Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 1.      BỔ SUNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG PHẢI KÊ KHAI, NỘP THUẾ GTGT

Ngày 24/11/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 193/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Theo đó, ngoài một số trường hợp theo quy định hiện hành như: Chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT cho doanh nghiệp, hợp tác xã; nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền, tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác…, từ ngày 10/01/2016, tổ chức, doanh nghiệp nhận các khoản thù lao 
từ cơ quan Nhà nước do thực hiện các hoạt động thu hộ, chi hộ các cơ quan Nhà nước không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.

Trong đó, thù lao chi hộ, thu hộ các cơ quan Nhà nước là các khoản thù lao nhận được từ hoạt động thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế tự nguyện cho cơ quan bảo hiểm xã hội; chi trả trợ cấp ưu đãi cho người có công, trợ cấp khác cho Bộ Lao động thương binh và Xã hội; thu thuế của hộ cá nhân cho cơ quan thuế và các khoản thu hộ, chi hộ khác cho cơ quan Nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/01/2016.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 2.      PHONG TỎA TÀI KHOẢN THANH TOÁN CÓ DẤU HIỆU TẨU TÁN TÀI SẢN

Theo Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-TTCP-NHNN ngày 25/11/2015 do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành hướng dẫn việc phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra, việc phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra chỉ được thực hiện khi có dấu hiệu đối tượng đó tẩu tán tài sản hoặc không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản.

Trong đó, dấu hiệu tẩu tán được xác định khi đối tượng thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện giao dịch chuyển tiền qua tài khoản khác với thông tin không rõ ràng về mục đích, nội dung, người nhận; có dấu hiệu chuyển dịch quyền sở hữu, sử dụng, cho tặng, thế chấp, cầm cố, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản và có hành vi làm sai lệch hồ sơ, sổ sách kế toán.

Quyết định phong tỏa tài khoản phải do người có thẩm quyền ký và đóng dấu của cơ quan ra quyết định thanh tra; trong đó nêu rõ số tài khoản phong tỏa, mục đích phong tỏa; tên tài khoản bị phong tỏa; phạm vi phong tỏa; số tiền phong tỏa; thời điểm, thời gian phong tỏa và các thông tin khác (nếu có).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2016.

Xuất nhập khẩu:

  1. 3.      XỬ LÝ HÀNG HÓA KHÔNG CHUYỂN PHÁT ĐƯỢC CHO NGƯỜI NHẬN

Ngày 24/11/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 191/2015/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế, yêu cầu doanh nghiệp chuyển phát nhanh phải chủ động phối hợp với cơ quan hải quan xử lý hàng hóa không phát được cho người nhận. Trường hợp hàng hóa đã thông quan, đã nộp thuế xuất khẩu hoặc thuế nhập khẩu nhưng không chuyển phát được cho người nhận theo địa chỉ trên vận đơn, doanh nghiệp nộp hồ sơ và thực hiện hoàn thuế theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp chuyển phát nhanh phải đảm bảo xe chuyên dụng, bao bì chuyên dụng đáp ứng điều kiện niêm phong hải quan; kết nối hệ thống quản lý mã vạch hàng hóa với bộ phận giám sát hải quan để quản lý, giám sát đối với hàng hóa đưa ra, đưa vào khu vực giám sát; đăng ký trước với cơ quan hải quan về thời gian làm thủ tục hải quan trong trường hợp thực hiện ngoài giờ hành chính.

Về hàng hóa, Thông tư quy định, hàng hóa xuất, nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế được chia làm 03 nhóm. Cụ thể, các nhóm hàng hóa nhập khẩu bao gồm: Nhóm hàng hóa là tài liệu, chứng từ không có giá trị thương mại; Nhóm hàng hóa được miễn thuế trong định mức theo quy định, trừ hàng hóa phải có Giấy phép nhập khẩu hoặc thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành; Nhóm hàng hóa nhập khẩu không thuộc các trường hợp trên. Hàng hóa xuất khẩu được chia thành các nhóm: Nhóm hàng hóa xuất khẩu là tài liệu, chứng từ không có giá trị thương mại; Nhóm hàng hóa xuất khẩu có trị giá dưới 05 triệu đồng và không có thuế xuất khẩu, trừ hàng hóa phải có Giấy phép xuất khẩu hoặc thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành; Nhóm hàng hóa xuất khẩu còn lại.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016.

Y tế-Sức khỏe:

  1. 4.      THAY ĐỔI TRANG PHỤC CỦA Y SĨ, BÁC SĨ TỪ 2016

Có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, Thông tư số 45/2015/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 30/11/2015 quy định về trang phục y tế của người hành nghề khám, chữa bệnh, người lao động, học sinh, sinh viên tại các cơ sở khám, chữa bệnh, người bệnh, sản phụ, người nhà người bệnh, người đến thăm, làm việc, người tình nguyện hỗ trợ người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo đó, từ năm 2016, trang phục của điều dưỡng viên, hộ sinh viên, y sĩ vẫn màu trắng như trước nhưng có thêm viền xanh dương rộng 0,5cm ở túi, tay và cổ áo. Với bác sĩ, vẫn là áo bouse màu trắng, tuy nhiên được chia làm 02 loại - áo hè thu và áo đông xuân với chiều dài áo ngang gối thay vì quá gối từ 05 - 10cm như trước. Cũng từ năm 2016, ngoài màu xanh lam, trang phục của người bệnh, người bệnh nặng còn có thêm loại nền trắng, kẻ sọc xanh lam hoặc nền sáng có họa tiết màu sẫm; kiểu dáng pyjama với người bệnh thường và áo dài tay, cổ tròn, cột dây phía sau với người bệnh nặng. Người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh có trách nhiệm lựa chọn, quy định màu sắc trang phục của người bệnh để sử dụng thống nhất tại đơn vị…

Đối với những trang phục đã được ký hợp đồng và may xong; được trang bị trước ngày 01/01/2016 không theo quy cách nêu trên được tiếp tục sử dụng, tối đa đến 24 tháng kể từ thời điểm cấp phát, trang bị cho người sử dụng.

Cũng theo Thông tư này, chậm nhất đến ngày 01/01/2018, các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên phải tổ chức giặt, là tập trung trang phục cho người hành nghề khám, chữa bệnh, người lao động, khách đến thăm, người bệnh và người nhà người bệnh (trừ khối hành chính); với các cơ sở còn lại, khuyến khích tổ chức giặt là tập trung nếu có điều kiện.

  1. 5.      GIẤY CHUYỂN TUYẾN KHÁM, CHỮA BỆNH BHYT CÓ GIÁ TRỊ TRONG 10 NGÀY

Với việc ban hành ra Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16/11/2015, Bộ Y tế đã có những quy định cụ thể về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Theo Thông tư này, các trường hợp được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT bao gồm: Người có thẻ BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám, chữa bệnh BHYT tại trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng tỉnh; Người có thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám, chữa bệnh tuyến xã chuyển tuyến đến bệnh viện huyện, bệnh viện y học cổ truyền tỉnh; Người có thẻ BHYT được bệnh viện tuyến huyện chuyển tuyến đến trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh hoặc bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, viện chuyên khoa tuyến tỉnh cùng hạng hoặc hạng thấp hơn…

Trường hợp cấp cứu, người bệnh được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào. Sau giai đoạn cấp cứu, người bệnh được chuyển vào điều trị nội trú tại cơ sở khám, chữa bệnh nơi đã tiếp nhận cấp cứu hoặc được chuyển đến cơ sở khám, chữa bệnh khác để tiếp tục điều trị theo yêu cầu chuyên môn hoặc được chuyển về nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu sau khi đã điều trị ổn định…

Khi người bệnh có thẻ BHYT được chuyển tuyến đến cơ sở khám, chữa bệnh khác thì chỉ cần Giấy chuyển tuyến của cơ sở khám, chữa bệnh nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi. Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng trong 10 ngày làm việc, kể từ ngày ký. Người bệnh có thẻ BHYT mắc các bệnh, nhóm bệnh như lao, ung thư, HIV, suy tim… thì Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến ngày 31/12 năm dương lịch đó. Trường hợp đến hết ngày 31/12 của năm đó mà người bệnh vẫn đang điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết đợt điều trị nội trú đó.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.

Đấu thầu-Cạnh tranh:

  1. 6.      THỜI GIAN THẨM ĐỊNH KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ THẦU TỐI ĐA 20 NGÀY

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Thông tư số 19/2015/TT-BKHĐT ngày 27/11/2015 quy định chi tiết lập báo cáo thẩm định trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, thay thế Thông tư số 21/2010/TT-BKHĐT ngày 28/10/2010.

Tại Thông tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định thời gian thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự tuyển, hồ sơ đề xuất tối đa là 20 ngày kể từ ngày tổ chức thẩm định nhận được đầy đủ hồ sơ trình đến ngày có báo cáo thẩm định. Đối với thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, trường hợp gói thầu áp dụng phương thức một giai đoạn 02 túi hồ sơ, thời gian thẩm định được tính là tổng thời gian thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu.

Để được tham gia tổ thẩm định, thành viên phải có tối thiểu 03 năm công tác trong lĩnh vực liên quan đến công việc được phân công hoặc 01 năm kinh nghiệm đối với gói thầu được thực hiện ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; có trình độ chuyên môn liên quan đến gói thầu; có chứng chỉ đào tạo về đấu thầu, chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu đối với gói thầu được tổ chức đấu thầu quốc tế; không trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu và có bản cam kết theo quy định.

Đặc biệt, nghiêm cấm cá nhân tham gia thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu hoặc thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, kết quả lựa chọn nhà thầu… của gói thầu mà cá nhân đó hoặc cha, mẹ, con, vợ,chồng, anh, chị, em của cá nhân đã tham gia lập, đánh giá.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2016.

 Bảo hiểm:

  1. 7.      QUY ĐỊNH TIỀN LÃI CHẬM ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ

Ngày 27/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg về cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Quyết định này là quy định về việc thu tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, trường hợp chậm đóng bảo hiểm y tế từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải nộp bằng 02 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 09 tháng của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 09 tháng thì áp dụng theo mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 09 tháng.

Với trường hợp trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải nộp bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Số tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thu được, cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp quyết toán riêng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Sau đó, tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội được bổ sung vào Quỹ hưu trí, tử tuất thuộc Quỹ bảo hiểm xã hội; tiền lãi chậm đóng bảo hiểm y tế được bổ sung vào Quỹ dự phòng bảo hiểm y tế để điều tiết chung; tiền lãi chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp được bổ sung vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/01/2016 và áp dụng từ năm ngân sách 2016.

Chính sách kinh tế-xã hội:

  1. 8.      ĐƯỢC BỐ TRÍ VỐN ĐẦU TƯ 2016 CHO CÁC DỰ ÁN MỚI ĐẾN 31/3/2016

Tại Nghị quyết số 81/NQ-CP ngày 02/12/2015 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2015, Chính phủ đã cho phép các Bộ, ngành, địa phương được bố trí vốn đầu tư kế hoạch năm 2016 cho các dự án khởi công mới có quyết định đầu tư đến ngày 31/03/2016. Trong đó, việc bố trí vốn cho các dự án khởi công mới được thực hiện theo thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 101/2015/QH13 về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tranh thủ thuận lợi, chủ động khắc phục khó khăn; triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ còn lại của năm 2015, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; đẩy mạnh triển khai các giải pháp giảm quá tải bệnh viện gắn với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; khẩn trương thực hiện, bảo đảm tiến độ ứng dụng tin học hóa tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc, phục vụ việc giám định, thanh toán bảo hiểm y tế…

Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, chủ động điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, tỷ giá và thanh khoản của nền kinh tế, nhất là dịp cuối năm; tích cực mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên.

  1. 9.      HÀ NỘI: ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ HAI BÊN ĐƯỜNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Theo Quyết định số 61/2015/QĐ-TTg ngày 29/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư phát triển đô thị hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp (Nhật Tân - Nội Bài), UBND Thành phố Hà Nội được phép bố trí nhà ở xã hội theo dự án riêng trong ranh giới khu vực phát triển đô thị hai bên tuyến đường, bảo đảm tỷ lệ diện tích theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, UBND Thành phố Hà Nội được chủ động áp dụng các hình thức lựa chọn nhà đầu tư với từng dự án, trong đó có hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất hoặc chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án. Trường hợp áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, UBND Thành phố Hà Nội phải đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện dự án khả thi và hiệu quả cao nhất.

Đồng thời, UBND Thành phố Hà Nội cũng có trách nhiệm xác định giá đất tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng tại thời điểm lựa chọn nhà đầu tư để làm căn cứ đề xuất, đàm phán. Giá đất tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp được xác định tại thời điểm quyết định giao đất, cho thuê đất; trường hợp thấp hơn giá đất đã đàm phán thì nhà đầu tư nộp theo giá đã đàm phán.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2016.

Công nghiệp:

10. ĐẾN 2030, HẦU HẾT HỘ DÂN ĐƯỢC TIẾP CẬN DỊCH VỤ NĂNG LƯỢNG HIỆN ĐẠI

Nhằm từng bước nâng cao tỷ lệ tiếp cận nguồn năng lượng sạch và điện năng của người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đến năm 2020, hầu hết số hộ dân có điện, đến năm 2030, hầu hết các hộ dân được tiếp cận các dịch vụ năng lượng hiện đại, bền vững, tin cậy với giá bán điện và giá năng lượng hợp lý, ngày 25/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2068/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Quyết định, Thủ tướng khuyến khích huy động mọi nguồn lực từ xã hội và người dân cho phát triển năng lượng tái tạo để tăng cường khả năng tiếp cận nguồn năng lượng hiện đại, bền vững, tin cậy với giá cả hợp lý cho mọi người dân; đẩy mạnh phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, tăng nguồn cung cấp năng lượng trong nước, từng bước gia tăng tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng quốc gia nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Theo đó, giai đoạn từ nay đến năm 2030, sẽ phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo độc lập nhằm đáp ứng mục tiêu điện khí hóa nông thôn; khuyến khích đầu tư phát triển nhà máy phát điện từ nguồn năng lượng tái tạo nối lưới khả thi về kinh tế; hỗ trợ phát triển một số loại hình công nghệ năng lượng tái tạo hiện chưa khả thi về mặt kinh tế trên cơ sở thí điểm có chọn lọc nhằm đánh giá khả năng khai thác, hoàn thiện công nghệ, định hình thị trường và phát triển nguồn lực. Định hướng đến 2050, tập trung nguồn lực, khai thác và sử dụng tối đa tiềm năng năng lượng tái tạo trong nước bằng những công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền, mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.


 

Đang truy cập: 22
Trong ngày: 131
Trong tuần: 839
Lượt truy cập: 1579598
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com