Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 1.      LỆ PHÍ RA, VÀO CẢNG BIỂN VIỆT NAM TỐI ĐA 50 USD/LƯỢT

Thông tư số 01/2016/TT-BTC ngày 05/01/2016 của Bộ Tài chính về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải quy định lệ phí ra, vào cảng biển Việt Nam dao động từ 05 USD/lượt - 50 USD/lượt, tùy thuộc dung tích tàu thuyền.

Cụ thể, tàu thuyền ra, vào khu vực hàng hải, cảng chuyên dùng, cảng dầu khí ngoài khơi; tàu thuyền nước ngoài hoạt động tại vùng biển Việt Nam không thuộc vùng nước cảng biển phải nộp lệ phí ra, vào cảng biển với mức 05 USD/lượt (đối với tàu thuyền có dung tích toàn phần nhỏ hơn 100GT); với tàu thuyền có dung tích toàn phần từ 100GT đến dưới 500GT; từ 500GT đến 1.00USD/lượt; 25 USD/lượt và 50 USD/lượt.

Với hoạt động hàng hải nội địa, mức lệ phí ra, vào cảng biển cũng được quy định theo dung tích của phương tiện, lần lượt là 15.000 đồng/lượt; 25.000 đồng/lượt; 50.000 đồng/lượt; và 100.000 đồng/lượt với tàu thuyền có dung tích toàn phần dưới 200GT; từ 200GT đến dưới 1.000GT; từ 1.000GT đến 5.000GT và tàu thuyền có dung tích toàn phần trên 5.000GT. Khi làm thủ tục vào khu vực hàng hải, người nộp lệ phí được nộp lệ phí 01 lần cho cả chuyến (gồm lượt vào và lượt ra).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2016.0GT và tàu thuyền có dung tích toàn phần trên 1.000GT, mức lệ phí ra, vào cảng biển lần lượt là 10

Bảo hiểm:

  1. 2.      THAY ĐỔI CƠ CẤU BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 01/2016/NĐ-CP ngày 05/01/2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong đó đáng chú ý là quy định thay đổi cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở Trung ương.

Cụ thể, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở Trung ương vẫn bao gồm 24 đơn vị trực thuộc như trước đây, tuy nhiên, Ban Tài chính - Kế toán, Ban Hợp tác quốc tế, Ban Thi đua - Khen thưởng, Ban Kế hoạch và Đầu tư, Ban Tổ chức cán bộ, Ban Pháp chế và Ban Kiểm toán nội bộ lần lượt được đổi thành Vụ Tài chính - Kế toán, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Thi đua - Khen thưởng, Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế và Vụ Kiểm toán nội bộ. Riêng Ban Tuyên truyền được đổi thành Trung tâm Truyền thông; Ban Kiểm tra đổi thành Vụ Thanh tra - Kiểm tra; Ban Đầu tư quỹ nay là Vụ Quản lý đầu tư quỹ.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan Nhà nước thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế và thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

Nghị định này thay thế Nghị định số 05/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 20/02/2016.

  1. 3.      ĐÓNG BẢO HIỂM CHƯA ĐỦ 1 NĂM ĐƯỢC HƯỞNG BHXH MỘT LẦN TỐI ĐA 2 THÁNG LƯƠNG

Theo Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về BHXH bắt buộc, mức hưởng BHXH một lần của người lao động có thời gian đóng BHXH chưa đủ 01 năm được tính bằng 22% các mức tiền lương đã đóng BHXH, tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Với người lao động vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện, vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc, mức hưởng BHXH một lần không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện của từng thời kỳ. Như vậy, việc tính mức hưởng BHXH một lần được thực hiện như người lao động không được Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH, sau đó trừ đi số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện.

Về mức hưởng chế độ ốm đau, Thông tư quy định, người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng BHXH tháng đó; thời gian này cũng không được tính để hưởng BHXH. Trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày, người lao động được hưởng bảo hiểm y tế do Quỹ BHXH đóng cho người lao động. Trường hợp đã hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm, nếu sức khỏe chưa phục hồi, người lao động sẽ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc.

Cũng theo Thông tư này, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc do người sử dụng lao động quyết định, không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác như: Tiền thưởng, tiền sáng kiến; Tiền ăn giữa ca; Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; Hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2016.

  1. 4.      SẼ HỖ TRỢ ÍT NHẤT 10% CHO NGƯỜI THAM GIA BHXH TỰ NGUYỆN

Từ ngày 01/01/2018, người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ % trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn; mức hỗ trợ dao động từ 10 - 30%. Trong đó, mức hỗ trợ 30% áp dụng với người thuộc hộ nghèo; 20% với hộ cận nghèo và 10% với các đối tượng khác; thời gian hỗ trợ tùy thuộc thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người, tối đa là 10 năm.

Trên đây là nội dung nổi bật tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 29/12/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH tự nguyện, có hiệu lực từ ngày 15/02/2016.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định cho phép người tham gia BHXH tự nguyện được lựa chọn đóng bảo hiểm theo tháng, quý, năm, nửa năm/lần, đóng 01 lần cho nhiều năm về sau (tối đa 05 năm/lần) hoặc đóng 01 lần cho những năm còn thiếu (trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu không quá 10 năm đóng BHXH)…; mức đóng hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần lương cơ sở tại thời điểm đóng.

Bên cạnh đó, người đang tham gia BHXH tự nguyện cũng được thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện; việc thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng được thực hiện ít nhất sau khi thực hiện xong phương thức đóng đã chọn trước đó.

  1. 5.      MỨC ĐIỀU CHỈNH TIỀN LƯƠNG VÀ THU NHẬP ĐÓNG BHXH

Ngày 29/12/2015, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 58/2015/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Theo Thông tư này, tiền lương tháng đã đóng BHXH được tính bằng tổng tiền lương tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định nhân (x) với mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng. Trong đó, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm 2014 được quy định là 1,01; năm 2015 và năm 2016 đều là 1,00… Trường hợp người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đã đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được áp dụng theo cách tính này.

Về thu nhập tháng đã đóng BHXH, Thông tư quy định thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện sau điều chỉnh của từng năm được tính bằng tổng thu nhập tháng đóng BHXH của từng năm nhân (x) với mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng. Trong đó, mức điều chỉnh của năm 2014 là 1,01; năm 2015 và năm 2016 đều là 1,00. Đối với người lao động vừa có thời gian đóng BHXH bắt buộc, vừa có thời gian đóng BHXH tự nguyện thì thu nhập tháng đã đóng BHXH tự nguyện được áp dụng theo cách tính này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2016; các quy định tại Thông tư được áp dụng từ ngày 01/01/2016.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 04/2016/NĐ-CP ngày 06/01/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/06/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.

Theo đó, đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.

Cũng theo Nghị định này, toàn bộ tài sản Nhà nước do đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính đang quản lý, sử dụng đều được xác định giá trị để giao cho đơn vị quản lý, ngoại trừ tài sản đơn vị thuê, mượn, nhận góp vốn liên doanh, liên kết của các tổ chức, cá nhân khác và các tài sản khác không phải của đơn vị; tài sản không cần dùng, ứ đọng, chờ thanh lý, đơn vị có trách nhiệm xử lý theo chế độ hiện hành; phần diện tích nhà, đất của đơn vị đã bố trí làm nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức đủ điều kiện chuyển giao cho UBND cấp tỉnh nơi có nhà, đất để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật; phần diện tích đất Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuê trả tiền thuê đất hàng năm…

Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có văn bản xác nhận, đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp của cấp có thẩm quyền, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính phải hoàn thành việc kiểm kê, phân loại, xác định giá trị tài sản.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/02/2016.

  1. 7.      CHUYỂN ĐỔI HÌNH THỨC PHÁP LÝ TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Ngày 31/12/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 36/2015/TT-NHNN quy định việc tổ chức lại tổ chức tín dụng, trong đó, đáng chú ý là quy định về chuyển đổi hình thức pháp lý tổ chức tín dụng.

Theo đó, tổ chức tín dụng chỉ được chuyển đổi hình thức pháp lý phù hợp với hình thức tổ chức được quy định tại Điều 6 Luật Các tổ chức tín dụng và quy định của Ngân hàng Nhà nước; nghiêm cấm việc tẩu tán tài sản dưới mọi hình thức; việc chuyển nhượng, mua bán tài sản trong quá trình chuyển đổi hình thức pháp lý phải đảm bảo công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật và thỏa thuận của các bên, đảm bảo an toàn tài sản và không ảnh hưởng đến quyền lợi của tổ chức tín dụng, tổ chức và cá nhân liên quan. Đồng thời, Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng được chuyển đổi hình thức pháp lý sẽ chính thức hết hiệu lực khi tổ chức tín dụng chuyển đổi hình thức pháp lý khai trương hoạt động.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng có quy định cụ thể về trường hợp ngân hàng thương mại, công ty tài chính sáp nhập vào 01 ngân hàng thương mại; công ty tài chính sáp nhập vào 01 công ty tài chính; ngân hàng thương mại hợp nhất ngân hàng thương mại thành 01 ngân hàng thương mại; ngân hàng thương mại hợp nhất công ty tài chính thành 01 ngân hàng thương mại và công ty tài chính hợp nhất công ty tài chính thành 01 công ty tài chính. Trong những trường hợp này, sau khi được chấp thuận sáp nhập, hợp nhất, tổ chức tín dụng sau tổ chức lại phải công bố trên phương tiện thông tin của Ngân hàng Nhà nước, trên 01 tờ báo viết hàng ngày trong 03 số liên tiếp hoặc báo điện tử Việt Nam trong 07 ngày làm việc và phải niêm yết tại trụ sở chính, các chi nhánh, phòng giao dịch và các đơn vị trực thuộc các thông tin về: Số, ngày văn bản chấp thuận sáp nhập, hợp nhất; Tên, địa chỉ trụ sở chính của tổ chức tín dụng sau tổ chức lại; Vốn điều lệ của tổ chức tín dụng sau tổ chức lại; Ngày dự kiến khai trương hoạt động…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2016.

  1. MỘT TỔ CHỨC TÍN DỤNG CHỈ ĐƯỢC LÀM ĐẠI LÝ CHI, TRẢ NGOẠI TỆ CHO MỘT TỔ CHỨC KINH TẾ

Đây là một trong những nguyên tắc được nêu tại Thông tư số 34/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế.

Ngoài nguyên tắc nêu trên, Thông tư còn quy định tổ chức kinh tế trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ chỉ được ủy quyền cho tổ chức tín dụng, không được ủy quyền cho tổ chức kinh tế khác làm đại lý chi, trả ngoại tệ; Tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng làm đại lý chi, trả ngoại tệ không được ủy quyền lại việc chi, trả cho tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng khác; Một tổ chức tín dụng, một tổ chức kinh tế có thể làm đại lý chi, trả ngoại tệ cho một hoặc nhiều tổ chức tín dụng được phép…

Đáng chú ý, Thông tư này yêu cầu các tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng đã được cấp Giấy xác nhận đăng ký đại lý chi, trả ngoại tệ hoặc Giấy phép làm dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ phải thực hiện chuyển đổi sang văn bản chấp thuận đăng ký đại lý chi, trả ngoại tệ hoặc văn bản chấp thuận trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ trước ngày 02/03/2017. Quá thời hạn này, tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng không thực hiện chuyển đổi hoặc không được chuyển đổi do không đáp ứng đủ điều kiện sẽ phải chấm dứt hoạt động đại lý chi, trả ngoại tệ hoặc trực tiếp nhận và chi, trả ngoại tệ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2016.

  1. 9.      TỔ CHỨC TÀI CHÍNH VI MÔ PHẢI DUY TRÌ TỶ LỆ AN TOÀN VỐN TỐI THIỂU 10%

Tổ chức tài chính vi mô phải thường xuyên duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 10% là nội dung nêu tại Thông tư số 33/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.

Đồng thời, tổ chức tài chính vi mô phải duy trì thường xuyên tỷ lệ về khả năng chi trả tối thiểu bằng 20%. Trong đó, tỷ lệ an toàn vốn được xác định bằng vốn tự có trên tổng tài sản “có” rủi ro nhân 100; tỷ lệ về khả năng chi trả được xác định bằng tiền mặt, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại trên tổng số dư tiền gửi tự nguyện nhân với 100.

Về quản lý thanh khoản, Hội đồng thành viên của tổ chức tài chính vi mô phải ban hành quy định nội bộ về quản lý thanh khoản với những nội dung chính như: Phân công cán bộ theo dõi việc bảo đảm khả năng chi trả của tổ chức tài chính vi mô; Phương án thực hiện chi trả tiền gửi trong trường hợp không đảm bảo tỷ lệ về khả năng chi trả; Các quy định về quản lý ngân quỹ, thu, chi, nguồn vốn hàng ngày và các quy định về việc nắm giữ các giấy tờ có giá dễ chuyển đổi thành tiền.

Thông tư này thay thế Thông tư số 07/2009/TT-NHNN ngày 17/04/2009 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2016.

10. QUỸ TÍN DỤNG NHÂN DÂN KHÔNG ĐƯỢC CHO VAY QUÁ 25% VỐN TỰ 

Ngày 31/12/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ra Thông tư số 32/2015/TT-NHNN quy định giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân, bao gồm: Tỷ lệ an toàn vốn; Tỷ lệ khả năng chi trả; Tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn và Giới hạn cho vay.

Thông tư nêu rõ, Quỹ tín dụng nhân dân phải đảm bảo tổng mức dư nợ cho vay đối với khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của Quỹ; trong đó, mức cho vay đối với một khách hàng không được vượt quá 15%. Đồng thời, Quỹ không được cho vay không có bảo đảm, cho vay với điều kiện ưu đãi đối với thành viên Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng của Quỹ; Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán và thanh tra viên đang thanh tra tại Quỹ; Doanh nghiệp có một trong những đối tượng nêu trên sở hữu trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó…

Bên cạnh đó, Quỹ tín dụng nhân dân phải thường xuyên duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8%; duy trì tỷ lệ khả năng chi trả trong ngày làm việc tiếp theo và trong khoảng thời gian 07 ngày làm việc tiếp theo tối thiểu bằng 01; duy trì tỷ lệ của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn tối đa bằng 30%...

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/03/2016.

11. LÃI SUẤT CHO VAY HỖ TRỢ NHÀ Ở NĂM 2016 LÀ 5%/NĂM

Đây là nội dung của Quyết định số 2645/QĐ-NHNN được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 30/12/2015 về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2016 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/05/2013 và Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014.

Theo đó, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2016 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở vẫn giữ nguyên so với mức lãi suất năm 2015, là 5%/năm.

Quyết định này thay thế Quyết định số 2788/QĐ-NHNN ngày 29/12/2014; có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.

Đầu tư:

12. CÁ NHÂN CHỈ ĐƯỢC ĐẦU TƯ GIÁN TIẾP RA NƯỚC NGOÀI DƯỚI HÌNH THỨC THƯỞNG CỔ PHIẾU

Theo Nghị định số 135/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư gián tiếp nước ngoài, cá nhân có quốc tịch Việt Nam chỉ được thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài dưới hình thức duy nhất là tham gia chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài.

Tổ chức kinh tế được thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài dưới 02 phương thức: Tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài và Ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài. Theo đó, tổ chức tự doanh và tổ chức nhận ủy thác sẽ thực hiện đầu tư gián tiếp ở nước ngoài theo hình thức trực tiếp mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác ở nước ngoài; đầu tư thông qua việc mua bán, chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán ở nước ngoài, ủy thác đầu tư cho các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài…

Về nguồn vốn để đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, Nghị định quy định tổ chức tự  doanh được sử dụng ngoại tệ tự có trên tài khoản và ngoại tệ mua từ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối tại Việt Nam theo hạn mức tự doanh được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận đăng ký để thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài; Tổ chức ủy thác chỉ được sử dụng ngoại tệ tự có trên tài khoản để thực hiện đầu tư gián tiếp ra nước ngoài thông qua hình thức ủy thác cho tổ chức nhận ủy thác.

Đặc biệt, nhà đầu tư không được sử dụng nguồn vốn vay bằng đồng Việt Nam từ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nguồn vốn vay ngoại tệ trong và ngoài nước để mua ngoại tệ đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2016.

Chính sách kinh tế-xã hội:

13. ĐƯỢC BỔ SUNG BIÊN CHẾ TRONG NGÀNH Y TẾ, GIÁO DỤC

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, Chính phủ một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ quản lý chặt chẽ biên chế cán bộ, công chức, viên chức; không tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong năm 2016, kể cả trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc giao nhiệm vụ mới. Tuy nhiên, trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khi thành lập mới trường, tăng lớp, tăng học sinh và trong lĩnh vực y tế, khi thành lập mới tổ chức, tăng quy mô giường bệnh… thì có thể bổ sung biên chế phù hợp, nhưng phải quản lý chặt chẽ theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, Chính phủ chủ trương xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; tiếp tục củng cố, hoàn thiện đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch; rà soát, kiểm tra, thống kê tình hình biến động dân số; bảo đảm quyền được khai sinh của trẻ em; tiếp tục triển khai có hiệu quả mô hình liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi…

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ quy định từ năm 2016 ngân sách Trung ương sẽ hưởng 100% các khoản thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ xăng các loại) tiêu thụ trong nước.  Đồng thời, dừng triển khai và thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đến ngày 30/06/2016 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu để bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương và địa phương… Cắt giảm tối đa các khoản chi tổ chức hội nghị, hội thảo; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền…

Tư pháp-Hộ tịch:

14. CÔNG DÂN ĐƯỢC KHAI THÁC THÔNG TIN CỦA MÌNH TRÊN CSDL QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ

Nội dung này được nêu tại Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân, có hiệu lực từ ngày 15/02/2016 và thay thế Nghị định số 90/2010/NĐ-CP ngày 18/08/2010.

Theo Nghị định, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hệ cơ sở dữ liệu duy nhất được xây dựng tại Trung tâm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an và kết nối thống nhất, đồng bộ đến Công an cấp tỉnh, Công an cấp huyện, Công an cấp xã. Công dân sẽ được khai thác thông tin của mình trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thông qua việc giải quyết thủ tục hành chính, thông qua văn bản yêu cầu khai thác thông tin hoặc thông qua dịch vụ viễn thông. Ngoài những trường hợp này, công dân có nhu cầu khai thác thông tin phải có văn bản yêu cầu và được sự đồng ý của cơ quan quản lý.

Công dân khai thác thông tin của mình trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư khi thực hiện các thủ tục hành chính thì xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân; cơ quan giải quyết thủ tục hành chính cung cấp ngay thông tin cho công dân khi giải quyết thủ tục hành chính. Nếu công dân yêu cầu cung cấp thông tin về bản thân bằng văn bản hoặc thông qua dịch vụ viễn thông, thì ngay khi nhận được yêu cầu, cơ quan quản lý phải có trách nhiệm cung cấp.

Trường hợp cơ quan quản lý từ chối cung cấp thông tin về công dân cho tổ chức, cá nhân thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu phải trả lời cho tổ chức, cá nhân biết và nêu rõ lý do.


 

Đang truy cập: 49
Trong ngày: 157
Trong tuần: 865
Lượt truy cập: 1579627
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com