng ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ; trong đó, mỗi phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia có từ 40 - 50 cán bộ có trình độ chuyên sâu về CNSH.
Ở các cấp Bộ, ngành, sẽ tập trung đầu tư một số viện, trung tâm CNSH mạnh, có cơ sở vật chất hiện đại đạt trình độ khu vực và quốc tế, có nguồn nhân lực đủ trình độ. Các viện, trung tâm này hợp tác, liên kết với các trung tâm cấp quốc gia trong việc triển khai nghiên cứu, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra tại các trung tâm quốc gia; mỗi tổ chức này có khoảng 50 - 100 cán bộ có trình độ chuyên môn về CNSH.
Dự kiến, đến năm 2025, xây dựng được 100% phòng thí nghiệm nghiên cứu về sinh vật biến đổi gen được chứng nhận đủ điều kiện an toàn sinh học; ít nhất 15 phòng thí nghiệm trong mạng lưới từ Trung ương đến địa phương đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN và thế giới…
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:
10. ƯU ĐÃI TRONG GIÁO DỤC ĐỐI VỚI CON CỦA NGƯỜI CÓ CÔNG
Ngày 28/09/2015, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 36/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, trường lớp dành cho người tàn tật; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khóa học từ 01 năm trở lên hoặc cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo đó, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội có trách nhiệm quản lý, tổ chức chi trả trợ cấp cho học sinh, sinh viên thuộc diện ưu đãi vào đầu năm hoặc đầu khóa học (tháng 10, tháng 11 hoặc tháng 11, tháng 12) đối với trợ cấp ưu đãi hàng năm; với trợ cấp ưu đãi hàng tháng, sẽ chi trả 02 lần trong năm, trong đó, lần 1 chi trả vào tháng 10, tháng 11 nếu đối tượng là học sinh và tháng 11, tháng 12 nếu đối tượng là sinh viên, lần 2 chi trả vào tháng 3, tháng 4. Trường hợp học sinh, sinh viên chưa nhận trợ cấp ưu đãi hàng tháng/năm thì được truy lĩnh.
Riêng đối với học sinh, sinh viên đang hưởng lương hoặc sinh hoạt phí khi đi học; đã hưởng chế độ ưu đãi tại 01 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học và người có công bị đình chỉ chế độ ưu đãi người có công với cách mạng không được áp dụng chế độ ưu đãi nêu trên.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/11/2015.
Nông nghiệp-Lâm nghiệp:
11. TIẾN TỚI XÓA BỎ THUẾ QUAN VỚI CÁC MẶT HÀNG NÔNG LÂM THỦY SẢN
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 1684/QĐ-TTg ngày 30/09/2015 phê duyệt Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030 nhằm phát triển nền nông nghiệp Việt Nam bền vững và hiệu quả; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy đổi mới tư duy, khoa học công nghệ, đổi mới thể chế chính sách nhằm xây dựng nội lực nền nông nghiệp mạnh, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Tại định hướng Chiến lược, Thủ tướng đề nghị các đơn vị liên quan chủ động tham gia các cam kết thị trường quan trọng, mang tính chiến lược của khu vực và thế giới, tăng cường tiếp cận các thị trường nông sản quan trọng; ưu tiên tăng cường hợp tác với các đối tác lớn về sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; tăng thị phần, thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản vào các đối tác trong FTAs thông qua xóa bỏ thuế quan, hạn chế các hàng rào kỹ thuật đối với hàng nông lâm thủy sản, đàm phán công nhận lẫn nhau về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động thực vật; giảm nhẹ các biện pháp phòng vệ thương mại, xâm nhập sâu hơn vào thị trường thông qua cơ hội liên kết với các tập đoàn bán lẻ.
Với ngành hàng lúa gạo, sẽ tăng cường liên kết đầu tư sản xuất tại các vùng chuyên canh ở Việt Nam để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của từng thị trường và đảm bảo lợi ích của các bên; tạo điều kiện để tiếp cận các nhà bán lẻ lớn. Với thị trường rau quả, chiến lược nêu rõ sẽ xây dựng quan hệ đối tác hoặc liên kết đầu tư dài hạn, tin cậy với người tiêu dùng cuối cùng (như cơ sở chế biến, siêu thị, chuỗi bán lẻ…) thay vì qua nhiều khâu trung gian; liên kết đầu tư giữa doanh nghiệp hai bên để sản xuất theo vùng chuyên canh, có tiêu chuẩn chất lượng, có hợp đồng dài hạn…
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Tư pháp-Hộ tịch:
12. MIỄN THỊ THỰC CHO NGƯỜI VIỆT NAM ĐỊNH CƯ Ở NƯỚC NGOÀI
Có hiệu lực từ ngày 15/11/2015, Nghị định số 82/2015/NĐ-CP ngày 24/09/2015 của Chính phủ quy định về việc miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam, có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn hiệu lực ít nhất 01 năm; có giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được miễn thị thực và không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh và tạm hoãn xuất cảnh.
Cụ thể, người nhập cảnh Việt Nam thăm người thân, giải quyết việc riêng sẽ được cấp Giấy miễn thị thực với thời hạn tối đa 05 năm, ngắn hơn thời hạn sử dụng của hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế của người được cấp ít nhất 06 tháng. Giấy miễn thị thực được cấp riêng cho từng người; riêng trẻ em có chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ được cấp chung với cha hoặc mẹ.
Đặc biệt, người nhập cảnh bằng Giấy miễn thị thực sẽ được cấp Giấy chứng nhận tạm trú 06 tháng cho mỗi lần nhập cảnh thay vì tối đa 90 ngày như quy định hiện hành; nếu Giấy miễn thị thực còn thời hạn dưới 06 tháng thì cấp chứng nhận tạm trú bằng thời hạn đó. Tương tự, thời gian gia hạn tạm trú trong trường hợp người nhập cảnh có nhu cầu ở lại thêm, có lý do chính đáng và được cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam bảo lãnh cũng được tăng thêm đáng kể, từ 90 ngày lên tối đa 06 tháng.
Riêng với người đã nhập cảnh Việt Nam bằng Giấy miễn thị thực trước ngày 15/11/2015, nếu có nhu cầu gia hạn tạm trú để thăm người thân hoặc giải quyết việc riêng, được xem xét gia hạn không quá 90 ngày.
Nghị định này thay thế Quyết định số 135/2007/QĐ-TTg ngày 17/08/2007 và Quyết định số 10/2012/QĐ-TTg ngày 10/02/2012.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |