Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 1.      THUẾ NHẬP KHẨU ƯU ĐÃI VỚI DIESEL, XĂNG MÁY BAY GIẢM CÒN 7%

Mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng máy bay, trừ loại sử dụng làm nhiên liệu máy bay phản lực chính thức giảm từ 10% xuống còn 7% là nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 48/2016/TT-BTC ngày 17/03/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng, dầu thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 7% này cũng được áp dụng với nhiên liệu diesel cho ô tô và nhiên liệu diesel khác, dầu nhiên liệu, nhiên liệu động cơ máy bay (nhiên liệu phản lực), dầu diezel sinh học (B5, B10) và các kerosine khác; trong khi mức thuế suất thuế nhập khẩu cũ đối với các mặt hàng này lần lượt là 10% và 13%.

Với các mặt hàng còn lại, thuế suất thuế nhập khẩu vẫn giữ nguyên theo quy định hiện hành; trong đó mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 20% được áp dụng với xăng động cơ, dung môi trắng, dung môi có hàm lượng cấu tử thơm thấp dưới 1% tính theo trọng lượng; mức thuế suất 5% áp dụng với dầu khoáng đã tinh chế để sản xuất dầu bôi trơn, dầu bôi trơn cho động cơ máy bay, dầu biến thế và dầu dùng cho bộ phận ngắt mạch…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/03/2016.

Xuất nhập khẩu:

  1. 2.      HẠN NGẠCH THUẾ QUAN NHẬP KHẨU VỚI MUỐI, TRỨNG GIA CẦM NĂM 2016

Ngày 11/03/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 02/2016/TT-BCT quy định về nguyên tắc điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng muối, trứng gia cầm năm 2016.

Theo Thông tư, lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu năm 2016 đối với trứng gà, trứng vịt, ngan và các loại khác (trứng thương phẩm không có phôi) là 48.620 tá; đối với muối là 102.000 tấn.

Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu với mặt hàng trứng gia cầm được phân giao cho các thương nhân có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có nhu cầu nhập khẩu; đối với mặt hàng muối, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được phân giao cho các thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất và làm nguyên liệu sản xuất thuốc, sản phẩm y tế.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 11/03/2016 đến hết 31/12/2016.

Y tế-Sức khỏe:

  1. 3.      THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ LUÂN PHIÊN CÓ THỜI HẠN VỚI BÁC SĨ TẠI CÁC BỆNH VIỆN

Nhằm cải thiện tình trạng nằm ghép tại các bệnh viện; giảm thời gian chờ khám bệnh; giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên…, ngày 11/03/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg về tăng cường các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các Bộ, đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh, ưu tiên đầu tư cho các bệnh viện vệ tinh đảm bảo có đủ điều kiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật; công bố danh sách các bệnh viện đủ tiêu chuẩn làm bệnh viện hạt nhân để các bệnh viện vệ tinh lựa chọn đề xuất hỗ trợ chuyên môn; khẩn trương ban hành quy định để các chuyên gia, bác sĩ giỏi ở các bệnh viện hạt nhân có trách nhiệm tham gia khám, chữa bệnh ở các bệnh viện vệ tinh; coi việc tăng cường chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các bệnh viện. Đặc biệt, không phân biệt bệnh viện Nhà nước hay bệnh viện tư nhân trong lựa chọn bệnh viện hạt nhân, bệnh viện vệ tinh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng mới bệnh viện ngoài công lập, hợp tác với các bệnh viện Nhà nước về một số cơ chế, chính sách để phát triển y tế; thực hiện chế độ cơ sở y tế tuyến trên định kỳ cử chuyên gia, bác sĩ đến khám, chữa bệnh tại cơ sở tuyến dưới; thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống hỗ trợ y tế từ xa trong việc hội chẩn, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, tư vấn, hội thảo, đào tạo giữa các bệnh viện và triển khai nhân rộng kết quả thực hiện thí điểm mô hình bác sĩ gia đình…

  1. ĐẾN 2020, 100% BỆNH VIỆN CAM KẾT KHÔNG THÔNG BÁO GIỚI TÍNH THAI NHI

Nhằm góp phần cải thiện chất lượng bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, ngày 10/03/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 822/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành y tế giai đoạn 2016 - 2020.

Theo Quyết định này, các đơn vị trực thuộc và liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh thấp hợp lý, quy mô gia đình ít con, hạn chế xu hướng gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh; tổ chức các khóa tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng sàng lọc, phát hiện, tư vấn, hỗ trợ cho người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình cho cán bộ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Dự kiến đến năm 2020, 100% cơ sở y tế cam kết không thông báo giới tính thai nhi cho phụ nữ có thai và người thân của họ, không loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính; ít nhất 85% cơ sở y tế công lập và ngoài công lập được thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định không thông báo giới tính thai nhi cho phụ nữ mang thai và người thân của họ; giảm tỷ lệ phá thai xuống dưới 25/100 trẻ đẻ sống; tỷ lệ cán bộ nữ trong tổng số cán bộ lãnh đạo quản lý các đơn vị trực thuộc Bộ đạt tối thiểu 18%, Sở Y tế đạt tối thiểu 20%; 100% các đơn vị không có sự phân biệt giới tính trong tiêu chí tuyển dụng, ngoại trừ các vị trí làm việc nặng nhọc, độc hại theo quy định…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

  1. 5.      ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC CẤP BẰNG TIẾN SĨ

Ngày 17/03/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 418/QĐ-TTg phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ, khẳng định sẽ đơn giản hóa thành phần hồ sơ dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ.

Cụ thể, hồ sơ dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ sẽ được đơn giản hóa theo hướng ứng viên có thể nộp bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu trong trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, nộp bản sao có chứng thực trong trường hợp gửi qua đường bưu điện.

Một số giấy tờ trong hồ sơ tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ cũng sẽ được bãi bỏ, bao gồm: Bản kê khai danh mục và sao chụp những bài báo, công trình công bố liên quan đến đề tài luận án của nghiên cứu sinh; Chứng chỉ ngoại ngữ của nghiên cứu sinh; Bản sao bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ; Danh sách các đơn vị và cá nhân được gửi tóm tắt luận án; Bản sao quyết định công nhận nghiên cứu sinh và quyết định về những thay đổi trong quá trình đào tạo; Bản sao bảng điểm các học phần của chương trình đào tạo thạc sĩ, các chuyên đề tiến sĩ, điểm tiểu luận tổng quan. Đồng thời, luận án và tóm tắt luận án cũng sẽ được ghi trong đĩa CD để đăng tải lên website để tránh tốn kém, lãng phí đồng thời thuận lợi cho công tác quản lý, lưu trữ.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

  1. CÁC TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC

Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 14/03/2016 quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, có hiệu lực từ ngày 29/04/2016.

Theo Thông tư, để đánh giá chất lượng chương trình đào tạo của đại học phải căn cứ vào 11 tiêu chuẩn, gồm: Mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo; Bản mô tả chương trình đào tạo; Cấu trúc và nội dung chương trình dạy học; Phương pháp tiếp cận trong dạy và học; Đánh giá kết quả học của người học; Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên; Đội ngũ nhân viên; Người học và hoạt động hỗ trợ người học; Cơ sở vật chất và trang thiết bị; Nâng cao chất lượng; Kết quả đầu ra.

Trong đó, tiêu chuẩn người học và hoạt động hỗ trợ người học được xác định gồm: Chính sách tuyển sinh được xác định rõ ràng, được công bố công khai và được cập nhật; Tiêu chí và phương pháp tuyển chọn người học được xác định rõ ràng và được đánh giá; Có hệ thống giám sát phù hợp về sự tiến bộ trong học tập và rèn luyện, kết quả học tập, khối lượng học tập của người học… Về kết quả đầu ra, bao gồm: Tỷ lệ thôi học, tốt nghiệp được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến chất lượng; Thời gian tốt nghiệp; Tỷ lệ có việc làm sau tốt nghiệp; Loại hình và số lượng các hoạt động nghiên cứu của người học…

Việc đánh giá mỗi tiêu chuẩn nêu trên sẽ được dựa vào thang 07 mức. Cụ thể, Mức 1: Hoàn toàn không đáp ứng yêu cầu, phải khắc phục ngay; Mức 2: Không đáp ứng yêu cầu, cần có giải pháp khắc phục; Mức 3: Chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, cần một số cải tiến nhỏ; Mức 4: Đáp ứng yêu cầu; Mức 5: Đáp ứng tốt hơn yêu cầu; Mức 6: Đáp ứng rất tốt yêu cầu và Mức 7: Đáp ứng xuất sắc yêu cầu.

Cán bộ-Công chức-Viên chức:

  1. 7.      CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CẤP TỈNH PHẢI CÓ TỪ 3% CÁN BỘ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ

Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/03/2016 với mục tiêu nâng cao hợp lý tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số ở các cơ quan của Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến cơ sở…

Cụ thể, đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 5% đến dưới 10% tổng dân số của tỉnh thì tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh tối thiểu là 3% tổng số biên chế được giao. Tỷ lệ này được nâng dần thành 5%; 10%; 15% và 20% đối với các tỉnh có tỷ lệ người dân tộc thiểu số từ 10% đến dưới 30%; từ 30% đến dưới 50%; từ 50% đến dưới 70% và trên 70% tổng dân số của tỉnh…. Về lộ trình thực hiện, giai đoạn 2016 - 2018, phấn đấu đạt tối thiểu 40%; giai đoạn 2019 - 2020 và những năm tiếp theo, phấn đấu hoàn thành 100% các tỷ lệ nêu trên.

Nâng cao tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng là một mục tiêu được nêu tại Đề án này. Theo đó, tại Ủy ban Dân tộc, phải có tỷ lệ tối thiểu là 15% trên tổng số cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số; các đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc phải có ít nhất 01 chức danh cấp trưởng hoặc cấp phó là người dân tộc thiểu số trong quy hoạch, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

Vi phạm hành chính:

  1. 8.      BỔ SUNG TRƯỜNG HỢP ĐƯỢC TẠM GIỮ NGƯỜI THEO THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Ngày 17/03/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày 02/10/2013 quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất; trong đó, đáng chú ý là quy định bổ sung các trường hợp được tạm giữ người theo thủ tục hành chính.

Theo đó, từ ngày 02/05/2016, ngoài các trường hợp theo quy định hiện hành như ngăn chặn, đình chỉ hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác, biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính còn được áp dụng khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới mà người vi phạm có dấu hiệu bỏ trốn, tiêu hủy tang vật, phương tiện vi phạm, gây cản trở việc xử lý vi phạm. Cụ thể như: Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa cấm xuất, nhập khẩu hoặc tạm ngừng xuất, nhập khẩu; Xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép; Xuất, nhập khẩu hàng hóa không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; Xuất, nhập khẩu hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ kèm theo hoặc có nhưng không hợp pháp; Nhập khẩu hàng hóa phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem hoặc dán tem giả, tem đã qua sử dụng…

Những người có thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính bao gồm: Chủ tịch UBND cấp xã; Trưởng Công an phường; Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng Cảnh sát trật tự; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt; Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy; Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ; Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động từ cấp đại đội trở lên; Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu; Hạt trưởng Hạt kiểm lâm; Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động; Chi cục trưởng Chi cục Hải quan và Đội trưởng Đội quản lý thị trường…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02/05/2016.

 Văn hóa-Thể thao-Du lịch:

  1. 9.      GIẤY PHÉP TỔ CHỨC CA, MÚA, NHẠC CÓ THỜI HẠN ĐẾN 6 THÁNG

Đây là nội dung quy định tại Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/03/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.

Cụ thể, Giấy phép cho nghệ sĩ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước biểu diễn do Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp và Giấy phép tổ chức chương trình ca, múa, nhạc có thời hạn tối đa 06 tháng; Giấy phép tổ chức chương trình sân khấu có thời hạn tối đa là 12 tháng. Trong đó, Giấy phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc; Giấy phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài vào tỉnh, thành phố biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang do UBND cấp tỉnh cấp có hiệu lực trong phạm vi địa phương.

Cũng theo Nghị định này, chủ địa điểm tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu phải có nội quy, quy định niêm yết tại địa điểm; bảo đảm âm thanh biểu diễn không vượt quá quy định về tiêu chuẩn mức ồn tối đa cho phép; không được phát hành vé quá số ghế hoặc quá sức chứa nơi tổ chức biểu diễn nhằm bảo đảm chất lượng chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu. Đặc biệt, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sau 12 giờ đêm đến 08 giờ sáng phải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền tại địa phương nơi tổ chức biểu diễn cho phép.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu không được phổ biến, lưu hành hình ảnh cá nhân; chương trình, tiết mục biểu diễn và thực hiện các hành vi có nội dung, hình thức trái với giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục trên mạng viễn thông…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/05/2016.

Công nghiệp:

10. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2020, THAN THƯƠNG PHẨM ĐẠT 50 TRIỆU TẤN

Với mục tiêu xây dựng ngành than Việt Nam trở thành ngành công nghiệp phát triển, có sức cạnh tranh cao, ngày 14/03/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 403/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.

Quy hoạch này đề ra mục tiêu trong năm 2016, sản lượng than thương phẩm đạt khoảng 41 - 44 triệu tấn và đạt khoảng 47 - 50 triệu tấn vào năm 2020; 55 - 57 triệu tấn vào năm 2030. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2020, giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp hầm lò xuống khoảng 20% và dưới 20% sau năm 2020; tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp lộ thiên xuống khoảng 5% và dưới 5% sau năm 2020…

Việc khai thác được định hướng như sau: Quy hoạch các mỏ có quy mô nhỏ thành mỏ có quy mô lớn; Phát triển sản lượng khai thác theo hướng bền vững, hiệu quả; Quy hoạch đồ thải theo hướng sử dụng tối đa bãi thải trong; Đầu tư một số dự án thử nghiệm tại bể than sông Hồng để lựa chọn công nghệ khai thác hợp lý. Dự kiến, đến năm 2020, đầu tư cải tạo mở rộng, nâng công suất 09 dự án mỏ và đầu tư xây dựng mới 41 dự án mỏ thuộc bể than Đông Bắc; đầu tư dự án mở rộng nâng công suất mỏ than Na Dương…

Quy hoạch này nhấn mạnh tới mục tiêu đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu thụ than trong nước về chủng loại và khối lượng; giảm dần xuất khẩu; tích cực, chủ động tìm nguồn than nhập khẩu để đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Tư pháp-Hộ tịch:

11. KIỂM TRA HOẠT ĐỘNG ĐĂNG KÝ NUÔI CON NUÔI TẠI CÁC XÃ BIÊN GIỚI

Ngày 14/03/2016, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ra Quyết định số 420/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020.

Tại Kế hoạch, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan phổ biến, đăng tải các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người trên Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp; biên soạn và phát hành tài liệu pháp luật về phòng, chống mua bán người và kỹ năng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên cấp xã, cán bộ mặt trận, các đoàn thể cấp xã và hòa giải viên; biên soạn một số tài liệu để tuyên truyền trên mạng xã hội, trang tin phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa mua bán người; phản ánh, nêu gương chấp hành tốt pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Hàng năm, sẽ thanh tra, kiểm tra công tác đăng ký, quản lý hộ tịch có yếu tố nước ngoài; hoạt động của trung tâm hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại các địa phương có số lượng kết hôn có yếu tố nước ngoài lớn; tổ chức tập huấn về kiến thức và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán người cho đại diện người thực hiện trợ giúp pháp lý tại một số điểm giáp cửa khẩu biên giới hoặc nơi có số lượng nạn nhân bị mua bán nhiều. Năm 2017, tổ chức hội thảo về tăng cường công tác xác minh nguồn gốc của trẻ em được cho làm con nuôi; đặc biệt, trong các năm 2018 - 2019, sẽ tiến hành kiểm tra hoạt động đăng ký nuôi con nuôi tại các xã biên giới…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.


 

Đang truy cập: 37
Trong ngày: 145
Trong tuần: 853
Lượt truy cập: 1579614
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com