Thuế-Phí-Lệ phí:

  1. 1.      CHÍNH THỨC BỎ THU PHÍ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ VỚI XE MÁY

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định số 28/2016/NĐ-CP ngày 20/04/2016 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 56/2014/NĐ-CP ngày 30/05/2014 và Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/03/2012 về Quỹ bảo trì đường bộ.

Theo đó, từ ngày 05/06/2016, phí sử dụng đường bộ chỉ được thu hàng năm trên một số đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như: Xe ô tô, máy kéo; Rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự mà không bao gồm xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự như trước đây.

Nghị định cũng bãi bỏ quy định về trách nhiệm ban hành mức thu và tổ chức thu phí sử dụng đường bộ hàng năm đối với xe mô tô của UBND cấp tỉnh. Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn chế độ quản lý thu phí sử dụng đường bộ, quy định cụ thể kỳ kê khai, nộp phí sử dụng đường bộ (theo tháng, quý, năm, kỳ đăng kiểm) đối với xe ô tô cho phù hợp với từng đối tượng nộp phí.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/06/2016.

  1. 2.      SỬA ĐỔI THỦ TỤC KHAI THUẾ TÀI NGUYÊN VỚI CƠ SỞ KHAI THÁC TÀI NGUYÊN

Ngày 15/04/2016, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 832/QĐ-BTC về việc công bố thủ tục hành chính sửa đổi, thay thế, bãi bỏ trong lĩnh vực quản lý thuế thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính.

Trong đó, đáng chú ý là quy định sửa đổi thủ tục khai thuế tài nguyên đối với cơ sở khai thác tài nguyên. Cụ thể, tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên phải lập hồ sơ khai thuế và gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế. Đối với tài nguyên khai thác là khoáng sản, tổ chức, hộ kinh doanh khai thác tài nguyên có trách nhiệm thông báo với cơ quan thuế về phương pháp xác định giá tính thuế đối với từng loại tài nguyên khai thác, kèm theo hồ sơ khai thuế tài nguyên của tháng đầu tiên có khai thác.

Về cách thức thực hiện thủ tục, tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại trụ sở cơ quan thuế quản lý đơn vị; qua hệ thống bưu chính hoặc gửi bằng văn bản điện tử qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế. Trường hợp gửi qua hệ thống giao dịch điện tử thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng sửa đổi 01 thủ tục hành chính cấp Cục Thuế, 02 thủ tục cấp Chi cục Thuế; bãi bỏ thủ tục khai phương pháp xác định giá tính thuế tài nguyên cấp Cục Thuế và Chi cục Thuế.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/11/2015.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 3.      ĐƯỢC MUA BÁN GIẤY TỜ CÓ GIÁ ĐANG LƯU KÝ TẠI NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Có hiệu lực từ ngày 01/06/2016, Thông tư số 04/2016/TT-NHNN ngày 15/04/2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua bán giấy tờ có giá đang lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước.

Đối với giấy tờ có giá đang lưu ký tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải làm thủ tục rút giấy tờ có giá từ tài khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam trước khi tiến hành mua bán.

Về cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Thông tư quy định, giấy tờ có giá sử dụng trong giao dịch cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá giữa các thành viên phải là các giấy tờ có giá chưa được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong các hoạt động nghiệp vụ tại Ngân hàng Nhà nước. Trong thời gian cầm cố, nếu được bên nhận cầm cố đồng ý, bên cầm cố có thể đề nghị Ngân hàng Nhà nước kéo dài thời hạn cầm cố và/hoặc đổi giấy tờ có giá đang được Ngân hàng Nhà nước phong tỏa bằng giấy tờ có giá khác đang lưu ký tại Ngân hàng Nhà nước.

Trường hợp bên cầm cố không thể hoàn trả đúng thời hạn toàn bộ hoặc một phần gốc, lãi khoản vay cho bên nhận cầm cố, Ngân hàng Nhà nước thực hiện thủ tục chuyển quyền sở hữu giấy tờ có giá từ bên cầm cố sang bên nhận cầm cố theo yêu cầu bằng văn bản có xác nhận của bên cầm cố và biên bản xử lý nợ giữa hai bên.

  1. 4.      DN ĐƯỢC TRẢ NỢ VAY NƯỚC NGOÀI NGẮN HẠN BẰNG NK HÀNG TRẢ CHẬM

Ngày 15/04/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 05/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 03/2016/TT-NHNN ngày 26/02/2016 hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.

Nổi bật tại Thông tư này là quy định về việc bổ sung các trường hợp trả nợ không thông qua tài khoản vay, trả nợ nước ngoài. Cụ thể, từ ngày 15/04/2016, ngoài việc trả nợ dưới hình thức cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho bên vay; trả nợ bằng cổ phần hoặc phần vốn góp của bên đi vay; trả nợ các khoản vay nước ngoài trung, dài hạn thông qua thanh toán bù trừ các khoản phải thu trực tiếp với bên vay…, doanh nghiệp còn có thể trả nợ các khoản vay nước ngoài ngắn hạn dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm.

Đồng thời, Thông tư cũng bổ sung một số nguyên tắc quản lý các khoản vay nước ngoài dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa trả chậm. Theo đó, ngày rút vốn của khoản vay nước ngoài dưới hình thức này là ngày thứ 90 kể từ ngày phát hành chứng từ vận tải (trường hợp ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản yêu cầu bộ chứng từ thanh toán phải có chứng từ vận tải) hoặc ngày thứ 45 kể từ ngày hoàn thành kiểm tra ghi trên tờ khai hải quan đã được thông quan (nếu ngân hàng không yêu cầu bộ chứng từ thanh toán phải có chứng từ vận tải).

Cũng theo Thông tư này, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể sử dụng tài khoản vốn đầu tư trực tiếp hoặc tài khoản vay, trả nợ nước ngoài khác (không phải là tài khoản vốn đầu tư trực tiếp) để thực hiện các giao dịch thu, chi liên quan đến khoản vay nước ngoài. Mỗi khoản vay ngắn hạn nước ngoài chỉ được thực hiện thông qua 01 ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản; bên đi vay có thể dùng 01 tài khoản cho 01 hoặc nhiều khoản vay nước ngoài ngắn hạn.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/04/2016.  

Y tế-Sức khỏe:

  1. MỤC TIÊU ĐẾN 2020, TRÊN 80% BỆNH VIỆN CÓ BỘ PHẬN KHỬ KHUẨN, TIỆT KHUẨN

Nhằm nâng cao năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên và cộng đồng, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1426/QĐ-BYT ngày 15/04/2016 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2016 - 2020.

Quyết định này đề ra mục tiêu vào năm 2020, trên 95% Sở Y tế có cán bộ chuyên trách hoặc phụ trách công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; trên 90% cơ sở khám chữa bệnh có cán bộ quản lý khoa, tổ kiểm soát nhiễm khuẩn đúng quy định; trên 60% bệnh viện có bộ phận giám sát chuyên trách và đặc biệt, trên 80% bệnh viện có bộ phận khử khuẩn, tiệt khuẩn đúng quy định…

Cũng vào năm 2020, trên 80% bệnh viện tuyến Trung ương, tuyến tỉnh tổ chức tiệt khuẩn tập trung; trên 90% các bệnh viện có trang phục cho người bệnh và nhân viên y tế phù hợp với quy định của Bộ Y tế…; trên 80% bệnh viện thực hiện giặt đồ vải của người bệnh và nhân viên y tế tập trung vào năm 2019…

Để hoàn thành các mục tiêu trên, Quyết định này đề ra các giải pháp về cơ chế chính sách; Giải pháp về tổ chức và nhân lực; Giải pháp về đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; Giải pháp về truyền thông; Giải pháp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và kinh phí…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

  1. NGƯỜI TRONG VÙNG DỊCH ZIKA PHẢI TẠM HOÃN HIẾN MÁU

Vi rút Zika được nhận định do muỗi Aedes truyền cho người và được nghi ngờ có liên quan đến hội chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh. Ngoài đường lây truyền do muỗi, vi rút Zika có thể truyền qua đường máu. Do vậy, ngày 15/04/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 1414/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn bảo đảm an toàn truyền máu phòng chống lây nhiễm vi rút Zika.

Theo đó, để phòng chống lây nhiễm vi rút Zika trong hiến máu, phải trì hoãn hiến máu tạm thời tối thiểu 28 ngày đối với: Người đã được chẩn đoán khẳng định nhiễm vi rút Zika; Người ở trong vùng dịch (phạm vi thôn/ấp, phường) và trong 28 ngày kể từ ngày thông báo hết dịch; Người có xuất hiện các dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng như sốt nhẹ, ban dát sần trên da, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc mắt…; Người có quan hệ tình dục không an toàn với người có chẩn đoán nhiễm vi rút Zika hoặc với người có xuất hiện một hoặc nhiều dấu hiệu lâm sàng có liên quan.

Với những người đã hiến máu, cần phải thông báo nhanh chóng, kịp thời cho các cơ sở tiếp nhận hiến máu về những dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng có liên quan đến nhiễm vi rút Zika mới xuất hiện trong vòng 14 ngày sau khi hiến máu. Những đơn vị máu tiếp nhận ở gần vùng có dịch hoặc nghi ngờ có dịch chỉ được sử dụng sau khi đã lưu trữ từ 14 ngày trở lên; các đơn vị máu, thành phần máu lấy từ những người đã hiến máu nêu trên không được cấp phát để truyền máu.

Về phía những bệnh nhân cần máu, đặc biệt là những phụ nữ mang thai trong 03 tháng đầu của thai kỳ, nếu cần truyền máu nên sử dụng máu và chế phẩm máu lấy từ vùng hoàn toàn không có dịch hoặc đã được bất hoạt vi rút; hoặc đã được xét nghiệm sàng lọc vi rút Zika…

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

  1. 7.      SẼ XỬ LÝ HÌNH SỰ CƠ SỞ SỬ DỤNG HÓA CHẤT CẤM ĐỂ BẢO QUẢN THỰC PHẨM

Trước tình trạng lạm dụng hóa chất để ngâm, tẩm thực phẩm vẫn còn tiếp diễn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng cũng như uy tín nông sản thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam, ngày 13/04/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chỉ thị số 2956/CT-BNN-QLCL về tăng cường kiểm soát lạm dụng hóa chất, phụ gia trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản.

Tại Chỉ thị, Bộ trưởng yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh triển khai tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản tuân thủ đầy đủ các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tuyệt đối không sử dụng chất Vàng O, phẩm màu, chất bảo quản, phụ gia… không được phép dùng trong bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ để ngâm, tẩm, ướp, tạo màu sản phẩm nông lâm thủy sản.

Trường hợp phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng chất Vàng O hoặc phẩm màu, chất bảo quản, phụ gia… không được phép sử dụng trong thực phẩm để ngâm, tẩm, ướp, tạo màu, bảo quản thực phẩm nông lâm thủy sản cần tiến hành xử lý nghiêm và truy cứu hình sự theo Điều 190, 191 và 317 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, cần công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các trường hợp phát hiện vi phạm và kết quả xử lý vi phạm để người tiêu dùng tránh sử dụng sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Giáo dục-Đào tạo-Dạy nghề:

  1. 8.      ĐÍNH CHÍNH QUY ĐỊNH VỀ THỜI GIAN TẬP SỰ CỦA GIÁO VIÊN, GIẢNG VIÊN

Ngày 20/04/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 1268/QĐ-BGDĐT về việc đính chính Thông tư số 05/2016/TT-BGDĐT ngày 21/03/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên.

Trước đó, khoản 1 Điều 3 Thông tư số 05/2016/TT-BGDĐT quy định: “Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau từ 03 ngày trở lên, thời gian nghỉ hè, nghỉ Tết, nghỉ không hưởng lương, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật của người trúng tuyển không được tính vào thời gian tập sự. Thời gian tiếp tục tập sự được thực hiện ngay sau khi người trúng tuyển đã hết thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội; đã hết thời gian nghỉ ốm; hết thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”.

Nay, Quyết định số 1268/QĐ-BGDĐT đính chính lại như sau: “Thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ ốm đau từ 03 ngày trở lên, thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật của người trúng tuyển không được tính vào thời gian tập sự. Thời gian tiếp tục tập sự được thực hiện ngay sau khi người trúng tuyển đã hết thời gian nghỉ sinh con theo chế độ bảo hiểm xã hội; đã hết thời gian nghỉ ốm; hết thời gian bị tạm giam, tạm giữ, tạm đình chỉ công tác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”.

Như vậy, đã bỏ quy định về thời gian nghỉ hè, nghỉ Tết, nghỉ không hưởng lương không được tính vào thời gian tập sự của người trúng tuyển chức danh giáo viên, giảng viên tại Thông tư số 05/2016/TT-BGDĐT.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký; là một bộ phận không tách rời của Thông tư số 05/2016/TT-BGDĐT.

Hành chính:

  1. 9.      QUY ĐỊNH VỀ CÔNG AN HIỆU

Nghị định số 29/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 160/2007/NĐ-CP ngày 30/10/2007 quy định cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của lực lượng công an nhân dân đã được Chính phủ ban hành ngày 21/04/2016.

Theo quy định tại Nghị định này, từ ngày 06/06/2016, Công an hiệu sẽ có hình tròn, đường kính 36mm, ở giữa có ngôi sao 05 cánh màu vàng nổi trên nền đỏ, vành khăn trong và vành khăn ngoài màu vàng, hai bên giữa 02 vành khăn có 02 bông lúa màu vàng nổi trên nền xanh lục thẫm, phía dưới ngôi sao có hình nửa bánh xe, giữa nửa bánh xe có chữ lồng “CA”, bánh xe và chữ CA màu vàng, bên ngoài Công an hiệu có cành tùng kép màu vàng bao quanh liền thành một khối cao 54mm, rộng 64mm.

Cũng từ ngày 06/06/2016, lễ phục của sĩ quan công an nhân dân cũng được thay đổi. Cụ thể, quần áo xuân hè sẽ may kiểu vecton, cổ bẻ hình chữ K, ngắn tay; thân trước áo nam có 04 túi, nữ có 02 túi may ốp ngoài; dây chiến thắng đeo dưới cấp hiệu vai bên phải; cúc áo màu vàng, mặt cúc cấp tướng có hình Quốc huy nổi, cấp tá và cấp úy có hình nổi ngôi sao 05 cánh ở giữa 02 bông lúa, dưới 02 bông lúa có chữ lồng “CA”. Về màu sắc, lễ phục của sĩ quan công an nhân dân vẫn giữ nguyên màu be hồng; mũ kêpi có quai tết màu vàng; riêng mũ cấp tướng, mặt trên của lưỡi trai gắn cành tùng màu vàng.

Khi mang cấp hiệu trên vai áo, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, học viên công an nhân dân phải đeo phù hiệu màu đỏ ở cổ áo, giữa nền phù hiệu gắn Công an hiệu đường kính 18mm; riêng cấp tướng phù hiệu viền 03 cạnh màu vàng. Với trang phục lễ phục, khi mang cấp hiệu trên vai áo, sĩ quan công an nhân dân phải đeo cành tùng đơn màu vàng ở cổ áo; cấp tướng có thêm 01 ngôi sao 05 cánh màu vàng trong lòng cành tùng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/06/2016.

Tư pháp:

10. CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TƯ PHÁP TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN

Tại Chỉ thị số 03/2016/CT-CA ngày 04/04/2016 về việc tăng cường thực hiện cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án nhân dân, Tòa án nhân dân tối cao nhận định việc thực hiện cải cách hành chính tư pháp tại các Tòa án hiện nay chưa đáp ứng đủ yêu cầu đặt ra; mô hình cải cách hành chính tư pháp “một cửa” tại các Tòa án nhân dân cấp tỉnh và huyện vẫn chỉ mang tính chất thử nghiệm, chưa trở thành quy định chung mang tính bắt buộc đối với các Tòa án…

Do đó, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ của bộ phận hành chính tư pháp tại từng cấp Tòa án và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao để lấy ý kiến của các Tòa án trước khi trình lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao xem xét, quyết định. Các Tòa án cần tiếp tục xây dựng từng quy trình xử lý công việc đảm bảo đơn giản, tiện ích; trước mắt, cần rà soát các thủ tục hành chính tư pháp hiện hành để hủy bỏ các thủ tục không còn phù hợp và tiến tới xây dựng Bộ tiêu chí về cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án nhân dân…

Đặc biệt, cần thiết lập các đầu mối, địa chỉ, số điện thoại để người dân liên hệ, truy cập tìm hiểu thông tin về quá trình giải quyết công việc của mình tại tất cả các Tòa án, đồng thời tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp thông tin, kiến nghị, phản ánh về các vấn đề có liên quan đến hoạt động của Tòa án. Cán bộ, công chức Tòa án nhân dân phải luôn vui vẻ, cởi mở, nhiệt tình, trung thực, công tâm, khách quan, bảo đảm tính dân chủ, công khai trong quá trình tiếp xúc với người dân, khi thi hành công vụ và kể cả khi tiếp dân trên điện thoại; luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, tận tình giải thích, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân để họ thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.


 

Đang truy cập: 38
Trong ngày: 92
Trong tuần: 814
Lượt truy cập: 1579552
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com