Doanh nghiệp:

  1. 1.      TRAO ĐỔI THÔNG TIN VỀ BÁO CÁO TÀI CHÍNH CỦA DOANH NGHIỆP

Ngày 23/02/2016, Liên bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC hướng dẫn việc trao đổi thông tin về doanh nghiệp giữa Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và Hệ thống thông tin thuế; trong đó, các thông tin trao đổi bao gồm: Hệ thống danh mục dùng chung; Thông tin đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động đơn vị trực thuộc; Thông tin đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, nội dung đăng ký hoạt động đơn vị trực thuộc; Thông tin về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc, thông tin về việc vi phạm pháp luật về thuế của người thành lập, quản lý doanh nghiệp; Thông tin về báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Theo đó, báo cáo tài chính năm của công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân; báo cáo tài chính hợp nhất năm của nhóm công ty sẽ do cơ quan thuế tiếp nhận, lưu trữ tại Hệ thống thông tin báo cáo tài chính và được truyền sang Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Định kỳ hàng tháng, Hệ thống thông tin báo cáo tài chính của Tổng cục Thuế truyền toàn bộ dữ liệu mới được cập nhật về thông tin báo cáo tài chính năm của các doanh nghiệp sang Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Riêng đối với trường hợp cấp đăng ký doanh nghiệp theo quy trình dự phòng tại Điều 12 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP và trường hợp công ty Nhà nước chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty cổ phần, không thực hiện trao đổi thông tin giữa Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và Hệ thống thông tin thuế.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/04/2016.

Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. NGƯỜI VIỆT NAM LÀM VIỆC CHO LIÊN HỢP QUỐC ĐƯỢC MIỄN THUẾ TNCN

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 07/2016/QĐ-TTg ngày 22/02/2016 về việc miễn thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân là người Việt Nam làm việc tại cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Quyết định chỉ rõ, cá nhân được miễn thuế phải có quốc tịch Việt Nam và là nhân viên được tuyển dụng theo hợp đồng của cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam do đại diện có thẩm quyền của cơ quan đại diện xác nhận theo danh sách gửi cơ quan thuế. Nhân viên được tuyển dụng vào làm việc theo giờ không phải đối tượng được miễn thuế.

Thu nhập được miễn thuế của cá nhân trong trường hợp này là thu nhập từ tiền lương, tiền công do cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc tại Việt Nam chi trả.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/05/2016.

  1. 3.      MIỄN THUẾ TNCN VỚI CHUYÊN GIA NƯỚC NGOÀI

Quyết định số 06/2016/QĐ-TTg về việc miễn thuế thu nhập cá nhân đối với chuyên gia nước ngoài thực hiện chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/02/2016, có hiệu lực từ ngày 01/05/2016.

Điều kiện miễn thuế thu nhập cá nhân đối với chuyên gia nước ngoài được Quyết định này quy định như sau: Phải có quốc tịch nước ngoài; có hợp đồng ký giữa chuyên gia nước ngoài với tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoặc với cơ quan chủ quản dự án hoặc với chủ khoản viện trợ phi chính phủ và trực tiếp thực hiện các hoạt động của chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài theo văn kiện chương trình, dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và điều khoản giao việc cho chuyên gia nước ngoài đính kèm hợp đồng.

Cũng theo Quyết định này, thu nhập miễn thuế của chuyên gia nước ngoài là khoản thu nhập trực tiếp thực hiện các hoạt động của chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài.

Đất đai-Nhà ở:

  1. CHO PHÉP MUA BÁN CHỖ ĐỂ XE Ô TÔ TRONG CHUNG CƯ

Quyền sở hữu và quản lý chỗ để xe ô tô tại chung cư là một trong những nội dung nổi bật tại Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư được ban hành theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016, có hiệu lực từ ngày 02/04/2016.

Cụ thể, người mua, thuê mua căn hộ hoặc phần diện tích khác trong nhà chung cư được quyết định mua, hoặc thuê chỗ để xe ô tô. Trường hợp nhà chung cư có đủ chỗ để xe ô tô dành cho mỗi căn hộ và người mua căn hộ có nhu cầu mua hoặc thuê thì chủ đầu tư phải giải quyết bán hoặc cho thuê, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc mỗi chủ sở hữu căn hộ không được mua, thuê vượt quá số lượng chỗ để xe được thiết kế, xây dựng theo dự án được duyệt dành cho một căn hộ.

Trường hợp nhà chung cư không có đủ chỗ để xe ô tô dành cho mỗi căn hộ thì chủ đầu tư giải quyết bán, cho thuê chỗ để xe này trên cơ sở thỏa thuận của những người mua căn hộ với nhau; nếu những người mua căn hộ không thỏa thuận được thì chủ đầu tư giải quyết theo phương thức bốc thăm.

Trường hợp người mua, thuê mua căn hộ không mua chỗ để xe ô tô thì các bên phải ghi rõ trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ là phần diện tích này thuộc quyền sở hữu và quản lý của chủ đầu tư; chủ đầu tư không được tính chi phí đầu tư xây dựng chỗ để xe này vào giá bán, giá thuê mua căn hộ.

Đặc biệt, người mua chỗ để xe ô tô nếu có nhu cầu chuyển nhượng hoặc cho thuê chỗ để xe này chỉ được chuyển nhượng, cho thuê cho các chủ sở hữu, người đang sử dụng nhà chung cư đó hoặc chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 5.      MUA SẮM TÀI SẢN NHÀ NƯỚC THEO PHƯƠNG THỨC TẬP TRUNG

Ngày 26/02/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg quy định về việc mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung.

Theo Quyết định này, từ năm 2016 sẽ chính thức áp dụng mua sắm tập trung đối với các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội...; trong đó, việc mua sắm tập trung được thực hiện theo cách thức ký thỏa thuận khung; riêng đối với mua vắc xin phục vụ công tác tiêm chủng và mua tài sản thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc nguồn ngân sách Nhà nước mà nhà tài trợ có yêu cầu áp dụng theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp.

Đơn vị mua sắm tập trung có trách nhiệm tập hợp nhu cầu; tiến hành lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản thuộc Danh mục mua sắm tập trung; ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn cung cấp tài sản, phát hành tài liệu mô tả chi tiết các tài sản được lựa chọn; tổ chức thực hiện hoặc tham gia bàn giao, tiếp nhận tài sản mua sắm tập trung; công khai việc mua sắm tài sản và tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện mua sắm điện tử theo quy định…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/04/2016.

  1. HỘI NHẬP TRONG LĨNH VỰC TÀI CHÍNH NĂM 2016

Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ra Chỉ thị số 02/CT-BTC ngày 18/02/2016 về việc hội nhập trong lĩnh vực tài chính năm 2016, nhằm hướng tới mục tiêu giúp cộng đồng doanh nghiệp khai thác tối đa cơ hội của hội nhập; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm…

Bên cạnh nhiệm vụ nâng cao nhận thức của toàn thể các đơn vị thuộc Bộ từ Trung ương đến địa phương về các yêu cầu, thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng lộ trình thực thi nghiêm túc các cam kết trong lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng còn nhấn mạnh tới nhiệm vụ tăng cường theo dõi và đánh giá tác động hội nhập để kịp thời đề xuất cơ chế chính sách.

Cụ thể, cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu về theo dõi thương mại của Việt Nam, theo dõi diễn biến xuất nhập khẩu của các nhóm mặt hàng chính theo từng thị trường định kỳ hàng tháng, phát hiện các thị trường xuất khẩu tiềm năng tại các khu vực khác nhau và công bố rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp; xây dựng chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường phù hợp với lộ trình hội nhập quốc tế, các Hiệp định thương mại song phương và đa phương…

Đặc biệt, định kỳ hàng quý đánh giá tác động của việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do (FTA) tới diễn biến nhập khẩu và mức độ áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định FTA để có các giải pháp điều chỉnh thuế suất hoặc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại; Tăng cường theo dõi biến động về thị trường dịch vụ tài chính, sự chuyển dịch về đầu tư giữa các đối tác trong các FTA để có giải pháp kịp thời; Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đề xuất các biện pháp quản lý thận trọng đối với thị trường tài chính…

Giao thông:

  1. 7.      HÀNH KHÁCH KHÔNG ĐƯỢC MANG QUÁ 1 LÍT CHẤT LỎNG LÊN MÁY BAY

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 01/2016/TT-BGTVT ngày 01/02/2016 của Bộ Giao thông Vận tải quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam.

Cụ thể, khi qua điểm kiểm tra an ninh hàng không vào khu vực cách ly quốc tế, mỗi hành khách, thành viên tổ bay chỉ được mang không quá 01 lít chất lỏng theo người và hành lý xách tay; dung tích của mỗi chai, lọ, bình chứa chất lỏng không quá 100 mi-li-lít và phải được đóng kín hoàn toàn; trừ thuốc chữa bệnh có kèm đơn thuốc, trong đó ghi rõ họ tên, địa chỉ của người kê đơn thuốc, họ tên người sử dụng thuốc phù hợp với tên trên vé máy bay và sữa, thức ăn dành cho trẻ em, trẻ sơ sinh (phải có trẻ em, trẻ sơ sinh đi cùng). Chất lỏng mua tại cửa hàng trong khu cách ly quốc tế, trên chuyến bay quốc tế cũng được phép mang theo người và hành lý xách tay không giới hạn dung tích với điều kiện phải đựng trong túi nhựa an ninh được dán kín.

Về giám sát an ninh hàng không đối với hành lý ký gửi, Thông tư quy định hành lý ký gửi bị rách, vỡ, bung khóa không còn nguyên vẹn trước khi chất xếp lên tàu bay hoặc có dấu hiệu bị can thiệp trái phép phải được tái kiểm tra an ninh hàng không; việc tái kiểm tra phải được lập biên bản. Trường hợp hành khách đã được cấp thẻ lên tàu bay nhưng không có mặt để thực hiện chuyến bay, hãng hàng không có trách nhiệm đảm bảo tất cả hành lý của hành khách đó phải được đưa xuống tàu bay trước khi khởi hành.

Thông tư này thay thế Thông tư số 30/2012/TT-BGTVT ngày 01/08/2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/05/2016.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

  1. 8.      SẼ ĐÀO TẠO 2.000 CỬ NHÂN LUẬT TẠI ĐH KIỂM SÁT HÀ NỘI

Ngày 23/02/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 282/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành kiểm sát nhân dân giai đoạn 2016 - 2020”.

Đề án này đề ra mục tiêu đến năm 2020, khoảng 2.000 cử nhân luật chính quy được đào tạo tại trường Đại học Kiểm sát Hà Nội để bổ sung kịp thời nguồn nhân lực cho ngành kiểm sát nhân dân; đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho 90% công chức có trình độ cử nhân luật; bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý cho 80% - 90% công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý theo chương trình quy định cho từng chức vụ; đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài về ngoại ngữ và kiến thức tư pháp, nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát giỏi về ngoại ngữ, có chuyên môn sâu về luật quốc tế, có đủ khả năng tham gia giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài…

Những nhiệm vụ chủ yếu được nêu tại Đề án bao gồm: Nâng cao chất lượng công tác tham mưu quản lý đào tạo, bồi dưỡng trong ngành kiểm sát nhân dân; Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, kế hoạch về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành kiểm sát nhân dân; tăng cường nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước cấp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của ngành kiểm sát nhân dân, bảo đảm đáp ứng được 70% - 80% khoản kinh phí dự toán (dự kiến từ 50 - 55 tỷ đồng/năm); chuẩn bị tốt các điều kiện, nhất là trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng tiêu chuẩn để được cử đi học ở nước ngoài theo quy định…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chính sách kinh tế-xã hội:

  1. TĂNG MỨC CHO VAY VỚI THƯƠNG NHÂN TẠI VÙNG KHÓ KHĂN

Nội dung này thể hiện tại Quyết định số 307/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/02/2016 về điều chỉnh mức cho vay đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn.

Theo đó, từ ngày 15/03/2016, mức cho vay đối với thương nhân là cá nhân không thực hiện mở sổ sách kế toán và nộp thuế khoán theo quy định của cơ quan thuế sẽ tăng thêm 20 triệu đồng, lên tối đa 50 triệu đồng.

Đồng thời, Thủ tướng cũng cho phép thương nhân tại vùng khó khăn vay vốn đến 50 triệu đồng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay; trong khi mức vay không phải bảo đảm theo quy định cũ là tối đa 30 triệu đồng.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2016; áp dụng cho những khoản vay mới được ký hợp đồng từ ngày 15/03/2016.

10. HỘ GIA ĐÌNH SẢN XUẤT TẠI VÙNG KHÓ KHĂN ĐƯỢC VAY ĐẾN 100 TRIỆU ĐỒNG

Đây là nội dung quy định tại Quyết định số 306/QĐ-TTg ngày 26/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh mức cho vay đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn.

Cụ thể, từ ngày 15/03/2016, mức vốn cho vay đối với 01 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn được tăng thêm 20 triệu đồng lên tối đa 50 triệu đồng. Trong một số trường hợp cụ thể, mức vay vốn của 01 hộ có thể trên 50 triệu đồng nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng.

Đối với những hộ gia đình sản xuất, kinh doanh có nhu cầu vay vốn trên 50 triệu đồng, ngoài việc phải có dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh được UBND xã nơi thực hiện xác nhận; cư trú hợp pháp tại nơi thực hiện dự án…, hộ gia đình còn phải có vốn tự có tham gia tối thiểu bằng 20% tổng nhu cầu vốn của dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh và phải cam kết sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay để làm tài sản bảo đảm tiền vay.

Tương tự, mức tiền tối đa mà hộ gia đình kinh doanh, sản xuất ở vùng khó khăn được vay không phải thực hiện bảo đảm cũng được tăng từ tối đa 30 triệu đồng lên tối đa 50 triệu đồng. Trường hợp vay từ trên 50 triệu đồng, phải thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định của pháp luật.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/03/2016.

11. ƯU TIÊN SỬ DỤNG VỐN ODA ĐỂ XÂY NHÀ Ở CHO NGƯỜI THU NHẬP THẤP

Ngày 17/02/2016, Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời kỳ 2016 - 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 251/QĐ-TTg.

Theo Đề án này, nguồn vốn ODA sẽ được sử dụng để hỗ trợ thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại. Cụ thể, hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu; đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, điện, nước, thủy lợi, thủy sản phục vụ đánh bắt xa bờ, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, giáo dục, y tế... ; thực hiện các dự án để từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, nhất là các đô thị mới… Đặc biệt, các dự án phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp cũng sẽ được ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA.

Đề án cũng chỉ rõ, vốn ODA còn được sử dụng để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại; hỗ trợ đổi mới sáng tạo, xây dựng một số viện nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo và vườn ươm công nghệ...

Về địa bàn lãnh thổ, vốn ODA được tập trung ưu tiên cho các địa phương nghèo còn nhiều khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.


 

Đang truy cập: 48
Trong ngày: 156
Trong tuần: 864
Lượt truy cập: 1579626
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com