Xử lý kỷ luật cán bộ vi phạm
Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cán bộ, công chức về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, Bộ Nội vụ đã đề xuất quy định các hành vi bị xử lý kỷ luật.

 Dự thảo này được đề xuất áp dụng đối với cán bộ theo quy định tại Điều 4 Luật Cán bộ, công chức trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp xã.

Theo đó, nếu vi phạm các hành vi sau, cán bộ sẽ bị xử lý kỷ luật: 1- Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp của cán bộ trong thi hành công vụ; những việc cán bộ không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức; 2- Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật; 3- Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; chính sách về dân số và kế hoạch hóa gia đình; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Dự thảo cũng nêu rõ những trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật như: 1- Đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ cho phép; 2- Đang trong thời gian điều trị có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền; 3- Cán bộ nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; 4- Đang bị tạm giữ, tam giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật.

Các trường hợp sau được đề xuất miễn trách nhiệm kỷ luật: 1- Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi vi phạm pháp luật; 2- Phải chấp hành quyết định của cấp trên theo quy định tại Khoản 5 Điều 9 Luật Cán bộ, công chức; 3- Được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm pháp luật trong tình thế bất khả kháng khi thi hành công vụ.

4 hình thức kỷ luật

Theo dự thảo, cán bộ có hành vi vi phạm Luật Cán bộ, công chức và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây: 1- Khiển trách; 2- Cảnh cáo; 3- Cách thức; 4- Bãi nhiệm. 

Dự thảo nêu rõ, việc cách chức chỉ áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn giữ chức vụ theo nhiệm kỳ. Cán bộ phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị thôi giữ chức vụ do bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm; trường hợp bị Tòa án phạt tù mà không được hưởng án treo thì đương nhiên bị thôi việc.

Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật cho đến thời điểm người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật.

Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật phải ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật. Thông báo phải nêu rõ thời điểm cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật, thời điểm phát hiện cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật và thời hạn xử ký kỷ luật.

Thời hạn xử lý kỷ luật tối đa là 2 tháng, kể từ ngày phát hiện cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật cho đến ngày cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật. Trường hợp vụ việc có liên quan đến nhiều người, có tang vật, phương tiện cần giám định hoặc những tình tiết phức tạp khác thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 2 Điều 80 Luật Cán bộ, công chức.

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.


 

Đang truy cập: 48
Trong ngày: 232
Trong tuần: 1066
Lượt truy cập: 1592388
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com