Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 1.      ĐÁNH GIÁ TUÂN THỦ PHÁP LUẬT THUẾ

Ngày 21/12/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 204/2015/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế để đánh giá việc tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế trong các nghiệp vụ quản lý thuế, gồm: Đăng ký thuế; Khai thuế; Nộp thuế; Nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; Hoàn thuế…

Theo quy định tại Thông tư này, người nộp thuế được đánh giá là tuân thủ tốt nếu thực hiện đầy đủ, đúng hạn việc kê khai và chấp hành nộp các loại thuế phát sinh theo quy định; số thuế nộp phù hợp quy mô, lĩnh vực đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; không nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, các khoản phí, lệ phí; chấp hành tốt chế độ quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế trong 02 năm trở về trước; trong 02 năm liên tục trở về trước không bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, ấn chỉ thuế với tổng mức phạt tiền vượt thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm về thủ tục thuế của Chi cục trưởng Chi cục Thuế hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi trốn thuế, gian lận thuế…

Người nộp thuế được đánh giá là tuân thủ thấp nếu chưa kê khai, nộp hồ sơ khai thuế và nộp đầy đủ, đúng hạn ít nhất 1/3 số tờ khai trong vòng 12 tháng; hoặc có số lỗ lũy kế vượt quá 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tính đến thời điểm đánh giá; hoặc trong 02 năm liên tục trở về trước có 02 lần trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, ấn chỉ thuế với tổng mức phạt tiền vượt quá thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm về thủ tục thuế của Chi cục trưởng Chi cục Thuế…

Bên cạnh đó, Thông tư cũng yêu cầu cơ quan thuế các cấp theo dõi, giám sát, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế phù hợp với người nộp thuế thuộc trường hợp giám sát trọng điểm về thuế, bao gồm: Người nộp thuế thực hiện các giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ về phòng, chống rửa tiền có liên quan đến trốn thuế, gian lận thuế; Người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế bị khởi tố về các hành vi vi phạm về thuế, ấn chỉ thuế; Người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro cao về thuế thuộc chuyên đề trọng điểm cần giám sát quản lý thuế.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04/02/2016.

Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

  1. DOANH NGHIỆP CHO THUÊ LẠI LAO ĐỘNG PHẢI KÝ QUỸ 2 TỶ ĐỒNG

Đây là nội dung được nêu tại Quyết định số 1858/QĐ-LĐTBXH do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành ngày 21/12/2015 về việc công bố thủ tục hành chính lĩnh vực lao động, tiền lương, quan hệ lao động thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Cụ thể, để được cấp Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động, doanh nghiệp phải bảo đảm vốn pháp định là 02 tỷ đồng; đã thực hiện ký quỹ 02 tỷ đồng; có địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp ổn định và có thời hạn ít nhất từ 02 năm trở lên; nếu là nhà thuộc sở hữu của người đứng tên đăng ký kinh doanh thì trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại hoặc gia hạn Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động phải có giấy tờ hợp lệ, nếu là nhà thuê thì phải có hợp đồng thuê nhà có thời hạn thuê từ 02 năm trở lên; người đứng đầu doanh nghiệp phải có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cho thuê lại lao động từ 03 năm trở lên…

Đối với doanh nghiệp nước ngoài liên doanh với doanh nghiệp trong nước muốn hoạt động cho thuê lại lao động, phải có vốn và tổng giá trị tài sản từ 10 tỷ đồng trở lên; đã có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lại lao động từ 05 năm trở lên và có Giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại chứng nhận doanh nghiệp và người đại diện phần vốn góp của doanh nghiệp chưa có hành vi vi phạm pháp luật nước sở tại hoặc pháp luật của nước có liên quan.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

  1. ĐIỀU CHỈNH CHÍNH SÁCH VỚI DN SỬ DỤNG LAO ĐỘNG DÂN TỘC THIỂU SỐ

Ngày 17/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 64/2015/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 08/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; có hiệu lực từ ngày 10/02/2016.

Theo Quyết định này, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số cư trú tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn được áp dụng định mức lao động bằng 80% định mức lao động chung của đơn vị để khoán hoặc trả công cho lao động là người dân tộc thiểu số; thời gian áp dụng là 05 năm đối với một người lao động vào làm việc tại đơn vị. 20% định mức lao động chung còn lại, đơn vị sử dụng lao động được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, ngân sách trung ương sẽ chỉ hỗ trợ 100% kinh phí về đào tạo, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là người dân tộc thiểu số, mà không còn hỗ trợ 20% định mức lao động chung của đơn vị để khoán hoặc trả công cho người lao động là dân tộc thiểu số như quy định trước đây.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. QUY ĐỊNH VỀ HỒ SƠ ĐĂNG KÝ KHOẢN CHO VAY NƯỚC NGOÀI CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Thông tư số 29/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về thành phần hồ sơ có bản sao chứng thực giấy tờ, văn bản đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 22/12/2015.

Tại Thông tư, Ngân hàng Nhà nước đã quy định tương đối cụ thể về thành phần hồ sơ đăng ký khoản cho vay nước ngoài của tổ chức tín dụng. Trước tiên, tổ chức tín dụng đăng ký khoản cho vay phải gửi bản sao có chứng thực Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của bên vay nước ngoài theo quy định của nước sở tại. Trong đó, bản dịch Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của bên vay nước ngoài từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt phải được công chứng hoặc chứng thực chữ ký của người dịch theo quy định của pháp luật…

Đồng thời, tổ chức tín dụng còn phải nộp bản sao được cấp từ sổ gốc; hoặc bản sao có chứng thực; hoặc bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam; trong trường hợp người nộp bản sao kèm xuất trình bản chính để đối chiếu, người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 08/02/2016.

  1. THÍ ĐIỂM THỦ TỤC GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ TRÊN CỔNG THÔNG TIN KHO BẠC NHÀ NƯỚC

Ngày 17/12/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 2704/QĐ-BTC về việc thí điểm thủ tục giao dịch điện tử đối với dịch vụ công trên Cổng thông tin Kho bạc Nhà nước tại Văn phòng Kho bạc Nhà nước của 05 Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ.

Thời gian thực hiện thí điểm từ tháng 12/2015 đến hết tháng 06/2016, đối với các thủ tục: Đăng ký mở và sử dụng tài khoản; Giao, nhận và trả kết quả đối với hồ sơ kiểm soát chi, kê khai yêu cầu thanh toán; Giao, nhận và trả kết quả đối với hồ sơ kiểm soát chi, kê khai yêu cầu thanh toán không áp dụng đối với các nghiệp vụ chi bằng lệnh chi tiền; Nghiệp vụ ghi thu, ghi chi do cơ quan tài chính thực hiện; các nghiệp vụ điều chỉnh số liệu chi ngân sách của các đơn vị.

Để được tham gia dịch vụ, đơn vị, tổ chức phải có địa chỉ thư điện tử liên lạc với Kho bạc Nhà nước để nhận thông báo chấp nhận đăng ký sử dụng dịch vụ công và một số thông báo khác của Kho bạc Nhà nước trong quá trình sử dụng dịch vụ công; có chứng thư số đang còn hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị cấp, trừ trường hợp đơn vị tham gia dịch vụ công để khai báo thông tin giao nhận hồ sơ…; đã được Kho bạc Nhà nước cấp tài khoản đăng nhập và sử dụng các dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Xuất nhập khẩu:

  1. 6.      CHO PHÉP SẢN XUẤT QUÂN PHỤC CHO QUÂN ĐỘI NƯỚC NGOÀI

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 49/2015/TT-BCT ngày 21/12/2015 quy định về hoạt động sản xuất, gia công xuất khẩu quân phục cho các lực lượng vũ trang nước ngoài.

Trong đó, sản phẩm quân phục sản xuất, gia công xuất khẩu cho lực lượng vũ trang nước ngoài không được tiêu thụ tại Việt Nam, bao gồm: Áo khoác dài, áo khoác mặc khi đi xe, áo khoác không tay; áo gió, áo jacket chống gió và các loại tương tự, dệt kim hoặc móc; bộ com-lê, bộ quần áo đồng bộ, quần dài, quần yếm; bộ quần áo thể thao dệt kim hoặc móc…

Để được cấp phép, thương nhân nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép về Bộ Công Thương. Hồ sơ bao gồm: 01 đơn đề nghị cấp Giấy phép; 01 bản sao có đóng dấu sao y bản chính Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư; 02 bản sao có đóng dấu sao y bản chính Đơn đặt hàng hoặc văn bản đề nghị giao kết hợp đồng kèm theo 02 ảnh mầu/01 mẫu sản phẩm đặt sản xuất, gia công; 01 bản sao hợp đồng mua sắm hoặc xác nhận về đơn vị sử dụng cuối cùng sản phẩm quân phục đặt sản xuất, gia công tại Việt Nam…

Giấy phép được cấp trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản trả lời của Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an; trường hợp từ chối, phải có văn bản nêu rõ lý do.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/02/2016.

Y tế-Sức khỏe:

  1. 7.      KIỂM TRA VỆ SINH CƠ SỞ CUNG CẤP NƯỚC ÍT NHẤT 1 LẦN/NĂM

Theo Thông tư số 50/2015/TT-BYT ngày 11/12/2015 của Bộ Y tế quy định việc kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt, cơ sở cung cấp nước phải được kiểm tra vệ sinh chung và việc thực hiện chế độ nội kiểm ít nhất 01 lần/năm.

Cũng theo Thông tư này, cơ sở cung cấp nước có công suất thiết kế từ 1.000m3/ngày đêm trở lên phải thực hiện xét nghiệm chất lượng nước thành phẩm ít nhất 01 lần/tuần với các chỉ tiêu thuộc mức độ A; xét nghiệm ít nhất 06 tháng/lần với các chỉ tiêu mức độ B; xét nghiệm ít nhất 02 năm/lần các chỉ tiêu thuộc mức độ C. Đối với cơ sở cung cấp nước có công suất thiết kế dưới 1.000m3/ngày đêm, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 tháng/lần các chỉ tiêu thuộc mức độ A; ít nhất 06 tháng/lần với các chỉ tiêu thuộc mức độ B.

Trường hợp vệ sinh, chất lượng nước không bảo đảm theo quy định, cơ sở cung cấp nước phải khắc phục ngay các nguyên nhân gây nên việc vệ sinh, chất lượng nước không bảo đảm và báo cáo kết quả khắc phục cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; nếu không khắc phục được phải báo cáo ngay cho cơ quan chủ quản, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chính quyền địa phương nơi đặt cơ sở cung cấp nước và Sở Y tế để có biện pháp giải quyết hoặc xem xét dừng việc sản xuất và cung cấp nước.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2016.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

  1. 8.      44 TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ SÁCH GIÁO KHOA TIẾNG ANH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

Thông tư số 31/2015/TT-BGDĐT ngày 14/12/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định Bộ tiêu chí đánh giá sách giáo khoa tiếng Anh giáo dục phổ thông chỉ rõ, Bộ tiêu chí này gồm 44 tiêu chí và được chia thành 05 nhóm: Tiêu chí về điều kiện tiên quyết; Tiêu chí về mục tiêu, nguyên tắc và phương pháp dạy học; Tiêu chí về kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ; Tiêu chí về thiết kế và cấu trúc; Tiêu chí về học liệu đi kèm.

Theo đó, sách phải không được trái với văn hóa, lịch sử, địa lý, đạo lý và thuần phong mỹ tục Việt Nam; phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế; không ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, an ninh chính trị, trật tự xã hội và chủ quyền quốc gia; không có những định kiến xã hội về giới tính, sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, địa vị xã hội, lứa tuổi; đảm bảo phát triển cân đối 04 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo chương trình môn học. Bên cạnh đó, sách còn phải được thiết kế đẹp, các tiêu đề, biểu tượng, loại chữ, dấu câu, số trang được sử dụng nhất quán và không có lỗi in ấn; có tranh, ảnh minh họa sinh động, kích thích sự sáng tạo của người dạy và người học; sách phải có học liệu đi kèm đảm bảo triển khai dạy học đầy đủ các nội dung của sách…

Bộ tiêu chí này là căn cứ để Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá sách giáo khoa tiếng Anh giáo dục phổ thông; định hướng cho các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân tham khảo khi biên soạn sách phù hợp với chương trình môn học và hỗ trợ các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh lựa chọn, sử dụng sách trong quá trình dạy và học.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/01/2016.

Khoa học-Công nghệ

  1. 9.      SẼ ĐÀO TẠO 150 CHUYÊN GIA KHCN Ở NƯỚC NGOÀI

Đây là mục tiêu đề ra tại Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước được phê duyệt tại Quyết định số 2395/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/12/2015.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020, đào tạo, bồi dưỡng khoảng 150 chuyên gia ở nước ngoài nhằm hình thành đội ngũ chuyên gia khoa học và công nghệ có trình độ chuyên sâu; đào tạo, bồi dưỡng khoảng 50 nhóm nghiên cứu ở nước ngoài nhằm hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, có đủ năng lực giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quan trọng của ngành,  lĩnh vực. Đặc biệt, bồi dưỡng sau tiến sĩ cho khoảng 100 người ở trong và nước ngoài để phát triển và hoàn thiện kỹ năng nghiên cứu và triển khai, tạo nguồn để hình thành chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ…

Với mục tiêu nêu trên, các hình thức đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học công nghệ được nêu tại Đề án bao gồm: Tuyển chọn các chuyên gia thuộc cơ sở dữ liệu chuyên gia khoa học và công nghệ đi đào tạo, bồi dưỡng thông qua làm việc có thời hạn hoặc triển khai nhiệm vụ nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu hoặc doanh nghiệp ở nước ngoài trong thời hạn 02 năm; Tuyển chọn các nhóm nghiên cứu hình thành từ viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, trường đại học hoặc doanh nghiệp đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài thông qua triển khai nhiệm vụ nghiên cứu trong thời gian 06 tháng…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chính sách kinh tế-xã hội:

10. KIỂM SOÁT CHẶT CHẼ GIÁ CẢ HÀNG HÓA DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 24/12/2015 về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn thị trường, giá cả, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng giao cho Bộ Tài chính chỉ đạo, kiểm soát chặt chẽ giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ, nhất là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; đồng thời, có biện pháp xử lý kịp thời tình trạng tăng giá cục bộ, điều chỉnh giá nhiều mặt hàng vào cùng một thời điểm, nhất là trong dịp trước và sau Tết; hướng dẫn các địa phương có biện pháp kịp thời, phù hợp để bảo đảm đủ nguồn với giá ổn định phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán…

Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan này được giao trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức tín dụng đảm bảo cung ứng đủ tiền mặt cho nền kinh tế trước và sau Tết Nguyên đán, bảo đảm hệ thống ATM hoạt động an toàn, thông suốt; cung ứng kịp thời, đầy đủ các dịch vụ thanh toán, tài chính phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và bảo đảm dịch vụ ngoại hối phục vụ khách du lịch; tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, lẻ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết…

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng lập kế hoạch cụ thể và có biện pháp tổ chức vận chuyển bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân; không để tình trạng người dân không kịp đón Tết cùng gia đình do thiếu phương tiện vận chuyển; chủ động phối hợp với các địa phương kiểm tra việc kê khai, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, vé xe, không để tình trạng thu giá vé không đúng quy định; xử  lý nghiêm các hành vi chèn ép, đầu cơ vé tàu, vé xe…

11. ĐẾN 2020, 90% TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH ĐẶC BIỆT ĐƯỢC TRỢ GIÚP

Nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng số trẻ em xuống còn 5%; giảm tỷ lệ gia tăng số trẻ em bị xâm hại; 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển…, ngày 22/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2361/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020.

Chương trình được thực hiện với trẻ em trên phạm vi toàn quốc, trong đó, ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, trẻ em ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn với một số nội dung chính về phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên nghiệp; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Cụ thể như: Tổ chức các chiến dịch truyền thông về bảo vệ trẻ em theo chủ đề nhằm thu hút sự tham gia của xã hội về bảo vệ trẻ em; Tổ chức trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm trong nước và ngoài nước về xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em, về mô hình tổ chức cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; Xây dựng các loại hình cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, bao gồm cả cơ sở công lập và ngoài công lập đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ trẻ em…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

Nông nghiệp-Lâm nghiệp:

12. TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH VÙNG NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO

Ngày 25/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất một hoặc một số sản phẩm nông sản hàng hóa có lợi thế của vùng bảo đảm đạt năng suất, chất lượng cao, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường.

Với vai trò nêu trên, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải đáp ứng tiêu chí tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị, có tổ chức đầu mối của vùng là doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong vùng ký hợp đồng thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp của vùng; Sản phẩm sản xuất trong vùng là sản phẩm hàng hóa có lợi thế vùng, trong đó tập trung vào nhóm sản phẩm cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có năng suất, chất lượng cao và khả năng chống chịu vượt trội…

Bên cạnh đó, công nghệ ứng dụng trong vùng phải là các công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân giống và phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; công nghệ thâm canh, siêu thâm canh, chế biến sâu nâng cao giá trị gia tăng; công nghệ tự động hóa, bán tự động; công nghệ thông tin, viễn thám, thân thiện với môi trường… Đặc biệt, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn là vùng chuyên canh, diện tích liền vùng, liền thửa trong địa giới hành chính một tỉnh, có điều kiện tự nhiên thích hợp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh về giao thông, thủy lợi…

Về quy mô của vùng, Quyết định quy định cụ thể về diện tích tối thiểu của từng vùng sản xuất. Trong đó, vùng sản xuất hoa phải có diện tích tối thiểu là 50ha; sản xuất rau là 100ha; sản xuất giống lúa là 100ha; cây ăn quả lâu năm là 300ha; vùng chăn nuôi bò sữa phải có số lượng tối thiểu là 10.000 con/năm; bò thịt tối thiểu là 20.000 con/năm…

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/02/2016.


 

Đang truy cập: 28
Trong ngày: 137
Trong tuần: 845
Lượt truy cập: 1579605
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com