Ảnh minh họa |
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Quy hoạch được xây dựng trên quan điểm báo chí đối ngoại là một nội dung quan trọng nhất trong công tác thông tin đối ngoại, là một bộ phận trong công tác tuyên truyền và công tác tư tưởng của Đảng, là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, trong đó tập trung xây dựng lực lượng báo chí đối ngoại chuyên trách làm nòng cốt. Xây dựng hệ thống báo chí đối ngoại cần xác định đối tượng có trọng tâm, trọng điểm nhất, đặc biệt là các nước láng giềng, các nước lớn, các nước trong khối ASEAN, Mỹ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, đồng bào ta ở nước ngoài, đặc biệt là giới trẻ…
Dự thảo nêu rõ, mục tiêu của Quy hoạch là xây dựng và phát triển một báo điện tử đối ngoại chuyên biệt, chủ lực với các thứ tiếng chính (Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Tây Ban Nha, Tiếng Nga) nằm trong top 10 lượng người truy cập từ Việt Nam và top 5 lượng người truy cập từ nước ngoài đối với tờ báo điện tử của Việt Nam.
Đồng thời, xây dựng và phát triển một tờ báo in đối ngoại, một tạp chí đối ngoại chuyên biệt, chủ lực với các thứ tiếng chính (Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Tây Ban Nha, Tiếng Nga) mang tầm khu vực và thế giới, đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí có số phụ, phụ trương và chuyên mục phục vụ nhiệm vụ đối ngoại.
Theo dự thảo, Thông tấn xã Việt Nam căn cứ vào tình hình thực tế đề xuất phát triển 1 tờ báo in, 1 tạp chí in, 1 báo điện tử đối ngoại quốc gia có tầm cỡ khu vực và thế giới. Thí điểm hỗ trợ phát triển một tờ báo của người Việt Nam khu vực trọng điểm ở nước ngoài. |
Bên cạnh đó, mở rộng khu vực phát hành của báo chí đối ngoại Việt Nam, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm là các nước láng giềng, các nước lớn, các nước trong khối ASEAN, Mỹ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, đồng bào ta ở nước ngoài. Kết hợp có hiệu quả các phương thức báo chí, tận dụng các thế mạnh về công nghệ để đảm bảo tính kinh tế, hợp lý, tiết kiệm trong đầu tư phát triển báo chí đối ngoại. Đồng thời xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ và hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ báo chí đối ngoại. Mở rộng hợp tác quốc tế, đa dạng hóa các hình thức hợp tác với các đối tác nước ngoài nhằm đạt được yêu cầu phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại.
Đổi mới nội dung báo chí đối ngoại
Để thực hiện mục tiêu trên, bên cạnh những giải pháp về cơ chế chính sách, nguồn nhân lực, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất giải pháp về đổi mới, tăng cường xây dựng nội dung của báo chí đối ngoại.
Cụ thể, tích cực, chủ động kịp thời thông tin tuyên truyền về thành tựu của công cuộc đổi mới, về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tiềm năng phát triển và hợp tác của Việt Nam, về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa và những giá trị vật chất và tinh thần của dân tộc. Tăng cường thông tin về kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư nước ngoài, xúc tiến thương mại, du lịch, hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Tăng cường công tác dự báo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, xây dựng bài viết, chuyên mục có sức thuyết phục về các vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển đảo, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, các vấn đề tồn tại và nảy sinh trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước, các vấn đề môi trường phát triển bền vững.
Đồng thời, nghiên cứu hình thức, cách thức phù hợp để tăng cường việc cung cấp thông tin chính thống, thông tin của các tờ báo phục vụ đối ngoại thông qua hình thức truyền thông xã hội. Khuyến khích các ý tưởng sáng tạo trong công tác xây dựng hình thức, nội dung báo chí đối ngoại để thông tin đối ngoại dễ dàng đến được với độc giả trẻ ở trong và ngoài nước. Sử dụng hiệu quả các mối quan hệ với các tập đoàn truyền thông, tập đoàn công nghệ trên thế giới để đưa nội dung lên các nền tảng mới, như các ứng dụng mạng xã hội.
Bên cạnh đó, theo dự thảo, cần tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài triển khai các hoạt động báo chí đối ngoại như: mời phóng viên báo chí nước ngoài vào Việt Nam để đưa tin viết, bài, thuê khoán cộng tác viên nước ngoài làm phóng viên và biên tập viên tin phù hợp với các đối tượng; hợp tác với các cơ quan báo chí nước ngoài để xây dựng các bài viết, phóng sự quản bá hình ảnh Việt Nam.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh cung cấp thông tin quốc tế đến nhân dân trong nước, giúp nhân dân ta hiểu rõ hơn về tình hình thế giới, tiếp thu những kinh nghiệm, tinh hoa văn hóa của nhân loại, đồng thời chủ động tạo điều kiện tiếp xúc, giao lưu, hợp tác quốc tế, phát huy thế mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong hoạt động báo chí đối ngoại.
Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến góp ý dự thảo trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |