Đáp ứng yêu cầu hội nhập về tài chính, kế toán, Luật Kế toán 2015 có nhiều quy định mới về nguyên tắc hạch toán, chuẩn mực kế toán, báo cáo tài chính Nhà nước, kiểm soát nội bộ và kiểm tra kế toán, hành nghề dịch vụ kế toán.
Việc sửa đổi Luật Kế toán cũng nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng của công tác kế toán với vai trò là công cụ trong quản lý tài chính, vốn, tài sản của nhà nước, của doanh nghiệp, là công cụ quản lý, giám sát của Nhà nước.
Luật Kế toán 2015 bổ sung khái niệm giá trị hợp lý, là giá trị được xác định phù hợp với giá thị trường, có thể nhận được khi bán một tài sản hoặc chuyển nhượng một khoản nợ phải trả tại thời điểm xác định giá trị.
Theo đó, sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập báo cáo tài chính.
Nếu Luật Kế toán 2003 chỉ quy định về nguyên tắc giá gốc thì việc bổ sung khái niệm này là một thay đổi lớn về nguyên tắc kế toán.
Điều này cũng phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế và yêu cầu của công tác kế toán đối với một số nhóm tài sản, nợ phải trả như công cụ tài chính theo yêu cầu của chuẩn mực kế toán phải ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý; các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được đánh giá theo tỷ giá giao dịch thực tế; các tài sản hoặc nợ phải trả khác có giá trị biến động thường xuyên, theo yêu cầu của chuẩn mực kế toán phải được đánh giá lại theo giá trị hợp lý.
Do việc đánh giá giá trị tài sản và hạch toán theo giá trị hợp lý có tính kỹ thuật cao, để phù hợp với điều kiện của Việt Nam có tài sản có thể đánh giá được theo giá trị thị trường, có tài sản chưa có điều kiện đánh giá được, Luật quy định Bộ Tài chính quy định cụ thể các tài sản và nợ phải trả được ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý, phương pháp kế toán ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý.
Bổ sung 4 hành vi bị cấm
Điều 13 Luật Kế toán năm 2015 kế thừa 9 hành vi bị cấm được quy định tại Điều 14 Luật Kế toán 2003 và bổ sung một số hành vi bị cấm nhằm bảo đảm bao quát được tất cả các hành vi gian lận, sai phạm trong lĩnh vực kế toán, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý vi phạm.
Các hành vi được bổ sung như sau: lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên hoặc cung cấp, công bố các báo cáo tài chính có số liệu không đồng nhất trong cùng một kỳ kế toán; thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ kế toán viên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán dưới mọi hình thức; kinh doanh dịch vụ kế toán khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc hành nghề dịch vụ kế toán khi không bảo đảm điều kiện quy định của Luật này; thuê cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề, điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán cung cấp dịch vụ kế toán cho đơn vị mình kế toán viên hành nghề và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán thông đồng, móc nối với khách hàng để cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật.
Luật Kế toán 2015: Công khai, minh bạch thông tin về tài chính Nhà nước - Ảnh minh họa |
Công khai, minh bạch thông tin về tài chính Nhà nước
Luật Kế toán 2015 bổ sung quy định về báo cáo tài chính Nhà nước tại Điều 30. Báo cáo tài chính Nhà nước là nội dung mới trong hệ thống kế toán nền kinh tế quốc dân, cung cấp thông tin về tài sản, nợ phải trả, chi phí, kết quả hoạt động; các khoản phải thu, thặng dư, thâm hụt và lưu chuyển tiền tệ của quốc gia, từng địa phương, đơn vị. Tạo điều kiện cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nắm bắt tình hình biến động vốn, tài sản của đất nước, góp phần quản lý hiệu quả nguồn lực và công khai, minh bạch thông tin về tài chính Nhà nước.
Báo cáo tài chính Nhà nước được lập và trình Quốc hội, HĐND cùng với thời điểm quyết toán ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Đây là nội dung mới trong công tác kế toán, mặt khác các chỉ tiêu thống kê, đánh giá tổng hợp chưa thực sự hoàn chỉnh, do vậy Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung báo cáo tài chính Nhà nước; việc tổ chức thực hiện lập, công khai báo cáo tài chính Nhà nước; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc cung cấp thông tin phục vụ việc lập báo cáo tài chính Nhà nước.
Cụ thể hóa điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán
Điều 50 Luật Kế toán 2015 quy định bổ sung trách nhiệm người đại diện pháp luật của đơn vị kế toán.
Theo đó, ngoài kế thừa các trách nhiệm đã được quy định tại Điều 49, Luật Kế toán năm 2003, Luật mới đã bổ sung thêm các quy định về chịu trách nhiệm liên đới đối với những sai phạm do người khác gây ra nhưng thuộc trách nhiệm quản lý của mình; tổ chức kiểm tra kế toán trong nội bộ đơn vị và thực hiện kiểm tra kế toán các đơn vị cấp dưới.
Về trách nhiệm của kế toán trưởng, ngoài việc kế thừa quy định trách nhiệm kế toán trưởng tại Luật Kế toán 2003, Luật Kế toán 2015 (Điều 55) bổ sung trách nhiệm của kế toán trưởng phải lập báo cáo tài chính tuân thủ chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán.
Đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ kế toán, Điều 55 Luật Kế toán 2003 đã quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, các điều kiện để doanh nghiệp được cung cấp dịch vụ kế toán, điều kiện để cá nhân đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán chưa được quy định cụ thể. Vì vậy, Luật Kế toán 2015 quy định rõ hơn về hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán.
Cụ thể, Luật bổ sung quy định về kế toán viên hành nghề. Theo đó, người có chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên có năng lực hành vi dân sự; có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán từ 36 tháng trở lên kể từ thời điểm tốt nghiệp đại học; tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức sẽ đăng ký hành nghề và được công nhận là kế toán viên hành nghề.
Về điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, trường hợp đối với doanh nghiệp phải được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân và có ít nhất 2 người là kế toán viên hành nghề. Trường hợp đối với cá nhân thì phải thành lập hộ kinh doanh và cá nhân đó phải là kế toán viên hành nghề.
Ngoài ra Luật cũng bổ sung các quy định về điều kiện, hồ sơ, thời hạn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán bảo đảm tính minh bạch, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính. Quy định rõ về trách nhiệm của kế toán viên hành nghề, doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán. Quy định các trường hợp không được cung cấp dịch vụ kế toán, các trường hợp bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán, bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh và bị đình chỉ hành nghề đối với kế toán viên hành nghề.
Bài viết liên quan
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878 Fax: (+848) 3825 1727 Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727 Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com |