Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 1.      ÁP THUẾ TỰ VỆ CHÍNH THỨC ĐỐI VỚI BỘT NGỌT

Ngày 10/03/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 920/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu; trong đó nêu rõ, áp dụng biện pháp tự vệ chính thức dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung đối với mặt hàng bột ngọt (hay còn gọi là mỳ chính) nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước và vùng lãnh thổ khác nhau.

Lộ trình về việc áp dụng mức thuế tự vệ được quy định như sau: Từ 25/03/2016 - 24/03/2017, áp dụng mức thuế gần 4,4 triệu đồng/tấn; từ 25/03/2017 - 24/03/2018, áp dụng mức gần 4 triệu đồng/tấn; từ 25/03/2018 - 24/03/2019 áp dụng mức hơn 3,5 triệu đồng/tấn; từ 25/03/2019 - 24/03/2020, áp dụng mức hơn 3,2 triệu đồng/tấn và từ ngày 25/03/2020 trở đi, áp dụng mức 0 đồng/tấn nếu không gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ.

Mức thuế tự vệ nêu trên sẽ được áp dụng đối với mặt hàng bột ngọt được nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, trừ các nước đang phát triển và kém phát triển có lượng xuất khẩu vào Việt Nam không quá 3% tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam từ tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ…

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/03/2016.

  1. 2.      THUẾ TỰ VỆ TẠM THỜI VỚI PHÔI THÉP LÀ 23,3%

Theo Quyết định số 862/QĐ-BCT ngày 07/03/2016 của Bộ Công Thương về áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, từ ngày 22/03/2016, mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước và vùng lãnh thổ khác nhau sẽ được áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung.

Cụ thể, mức thuế tự vệ tạm thời 23,3% được áp dụng đối với phôi thép hợp kim và không hợp kim nhập khẩu vào Việt Nam với các mã HS 7207.11.00, 7207.19.00, 7207.20.29, 7207.20.99 và 7224.90.00. Mức thuế tự vệ tạm thời 14,2% được áp dụng với mặt hàng thép dài nhập khẩu vào Việt Nam (bao gồm thép cuộn và thép thanh được làm từ phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam) dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung.

Biện pháp tự vệ tạm thời nêu trên được áp dụng đến hết ngày 07/10/2016; trường hợp Bộ Công Thương ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức, biện pháp tự vệ tạm thời sẽ chấm dứt hiệu lực. Thông tin chi tiết về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài được quy định tại Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương (http://www.moit.gov.vn) và Cục Quản lý cạnh tranh (http://www.vca.gov.vn hoặchttp://www.qlct.gov.vn).

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 22/03/2016.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN THU ĐƯỢC TỪ SẮP XẾP NHÀ, ĐẤT TẠI ĐƠN VỊ THUỘC BỘ CÔNG AN

Ngày 07/03/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 11/2016/QĐ-TTg quy định việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ sắp xếp nhà, đất tại các đơn vị thuộc Bộ Công an.

Quyết định chỉ rõ, các khoản thu được từ việc sắp xếp nhà, đất tại các đơn vị thuộc Bộ Công an gồm: Tiền thu từ bán nhà và tài sản khác gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Tiền thu từ chuyển mục đích sử dụng đất an ninh sang sử dụng vào mục đích khác; Tiền bồi thường, hỗ trợ về đất, tài sản gắn liền với đất bị thu hồi trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất an ninh sang sử dụng vào mục đích khác.

Toàn bộ số tiền thu được nêu trên sẽ được nộp vào tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước do Bộ Công an làm chủ tài khoản. Bộ Công an sử dụng số tiền thu được để chi trả các chi phí liên quan đến xử lý nhà, đất (kiểm kê, đo vẽ nhà, đất; xác định giá, thẩm định giá và chi phí tổ chức bán đấu giá; chi phí tháo dỡ, hủy bỏ, làm biến dạng tài sản…) và các chi phí liên quan khác. Số tiền còn lại sẽ được sử dụng cho đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, doanh trại theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 20/04/2016.

  1. 4.      NÂNG MỨC TẠM ỨNG KHOẢN CHI NGÂN SÁCH ĐẾN 50% GIÁ TRỊ HỢP ĐỒNG

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 39/2016/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 01/03/2016, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02/10/2012 quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.

Cụ thể, từ ngày 15/04/2016, mức tạm ứng ngân sách Nhà nước đối với những khoản chi có giá trị hợp đồng từ 20 triệu đồng trở lên được thực hiện theo quy định tại hợp đồng đã ký kết của đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước và nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ nhưng tối đa không quá 50% giá trị hợp đồng tại thời điểm ký kết, thay vì mức 30% dự toán bố trí cho khoản mua sắm đó theo quy định hiện hành.

Quy định về mức tạm ứng này không áp dụng đối với trường hợp thanh toán hàng hóa nhập khẩu, thiết bị chuyên dùng do đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước phải nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài (hoặc thông qua đơn vị nhập khẩu ủy thác), trong hợp đồng nhà cung cấp yêu cầu phải tạm ứng lớn hơn và các trường hợp khác theo hướng dẫn riêng của cơ quan Nhà nước. Đối với những khoản chi không có hợp đồng và những khoản chi có giá trị dưới 20 triệu đồng, mức tạm ứng theo tiến độ thực hiện và theo đề nghị của đơn vị sử dụng ngân sách.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/04/2016.

  1. 5.      QUẢN LÝ CAM KẾT CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THƯỜNG XUYÊN

Từ ngày 15/04/2016, các đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước phải gửi đến Kho bạc Nhà nước các hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ được thực hiện trong nhiều năm ngân sách, có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên (thay vì 100 triệu đồng như trước đây), để cơ quan này quản lý, theo dõi.

Hàng năm, thủ trưởng đơn vị dự toán có trách nhiệm xác định số kinh phí bố trí cho hợp đồng mua sắm hàng hóa, dịch vụ; đồng thời được quyền chủ động điều chỉnh tăng, giảm số kinh phí bố trí cho hợp đồng đó, đảm bảo trong phạm vi dự toán ngân sách Nhà nước đã được duyệt và giá trị hợp đồng còn được phép cam kết chi.

Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 40/2016/TT-BTC ngày 01/03/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 113/2008/TT-BTC ngày 27/11/2008 hướng dẫn quản lý và kiểm soát cam kết chi ngân sách Nhà nước qua Kho bạc Nhà nước và một số biểu mẫu kèm theo Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 hướng dẫn thực hiện kế toán Nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc Nhà nước (TABMIS).

Cũng theo Thông tư này, thời hạn đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước phải gửi hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ kèm theo đề nghị cam kết chi đến Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch được tăng thêm 05 ngày lên tối đa 10 ngày làm việc, kể từ khi hợp đồng có hiệu lực. Đối với hợp đồng nhiều năm, kể từ năm thứ hai trở đi, trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản giao dự toán của cơ quan có thẩm quyền, đơn vị dự toán hoặc chủ đầu tư phải gửi đề nghị cam kết chi đến Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch. Trường hợp cấp có thẩm quyền phân bổ và giao dự toán ngân sách trong tháng 12 năm trước, thời hạn gửi đề nghị cam kết chi đối với cả 02 trường hợp trên được tính từ ngày 01/01 năm sau.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/04/2016.

Y tế-Sức khỏe:

  1. 6.      ĐƠN THUỐC NGOẠI TRÚ CÓ GIÁ TRỊ MUA, LĨNH THUỐC TỐI ĐA 5 NGÀY

Theo Thông tư số 05/2016/TT-BYT ngày 29/02/2016 của Bộ Y tế quy định về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, đơn thuốc được kê trong điều trị ngoại trú được mua tại các cơ sở bán lẻ thuốc hợp pháp trên toàn quốc và có giá trị mua, lĩnh thuốc trong thời hạn tối đa 05 ngày kể từ ngày kê đơn thuốc.

Cũng theo Thông tư, bác sĩ, y sĩ chỉ được kê đơn thuốc điều trị ngoại trú sau khi đã có kết quả khám, chẩn đoán bệnh; y sĩ không được kê đơn thuốc thành phẩm dạng phối hợp có chứa hoạt chất gây nghiện, thuốc thành phẩm dạng phối hợp có chứa hoạt chất hướng tâm thần và thuốc thành phẩm dạng phối hợp có chứa tiền chất không thuộc Danh mục thuốc không kê đơn do Bộ Y tế ban hành. Đặc biệt, không kê mỹ phẩm; các thuốc, chất không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh; thực phẩm chức năng và các thuốc chưa được phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam vào đơn thuốc.

Về số lượng thuốc được kê đơn, thực hiện theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế hoặc đủ sử dụng tối đa 30 ngày; riêng với bệnh cấp tính, số lượng thuốc sử dụng không vượt quá 07 ngày với đơn thuốc gây nghiện và 10 ngày với đơn thuốc hướng tâm thần và tiền chất. Đối với đơn thuốc gây nghiện để giảm đau cho người bệnh ung thư hoặc AIDS, liều thuốc gây nghiện để giảm đau được kê theo nhu cầu giảm đau của người bệnh, thời gian mỗi lần chỉ định thuốc tối đa 30 ngày, nhưng cùng lúc phải ghi 03 đơn cho 03 đợt điều trị liên tiếp, trong đó, mỗi đơn cho 01 đợt điều trị kê đơn không quá 10 ngày.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/05/2016.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

  1. 7.      THI THPT QUỐC GIA 2016: SẼ KHÔNG TỔ CHỨC CỤM THI LIÊN TỈNH

Đây là một trong những nội dung mới của Thông tư số 02/2016/TT-BGDĐT ngày 10/03/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia ban hành kèm theo Thông tư số 02/2015/TT-BGDĐT ngày 26/02/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực từ ngày 25/04/2016.

Theo đó, thay vì quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cụm thi cho các thí sinh của ít nhất 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như trước đây, Thông tư này chỉ rõ, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ tổ chức cụm thi cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, xét tuyển sinh ĐH, CĐ và cụm thi chỉ dành cho thí sinh dự thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Về việc phúc khảo đối với bài thi tự luận, Thông tư quy định bài thi có điểm phúc khảo lệch so với điểm đợt đầu (đã công bố) từ 0,25 điểm trở lên thì được điều chỉnh điểm. Trong trường hợp điểm phúc khảo lệch so với điểm chấm đợt đầu từ 0,5 điểm trở lên thì phải tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các cán bộ chấm thi và cán bộ chấm phúc khảo (có ghi biên bản); trong khi trước đây, chỉ khi điểm phúc khảo bài thi lệch từ 0,5 điểm trở lên đối với môn khoa học tự nhiên và từ 1,0 điểm trở lên đối với môn khoa học xã hội thì mới phải tổ chức đối thoại.

Để thắt chặt an ninh phòng thi, phòng, chống tiêu cực, Thông tư đã bổ sung quy định phải bố trí tại mỗi điểm thi 01 điện thoại dùng để liên hệ với Hội đồng thi và đặc biệt, mọi cuộc liên lạc trong thời gian thi đều phải bật loa ngoài và nghe công khai.

An ninh trật tự:

  1. 8.      CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM GIAI ĐOẠN 2016 – 2020

Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 361/QĐ-TTg ngày 07/03/2016, nhằm hướng tới mục tiêu ngăn chặn sự gia tăng, tiến tới giảm thiểu tệ nạn mại dâm; giảm tác hại của tệ nạn này đối với đời sống cộng đồng và đối với chính người hoạt động mại dâm; hỗ trợ người hoạt động mại dâm hòa nhập cộng đồng…

Theo đó, một trong những mục tiêu, nhiệm vụ được Chương trình đề ra là đẩy mạnh thực hiện các hoạt động phòng ngừa mại dâm thông qua lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội tại địa bàn cơ sở; cụ thể như: Xây dựng các hoạt động lồng ghép cho nhóm phụ nữ có nhu cầu tìm kiếm việc làm trong các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, hỗ trợ vay vốn… nhằm tạo cơ hội cho họ lựa chọn công việc phù hợp. Bên cạnh đó, đấu tranh, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm…

Mục tiêu đến năm 2020, 100% xã, phường, thị trấn tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và duy trì thường xuyên; 20 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm; 100% tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm với các chương trình kinh tế - xã hội tại địa phương như chương trình giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, phòng chống HIV/AIDS…

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký

Chính sách kinh tế-xã hội:

  1. 9.      TĂNG CƯỜNG ỨNG PHÓ XÂM NHẬP MẶN Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Trước tình trạng xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là trong tháng 3, tháng 4 và có thể kéo dài tới tháng 06/2016, gây thiệt hại cho sản xuất, nguy cơ thiếu nước ngọt trên diện rộng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 12/03/2016 về triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại Chỉ thị, Chủ tịch UBND cấp tỉnh được giao trách nhiệm phải tổ chức rà soát, nắm chắc số hộ thiếu đói, thiếu nước ngọt sinh hoạt, nhất là đối với các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời thực hiện hỗ trợ; triển khai thực hiện các biện pháp như lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước, chở nước ngọt cung cấp cho nhân dân… nhằm đảm bảo nguồn nước ngọt hợp vệ sinh phục vụ sinh hoạt của nhân dân và hoạt động của các bệnh viện, cơ sở y tế, trường học, không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt, sử dụng nước không hợp vệ sinh dẫn tới bùng phát dịch bệnh…

Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp cấp bách để chủ động ứng phó với xâm nhập mặn (chủ động vận hành hệ thống thủy lợi kiểm soát mặn, nạo vét kênh rạch khơi thông dòng chảy, đắp đập tạm khoanh vùng ngăn mặn, giữ ngọt…) bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại, nhất là đối với lúa Đông Xuân đang chuẩn bị thu hoạch, vườn cây ăn trái và diện tích nuôi trồng thủy sản…

Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo hệ thống ngân hàng thực hiện các giải pháp hỗ trợ, khoanh nợ, giãn nợ, xử lý rủi ro đối với các hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn bị thiệt hại hạn hán, xâm nhập mặn theo quy định và tiếp tục cho vay để sớm phục hồi, phát triển sản xuất…

10. VẪN XÁC ĐỊNH THÔN ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN THEO TIÊU CHÍ CŨ

Ngày 11/03/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 12/2016/QĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg ngày 18/07/2012 và Quyết định số 1049/QĐ-TTg ngày 26/06/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015 và Quyết định số 1049/QĐ-TTg về Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn sẽ được kéo dài thời gian thực hiện từ ngày 01/01/2016 cho đến khi quy định mới của Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề này có hiệu lực.

Theo Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg, thôn đặc biệt khó khăn được xác định theo các tiêu chí như: Có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 55% trở lên; trên 80% lao động chưa qua đào tạo nghề; 30% số hộ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 20% số hộ thiếu đất sản xuất… Bên cạnh đó,  Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn theo Quyết định số 1049/QĐ-TTg bao gồm 3815 xã của 420 huyện, thuộc 53 tỉnh trong cả nước.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 28/04/2016.

Hôn nhân-Gia đình:

11. THÁNG 6 LÀ THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA  VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Tại Quyết định số 363/QĐ-TTg ban hành ngày 08/03/2016 về Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất lấy tháng 06 hàng năm là Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

Việc tổ chức Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình nhằm vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc và biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.


 

Đang truy cập: 57
Trong ngày: 165
Trong tuần: 873
Lượt truy cập: 1579637
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com