Điều kiện an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất
Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, Bộ Công Thương đã đề xuất quy định về điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh hóa chất.

Theo dự thảo, nhà kho, nhà xưởng phải có các khu vực kín và rộng phải có lối thoát hiểm theo hai hướng. Lối thoát hiểm phải được chỉ dẫn rõ ràng (bằng bảng hiệu, sơ đồ…) và được thiết kế thuận lợi trong trường hợp khẩn cấp. Cửa thoát hiểm phải dễ mở trong bóng tối hoặc trong lớp khói dày đặc.

Kho chứa phải được thông gió hở trên mái, trên tường bên dưới mái hoặc gần sàn nhà. Sàn nhà xưởng, kho hóa chất phải khô ráo, không thấm chất lỏng, bằng phẳng không trơn trượt và không có khe nứt để chứa nước rò rỉ, chất lỏng bị đổ tràn hay nước chữa cháy đã bị nhiễm bẩn hoặc tạo các gờ hay lề bao quanh. Vật liệu xây dựng kho và vật liệu cách nhiệt phải là vật liệu không dễ bắt lửa và khung nhà phải được gia cố chắc chắn bằng bê tông hoặc thép.

Nhà xưởng, kho hoá chất phải có hệ thống thu lôi chống sét hoặc nằm trong khu vực được chống sét an toàn và định kỳ kiểm tra hệ thống này theo các qui định hiện hành. Kho hoá chất nguy hiểm phải được kiểm tra định kỳ hàng năm và đảm bảo an toàn trước mùa mưa, bão.

Đối với các bồn chứa ngoài trời phải có biện pháp tránh mưa nắng, loại trừ được khả năng cháy, nổ bồn. Phải có biện pháp chống sét cho các bồn này.

Theo dự thảo, khu vực chứa hoá chất nguy hiểm phải được qui hoạch, sắp xếp theo tính chất của từng loại hoá chất. Các hoá chất có khả năng phản ứng với nhau phải được cất giữ riêng từng khu vực và có những biện pháp an toàn, phòng chống cháy nổ phù hợp.

Khi xếp hoá chất trong kho phải đảm bảo yêu cầu an toàn cho người lao động và hàng hoá như sau: Đối với hàng đóng bao phải xếp trên bục hoặc trên giá đỡ, cách tường ít nhất 0,5 m, hóa chất kỵ ẩm phải xếp trên bục cao tối thiểu 0,3 m; các lô hàng không được xếp sát trần kho và không cao quá 2 m; lối đi chính trong kho rộng tối thiểu 1,5 m; không được xếp các lô hàng nặng quá tải trọng của nền kho; không được để các bao bì đã dùng, các vật liệu dễ cháy ở trong kho.

Bên ngoài kho, xưởng phải có có bảng nội quy về an toàn, biển ghi ký hiệu chất chữa cháy. Các biển này phải rõ ràng và để ở chỗ dễ thấy nhất. Bên trong nhà xưởng phải có các biển báo thể hiện các đặc tính nguy hiểm của hóa chất.

Tại mỗi phân xưởng, kho lưu trữ có hoạt động liên quan đến hoá chất nguy hiểm phải có bảng hướng dẫn cụ thể về quy trình thao tác an toàn và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy.

Điều kiện về trang thiết bị

Theo dự thảo, thiết bị sản xuất hóa chất phải đạt yêu cầu chung về an toàn theo Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn Việt Nam hiện hành. Phải có lịch bảo dưỡng và vệ sinh định kỳ thiết bị sản xuất. Phải kiểm tra các thông số kỹ thuật của thiết bị sản xuất và có hệ thống bảo vệ an toàn cho người sử dụng.

Khi thay thế, bổ sung các chi tiết như: thiết bị đơn lẻ, đường ống, các van, khoá hãm... sử dụng với hoá chất nguy hiểm phải đảm bảo độ bền cơ học, hoá học, độ chịu lửa, chịu nhiệt, độ kín theo đúng chỉ tiêu kỹ thuật qui định.

Thiết bị vận chuyển (băng tải, băng nâng) phải có hệ thống phát tín hiệu cảnh báo trước khi khởi động. Bề mặt nóng của thiết bị và ống dẫn có thể gây bỏng cho người làm việc, phải được che chắn cách ly. Hệ thống đo lường, kiểm soát công nghệ của các thiết bị trong các quá trình sản xuất hoá chất nguy hiểm phải được kiểm tra định kỳ, hiệu chuẩn sai số đảm bảo cho thiết bị vận hành ổn định. Đối với các bồn, bình, chai chứa hóa chất, trước khi nạp hóa chất nguy hiểm, cơ sở thực hiện nạp phải kiểm tra hóa chất cũ chứa trong chai có phù hợp với hóa chất mới nạp vào hay không, loại trừ khả năng cháy nổ khi nạp vào hóa chất mới.

Dự thảo nêu rõ, cơ sở nạp hóa chất phải có sổ theo dõi ghi lại thông tin cần thiết về các bồn, bình, chai chứa hóa chất nói trên khi tiến hành nạp; chỉ nạp hoá chất nguy hiểm vào những thiết bị đã được kiểm định theo quy định.

Về các thiết bị, phương tiện an toàn, theo dự thảo, phải lắp đặt các phương tiện chiếu sáng và thiết bị điện khác tại vị trí cần thiết, không được phép lắp đặt tạm thời. Mọi trang thiết bị điện phải được nối đất và có bộ ngắt mạch khi rò điện, bảo vệ quá tải. Phải sử dụng thiết bị chịu lửa đối với nơi lưu trữ dung môi có nhiệt độ bắt cháy thấp hoặc bụi hóa chất mịn. Trang bị đầy đủ các thiết bị dụng cụ ứng cứu sự cố tại cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất. Hệ thống báo cháy, dập cháy phải được lắp tại vị trí thích hợp và kiểm tra thường xuyên để bảo đảm ở trạng thái sẵn sàng sử dụng tốt.

Phương tiện vận chuyển hóa chất phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành về loại hàng nguy hiểm cần vận chuyển và đảm bảo các yêu cầu sau: Được thiết kế bảo đảm phòng ngừa rò rỉ hoặc phát tán hóa chất vào môi trường. Khi vận chuyển, không để lẫn các hóa chất có khả năng phản ứng hóa học với nhau gây nguy hiểm. Các hóa chất phải được chứa trong bao bì phù hợp và vận chuyển bằng các phương tiện chuyên dùng. Có dấu hiệu cảnh báo, phòng ngừa trên phương tiện vận chuyển. Nếu trên một phương tiện vận chuyển có nhiều loại hóa chất khác nhau thì phía ngoài phương tiện vận chuyển phải dán đầy đủ biểu trưng của từng loại hóa chất ở hai bên và phía sau phương tiện.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.


 

Đang truy cập: 42
Trong ngày: 203
Trong tuần: 1047
Lượt truy cập: 1592347
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com