Doanh nghiệp:

  1. 1.      VNPT SẼ THOÁI VỐN TẠI 50 DOANH NGHIỆP, NGÂN HÀNG

Ngày 06/04/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2016/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), nêu rõ VNPT sẽ phải thực hiện thoái vốn tại 50 doanh nghiệp, ngân hàng, trong đó có: Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam; Quỹ đầu tư Việt Nam; Công ty Tài chính Bưu điện; Công ty cổ phần Dịch vụ xây dựng công trình Bưu điện; Công ty cổ phần Viễn thông VTC; Công ty cổ phần Cáp quang Việt Nam…

VNPT được quy định là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ (khoảng 72.237 tỷ đồng), hoạt động kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện; tư vấn, khảo sát, thiết kế, lắp đặt, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa, cho thuê công trình, thiết bị viễn thông, công nghệ thông tin; nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu thiết bị, sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện…

VNPT có 71 đơn vị trực thuộc, có 03 đơn vị sự nghiệp, 02 công ty con do VNPT sở hữu 100% vốn điều lệ và 05 công ty con khác. Các công ty con, công ty liên kết của VNPT được tổ chức và hoạt động kinh doanh độc lập, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ sở hữu. VNPT có quyền bảo lãnh cho công ty con vay vốn tại tổ chức tín dụng với tổng giá trị các khoản bảo lãnh tối đa bằng giá trị vốn chủ sở hữu của công ty con theo báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm gần nhất tại thời điểm bảo lãnh (đối với công ty con do VNPT sở hữu 100% vốn điều lệ) hoặc tối đa bằng giá trị vốn góp thực tế của VNPT tại doanh nghiệp tại thời điểm bảo lãnh (trường hợp công ty con do VNPT sở hữu trên 50% vốn điều lệ).

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 21/05/2016.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 2.      PHÂN BỔ HƠN 4.000 TỶ ĐỒNG VỐN TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Tại Quyết định số 592/QĐ-TTg ngày 06/04/2016 về việc giao vốn trái phiếu Chính phủ năm 2016 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã giao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2016 (khoảng 4.249 tỷ đồng) để đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã theo đúng mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trong đó, 128 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ được phân bổ cho tỉnh Hà Giang; 125 tỷ đồng được phân bổ cho tỉnh Cao Bằng; 118 tỷ đồng được giao cho tỉnh Hòa Bình và 217 tỷ đồng được phân bổ cho tỉnh Nghệ An… Thời gian thực hiện và thanh toán kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ đến ngày 31/12/2017.

Số vốn trái phiếu này được sử dụng để đầu tư cho các xã mới đạt 05 tiêu chí và các xã đã đạt trên 15 tiêu chí để phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, chú trọng đầu tư cho các xã hoàn thành các công trình hạ tầng cơ bản, phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường; ưu tiên hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

  1. 3.      ĐƯỢC PHÁT HÀNH TÍN PHIẾU KHO BẠC ĐỂ BÙ ĐẮP NGÂN QUỸ NHÀ NƯỚC

Ngày 05/04/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2016/NĐ-CP quy định chế độ quản lý ngân quỹ Nhà nước.

Theo quy định tại Nghị định này, ngân quỹ Nhà nước tạm thời thiếu hụt có thể được bù đắp từ việc phát hành tín phiếu kho bạc hoặc thu hồi trước hạn các khoản đang gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại. Trong đó, việc phát hành tín phiếu kho bạc để bù đắp ngân quỹ Nhà nước tạm thời thiếu hụt có các kỳ hạn tối đa 03 tháng; quy trình, thủ tục về phát hành tín phiếu kho bạc để bù đắp ngân quỹ Nhà nước tạm thời thiếu hụt được thực hiện theo quy định hiện hành về việc phát hành trái phiếu Chính phủ.

Về việc sử dụng ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi, Nghị định quy định, ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi được ưu tiên sử dụng để tạm ứng cho ngân sách Trung ương, ngân sách cấp tỉnh; gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại có mức độ an toàn cao theo xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và để mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ. Thời hạn sử dụng ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi tối đa 01 năm nếu sử dụng để tạm ứng cho ngân sách Trung ương và ngân sách cấp tỉnh; trường hợp ngân sách Trung ương, cấp tỉnh khó khăn, nguồn thu không đáp ứng đủ các nhu cầu chi theo kế hoạch, được gia hạn tạm ứng không quá 01 năm. Đối với các khoản sử dụng ngân quỹ Nhà nước tạm thời nhàn rỗi còn lại, thời hạn sử dụng tối đa là 03 tháng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017.

Bảo hiểm:

  1. 4.      MỨC CHI QUẢN LÝ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ

Một trong những nội dung đáng chú ý tại Quyết định số 15/2016/QĐ-TTg về mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2016 - 2018 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 05/04/2016 là quy định về mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức BHXH Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và người lao động thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động thương binh và xã hội.

Cụ thể, mức chi tiền lương đối với các đối tượng này bằng 1,8 lần so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định, bao gồm tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp, trừ phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ. Phần chênh lệch giữa mức chi tiền lương thực tế nêu trên so với chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định không dùng để tính đóng, hưởng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn.

Cũng theo Quyết định này, mức chi phí quản lý BHXH hoặc bảo hiểm thất nghiệp bằng 2,3% dự toán thu, chi BHXH hoặc bảo hiểm thất nghiệp, trừ số chi đóng BHYT cho người hưởng BHXH hoặc trợ cấp thất nghiệp; mức chi phí quản lý BHYT bằng 5% dự toán thu tiền đóng BHYT, được trích từ khoản 10% số tiền đóng BHYT dành cho Quỹ dự phòng và chi phí quản lý Quỹ BHYT.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/05/2016; áp dụng cho các năm ngân sách từ năm 2016 - 2018

Xây dựng:

  1. 5.      YÊU CẦU VỀ KINH DOANH VẬT LIỆU XÂY DỰNG

Có hiệu lực từ ngày 26/05/2016, Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/04/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng quy định cụ thể về các yêu cầu đối với hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng.

Cụ thể, kinh doanh vật liệu xây dựng phải có đủ phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy, biển báo an toàn tại nơi kinh doanh đối với các vật liệu dễ cháy, có mùi, hóa chất độc hại, bụi bẩn; cửa hàng, siêu thị kinh doanh vật liệu xây dựng phải có đủ diện tích kho, bãi chứa bảo đảm cho việc bảo quản, xuất - nhập các sản phẩm. Đặc biệt, tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm thu hồi, xử lý đối với các loại vật liệu xây dựng bị hư hỏng, giảm chất lượng trong quá trình vận chuyển, lưu chứa, kinh doanh.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định về các loại dự án nghiên cứu phát triển, đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.

Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư đối với các dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ phát triển vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; các dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất vật liệu xây dựng không nung loại nhẹ (khối lượng thể tích không lớn hơn 1.000 kg/m3) có công suất cho 01 dây chuyền từ 50.000 m3/năm trở lên; dự án đầu tư hệ thống tận dụng nhiệt khí thải trong sản xuất xi măng để phát điện; dự án đầu tư xử lý, sử dụng rác thải sinh hoạt để làm nhiên liệu trong sản xuất vật liệu xây dựng có công suất từ 200 tấn/ngày trở lên…

Nghị định này thay thế Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/07/2007.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

  1. 6.      SINH VIÊN THI HỘ, LÀM HỘ ĐỒ ÁN, KHÓA LUẬN BỊ ĐÌNH CHỈ HỌC

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ra Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT ngày 05/04/2016 ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy, trong đó nêu rõ, sinh viên không được gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử; hút thuốc, uống rượu, bia trong trường học; say rượu, bia khi đến lớp học; tổ chức hoặc tham gia đua xe, cổ vũ đua xe trái phép; tổ chức hoặc tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức…

Khung xử lý kỷ luật đối với một số hành vi vi phạm của sinh viên được Thông tư này quy định cụ thể như sau: Trường hợp sinh viên thi, kiểm tra thay hoặc nhờ thi, kiểm tra thay; làm thay, nhờ làm thay hoặc sao chép tiểu luận, đồ án, khóa luận tốt nghiệp sẽ bị đình chỉ học có thời hạn ngay từ lần vi phạm đầu tiên; lần vi phạm thứ 2 sẽ bị buộc thôi học. Trường hợp sinh viên uống rượu, bia trong giờ học; say rượu, bia khi đến lớp; đánh bạc; tàng trữ, truy cập, sử dụng sản phẩm văn hóa đồi trụy; tham gia biểu tình, tụ tập đông người, khiếu kiện trái quy định… sẽ bị khiển trách ở lần vi phạm đầu tiên, cảnh cáo ở lần vi phạm thứ 2; tạm đình chỉ học có thời hạn ở lần vi phạm thứ 3; lần vi phạm thứ 4 sẽ bị buộc thôi học… 

Về việc khen thưởng đối với sinh viên, Thông tư quy định 03 danh hiệu: Danh hiệu Khá đối với sinh viên có xếp loại học tập và rèn luyện từ khá trở lên; Danh hiệu Giỏi với sinh viên xếp loại học tập từ giỏi trở lên và xếp loại rèn luyện từ tốt trở lên; Danh hiệu Xuất sắc với sinh viên có kết quả học tập từ 3,6 (thang điểm 4) hoặc từ 9,0 (thang điểm 10) trở lên và xếp loại rèn luyện xuất sắc. Đặc biệt, không xét khen thưởng đối với sinh viên bị kỷ luật hoặc có điểm kết thúc học phần trong năm học đó dưới mức trung bình.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 23/05/2016

  1. 7.      MIỄN HỌC PHÍ CHO SINH VIÊN CHUYÊN NGÀNH LAO, PHONG, GIẢI PHẪU

Đây quy định của Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/03/2016 của Liên bộ Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.

Cụ thể, Thông tư liên tịch này quy định các đối tượng được miễn học phí bao gồm: Sinh viên, học viên học một trong các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp y, Pháp y tâm thần và Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế công lập theo chỉ tiêu đào tạo của Nhà nước; Sinh viên, học viên chuyên ngành Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người; Trẻ em học mẫu giáo và học sinh dưới 16 tuổi bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi, bị mồ côi cả cha và mẹ hoặc cả cha và mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam; Trẻ học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo; Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học; Sinh viên bị tàn tật, khuyết tật thuộc diện hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo.

Bên cạnh đó, học sinh trường tiểu học công lập; học sinh, sinh viên ngành sư phạm hệ chính quy đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập; người theo học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh cũng sẽ không phải đóng học phí.

Mức giảm học phí 70% được áp dụng đối với học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật công lập và ngoài công lập; các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp và trẻ em mẫu giáo, học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số (không phải dân tộc thiểu số rất ít người) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành từ ngày 16/05/2016

 Thông tin-Truyền thông:

  1. 8.      KHUNG GIÁ CƯỚC DỊCH VỤ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 09/2016/TT-BTTTT ngày 30/03/2016 quy định chi tiết Danh mục, đối tượng thụ hưởng, phạm vi, chất lượng, giá cước, khung giá cước sử dụng và mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020.

Theo quy định tại Thông tư này, giá cước sử dụng dịch vụ viễn thông công ích truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất trả sau dao động từ 50.000 đồng/tháng/tổ chức đến 450.000 đồng/tháng/tổ chức. Trong đó, khung giá cước từ 50.000 đồng/tháng - 75.000 đồng/tháng áp dụng cho trường mầm non, trường tiểu học với điều kiện các tổ chức này phải sử dụng gói dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định mặt đất trả sau định danh 04 Mbps; khung giá cước từ 75.000 đồng/tháng - 100.000 đồng/tháng áp dụng cho bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa Nhà nước cấp huyện, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa tư nhân và bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện đa khoa có vốn đầu tư nước ngoài với gói dịch vụ 12 Mbps; khung giá cước từ 350.000 đồng/tháng - 450.000 đồng/tháng áp dụng cho trường trung cấp, cao đẳng, đại học, bệnh viện chuyên khoa, đa khoa Nhà nước cấp Trung ương với gói dịch vụ 45 Mbps…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ cho các đối tượng nêu trên cũng sẽ được hỗ trợ 50.000 đồng/tháng/tổ chức nếu cung cấp dịch vụ cho trường mầm non, trường tiểu học; 100.000 đồng/tháng/tổ chức nếu cung cấp dịch vụ cho bệnh viện chuyên khoa, đa khoa của Nhà nước cấp huyện, bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tư nhân hoặc có vốn đầu tư nước ngoài; 250.000 đồng/tháng/tổ chức trong trường hợp cung cấp dịch vụ cho trường trung cấp, cao đẳng, đại học và bệnh viện chuyên khoa, đa khoa của Nhà nước cấp Trung ương…

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016; riêng các quy định về đối tượng thụ hưởng, phạm vi, giá cước, khung giá cước sử dụng, mức sử dụng, mức hỗ trợ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích di động hàng hải qua hệ thống đài thông tin duyên hải phục vụ tìm kiếm, cứu nạn trên biển và dịch vụ viễn thông công ích vệ tinh phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai có hiệu lực từ ngày 01/01/2016

Chính sách kinh tế-xã hội:

  1. 9.      HẠ SĨ QUAN TẠI NGŨ TỪ 1 NĂM ĐƯỢC NGHỈ PHÉP 10 NGÀY/NĂM

Theo Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 06/04/2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ, hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 13 trở đi sẽ được nghỉ phép 10 ngày mỗi năm (không kể ngày đi và về) và được thanh toán tiền tàu, xe, tiền phụ cấp đi đường.

Bên cạnh đó, hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ còn được miễn tiền cước khi chuyển tiền, bưu phẩm, bưu kiện; được cấp 04 tem thư/tháng, giá tem thư theo quy định và được cấp cùng kỳ phụ cấp quân hàm hàng tháng. Ngoài chế độ phụ cấp quân hàm được hưởng theo quy định, hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ thì từ tháng thứ 25 trở đi, hàng tháng được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng. Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ nữ phục vụ tại ngũ, hàng tháng còn được hưởng phụ cấp khuyến khích mức 0,2 so với mức lương cơ sở.

Cũng theo Nghị định này, hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội 01 lần và trợ cấp xuất ngũ 01 lần; theo đó, cứ mỗi năm phục vụ trong quân đội được trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm xuất ngũ. Trường hợp phục vụ tại ngũ đủ 30 tháng, khi xuất ngũ được trợ cấp thêm 02 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng; xuất ngũ trước thời hạn 30 tháng thì thời gian phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 25 đến dưới 30 tháng được trợ cấp thêm 01 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/06/2016; các chế độ, chính sách nêu trên được thực hiện từ ngày 01/01/2016

10. LÀM VIỆC TẠI CƠ SỞ CAI NGHIỆN ĐƯỢC TRỢ CẤP TỐI THIỂU 500.000 ĐỒNG/THÁNG

Nghị định số 26/2016/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành ngày 06/04/2016 quy định về chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội công lập với nhiều nội dung đáng chú ý.

Trước tiên, Nghị định quy định công chức, viên chức làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy và người sau cai nghiện ma túy được hưởng trợ cấp đặc thù với mức tối thiểu bằng 500.000 đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, công chức, viên chức làm việc tại đây còn được hưởng phụ cấp ưu đãi y tế từ 30% - 70% và phụ cấp ưu đãi giáo dục từ 25% - 50% tùy theo công việc chuyên môn.

Đối với công chức, viên chức làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội, mức phụ cấp dao động từ 30% - 70% tùy vị trí công việc. Trong đó, mức phụ cấp cao nhất là 70% được áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng… đối với người nhiễm HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần; người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng… Ngoài ra, công chức, viên chức không trực tiếp làm chuyên môn công tác xã hội và y tế thì thủ trưởng đơn vị căn cứ vào đặc thù công việc và nguồn thu để quyết định mức phụ cấp nhưng không vượt quá mức 20% so với mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/06/2016.

11. THÍ ĐIỂM LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Tại Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06/04/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoan 2016 - 2020, hướng tới mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của từng địa phương trong vùng nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững…

Các lĩnh vực được thực hiện liên kết bao gồm: Sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với các mặt hàng nông nghiệp và tập trung xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của vùng như lúa gạo, trái cây và thủy sản; Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu và phòng, chống lũ, kiểm soát xâm nhập mặn, nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; Xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không, cảng sông, cảng biển…

Về các hoạt động liên kết, Quyết định nêu rõ, sẽ thực hiện liên kết về mặt quy hoạch, kế hoạch; phát triển sản xuất; đầu tư kết cấu hạ tầng và thiết lập hệ thống thông tin vùng. Trong đó, có các hoạt động cụ thể như: Lựa chọn, nhân rộng một số mô hình chuỗi giá trị các mặt hàng nông nghiệp; mô hình điểm chuyên canh và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp; Tổ chức liên kết nông dân với nông dân thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã; Liên kết nông dân với doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến sản phẩm và xây dựng thương hiệu hàng hóa…

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

12. MIỄN TIỀN SỬ DỤNG ĐẤT MAI TÁNG CHO ĐỐI TƯỢNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

Có hiệu lực thi hành từ ngày 27/05/2016, Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/04/2016 của Chính phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng quy định miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất mai táng tại các nghĩa trang được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước cho các đối tượng chính sách xã hội.

Trường hợp chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất đối với phần quỹ đất để dành để phục vụ đối tượng chính sách xã hội sẽ được Nhà nước hoàn tiền sử dụng đất hoặc được khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính mà chủ đầu tư phải nộp ngân sách Nhà nước và được hưởng các ưu đãi về thuế theo quy định hiện hành của pháp luật. Với người từ 70 tuổi trở lên, người mắc bệnh hiểm nghèo và người có vợ hoặc chồng đã được an táng trong nghĩa trang được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, Nghị định cho phép đăng ký trước phần mộ cá nhân trong nghĩa trang đó, nhưng không được chuyển nhượng phần mộ này.

Một nội dung đáng chú ý khác là quy định về việc quản lý, sử dụng nghĩa trang. Theo đó, nghĩa trang phải được xây dựng theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị hoặc quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh, quy hoạch chi tiết xây dựng nghĩa trang được cấp có thẩm quyền phê duyệt; diện tích sử dụng đất cho mỗi phần mộ hung táng và chôn cất 01 lần tối đa không quá 5m2, diện tích sử dụng đất cho mỗi phần mộ cát táng tối đa không quá 3m2. Khoảng cách an toàn môi trường từ hàng rào nghĩa trang tới khu dân cư, công trình công cộng phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng; đối với cơ sở hỏa táng xây dựng ngoài nghĩa trang phải cách khu dân cư, công trình công cộng tối thiểu 500m.

Nghị định này thay thế Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25/03/2008.


 

Đang truy cập: 36
Trong ngày: 144
Trong tuần: 852
Lượt truy cập: 1579613
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com