Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

  1. TỪ 2017, THÁNG 5 LÀ THÁNG HÀNH ĐỘNG VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG

Đây là nội dung nổi bật tại Quyết định số 87/QĐ-TTg về Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/01/2016.

Cụ thể, từ năm 2017, sẽ tổ chức “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động” vào tháng 5 hằng năm. Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động được tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chăm sóc sức khỏe lao động.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

 Đầu tư:

  1. ĐIỀU CHỈNH TIÊU CHÍ PHÂN LOẠI DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG

Theo Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, việc điều chỉnh tiêu chí tổng mức đầu tư chỉ được xem xét khi chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng trên 30% so với năm 2015 trong lần điều chỉnh đầu tiên; các lần điều chỉnh tiếp theo được xem xét khi chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm tăng trên 30% so với năm điều chỉnh tiêu chí trước đó.

Về thời gian thẩm định chủ trương đầu tư chương trình, dự án, Nghị định quy định thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án tối đa là 20 ngày từ ngày Thường trực Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chủ trì thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ đối với dự án nhóm C; tối đa 30 ngày với dự án nhóm B; 45 ngày với dự án nhóm A và chương trình mục tiêu; không quá 60 ngày đối với chương trình mục tiêu quốc gia. Thời gian thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu không quá 40 ngày; với dự án nhóm A và nhóm B, C, thời gian thẩm định tối đa lần lượt là 30 ngày và 15 ngày. Các mốc thời gian trên chỉ áp dụng đối với khâu thẩm định để trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công.

Trường hợp cần kéo dài thời gian thẩm định, cơ quan chủ trì thẩm định hoặc Thường trực Hội đồng thẩm định phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định thời gian gia hạn thẩm định (đối với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu và dự án nhóm A) hoặc thông báo cho cơ quan có thẩm quyền việc kéo dài thời gian thẩm định (đối với Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án nhóm B và C). Trong đó, thời gian gia hạn không quá thời gian thẩm định nêu trên.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2016.

Xuất nhập khẩu:

  1. HẠN NGẠCH NHẬP KHẨU THUỐC LÁ NGUYÊN LIỆU NĂM 2016 LÀ 48.620 TẤN

Nội dung trên được nêu tại Thông tư số 01/2016/TT-BCT ngày 05/01/2016 của Bộ Công Thương quy định việc nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu theo hạn ngạch thuế quan năm 2016.

Cụ thể, lượng thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan năm 2016 là 48.620 tấn, tăng 2.315 tấn so với năm 2015; hạn ngạch này không áp dụng với các mặt hàng thuốc lá nguyên liệu có xuất xứ từ các nước ASEAN. Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu được phân giao cho thương nhân có Giấy phép sản xuất thuốc lá điếu do Bộ Công Thương cấp và có nhu cầu sử dụng cho sản xuất thuốc lá điếu một tỷ lệ nhất định thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu do Bộ Công Thương xác nhận.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/01/2016 đến hết ngày 31/12/2016.

Thương mại:

  1. GIÁ BÁN THUỐC LÁ ĐIẾU TỐI THIỂU 3.860 ĐỒNG/BAO

Ngày 08/01/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 70/QĐ-BTC về giá bán tối thiểu sản phẩm thuốc lá điếu.

Theo Quyết định này, từ ngày 15/01/2016, giá bán tối thiểu sản phẩm thuốc lá điếu là 4.390 đồng/bao đối với thuốc lá điếu bao cứng và 3.860 đồng/bao đối với thuốc lá điếu bao mềm; trong đó, mỗi bao thuốc lá có 20 điếu.

Các mức giá trên là giá bán của doanh nghiệp trên phương tiện bên mua, đã bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và khoản đóng góp bắt buộc vào Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc lá được tự quy định giá bán sản phẩm thuốc lá điếu thuộc thẩm quyền của mình, nhưng không được thấp hơn giá bán tối thiểu nêu trên.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2016.

Tài nguyên-Môi trường:

  1. VIỆT NAM SẼ CÓ HỆ THỐNG TRẠM QUAN TRẮC TÀI NGUYÊN HÀNG ĐẦU ĐÔNG NAM Á

Đây là mục tiêu được nêu tại Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/01/2016.

Cụ thể, Quy hoạch nêu rõ, sẽ xây dựng hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia hợp lý, thống nhất, hiện đại, đạt trình độ hàng đầu khu vực Đông Nam Á và trình độ tiên tiến của khu vực châu Á; đáp ứng nhu cầu thông tin điều tra cơ bản phục vụ quản lý Nhà nước về tài nguyên nước, đất, biển và hải đảo, khí tượng thủy văn, bảo vệ môi trường; phục vụ dự báo, cảnh báo, phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai và ô nhiễm môi trường, ứng phó và biến đổi khí hậu…

Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tiến hành nâng cấp và hiện đại hóa 671 trạm quan trắc tài nguyên và môi trường hiện có; dự kiến xây dựng mới 364 trạm và đưa vào vận hành ít nhất ½ số trạm quan trắc xây dựng mới này… Đồng thời, tăng cường năng lực truyền tin giữa các trạm quan trắc, các trung tâm xử lý và quản lý dữ liệu tài nguyên và môi trường; tạo lập, quản lý và khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường; nâng cấp, hiện đại hóa các trung tâm xử lý và quản lý dữ liệu tài nguyên và môi trường, các phòng phân tích thí nghiệm phục vụ hệ thống mạng quan trắc…

Đến năm 2030, hệ thống quan trắc tài nguyên và môi trường phải vươn tới trình độ hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á, hội nhập với khu vực và thế giới, gồm 1.545 trạm quan trắc; 6.347 điểm quan trắc; 1.557 công trình quan trắc…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Y tế-Sức khỏe:

  1. LƯƠNG Y KHÔNG ĐƯỢC KÊ ĐƠN THUỐC KẾT HỢP Y HỌC CỔ TRUYỀN VỚI TÂN DƯỢC

Lương y chỉ được kê đơn thuốc y học cổ truyền theo đúng phạm vi chuyên môn hành nghề, không được phép kê đơn thuốc kết hợp y học cổ truyền với thuốc tân dược.

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 01/2016/TT-BYT ngày 05/01/2016 của Bộ Y tế quy định về kê đơn thuốc y học cổ truyền, kê đơn thuốc y học cổ truyền kết hợp với thuốc tân dược trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Cũng theo Thông tư này, bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa khác và y sĩ đa khoa khi kê đơn kết hợp y học cổ truyền chỉ được kê đơn thuốc thành phẩm y học cổ truyền; y sĩ y học cổ truyền công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn nơi chưa có bác sĩ chỉ được phép kê đơn thuốc y học cổ truyền, kết hợp với thuốc tân dược sau khi được Giám đốc hoặc người đứng đầu  cơ sở khám, chữa bệnh phân công bằng văn bản. Đặc biệt, người có bài thuốc chữa bệnh gia truyền chỉ được kê đơn bài thuốc gia truyền đã được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận theo quy định.

Đơn thuốc chỉ được kê sau khi đã trực tiếp khám bệnh, chẩn đoán bệnh và biện chứng luận trị theo y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; không kê vào đơn thuốc các loại thuốc không nhằm mục đích phòng, chữa bệnh, thuốc không được phép lưu hành hợp pháp, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Mỗi lần kê đơn thuốc, chỉ được kê với số lượng đủ dùng tối đa 30 ngày đối với bệnh mạn tính, điều trị ngoại trú; 10 ngày với bệnh mạn tính, điều trị nội trú hoặc tối đa 07 ngày với các bệnh điều trị ngoại trú khác. Riêng với bệnh cấp tính đang điều trị nội trú, thực hiện kê đơn thuốc tối thiểu 02 lần trong 07 ngày.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/02/2016.

Văn hóa-Thể thao-Du lịch:

  1. KHÔNG CẤP PHÉP, TỔ CHỨC LỄ HỘI ĐỂ TRỤC LỢI

Trước tình trạng thương mại hóa lễ hội vẫn còn diễn ra; một số lễ hội vẫn còn duy trì tập tục chứa đựng những yếu tố phản cảm; bạo lực, tranh cướp, chen lấn, tranh giành, đeo bám khách làm mất trật tự an ninh…, ngày 13/01/2016, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-BVHTTDL về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội năm 2016.

Tại Chỉ thị, Bộ Trưởng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường quản lý và tổ chức lễ hội, giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, ngày hội; không để các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam trong các khu di tích, khu thờ tự; kiên quyết không để các hành vi bạo lực, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, đốt pháo, thả đèn trời diễn ra trong lễ hội; niêm yết giá, bán đúng giá, không chèo kéo khách, không ép giá; không bày bán thịt động vật hoang dã, đồ chơi có tính bạo lực trong khu dịch vụ. Đặc biệt, không cấp phép, tổ chức lễ hội vì mục đích trục lợi, vi phạm nếp sống văn minh.

Đối với những địa phương có nhiều lễ hội, lễ hội lớn thu hút đông người và kéo dài ngày, phải xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối, tổ chức phân luồng, phân tuyến giao thông, đảm bảo an ninh trật tự; bố trí bãi trông, giữ phương tiện giao thông phù hợp, tránh ùn tắc giao thông…

Chính sách kinh tế-xã hội:

  1. TRỢ CẤP 500.000 ĐỒNG CHO THÂN NHÂN CHIẾN SĨ CÔNG AN BỊ ỐM

Theo Nghị định số 05/2016/NĐ-CP ngày 11/01/2016 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong công an nhân dân, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ bị ốm đau từ 01 tháng trở lên hoặc điều trị 01 lần tại bệnh viện từ 07 ngày trở lên được trợ cấp 500.000 đồng/suất/lần.

Cũng theo Nghị định này, từ ngày 01/03/2016, mức trợ cấp khó khăn đột xuất với gia đình chiến sĩ phải di dời chỗ ở và thân nhân chiến sĩ từ trần, mất tích cũng được tăng thêm 01 triệu đồng/suất. Cụ thể, mức trợ cấp 03 triệu đồng/suất/lần được áp dụng đối với trường hợp gia đình chiến sĩ, hạ sĩ quan gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến nhà ở bị sập, trôi, cháy hoặc phải di dời chỗ ở; mức trợ cấp 02 triệu đồng/suất áp dụng với thân nhân của hạ sĩ quan, chiến sĩ từ trần, mất tích.

Kinh phí thực hiện chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất nêu trên do ngân sách Nhà nước bảo đảm theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2016, thay thế Nghị định số 87/2013/NĐ-CP ngày 30/07/2013.

  1. ƯU ĐÃI TIÊU DÙNG SẢN PHẨM THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG

Nhằm tăng cường sử dụng các nguyên vật liệu, năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện môi trường; giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải…, ngày 11/01/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 76/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Tại Chương trình, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng và hoàn thiện chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và phân phối các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường; xây dựng các cơ chế khuyến khích, ưu đãi việc tiêu dùng các sản phẩm thân thiện môi trường; ban hành danh mục các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường ưu tiên trong mua sắm công; đẩy mạnh việc thay thế sử dụng các nguồn tài nguyên có thể cạn kiệt bằng các nguồn tài nguyên, năng lượng mới, có thể tái tạo; nghiên cứu, hỗ trợ triển khai thí điểm, tổ chức phổ biến, nhân rộng một số mô hình phân phối các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và thực hiện cấp chứng nhận mô hình phân phối xanh, thân thiện môi trường.

Dự kiến, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng đạt 50%; hoạt động đổi mới sinh thái được triển khai thí điểm thành công trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và từng bước mở rộng quy mô, phạm vi áp dụng; tỷ trọng đóng góp của các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp môi trường, tái chế chất thải trong GDP từ 42% - 45%; giảm đến khoảng 65% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các siêu thị, trung tâm thương mại và đến 50% tại các chợ dân sinh; 95% phế liệu nhựa, giấy, dầu thải và sắt thép trong nước được tái chế; 85% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

  1.   KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ TƯ NHÂN VÀ HỢP TÁC CÔNG - TƯ

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 40/QĐ-TTg ngày 07/01/2016 phê duyệt Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nhằm góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia; tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để sớm đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống nhân dân; nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Thủ tướng khẳng định sẽ không ngừng cải thiện môi trường thu hút đầu tư nước ngoài, gắn thu hút đầu tư với giám sát quá trình thực thi, bảo đảm an ninh kinh tế, hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu đầu tư công, khuyến khích các hoạt động đầu tư tư nhân và các hoạt động hợp tác công - tư; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm; phấn đấu xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu quốc gia có uy tín quốc tế; đơn giản hóa thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ nhanh các thủ tục hành chính không còn phù hợp; thúc đẩy xây dựng mô hình chính quyền điện tử, trung tâm dịch vụ hành chính công nhằm xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ổn định; mục tiêu giai đoạn 2016 - 2030, hàng hóa nội địa chiếm thị phần chủ yếu trong nước.

Đồng thời, hướng dẫn, khuyến khích và tạo điều kiện cho các địa phương chủ động, tích cực tham gia hội nhập quốc tế để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thúc đẩy hội nhập xuyên biên giới giữa các vùng, miền có biên giới với các nước láng giềng; xây dựng và thực hiện biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong nước; ưu tiên đào tạo đội ngũ làm công tác đàm phán thương mại; đào tạo đội ngũ luật sư am hiểu luật pháp quốc tế, giỏi ngoại ngữ, có đủ khả năng tranh tụng quốc tế…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

  1.   TĂNG MỨC CHO VAY HỌC SINH, SINH VIÊN LÊN 1,25 TRIỆU ĐỒNG/THÁNG

Ngày 05/01/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/QĐ-TTg về điều chỉnh mức cho vay đối với học sinh, sinh viên.

Theo đó, từ ngày 09/01/2016, mức cho vay với học sinh, sinh viên chính thức tăng lên 1,25 triệu đồng/người/tháng, tăng 150.000 đồng/người/tháng so với quy định hiện hành. Trước đó, ngày 19/07/2013 Thủ tướng Chính đã ban hành Quyết định số 1196/QĐ-TTg, quy định mức cho vay tối đa đối với mỗi học sinh, sinh viên là 1,1 triệu đồng/tháng.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/01/2016.

Cơ cấu tổ chức:

  1.   CƠ CẤU TỔ CHỨC CỤC HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

Ngày 14/01/2016, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-BGTVT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Hàng không Việt Nam; trong đó nêu rõ, Cục Hàng không Việt Nam là cơ quan trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quản lý về hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước; trực tiếp thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của nhà chức trách hàng không…

Với chức năng nêu trên, Cục Hàng không Việt Nam xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đề án quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc (trừ sân bay chuyên dùng); đề nghị Bộ Giao thông Vận tải mở, đóng cảng hàng không, sân bay; công bố việc mở, đóng cảng hàng không, sân bay; cấp, cấp lại, thu hồi Giấy phép mở văn phòng đại diện, văn phòng bán vé cho hãng hàng không nước ngoài, Giấy chứng nhận đăng ký xuất vận đơn hàng không thứ cấp; tổ chức cấp, thu hồi, điều chỉnh quyền vận chuyển hàng không; quản lý giao dịch bảo đảm đối với tàu bay theo quy định của pháp luật…

Về cơ cấu tổ chức, Cục Hàng không Việt Nam được lãnh đạo bởi Cục trưởng - người chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về toàn bộ hoạt động của Cục; giúp việc Cục trưởng là các Phó Cục trưởng. Ngoài ra, Cục trưởng còn có các tổ chức giúp việc như: Phòng Kế hoạch - Đầu tư; Phòng Tài chính; Phòng Tổ chức cán bộ; Phòng Quản lý cảng hàng không, sân bay; Phòng Quản lý hoạt động bay; Phòng An ninh hàng không; Phòng Vận tải hàng không… Các Cảng vụ hàng không khu vực bao gồm: Cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục là Trung tâm Y tế hàng không.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Tư pháp-Hộ tịch:

  1.   TRIỂN KHAI CHẾ ĐỊNH THỪA PHÁT LẠI TẠI CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ

Từ năm 2016, sẽ triển khai thực hiện chế định thừa phát lại ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là nội dung nổi bật tại Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định thừa phát lại được ban hành kèm theo Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 14/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, từ Quý I năm 2016, sẽ thành lập mới các văn phòng thừa phát lại tại 13 tỉnh, thành phố đang thực hiện chế định thừa phát lại. Với các tỉnh, thành phố chưa thực hiện chế định thừa phát lại, từ Quý II năm 2016, Bộ Tư pháp sẽ gửi văn bản đề nghị đăng ký và xây dựng Đề án thực hiện tại địa phương; trên cơ sở đăng ký của các địa phương, căn cứ yêu cầu, tiêu chí do Chính phủ quy định, Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án sau khi thống nhất ý kiến với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Cũng trong Quý II năm 2016 này, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì tổ chức đào tạo nghề thừa phát lại; tập huấn nội dung Nghị quyết số 107/2015/QH13 và các văn bản liên quan cho cán bộ, công chức có liên quan của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện và các thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ thừa phát lại…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.


 

Đang truy cập: 21
Trong ngày: 130
Trong tuần: 838
Lượt truy cập: 1579597
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com