Ảnh minh họa |
Bộ Tư pháp cho biết, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 9, ngày 22/6/2015, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 (Luật năm 2015).
Luật năm 2015 là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các mục tiêu cải cách pháp luật: đổi mới quy trình lập pháp, lập quy nhằm nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, bổ sung quy trình hoạch định, phân tích chính sách trước khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong hoạt động xây dựng pháp luật; dân chủ hoá quy trình lập pháp, lập quy; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng minh bạch và dễ tiếp cận hơn, chú trọng đến việc thực thi pháp luật theo hướng gắn kết giữa xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật.
Theo quy định của Luật năm 2015, Chính phủ được giao quy định chi tiết 7 vấn đề: ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật (Điều 8); dịch văn bản quy phạm pháp luật ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài (Điều 9); đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh (Điều 35); đăng công báo và niêm yết văn bản quy phạm pháp luật (Điều 150); kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (Điều 165); rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (Điều 170); bảo đảm nguồn lực xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 171).
Bên cạnh đó, Chính phủ có vai trò quan trọng trong công tác xây dựng chính sách và xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Để thực hiện tốt công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời triển khai có hiệu quả các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Chính phủ cần phải quy định các biện pháp cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của Chính phủ như xác định rõ quy trình chính sách trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, phương pháp lấy ý kiến đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy trình một văn bản sửa nhiều văn bản quy phạm pháp luật, vai trò, trách nhiệm, nguyên tắc hoạt động của Ban soạn thảo, tổ biên tập.
Bộ Tư pháp đã dự thảo Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật gồm 10 chương, 202 điều.
Quy trình xây dựng chính sách được thực hiện trước khi soạn thảo VBQPPL
Bộ Tư pháp cho biết, một trong những điểm mới quan trọng nhất của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 so với Luật năm 2008 và Luật năm 2004 là Luật năm 2015 đã quy định quy trình xây dựng chính sách phải được thực hiện trước khi soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Quy trình xây dựng chính sách được áp dụng đối với luật, pháp lệnh và một số loại nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Quy trình xây dựng chính sách của luật, pháp lệnh được thực hiện trong quá trình lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm của Quốc hội. Điều 35 của Luật năm 2015 quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trong việc đánh giá tác động của chính sách và xây dựng báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; quy định nội dung đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Cụ thể hóa quy định tại Điều 35 của Luật năm 2015, dự thảo Nghị định đề xuất quy định chi tiết về trách nhiệm, thời điểm, căn cứ xây dựng nội dung chính sách; trách nhiệm, thời điểm, nội dung, quy trình, phương pháp đánh giá tác động của chính sách; trách nhiệm xây dựng báo cáo đánh giá tác động của chính sách, sử dụng thông tin khi xây dựng báo cáo đánh giá tác động của chính sách và lấy ý kiến trong quá trình xây dựng báo cáo đánh giá tác động của chính sách.
Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm chất lượng của đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là thẩm định từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, dự thảo Nghị định đề xuất quy định Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập các Hội đồng tư vấn thẩm định để xem xét, cho ý kiến đối với các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định. Quy trình lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định được quy định chặt chẽ và bảo đảm thu hút sự tham gia của các đối tượng khác nhau trong xã hội, công chúng và đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của các chủ thể có đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Để phù hợp với thực tế xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, dự thảo Nghị định không yêu cầu thành lập Hội đồng tư vấn thẩm định đối với đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Trong trường hợp báo cáo thẩm định khẳng định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa đủ điều kiện trình Chính phủ hoặc UBND thì Bộ Tư pháp hoặc Sở Tư pháp phải nêu rõ lý do và trả lại hồ sơ cho cơ quan lập đề nghị để chỉnh lý đề nghị và quyết định trình hoặc không tiếp tục trình Chính phủ hoặc UBND. Trong trường hợp cơ quan lập đề nghị quyết định tiếp tục trình thì gửi hồ sơ đã được chỉnh lý đến Bộ Tư pháp hoặc Sở Tư pháp để thẩm định lại.
Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |