Chính sách phát triển du lịch
Nhà nước có cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực, tăng đầu tư phát triển du lịch để bảo đảm du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Nhà nước có chính sách phát triển du lịch bền vững, bảo vệ thiên nhiên và môi trường, giá trị văn hóa dân tộc.


Đây là một trong những đề xuất về chính sách phát triển du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi).

Theo dự thảo, Nhà nước có chính sách khuyến khích, ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển du lịch tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhằm sử dụng lao động, hàng hóa và dịch vụ tại chỗ, góp phần nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo.

Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác quy hoạch; hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng du lịch; bố trí ngân sách hỗ trợ hoạt động xúc tiến du lịch, bảo vệ, tôn tạo tài nguyên và môi trường du lịch, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch

Bên cạnh đó, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam du lịch; công dân Việt Nam, người nước ngoài ở Việt Nam đi du lịch trong nước và nước ngoài; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư tham gia hoạt động du lịch, mở rộng hợp tác và hội nhập quốc tế về du lịch.

Theo dự thảo, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch từ nguồn đóng góp của các chủ thể hưởng lợi từ hoạt động du lịch, nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước. Chính phủ quy định cụ thể việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

Dự thảo cũng đề xuất một phương án khác đối với quy định này. Cụ thể, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được lập để hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động du lịch của Việt Nam: Nguồn tài chính của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch gồm hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nguồn thu từ khách du lịch sử dụng dịch vụ tại các cơ sở lưu trú, nguồn thu từ vé tham quan các di tích lích sử, công trình văn hóa…và các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện khác. Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, được miễn thuế. Việc quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch phải đúng mục đích và theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định cụ thể việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch”.

Bảo vệ môi trường du lịch

Theo dự thảo, môi trường tự nhiên, môi trường xã hội cần được bảo vệ, tôn tạo và phát huy, phát triển nhằm bảo đảm môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn, lành mạnh và văn minh.

Bộ, cơ quan ngang bộ trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình ban hành các quy định nhằm bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch. Uỷ ban nhân dân các cấp có biện pháp để bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường du lịch phù hợp với thực tế của địa phương. 

Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch có trách nhiệm thu gom, xử lý các loại chất thải phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh du lịch; khắc phục tác động tiêu cực do hoạt động của mình gây ra đối với môi trường; có biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội trong cơ sở kinh doanh của mình.

Bên cạnh đó, khách du lịch, cộng đồng dân cư địa phương và các tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ cảnh quan, môi trường, bản sắc văn hoá, thuần phong mỹ tục của dân tộc; có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự nhằm nâng cao hình ảnh đất nước, con người và du lịch Việt Nam.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.


 

Đang truy cập: 54
Trong ngày: 134
Trong tuần: 1010
Lượt truy cập: 1592266
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com