Ảnh minh họa |
Không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Theo dự thảo, người sử dụng thức ăn chăn nuôi có trách nhiệm tuân thủ các quy định của nhà nước và hướng dẫn của nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi về việc vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng thức ăn chăn nuôi. Không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi.
Bên cạnh đó, người sử dụng thức ăn chăn nuôi chấp hành hoặc từ chối (nếu thấy Đoàn kiểm tra, thanh tra không đáp ứng đúng các quy định của pháp luật) sự kiểm tra, thanh tra về chất lượng thức ăn chăn nuôi của các cơ quan quản lý.
Đồng thời, xử lý tiêu huỷ các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và sản phẩm chăn nuôi vi phạm về chất lượng và an toàn theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm người sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi
Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi có trách nhiệm công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp chuẩn, hợp quy (nếu có) theo quy định và lưu 1 bộ hồ sơ tại cơ sở.
Đồng thời, có quy trình kiểm tra chất lượng; ghi và lưu nhật ký quá trình sản xuất ít nhất là 3 năm. Có hồ sơ theo dõi nguồn gốc nguyên liệu. Có tiêu chuẩn đánh giá, phân loại chất lượng thức ăn chăn nuôi. Kiểm nghiệm tối thiểu một số chỉ tiêu quan trọng mẫu nguyên liệu, sản phẩm xuất xưởng, lưu kết quả kiểm nghiệm 3 năm; lưu và bảo quản mẫu nguyên liệu, sản phẩm xuất xưởng đến sau khi hết hạn sử dụng 30 ngày.
Tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi thể hiện các thông tin về chất lượng trên nhãn hàng hoá, bao bì hoặc tài liệu kèm theo trong đó phải ghi rõ các chất chính theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng thức ăn chăn nuôi do cơ sở sản xuất: Xử lý, thu hồi hoặc tiêu hủy hàng hoá thức ăn chăn nuôi không đảm bảo chất lượng, an toàn và đền bù thiệt hại gây ra cho người chăn nuôi.
Dự thảo nêu rõ, định kỳ vào ngày 25 hàng tháng, tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn chăn nuôi báo cáo tình hình sản xuất thức ăn chăn nuôi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi đặt trụ sở chính và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về các hoạt động liên quan đến thức ăn chăn nuôi.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại thức ăn chăn nuôi có trách nhiệm kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, nhãn hàng hóa hoặc dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và các tài liệu liên quan đến chất lượng thức ăn chăn nuôi; áp dụng các biện pháp kiểm soát chất lượng nhằm duy trì chất lượng hàng hoá thức ăn chăn nuôi; niêm yết giá và chấp hành sự kiểm tra về giá thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật…
Các hành vi bị nghiêm cấm
Dự thảo nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi gồm: 1- Sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thức ăn chăn nuôi chưa được phép lưu hành hoặc bị cấm tại Việt Nam theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 2- Sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tiếp thị thức ăn chăn nuôi không còn hạn sử dụng, không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. 3- Thông tin, quảng cáo sai sự thật về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của thức ăn chăn nuôi. 4- Các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến góp ý dự thảonày trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |