Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 1.      Ô TÔ CHẠY TRONG KHU VUI CHƠI ĐƯỢC MIỄN THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT

Đây là nội dung quy định tại Thông tư số 195/2015/TT-BTC ngày 24/11/2015 do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn thi hành Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ngoài xe ô tô chạy trong khu vui chơi, giải trí, thể thao không đăng ký lưu hành, không tham gia giao thông; xe truyền hình lưu động; xe thiết kế vừa có chỗ ngồi, vừa có chỗ đứng chở được từ 24 người trở lên…, các hàng hóa không thuộc diện chịu thuế thiêu thụ đặc biệt theo quy định tại Thông tư này còn bao gồm: Hàng hóa do các cơ sở sản xuất, gia công trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó có cả hàng hóa bán, gia công cho doanh nghiệp chế xuất, trừ ô tô dưới 24 chỗ ngồi bán cho doanh nghiệp chế xuất; Hàng hóa do cơ sở sản xuất bán hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu theo hợp đồng kinh tế; Hàng hóa mang ra nước ngoài để bán tại hội chợ triển lãm; Hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; Quà tặng, quà biếu; Điều hòa nhiệt độ có công suất từ 90.000 BTU trở xuống, chỉ để lắp trên phương tiện vận tải như ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, máy bay…

Cũng theo Thông tư này, người nộp thuế sản xuất hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt bằng các nguyên liệu chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ được khấu trừ số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp đối với nguyên liệu nhập khẩu hoặc đã trả đối với nguyên liệu mua trực tiếp từ cơ sở sản xuất trong nước khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp. Đối với xăng sinh học, số thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ của kỳ khai thuế được căn cứ vào số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp hoặc đã trả trên một đơn vị nguyên liệu mua vào của kỳ khai thuế trước liền kề của xăng khoáng để sản xuất xăng sinh học.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 2.      LÃI SUẤT VAY MUA NHÀ Ở XÃ HỘI TỐI ĐA BẰNG 50%  LÃI SUẤT BÌNH QUÂN CÁC NGÂN HÀNG

Theo Thông tư số 25/2015/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 09/12/2015 hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội, khách hàng vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội hoặc vay vốn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sẽ được hưởng lãi suất không vượt quá 50% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong cùng thời kỳ. Đồng thời, lãi suất cho vay ưu đãi đối với các khách hàng xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thấp hơn đối tượng xây dựng nhà ở xã hội để thuê mua, bán.

Về mức vay, Thông tư cũng có hướng dẫn cụ thể như sau: Khách hàng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà trong ít nhất 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên. Khách hàng xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình được vay ưu đãi đến 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa bằng 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay trong tối thiểu 15 năm. Với khách hàng xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê, mức cho vay tối đa bằng 80% tổng mức đầu tư dự án, phương án vay và không vượt quá 80% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay; thời hạn cho vay tối thiểu là 15 năm và tối đa là 20 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2015.

  1. 3.      ĐƯỢC VAY NGOẠI TỆ NGẮN HẠN ĐỂ KINH DOANH  HÀNG XUẤT KHẨU QUA BIÊN GIỚI

Nội dung này được nêu tại Thông tư số 24/2015/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 08/12/2015 quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.

Cụ thể, đến hết ngày 31/03/2016, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ xem xét cho vay ngoại tệ ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét cho vay ngoại tệ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay; cho vay ngoại tệ ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được giao hạn mức nhập khẩu hàng năm để thanh toán ra nước ngoài khi không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Về đồng tiền trả nợ, khách hàng vay bằng ngoại tệ nào thì phải trả nợ gốc và lãi bằng ngoại tệ đó; riêng đối với khoản vay ngoại tệ của doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu và khoản vay ngoại tệ đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia theo quy định, khách hàng vay không có hoặc không đủ nguồn thu ngoại tệ hợp pháp để trả nợ, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay sẽ bán ngoại tệ cho khách hàng để trả nợ gốc và lãi vốn vay.

Thông tư này thay thế Thông tư số 43/2014/TT-NHNN ngày 25/12/2014.

  1. 4.      ĐIỀU CHỈNH QUY ĐỊNH VỀ DỰ TRỮ BẮT BUỘC VỚI TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Ngày 04/12/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 23/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 581/2003/QĐ-NHNN ngày 09/06/2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Theo Thông tư, từ ngày 28/01/2016, Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc đối với từng loại hình tổ chức tín dụng và từng loại tiền gửi trong từng thời kỳ; thay vì Chính phủ quyết định như trước đây.

Một nội dung mới khác của Thông tư này là quy định về việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với tổ chức tín dụng đang thực hiện phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt, tổ chức tín dụng tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém theo chỉ định. Trong trường hợp này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cụ thể cho từng tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, trường hợp tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho tổ chức tín dụng đến mức tối thiểu 0%.

Về việc thông báo dự trữ bắt buộc và trả lãi tiền gửi dự trữ bắt buộc, tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc, Thông tư quy định với đồng Việt Nam, việc thông báo sẽ do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở thực hiện (trừ khi tổ chức tín dụng lựa chọn Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước thực hiện và có thông báo bằng văn bản cho Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính). Với ngoại tệ, việc thông báo do Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước thực hiện.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 28/01/2016.

 Y tế-Sức khỏe:

  1. 5.      QUY ĐỊNH KIỂM TRA ATTP TRONG SẢN XUẤT, KINH DOANH THỰC PHẨM

Thông tư số 48/2015/TT-BYT quy định về hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế đã được Bộ này ban hành ngày 01/12/2015; áp dụng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố…

Theo quy định của Thông tư, hàng năm, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra căn cứ yêu cầu quản lý, diễn biến tình hình chất lượng sản phẩm hàng hóa và đánh giá tình hình tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm… để xây dựng kế hoạch kiểm tra. Trước khi tiến hành kiểm tra, cơ quan kiểm tra phải thông báo cho cơ sở được kiểm tra chậm nhất 01 ngày; trừ khi đối tượng được kiểm tra là cơ sở kinh doanh thực phẩm thuộc diện không phải đăng ký kinh doanh và người kinh doanh
thức ăn đường phố.

Tuy nhiên, cơ quan kiểm tra còn có quyền kiểm tra đột xuất trong các trường hợp như: Khi có dấu hiệu vi phạm về an toàn thực phẩm, sự cố về an toàn thực phẩm; các đợt kiểm tra cao điểm…; khi có cảnh báo của tổ chức trong và ngoài nước liên quan đến an toàn thực phẩm hoặc theo phản ánh của tổ chức, cá nhân có liên quan đến an toàn thực phẩm. Trong trường hợp kiểm tra đột xuất, cơ quan kiểm tra không phải thông báo trước việc kiểm tra cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố…

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2016.

  1. CHỨC NĂNG, CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ Y TẾ

Liên bộ Y tế và Nội vụ vừa ban hành Thông tư liên tịch số 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức 
của Sở Y tế thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Y tế thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Thông tư liên tịch này quy định, Sở Y tế là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý Nhà nước về y tế về các lĩnh vực như: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh; phục hồi chức năng; giám định y khoa, pháp y, pháp y tâm thần; y dược cổ truyền; trang thiết bị y tế; dược; mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số - kế hoạch hóa gia đình; sức khỏe sinh sản…

Sở Y tế có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của UBND cấp tỉnh; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Y tế.

Về cơ cấu tổ chức, Sở Y tế được lãnh đạo bởi Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc; trong khi trước đây, riêng Sở Y tế Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được quy định là có 04 Phó Giám đốc. Các tổ chức tham mưu tổng hợp và chuyên môn nghiệp vụ thuộc Sở Y tế gồm: Văn phòng; Thanh tra; Phòng Tổ chức cán bộ; Phòng Nghiệp vụ Y; Phòng Nghiệp vụ Dược và Phòng Kế hoạch - Tài chính. Ngoài ra, còn có 02 cơ quan trực thuộc Sở Y tế là Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm. Các Chi cục này có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng và cơ cấu tổ chức của Chi cục có không quá 03 phòng.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực từ ngày 25/01/2016; thay thế Thông tư liên tịch số 03/2008/TTLT-BYT-BNV ngày 25/04/2008.

 Giao thông:

  1. 7.      TÀU CHẬM QUÁ 5 PHÚT, HÀNH KHÁCH ĐƯỢC YÊU CẦU TRẢ LẠI TIỀN VÉ

Đây là một trong những quyền của hành khách đi tàu đường sắt đô thị được quy định tại Thông tư số 77/2015/TT-BGTVT về việc vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt đô thị do Bộ Giao thông Vận tải ban hành ngày 07/12/2015, có hiệu lực từ ngày 01/02/2016.

Cụ thể, trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị vận hành tàu chậm quá 05 phút so với biểu đồ chạy tàu mà không thông báo với hành khách hoặc vi phạm quy định về an toàn vận hành tàu có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe, làm hư hỏng, mất mát hành lý..., hành khách có thể từ chối đi tàu và yêu cầu doanh nghiệp trả lại tiền vé. Hành khách bị ảnh hưởng sức khỏe hoặc tính mạng do lỗi kỹ thuật của doanh nghiệp gây ra có quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Về phía doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị, Thông tư quy định các doanh nghiệp này có quyền từ chối vận chuyển hành khách nếu hành khách mang theo hành lý vượt quá số lượng, trọng lượng, kích thước và các hành lý không được theo người vào ga, lên tàu; trẻ em dưới 06 tuổi không có người lớn đi kèm, trường hợp không xác định được tuổi thì có chiều cao dưới 1,15m; người say rượu, người mất trí, người có bệnh truyền nhiễm; hành khách có hành vi làm mất trật tự công cộng, cản trở công việc của doanh nghiệp, đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của hành khách khác…

Cũng theo Thông tư này, hành lý không được mang theo người vào ga, lên tàu bao gồm: Hàng nguy hiểm; Vũ khí, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép sử dụng hợp lệ; Những chất gây mất vệ sinh, làm bẩn toa xe; Thi hài, hài cốt; Hàng hóa cấm lưu thông; Vật cồng kềnh làm trở ngại việc đi lại trên tàu, làm hư hỏng trang thiết bị toa xe; Các loại động vật sống theo quy định riêng của từng doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị…

Khoa học-Công nghệ:

  1. 8.      DÀNH 30% NGÂN SÁCH TRUNG ƯƠNG CHO PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

Đề án Tái cơ cấu ngành khoa học và công nghệ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng góp phần phát triển kinh tế vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2245/QĐ-TTg ngày 11/12/2015.

Đề án này đề ra mục tiêu đến năm 2020, phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học và công nghệ; trong đó tập trung ưu tiên một số lĩnh vực có thế mạnh; có thứ hạng cao trên thế giới  như công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ sinh học trong y tế và nông nghiệp; công nghệ vật liệu mới. Thời điểm này, hoạt động khoa học và công nghệ sẽ đóng góp khoảng 30% - 35% tăng trưởng kinh tế; giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tỷ lệ đổi mới công nghệ, thiết bị tăng trung bình 20%/năm, giá trị giao dịch của thị trường khoa học và công nghệ tăng trung bình 15%/năm. Đạt trình độ nhóm có thứ hạng khá trên thế giới về chỉ số đổi mới sáng tạo.

Để hoàn thành được mục tiêu trên, Đề án nêu một loạt giải pháp về đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động khoa học công nghệ; tiếp tục đổi mới phương thức đầu tư và cơ chế tài chính… Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tới giải pháp điều chỉnh cơ cấu trong dự toán chi ngân sách Nhà nước cho khoa học công nghệ, phù hợp với năng lực và định hướng phát triển, đảm bảo đúng mục đích, tránh dàn trải. Hàng năm, dành khoảng 30% trong tổng chi ngân sách Nhà nước cho khoa học công nghệ. Ngoài ra, triển khai thực hiện cơ chế hợp tác công tư đồng tài trợ (PPP), cơ chế đầu tư đặc biệt đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quy mô lớn…

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Cán bộ-Công chức-Viên chức:

  1. 9.      KHÔNG TĂNG TỔNG BIÊN CHẾ BỘ, NGÀNH ĐẾN 2021

Đây là nội dung nổi bật quy định tại Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/04/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Cụ thể, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tiết kiệm ngân sách, giảm chi thường xuyên, cải cách tiền lương…, Thủ tướng khẳng định sẽ kiên trì chủ trương tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm đến năm 2021, về cơ bản không tăng tổng biên chế của Bộ, ngành ở Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương so với biên chế được giao của năm 2015. Trường hợp thành lập mới trường học, tăng lớp, tăng học sinh; thành lập mới tổ chức y tế, tăng quy mô giường bệnh…, có thể bổ sung biên chế, nhưng phải quản lý chặt chẽ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp.

Từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan hành chính Nhà nước khác ở Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 07 năm (từ 2015 - 2021) và từng năm, trong đó xác định tỷ lệ tinh giản biên chế tối thiểu là 10%; đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa thay thế nguồn trả lương từ ngân sách Nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số cán bộ, công chức, viên chức đã ra khỏi biên chế sau khi thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế của cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu đúng tuổi hoặc thôi việc trong các cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến địa phương.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

An ninh trật tự:

10. QUY ĐỊNH MỚI VỀ DANH MỤC CHẤT MA TÚY VÀ TIỀN CHẤT

Ngày 09/12/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/07/2013 ban hành các Danh mục chất ma túy và tiền chất.

Theo đó, từ ngày 01/02/2016, Danh mục các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền sẽ bao gồm 136 chất thay vì 121 chất như quy định hiện hành. Trong đó, đáng chú ý là một số chất như: Methylone; Mephedrone; MDPV; 2C-H…

Tương tự, Nghị định cũng bổ sung thêm 02 chất vào Danh mục các tiền chất, bao gồm: Alpha-phenyl acetoacetonitrile và Gamma-butyro lactone.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, giám định, sản xuất, vận chuyển, bảo quản, tàng trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi, nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh các chất có trong các Danh mục này phải tuân thủ các quy định của pháp luật về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2016.

 Chính sách kinh tế-xã hội:

11. GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ THU HỒI ĐẤT

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất.

Quyết định này chỉ rõ, người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất nông nghiệp, được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi và người bị thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ phải di chuyển chỗ ở, trong độ tuổi lao động, có nhu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời hạn 05 năm kể từ ngày có quyết định thu hồi đất.

Theo đó, người lao động bị thu hồi đất tham gia đào tạo nghề sẽ được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; được vay vốn theo quy định của chính sách tín dụng với học sinh, sinh viên. Ngoài ra, người lao động bị thu hồi đất còn được hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm miễn phí tại các trung tâm dịch vụ việc làm; được vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01/02/2016.


 

Đang truy cập: 59
Trong ngày: 167
Trong tuần: 875
Lượt truy cập: 1579639
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com