Doanh nghiệp:

  1. 1.      DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC KHÔNG ĐƯỢC ĐẦU TƯ VÀO BẤT ĐỘNG SẢN, CHỨNG KHOÁN

Nội dung này được nêu tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 01/12/2015.

Cụ thể, doanh nghiệp Nhà nước được quyền sử dụng tài sản, tiền vốn thuộc quyền quản lý, sử dụng để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp; tuy nhiên, không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp Nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản); không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp doanh nghiệp Nhà nước đã góp vốn, đầu tư vào các lĩnh vực nêu trên và không thuộc trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư phải thực hiện phương án cơ cấu lại và chuyển nhượng toàn bộ số vốn đã đầu tư theo quy định.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng có quy định chi tiết về phạm vi đầu tư vốn Nhà nước để thành lập doanh nghiệp Nhà nước. Cụ thể, Nhà nước sẽ đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên như hệ thống truyền tải điện quốc gia; in đúc tiền và sản xuất vàng miếng; xổ số kiến thiết…

Cũng theo Nghị định này, điều lệ, quy chế tài chính của doanh nghiệp Nhà nước đã được cấp có thẩm quyền ban hành trước ngày 01/07/2015 được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2015. Tương tự, việc xử lý hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, quản lý vốn Nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên phát sinh trước ngày 01/07/2015 vẫn thực hiện theo quy định hiện hành đến hết năm 2015.

Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 2.      NHỮNG TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC MIỄN THUẾ TÀI NGUYÊN

Ngày 02/10/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 152/2015/TT-BTC hướng dẫn về thuế tài nguyên, áp dụng với đối tượng chịu thuế là khoáng sản kim loại; khoáng sản không kim loại; sản phẩm của rừng tự nhiên; hải sản tự nhiên; nước thiên nhiên; yến sào thiên nhiên…

Thông tư này quy định cụ thể về các trường hợp được miễn thuế tài nguyên như sau: Tổ chức, cá nhân khai thác hải sản tự nhiên; khai thác cành, ngọn, củi tre, trúc, nứa, mai, giang, tranh… phục vụ sinh hoạt; khai thác nước thiên nhiên dùng cho hoạt động sản xuất thủy điện để phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân; miễn thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên do hộ gia đình, cá nhân khai thác phục vụ sinh hoạt và đối với đất do tổ chức, cá nhân được giao, được thuê khai thác và sử dụng tại chỗ; đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình an ninh, quân sự, đê điều…

Trong trường hợp người nộp thuế tài nguyên gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ gây tổn thất tài nguyên, đã kê khai, nộp thuế sẽ được xét miễn, giảm thuế phải nộp cho số tài nguyên bị tổn thất; trường hợp đã nộp thuế thì được hoàn trả số thuế đã nộp hoặc trừ vào số thuế tài nguyên phải nộp của kỳ sau.

Cũng theo Thông tư này, thuế tài nguyên phải nộp trong kỳ được tính bằng sản lượng tài nguyên tính thuế nhân với giá tính thuế đơn vị tài nguyên và nhân với thuế suất thuế tài nguyên; nếu được cơ quan Nhà nước ấn định mức thuế tài nguyên phải nộp trên một đơn vị tài nguyên khai thác thì số thuế tài nguyên phải nộp được tính bằng sản lượng tài nguyên tính thuế nhân với mức thuế tài nguyên ấn định trên một đơn vị tài nguyên khai thác.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày20/11/2015, thay thế Thông tư số 105/2010/TT-BTC ngày 23/7/2010 của Bộ Tài chính.

Xây dựng:

  1. HÀ NỘI: HÀNG RÀO BAO QUANH CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG PHẢI CAO TỐI THIỂU 2M

Ngày 09/10/2015, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký Quyết định số 29/2015/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định về đảm bảo trật tự, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng các công trình tại TP. Hà Nội.

Quyết định này chỉ rõ, trước khi khởi công xây dựng công trình, trong thời hạn 07 ngày làm việc, chủ đầu tư phải thông báo về việc khởi công cho UBND cấp xã, cơ quan cấp phép xây dựng và Sở quản lý các công trình xây dựng chuyên ngành… để thực hiện việc quản lý, kiểm tra trong quá trình thi công.

Tất cả các công trình xây dựng (trừ nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu tư nhân từ 07 tầng trở xuống) phải có phối cảnh công trình và biển báo công trình tại cổng ra vào công trình; xung quanh khu đất xây dựng (trừ những mặt tiếp giáp với tường của công trình khác hoặc cổng vào của công trình), chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng phải làm hàng rào ngăn cách khu vực đang thi công với bên ngoài; trong đó hàng rào phải có chiều cao tối thiểu 02m; có kết cấu chắc chắn, kín khít, đảm bảo mỹ quan đô thị và tồn tại suốt quá trình thi công…

Sau khi kết thúc xây dựng, trong vòng 30 ngày, chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng phải tháo dỡ xong toàn bộ công trình xây dựng tạm (trừ công trình xây dựng tạm phù hợp với quy hoạch được duyệt), chuyển hết vật liệu, cấu kiện thừa, phế thải xây dựng đến nơi quy định; di chuyển máy móc, thiết bị phục vụ thi công ra khỏi mặt bằng công trình… Đặc biệt, nghiêm cấm chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng sử dụng công trình tạm vào mục đích khác sau khi kết thúc thi công; trường hợp chủ đầu tư không chấp hành việc tháo dỡ công trình tạm, chính quyền địa phương sẽ tổ chức tháo dỡ thu hồi vật tư và chủ đầu tư phải chịu toàn bộ chi phí tháo dỡ.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2015, thay thế Quyết định số 55/2009/QĐ-UBND ngày 17/03/2009.

Tài nguyên-Môi trường:

  1. ƯU TIÊN SỬ DỤNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM TRONG KHAI THÁC DẦU KHÍ

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 95/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí; trong đó, nêu rõ, tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí phải ưu tiên sử dụng lao động là người Việt Nam; được tuyển dụng người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam theo quy định và phải có kế hoạch đào tạo, tuyển dụng người Việt Nam thay thế người nước ngoài.

Một nội dung đáng chú ý khác của Nghị định này là quy định về hợp đồng dầu khí. Cụ thể,hợp đồng dầu khí được ký kết theo hình thức hợp đồng chia sản phẩm dầu khí hoặc hình thức khác do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thỏa thuận với nhà thầu và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Căn cứ chính sách quản lý ngoại hối và khả năng cân đối ngoại tệ trong từng thời kỳ, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định việc hỗ trợ cân đối ngoại tệ cho các hoạt động dầu khí của nhà thầu đối với số ngoại tệ thiếu hụt sau khi mua tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh ngoại tệ tại Việt Nam, tối đa bằng số tiền đồng Việt Nam mà nhà thầu thu được từ hoạt động dầu khí tại Việt Nam hoặc từ việc bán dầu khí thuộc sở hữu của mình tại thị trường Việt Nam sau đi đã trừ đi phần thực hiện nghĩa vụ tài chính và các chi phí hoạt động bằng tiền đồng Việt Nam.

Cũng theo Nghị định, tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí phải mua bảo hiểm đối với công trình, thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động dầu khí, bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bên thứ ba, bảo hiểm con người, bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế; khuyến khích mua bảo hiểm của công ty bảo hiểm có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực dầu khí đang hoạt động tại Việt Nam.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2015.

Y tế-Sức khỏe:

  1. 5.      3 BỆNH VIỆN ĐƯỢC PHÉP THỰC HIỆN KỸ THUẬT MANG THAI HỘ

Theo Quyết định số 4291/QĐ-BYT ngày 15/10/2015 của Bộ Y tế về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế, cặp vợ chồng vô sinh được gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương; Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh.

Hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị; Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; Bản cam đoan chưa mang thai hộ lần nào của người đồng ý mang thai hộ; Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ; Bản xác nhận đồng ý cho mang thai hộ của chồng người mang thai hộ; Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và Bản xác nhận của bệnh viện về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai nhiều sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người mẹ, thai nhi.

Theo Quyết định, bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được từ chối nhận con; có nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe sinh sản; được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

Đối với việc thụ tinh trong ống nghiệm, cặp vợ chồng vô sinh hoặc phụ nữ độc thân có nhu cầu, có thể nộp trực tiếp hoặc gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đến các cơ sở khám, chữa bệnh Trung ương và địa phương qua đường bưu điện. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ sở khám, chữa bệnh sẽ có kế hoạch điều trị cụ thể. Trường hợp không thực hiện được, sẽ có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chứng khoán:

  1. 6.      CÔNG TY ĐẠI CHÚNG PHẢI LẬP WEBSITE TRONG 6 THÁNG

Có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016, Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 06/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, yêu cầu công ty đại chúng phải lập trang thông tin điện tử trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày trở thành công ty đại chúng.

Bên cạnh đó, tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng phải lập trang thông tin điện tử trước khi thực hiện chào bán trái phiếu ra công chúng; công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ phải lập trang thông tin điện tử khi chính thức hoạt động; tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch phải lập trang thông tin điện tử khi thực hiện thủ tục đăng ký niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán. Khi lập trang thông tin điện tử, các tổ chức này phải báo cáo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán; công khai địa chỉ trang thông tin điện tử và mọi thay đổi liên quan đến địa chỉ này trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn tất việc lập trang thông tin điện tử hoặc khi thay đổi địa chỉ trang này. 

Cũng theo Thông tư này, tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn phải công bố thông tin bất thường trong vòng 24 giờ khi được chấp thuận hoặc bị hủy bỏ niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán nước ngoài; khi vốn góp của chủ sở hữu bị giảm từ 10% trở lên hoặc tổng tài sản bị giảm từ 10% trở lên tại báo cáo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất được soát xét; khi quyết định tăng, giảm vốn điều lệ…

Giao thông:

  1. 7.      QUY ĐỊNH TÌM KIẾM, CỨU NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA

Quyết định số 51/2015/QĐ-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14/10/2015 quy định tổ chức tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa, có hiệu lực từ ngày 01/12/2015.

Theo đó, tổ chức, cá nhân khi phát hiện hoặc nhận được thông tin người, phương tiện bị tai nạn giao thông đường thủy nội địa phải nhanh chóng thông báo ngay cho chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông đường thủy nội địa hoặc cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn hoặc cơ quan công an gần nhất.

Thuyền trưởng, người lái phương tiện hoạt động trên đường thủy nội địa có trách nhiệm tham gia cứu nạn khi phát hiện hay nhận được thông tin về sự cố thiên tai, thảm họa, tai nạn giao thông đường thủy nội địa gần khu vực hoạt động nếu không gây mất an toàn cho người, phương tiện của mình; đồng thời, thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chủ trì tìm kiếm, cứu nạn biết việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn của mình.

Hàng năm, Bộ Giao thông Vận tải, UBND cấp tỉnh phải xây dựng kế hoạch và tổ chức diễn tập tìm kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa tại các khu vực địa bàn trọng điểm. Tổ chức, cá nhân có phương tiện hoạt động giao thông đường thủy nội địa có trách nhiệm phối hợp tham gia diễn tập khi được yêu cầu.

Hành chính:

  1. 8.      SẼ THIẾT LẬP CỔNG DỊCH VỤ CÔNG QUỐC GIA

Ngày 14/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và cung cấp dịch vụ công. Trong đó, đề ra mục tiêu đến hết năm 2016, các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ.

Với mục tiêu này, Chính phủ yêu cầu thiết lập hệ thống điện tử thông suốt, kết nối và liên thông văn bản điện tử, dữ liệu điện tử từ Chính phủ đến cấp tỉnh, huyện và xã; thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng điện tử trên cơ sở hình thành từ các hệ thống thông tin về thủ tục hành chính, dân cư, đất đai - xây dựng và doanh nghiệp để cấp phép, thực hiện các thủ tục liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Riêng Bộ Thông tin và Truyền thông được giao trách nhiệm huy động, tập hợp các doanh nghiệp CNTT vừa và nhỏ tham gia xây dựng, vận hành hệ thống thông tin về phục vụ quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; thực hiện cấp thẻ nhà báo, Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp và Giấy phép ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo qua mạng điện tử. 

Bộ Giao thông Vận tải phải xây dựng hệ thống và hướng dẫn thực hiện qua mạng điện tử trên toàn quốc đối với cấp, đổi Giấy phép lái xe; cấp, đổi Giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu ô tô và chấp thuận khai thác tuyến cố định, tích hợp các thông tin này lên Cổng dịch vụ công quốc gia trước ngày 01/06/2016. 

Bộ Y tế cần xây dựng hệ thống và hướng dẫn thực hiện qua mạng điện tử trên toàn quốc đối với việc cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; cấp phép hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đăng ký lưu hành và đăng ký giá thuốc qua mạng điện tử trước ngày 01/01/2017…

Văn hóa-Thể thao-Du lịch:

  1. CÔNG BỐ 17 DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ký Quyết định số 3465/QĐ-BVHTTDL ngày 13/10/2015 về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở các loại hình như: Tập quán xã hội và tín ngưỡng; nghệ thuật trình diễn dân gian; nghề thủ công truyền thống; lễ hội truyền thống; tiếng nói, chữ viết…

Theo đó, Quyết định công nhận 17 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có: Kéo co của người Thái ở tỉnh Lai Châu; nghi lễ Then của người Tày, người Nùng ở tỉnh Bắc Giang, tỉnh Lạng Sơn và ở huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; lễ hội Hải Thượng Lãn Ông ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; nghệ thuật Khèn của người Mông ở tỉnh Lào Cai và tỉnh Hà Giang; hát Sình ca của người Cao Lan ở tỉnh Tuyên Quang; chữ Nôm của người Dao ở tỉnh Lào Cai…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chính sách kinh tế-xã hội:

10. TRỢ CẤP MỘT LẦN ĐẾN 3,5 TRIỆU ĐỒNG VỚI DÂN CÔNG HỎA TUYẾN

Đây là nội dung của Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14/09/2015 quy định một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.

Theo Quyết định, dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp từ tháng 09/1945 - 20/07/1954, tham gia kháng chiến chống Mỹ từ sau ngày 20/07/1954 - 30/04/1975; dân công hỏa tuyến tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, sẽ được hưởng trợ cấp một lần với mức dao động từ 2 - 3,5 triệu đồng/người. Trong đó, mức trợ cấp bằng 2 triệu đồng được áp dụng với trườnghợp có thời gian tham gia dân công hỏa tuyến dưới 1 năm; 2,7 triệu đồng với thời gian tham gia từ đủ 1 năm đến dưới 2 năm và 3,5 triệu đồng với trường hợp tham gia từ đủ 2 năm trở lên.

Ngoài mức trợ cấp một lần như trên, các đối tượng nêu trên còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế; được cấp Giấy chứng nhận tham gia dân công hỏa tuyến và được hưởng mai táng phí khi từ trần theo quy định.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/12/2015; các chế độ, chính sách nêu trên được thực hiện từ ngày 01/01/2016.

11. KHUYẾN KHÍCH CÁN BỘ KHOA HỌC TRẺ ĐẾN LÀM VIỆC TẠI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ

Ngày 13/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1747/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025.

Chương trình được thực hiện trong 02 giai đoạn, giai đoạn từ năm 2016 - 2020 và giai đoạn từ năm 2021 - 2025 với một số nội dung chính về ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ thông qua các mô hình cụ thể phù hợp với từng vùng nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ; xây dựng tài liệu, dữ liệu về các tiến bộ khoa học và công nghệ…

Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020, sẽ xây dựng được ít nhất 1.200 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ có hiệu quả, có quy mô phù hợp với vùng sinh thái của từng địa bàn nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, trong đó có ít nhất 30% mô hình thực hiện ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số; chuyển giao được ít nhất 1.500 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2021 - 2025, đào tạo được ít nhất 1.500 kỹ thuật viên cơ sở, tập huấn kỹ thuật cho ít nhất 60.000 lượt nông dân; ít nhất 10 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số được hình thành từ Chương trình...

Đặc biệt, khuyến khích cán bộ khoa học tham gia công tác chuyển giao công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức nghiên cứu, chuyển giao, các doanh nghiệp tham gia Chương trình; khuyến khích cán bộ trẻ, cán bộ tình nguyện đến làm việc thường xuyên tại vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; phối hợp, lồng ghép trong lựa chọn, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn để phát huy hiệu quả của các dự án.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

12. ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH VỚI PHẠM NHÂN LÀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

Nghị định số 90/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2011/NĐ-CP ngày 15/12/2011 của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân đã được Chính phủ ban hành ngày 13/10/2015 và có hiệu lực từ ngày 27/11/2015.

Vẫn như trước đây, Nghị định quy định phạm nhân là người nước ngoài được quản lý giam giữ riêng trong trại giam; các chế độ về ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân là người nước ngoài được thực hiện như đối với phạm nhân là người Việt Nam. Tuy nhiên, từ ngày 27/11, đối tượng này sẽ được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của nước họ.

Ngoài ra, Nghị định cũng chỉ rõ, phạm nhân được nghỉ lao động vào ngày lễ, tết; chế độ ăn của phạm nhân vào dịp này sẽ được tăng thêm nhưng không quá 5 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường. 


 

Đang truy cập: 45
Trong ngày: 153
Trong tuần: 861
Lượt truy cập: 1579623
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com