Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

  1. 1.      CHUYÊN GIA NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI VN ĐẾN 90 NGÀY/NĂM KHÔNG PHẢI XIN CẤP PHÉP

Theo Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại vị trí chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc lao động kỹ thuật dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn không quá 90 ngày trong 01 năm không thuộc diện cấp Giấy phép lao động.

Ngoài chuyên gia, nhà quản lý nước ngoài… nêu trên, các trường hợp không thuộc diện cấp Giấy phép lao động còn bao gồm: Người nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi 11 ngành dịch vụ trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (gồm: Kinh doanh; Thông tin; Xây dựng; Phân phối; Giáo dục; Môi trường; Tài chính; Y tế; Du lịch; Văn hóa giải trí và Vận tải); Học sinh, sinh viên nước ngoài đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam; Người nước ngoài có hộ chiếu công vụ vào làm việc cho cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội…

Người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp Giấy phép lao động phải được Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi người nước ngoài dự kiến làm việc xác nhận trước ít nhất 07 ngày làm việc. Với các trường hợp còn lại, nếu không có Giấy phép lao động sẽ bị trục xuất ra khỏi Việt Nam trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày phát hiện.

Cũng theo Nghị định này, chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải có bằng đại học hoặc tương đương trở lên, có ít nhất 03 năm kinh nghiệm trong chuyên ngành được đào tạo; lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật hoặc chuyên ngành khác ít nhất 01 năm và làm việc ít nhất 03 năm trong chuyên ngành được đào tạo. Trước khi tuyển dụng lao động nước ngoài, nhà thầu phải kê khai số lượng, trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm của người lao động với Chủ tịch UBND tỉnh nơi nhà thầu thực hiện gói thầu.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/04/2016.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 2.      DN ĐƯỢC VAY ĐẾN 70% VỐN ĐẦU TƯ SẢN XUẤT SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ

Ngày 04/02/2016, Thông tư số 01/2016/TT-NHNN hướng dẫn chính sách cho vay phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành; trong đó quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam đối với phần vốn vay ngắn hạn phục vụ dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển không vượt quá mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ.

Với doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng trên cơ sở bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh tín dụng cho các DN nhỏ và vừa để đầu tư dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, ngoài các chính sách ưu đãi nêu trên, còn được xem xét cho vay đến 70% vốn đầu tư nếu có tổng giá trị tài sản thế chấp, cầm cố ít nhất bằng 15% giá trị khoản vay, tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án đầu tư và không có các khoản nợ đọng nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng hoặc tổ chức kinh tế khác.

Khách hàng vay vốn có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin, tài liệu liên quan đến việc vay vốn và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, tài liệu đã cung cấp cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đồng thời, phải sử dụng vốn vay đúng mục đích và hoàn trả đầy đủ gốc, lãi vay đúng hạn theo hợp đồng đã ký; thực hiện đầy đủ cam kết trong hợp đồng tín dụng và các quy định có liên quan.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/02/2016.

 Thương mại:

  1. 3.      ĐẾN 2020, 100% DN ĐƯỢC TIẾP CẬN NGUỒN TIN  XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI CHÍNH THỐNG

Ngày 04/02/2016, Đề án nâng cao năng lực công tác thông tin xúc tiến thương mại giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 228/QĐ-TTg, trong đó nhấn mạnh tới nội dung đổi mới toàn diện công tác thông tin xúc tiến thương mại; phát huy tối đa hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng thông tin hiện có, ưu tiên thuê dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ công tác thông tin xúc tiến thương mại; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động cung ứng thông tin xúc tiến thương mại…

Cụ thể, Đề án này đặt ra mục tiêu xây dựng và vận hành thông suốt hệ thống cơ sở dữ liệu và liên kết, trao đổi thông tin xúc tiến thương mại quốc gia, đảm bảo đến năm 2020, 100% doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức kinh tế, thương nhân nước ngoài có nhu cầu đều có thể tiếp cận và khai thác thuận lợi nguồn thông tin xúc tiến thương mại chính thống, có chất lượng; 100% cơ quan xúc tiến thương mại ở Trung ương và địa phương, các cơ quan xúc tiến thương mại của Việt Nam ở nước ngoài, các Hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng được kết nối vào hệ thống liên kết, trao đổi thông tin xúc tiến thương mại quốc gia

Bên cạnh đó, xây dựng đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin gồm thiết bị, đường truyền Internet của các cơ quan xúc tiến thương mại từ Trung ương đến địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp có nhu cầu để phục vụ công tác thông tin xúc tiến thương mại. Đặc biệt, huy động tối đa nguồn lực từ xã hội để giảm tỷ trọng kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước trong tổng kinh phí cho công tác thông tin xúc tiến thương mại; theo đó, đến năm 2020, tỷ trọng nguồn kinh phí xã hội hóa chiếm trên 50% tổng kinh phí cho công tác thông tin xúc tiến thương mại. 

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

  1. GIẢM THUẾ TNDN VỚI CHỦ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CHỢ VÙNG KINH TẾ BẮC BỘ

Ngày 29/01/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 450/QĐ-BCT phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển thương mại vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” nhằm xây dựng một nền thương mại đa dạng, hiện đại, phát triển bền vững với tốc độ nhanh trên cơ sở khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của các địa phương trong vùng, bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu phát triển trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện của cả nước.

Theo đó, với mục đích khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn vào việc phát triển chợ (nhất là ở địa bàn có cơ sở hạ tầng thấp kém, kinh tế - xã hội kém phát triển), Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định sẽ áp dụng chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với các chủ thể sản xuất, kinh doanh đầu tư xây dựng chợ (bao gồm cả nâng cấp, cải tạo, mở rộng quy mô của các loại hình và cấp độ chợ) theo nguyên tắc mức giảm thuế tăng theo mức độ khó khăn về kinh tế - xã hội của địa bàn đầu tư; đồng thời, áp dụng chính sách miễn, giảm thuế nhập khẩu đối với các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của các công trình hạ tầng thương mại như nhà đầu tư nước ngoài cùng lĩnh vực hoặc như các doanh nghiệp sản xuất có dự án thuộc diện khuyến khích đầu tư.

Đối với các doanh nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng thương mại áp dụng phương thức kinh doanh hiện đại, được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập để hỗ trợ doanh nghiệp tích tụ vốn phục vụ cho quá trình phát triển theo quy định của Chính phủ (giãn nộp, miễn nộp có thời hạn khi doanh nghiệp sử dụng lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô kinh doanh).

Dự kiến, giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng GDP thương mại của vùng đạt bình quân 15,5%/năm; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt mức bình quân 16%/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt 13,5%/năm; đến năm 2025, chuyển dịch cơ cấu các kênh phân phối hàng hóa, nâng tỷ trọng bán lẻ hàng hóa qua các loại hình thương mại hiện đại đạt khoảng 35 - 40%...

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Tài nguyên-Môi trường:

  1. TĂNG CƯỜNG PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Trước dự báo trong những năm tới tần suất các cơn bão đạt cấp siêu bão xuất hiện ngày càng nhiều; mưa lũ cường suất lớn, hạn hán, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, nắng nóng, rét đậm, rét hại tiếp tục diễn ra nhiều hơn… Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 03/02/2016 về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giai đoạn 2016 - 2020.

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, từng bước đầu tư, hiện đại hóa, nâng cao năng lực cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn nhằm đáp ứng yêu cầu cứu hộ, cứu nạn trong mọi tình huống; chỉ đạo rà soát phương án cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống thiên tai, trong đó cần chú trọng việc phối hợp và bố trí lực lượng, phương tiện tại những khu vực trọng điểm để huy động kịp thời khi có yêu cầu; đẩy mạnh diễn tập cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống thiên tai, sự cố nhằm bảo đảm chủ động ứng phó trong mọi tình huống…

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm khẩn trương triển khai cập nhật, hoàn thiện đánh giá phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, trượt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn… làm cơ sở để các Bộ, ngành, các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp…

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phải tăng cường tuyên truyền, cảnh báo thiên tai, bảo đảm thông tin chỉ đạo của các cấp chính quyền đến từng thôn, bản, người dân, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo để người dân sẵn sàng ứng phó trước các tình huống thiên tai bất thường, cực đoan; rà soát, chủ động di dời dân cư ra khỏi các khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng thiên tai, đặc biệt tại khu vực nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất…

Y tế-Sức khỏe:

  1. 6.      CÁC TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH DO VI RÚT ZIKA

Ngày 05/02/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 439/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do vi rút Zika; theo đó nhiễm vi rút Zika được nhận định là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi Aedes truyền và có thể gây dịch. Vi rút Zika có thể gây hội chứng não bé ở trẻ sinh ra từ người mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai. Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh do vi rút Zika nhưng bệnh có nguy cơ xâm nhập.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh được chẩn đoán như sau: Bệnh nhân thường sốt nhẹ 37,5°C - 38°C; ban dát sẩn trên da; đau đầu, đau mỏi cơ khớp; viêm kết mạc mắt; có thể có biến chứng về thần kinh như: Viêm não màng não, Guillain Barre…

Thời gian ủ bệnh từ 03 - 12 ngày.

Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, vì thế điều trị triệu chứng là chính, bao gồm: Nghỉ ngơi; Hạ sốt bằng paracetamol, không sử dụng aspirin và các thuốc giảm đau NSAID; Uống đủ nước oresol hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây; Vệ sinh mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý NaCL 0,9%; Theo dõi các biểu hiện tổn thương thần kinh như liệt cơ…; đối với phụ nữ có thai cần hội chẩn với chuyên khoa sản để theo dõi bất thường về thai nhi. Biện pháp đề phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

 Hành chính:

  1. GIAI ĐOẠN 2016 - 2020, TỶ LỆ CẤP ĐĂNG KÝ DN QUA MẠNG ĐẠT 20%

Với mục tiêu đến năm 2020, có 90% doanh nghiệp (DN) thực hiện nộp thuế qua mạng; 90% cơ quan, tổ chức thực hiện giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội; tỷ lệ cấp đăng ký DN qua mạng đạt 20%; tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận đầu tư qua mạng đạt 10%..., ngày 04/02/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 225/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục cải cách và triển khai trên diện rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đảm bảo sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trong các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80% vào năm 2020; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực; quy định chặt chẽ điều kiện, tiêu chí thành lập, giải thể, sáp nhập đơn vị hành chính các cấp theo hướng khuyến khích sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, bảođảm cơ bản không tăng số lượng đơn vị hành chính ở địa phương; tập trung nguồn lực ưu tiên cho cải cách chính sách tiền lương, chế độ bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công…

Đồng thời, cần nâng cao chất lượng phục vụ và tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước thông qua đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, tổ chức; cung cấp các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 4, đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ cá nhân và tổ chức mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau; ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian, số lần trong một năm cá nhân, tổ chức phải trực tiếp đến cơ quan Nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

  1. CƠ QUAN NHÀ NƯỚC PHẢI THUÊ MÁY MÓC, THIẾT BỊ  NẾU CHỈ SỬ DỤNG 3 LẦN/NĂM

Đây là nội dung được nêu tại Thông tư số 19/2016/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 01/02/2016 hướng dẫn một số nội dung của Quyết định số 58/2015/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể, cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện thuê máy móc, thiết bị mà trên thị trường có cung cấp dịch vụ cho thuê trong các trường hợp: Máy móc, thiết bị có nhu cầu sử dụng trong thời gian dưới 12 tháng hoặc chỉ sử dụng tối đa không quá 03 lần/năm; Máy móc, thiết bị phục vụ công tác quản lý dự án có nhu cầu sử dụng dưới 50% thời gian sử dụng theo chế độ quy định hoặc đã được cấp có thẩm quyền cho phép đầu tư, xây dựng, mua sắm, tiếp nhận tài sản nhưng phải thuê để sử dụng tạm thời trong thời gian triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng mua sắm, tiếp nhận. Trong các trường hợp khác, ngoài 02 trường hợp này, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể xem xét quyết định việc thuê máy móc, thiết bị nếu việc đi thuê có hiệu quả hơn việc mua sắm.

Về việc thay thế máy móc, thiết bị văn phòng, Thông tư này quy định nguyên tắc thay thế như sau: Trước tiên phải nhận điều chuyển từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền; trường hợp không có máy móc, thiết bị để nhận điều chuyển thì mua mới. Khi thay thế máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến, trường hợp máy móc, thiết bị được xử lý theo hình thức thanh lý thì số tiền thu được sau khi trừ các chi phí có liên quan sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước đối với các cơ quan Nhà nước; hoặc được quản lý, sử dụng theo pháp luật về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập…

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/03/2016; thay thế Thông tư số 94/2006/TT-BTC ngày 09/10/2006.

Chính sách kinh tế-xã hội:

  1. 9.      ĐƯỢC NỘP HỘ TIỀN PHẠT VI PHẠM GIAO THÔNG QUA BƯU ĐIỆN

Ngày 04/02/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01/2016, cho phép thực hiện dịch vụ thu, nộp hộ tiền phạt vi phạm hành chính và chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên phạm vi toàn quốc qua hệ thống bưu điện.

Tại Nghị quyết, Chính phủ cũng thống nhất chuyển nhóm đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận và đang hưởng trợ cấp trước ngày 01/09/2012 theo mức suy giảm khả năng lao động từ 21% - 40% sang hưởng trợ cấp của người suy giảm khả năng lao động từ 41% - 60% và được truy lĩnh phần chênh lệch trợ cấp từ ngày 01/01/2013.

Bộ Giáo dục và Đào tạo được yêu cầu khẩn trương hoàn thiện, công bố phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng  hệ chính quy năm 2016 theo hướng tổ chức tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 01 cụm thi, bảo đảm an toàn, chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh; có phương án khắc phục những bất cập, hạn chế trong công bố kết quả thi và sử dụng kết quả thi để phục vụ tuyển sinh đại học, cao đẳng, nhất là ở một số trường đại học có đông thí sinh đăng ký xét tuyển.

Bộ Công Thương có trách nhiệm triển khai các biện pháp điều tiết bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…

Cơ cấu tổ chức:

10. QUY ĐỊNH VỀ CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ

Ngày 01/02/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2016/NĐ-CP quy định về cơ quan thuộc Chính phủ. Đây là cơ quan do Chính phủ thành lập, có chức năng phục vụ nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Chính phủ, thực hiện một số dịch vụ công có đặc điểm, tính chất quan trọng mà Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo.

Theo Nghị định này, cơ quan thuộc Chính phủ được tổ chức thành các ban, văn phòng và các tổ chức sự nghiệp khác trực thuộc (nếu có); trong đó, các văn phòng được có con dấu riêng, được tổ chức thành các phòng hoặc đội.

Người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm; chịu trách nhiệm về mọi mặt hoạt động của cơ quan thuộc Chính phủ trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trước pháp luật. Số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ tối đa là 04 người; trường hợp do sáp nhập cơ quan thuộc Chính phủ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển của cơ quan có thẩm quyền, số lượng cấp phó có thể nhiều hơn nhưng không quá 05 người và do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/03/2016.


 

Đang truy cập: 41
Trong ngày: 149
Trong tuần: 857
Lượt truy cập: 1579618
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com