Doanh nghiệp:

  1. 1.      HƯỚNG DẪN NỘP LỢI NHUẬN CHO PHẦN VỐN NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ TẠI DN

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 61/2016/TT-BTC ngày 11/04/2016 hướng dẫn thu, nộp và quản lý lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, yêu cầu các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm cả các doanh nghiệp do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập và quản lý, các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh nộp ngân sách Nhà nước phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định.

Cụ thể, hàng quý, căn cứ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện tạm nộp số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp ngân sách Nhà nước chậm nhất vào ngày thứ 30 của quý liền sau quý phát sinh nghĩa vụ nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ. Kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp phải khai quyết toán lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp ngân sách Nhà nước và nộp số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ còn phải nộp (nếu có) chậm nhất vào ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.

Doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ khai lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ sẽ bị xử phạt theo quy định tại Luật Quản lý thuế. Đồng thời, doanh nghiệp chậm nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ vào ngân sách Nhà nước sẽ phải nộp tiền chậm nộp vào ngân sách Nhà nước. Trường hợp tổng số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập của năm thấp hơn số lợi nhuận sau thuế theo quyết toán năm từ 20% trở lên, doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số phải nộp theo quyết toán với số đã tạm nộp.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/05/2016 và áp dụng cho niên độ từ năm 2016.

Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 2.      HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG PHÍ SỬ DỤNG KHO SỐ VIỄN THÔNG

Ngày 04/04/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 60/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 202/2013/TT-BTC ngày 23/12/2013 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí phân bổ và phí sử dụng kho số viễn thông.

Theo quy định tại Thông tư này, đến hết ngày 31/12/2016, cơ quan thu phí được để lại 90% phí sử dụng kho số viễn thông thu được để phục vụ cho công tác tổ chức thu và sử dụng theo quy định tại Thông tư số 188/2011/TT-BTC ngày 19/12/2011; số phí thu được còn lại (10%) được nộp vào ngân sách Nhà nước theo Mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành. Từ năm 2017 trở đi, sẽ thực hiện theo quy định của Luật Phí và lệ phí.

Thời gian kê khai và nộp phí sử dụng kho số viễn thông không thay đổi so với trước đây, vẫn được thực hiện theo quý, chậm nhất là ngày thứ 30 của quý tiếp theo quý phải kê khai, nộp phí. Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp được phân bổ mã, số mới, phân bổ bổ sung từ quý nào thì việc kê khai và nộp phí được tính từ quý phân bổ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/05/2016 và áp dụng cho năm tài chính 2016.

Tài nguyên-Môi trường:

  1. 3.      ĐẾN 2020, 100% TUYẾN ĐƯỜNG CHÍNH TRONG ĐÔ THỊ CÓ HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC MƯA

Trên quan điểm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thoát nước và bảo tồn, phát triển, sử dụng hiệu quả các ao hồ để điều hòa nước mưa góp phần giảm ngập úng cục bộ cho các đô thị, tạo cảnh quan và phục vụ các hoạt động của đô thị, ngày 06/04/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 589/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Quyết định, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thúc đẩy triển khai đầu tư xây dựng các dự án thoát nước theo hình thức đối tác công tư (PPP) phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương; khuyến khích các địa phương hỗ trợ cho các làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước phù hợp với các chính sách của Nhà nước; củng cố, mở rộng các trường cao đẳng, đào tạo nghề, trung tâm dạy nghề; đổi mới chương trình đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ kỹ sư thực hành, công nhận kỹ thuật bậc cao đáp ứng yêu cầu quản lý, vận hành, duy tu và bảo dưỡng hệ thống thoát nước.

Dự kiến đến năm 2020, 15 - 20% tổng lượng nước thải tại đô thị, 100% nước thải bệnh viện và nước thải các khu công nghiệp, 30% - 50% lượng nước thải các làng nghề được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị hoặc ra môi trường; 100% các tuyến đường chính trong đô thị, các tuyến đường nằm trong các khu đô thị, dân cư đều có hệ thống thoát nước mưa…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; thay thế Quyết định số 1930/QĐ-TTg ngày 20/11/2009.

Y tế-Sức khỏe:

  1. 4.      THÀNH LẬP BỆNH VIỆN NHI HÀ NỘI TẠI HÀ ĐÔNG

Ngày 11/04/2016, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1646/QĐ-UBND về việc thành lập Bệnh viện Nhi Hà Nội.

Bệnh viện Nhi Hà Nội là bệnh viện đa khoa chuyên ngành nhi khoa trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, là đơn vị tuyến cuối về chuyên ngành nhi khoa của ngành y tế Hà Nội; có chức năng khám, chữa bệnh cho trẻ em trong phạm vi Thành phố và các tỉnh có nhu cầu. Bệnh viện Nhi Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; có trụ sở chính tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội.

Quy mô ban đầu của bệnh viện là 200 giường bệnh, dự kiến giai đoạn tiếp theo là 500 giường bệnh; biên chế của bệnh viện là biên chế sự nghiệp trong tổng số biên chế sự nghiệp của Sở Y tế được phân bổ hàng năm; trước mắt, năm 2016, UBND Thành phố sẽ tạm giao cho Bệnh viện Nhi Hà Nội 50 biên chế viên chức từ nguồn biên chế viên chức dự phòng của Thành phố.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

  1. 5.      ĐỀ THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC TIẾNG ANH CHO HỌC SINH LỚP 12

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Quyết định số 1101/QĐ-BGDĐT ngày 06/04/2016 ban hành cấu trúc đề thi và đề thi minh họa đánh giá năng lực tiếng Anh dành cho học sinh lớp 12 hoàn thành chương trình tiếng Anh thí điểm cấp trung học phổ thông theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Đề thi tập trung đánh giá 04 kỹ năng nghe hiểu, nói, đọc hiểu và viết; các kỹ năng nghe hiểu, đọc hiểu, viết có thể tiến hành trên giấy hoặc thi trên máy tính; kỹ năng nói có thể tiến hành thi trực tiếp hoặc thi trên máy tính. Trong đó, đề thi kỹ năng nghe gồm 04 phần: Phần 1 - Các mẫu đối thoại và độc thoại ngắn; Phần 2 - Các bài nói về chủ đề học đường; Phần 3 - Các thông báo về các hoạt động, sự kiện; Phần 4 - Các đoạn hội thoại dài và mở rộng hơn về các chủ đề quen thuộc hàng ngày. Đề thi đọc hiểu gồm 04 phần, trong đề thi này, các kỹ năng được đánh giá gồm đọc tìm chi tiết, phát hiện, xác định, so sánh thông tin chi tiết; đọc xác định thể loại văn bản; đọc xác định các chi tiết quan trọng và các kết luận chính trong các văn bản có cấu trúc rõ ràng, nội dung đơn giản; đọc hiểu và suy luận dựa trên thông tin có sẵn trong văn bản…

Về cách tính điểm thi, mỗi kỹ năng được đánh giá trên thang điểm từ 0 - 25. Điểm trung bình dưới 5.0, xếp loại không đạt bậc 3/6; điểm trung bình các kỹ năng từ 5.0 - 6.0, xếp loại đạt hạng trung bình; điểm trung bình từ 6.5 - 7.5, đạt bậc 3/6 hạng khá; trên 7.5, xếp loại đạt bậc 3/6 hạng giỏi.

Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Thông tin-Truyền thông:

  1. 6.      ĐẦU TƯ 18 TỶ ĐỒNG NÂNG CAO PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH THANH THIẾU NHI

Ngày 06/04/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 583/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư nâng cao chất lượng chương trình phát thanh, truyền hình thanh thiếu nhi.

Chương trình đầu tư Dự án nâng cao chất lượng chương trình phát thanh, truyền hình thanh thiếu nhi do Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chủ quản đầu tư từ năm 2016 - 2018, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 18 tỷ đồng.

Quy mô đầu tư bao gồm: Hệ thống thiết bị sản xuất chương trình truyền hình (camera trường quay, camera phóng viên, các thiết bị phục vụ sản xuất chương trình…); Hệ thống thiết bị sản xuất chương trình phát thanh (máy ghi âm phóng viên, micro chuyên dụng, máy ảnh, mixer…); Hệ thống dựng hậu kỳ chương trình phát thanh truyền hình và lưu trữ dữ liệu trung tâm…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

An ninh trật tự:

  1. 7.      MỤC TIÊU ĐẾN 2020, CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ GIẢM TỪ 3 - 5%

Ngày 14/04/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 623/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội, trước mắt kéo giảm các loại tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, không để tội phạm lộng hành, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội…

Theo đó, Thủ tướng đặt kế hoạch đến năm 2020, giảm từ 3 - 5% tổng số vụ phạm tội hình sự so với năm 2016; tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt từ 75% trở lên, các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 95% trở lên trên tổng số án khởi tố; hàng năm, bắt giữ, vận động đầu thú 30% số đối tượng truy nã. Đồng thời, giảm tỷ lệ tái phạm tội trong số người chấp hành xong án phạt tù xuống dưới 15%; ít nhất 50% số khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp đạt tiêu chí “An toàn về an ninh, trật tự”…

Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, Thủ tướng nhấn mạnh tới nhiệm vụ đẩy mạnh hoạt động phòng ngừa nghiệp vụ. Theo đó, chủ động nắm diễn biến tình hình hoạt động của các loại tội phạm trên các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; chủ động rà soát, lập hồ sơ quản lý đối với các đối tượng có dấu hiệu phạm tội như “bảo kê”, “xiết nợ”, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, tổ chức trái phép các hoạt động cờ bạc, cá độ thể thao… Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát xác định các địa bàn trọng điểm về trật tự, an toàn xã hội để tập trung lực lượng chuyển hóa thành địa bàn không có tội phạm hoặc giảm tội phạm đến mức thấp nhất có thể…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Hành chính:

  1. 8.      PHÂN CÔNG GIỮA THỦ TƯỚNG VÀ CÁC PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Theo Quyết định số 621/QĐ-TTg ngày 13/04/2016 về việc phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn, lãnh đạo đầy đủ, toàn diện và điều hành công tác của Chính phủ, các thành viên của Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các cấp; trực tiếp chỉ đạo, điều hành các công việc lớn, quan trọng, những vấn đề có tính chiến lược trên tất cả các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ…

Khi Thủ tướng Chính phủ vắng mặt, xét thấy cần thiết, một Phó Thủ tướng được Thủ tướng ủy nhiệm thay mặt Thủ tướng lãnh đạo công tác của Chính phủ. Trong trường cần thiết hoặc khi Phó Thủ tướng vắng mặt thì Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo xử lý công việc đã phân công cho Phó Thủ tướng…

Bên cạnh đó, Quyết định cũng quy định một cách chi tiết các nhiệm vụ của Phó Thủ tướng. Trong đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đảm nhiệm Phó Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ và giúp Thủ tướng theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực cải cách hành chính, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại, phòng chống tội phạm, tham nhũng…; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực công tác về ngoại giao và quan hệ đối ngoại; hỗ trợ phát triển chính thức và viện trợ phi Chính phủ… Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hỗ trợ Thủ tướng Chính phủ trong các lĩnh vực khối kinh tế tổng hợp; sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước; chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội… Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đảm nhiệm các lĩnh vực giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; lao động, việc làm và các vấn đề xã hội…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

Cơ cấu tổ chức:

  1. THÀNH LẬP BỘ MÁY GIÚP VIỆC CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP TỈNH

Theo Quyết định số 345/2016/QĐ-CA ngày 07/04/2016 của Tòa án nhân dân tối cao về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có 03 đơn vị trực thuộc giúp việc, bao gồm: Văn phòng; Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án; Phòng Tổ chức cán bộ, thanh tra và Thi đua khen thưởng.

Trong đó, Văn phòng Tòa án nhân dân cấp tỉnh có Chánh văn phòng, tối đa 02 Phó Chánh văn phòng và các công chức, người lao động khác; có trách nhiệm thực hiện công tác văn thư, lưu trữ, quản lý con dấu; thực hiện công tác hành chính quản trị, kế toán tài chính của Tòa án nhân dân cấp tỉnh; thực hiện việc tiếp nhận, thụ lý các đơn khởi kiện, thụ lý hồ sơ vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh... Đối với Phòng Kiểm tra nghiệp vụ và thi hành Tòa án nhân dân, Phòng Tổ chức cán bộ, thanh tra và Thi đua khen thưởng, mỗi phòng được có không quá 02 Phó Trưởng phòng.

Đối với các Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, có Văn phòng giúp việc trong việc thực hiện tiếp nhận, thụ lý các đơn khởi kiện, thụ lý hồ sơ vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết; giúp Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện tổ chức công tác xét xử, tổ chức công tác tiếp công dân và làm đầu mối thực hiện công việc rà soát, tra cứu, xác minh, cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Tư pháp-Hộ tịch:

10. HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NĂM 2016

Kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2016 đã được Bộ Tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 635/QĐ-BTP ngày 08/04/2016 của Bộ Tư pháp.

Tại Quyết định, Bộ Tư pháp yêu cầu các đơn vị trực thuộc triển khai Kế hoạch có trọng tâm, trọng điểm; thường xuyên theo dõi, tổng hợp tình hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để kịp thời có giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trên toàn quốc. Theo đó, trong năm 2016, sẽ tiến hành giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp thông qua văn bản, mạng điện tử, giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện thoại và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Cũng trong năm này, Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế sẽ tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp thông qua các hình thức tiếp nhận bằng văn bản; tổ chức hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về các chuyên đề pháp luật cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp hoặc trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực pháp luật…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.


 

Đang truy cập: 40
Trong ngày: 148
Trong tuần: 856
Lượt truy cập: 1579617
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com