Dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản công

Bộ Tài chính đang dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản công nhằm quản lý hiệu quả tài sản này.

Bộ Tài chính cho biết,Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008 là văn bản pháp luật cao nhất, lần đầu tiên được ban hành ở Việt Nam về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Đến nay, Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như:

Cơ chế quản lý tài sản công còn phân tán, được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau, chưa có luật chung để quy định những nguyên tắc thống nhất trong quản lý tài sản công. Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành mới điều chỉnh đối với một bộ phận tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; chưa bao quát được các loại tài sản công cần quản lý, dẫn tới: Chưa có những nguyên tắc chung trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản; một số loại tài sản nhà nước đang được quản lý theo luật chuyên ngành, chưa đáp ứng nhu cầu quản lý với tư cách là một loại tài sản công (vấn đề hạch toán, khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản, sử dụng, xử lý…); một số loại tài sản công chưa có Luật điều chỉnh (tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước…). Vì vậy, hạn chế hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Bên cạnh đó, quy trình đầu tư, mua sắm, xử lý tài sản công bị phân tán do nhiều cơ quan, đơn vị cùng làm, nặng về hành chính, bao cấp, tính chuyên nghiệp thấp; hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao; khả năng điều tiết và vai trò của cơ quan quản lý tài sản công hạn chế nên còn tình trạng nơi thừa nơi thiếu, sử dụng tài sản công sai công năng, sai mục đích gây lãng phí; chưa tách bạch giữa nhiệm vụ quản lý về tài sản công và cung cấp dịch vụ công trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Việc quản lý một số loại tài sản công trong một số lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức, chậm đổi mới, chưa đồng bộ với cơ chế quản lý tài chính, đặc biệt là tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công, tài sản kết cấu hạ tầng.

Thêm vào đó, các cơ quan quản lý chưa nắm được tổng thể tài sản công, công tác hạch toán chưa đầy đủ, thống nhất, chưa gắn quản lý về giá trị với quản lý về hiện vật.

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã đề xuất dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản công gồm 12 chương, 146 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự luật đã nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị; chế độ quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại doanh nghiệp nhà nước, tài sản công tại cơ quan dự trữ nhà nước…

Khuyến khích đầu tư, khai thác tài sản công

Theo dự thảo, nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện đầu tư vốn, khoa học công nghệ phát triển tài sản công; nhận chuyển giao quyền đầu tư, khai thác hoặc thuê quyền khai thác tài sản công.

Việc quản lý, sử dụng tài sản công sẽ được thực hiện theo nguyên tắc sau: 1- Mọi tài sản công đều được Nhà nước giao cho đối tượng quản lý, đối tượng sử dụng; 2- Quản lý nhà nước về tài sản công được thực hiện thống nhất, có phân công, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan nhà nước và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan nhà nước; 3- Tài sản công phải được bảo vệ, phát triển theo quy hoạch, kế hoạch; 4- Nguồn lực tài sản công phải được khai thác hợp lý, có hiệu quả; 5- Việc sử dụng, khai thác tài sản công phải đúng mục đích được giao, đúng tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường; những tài sản trong quá trình sử dụng có nguy cơ chịu rủi ro cao do thiên tai, địch họa và nguyên nhân bất khả kháng khác gây ra được mua bảo hiểm; 6- Tài sản công phải được kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị theo quy định của pháp luật; 7- Việc quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện công khai, minh bạch; mọi hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật; 8- Đối tượng được giao quản lý, đối tượng được giao sử dụng tài sản công thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.


 

Đang truy cập: 9
Trong ngày: 52
Trong tuần: 955
Lượt truy cập: 1592169
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com