Lao động-Tiền lương-Phụ cấp:

  1. 1.      HỖ TRỢ CHUYỂN ĐỔI NGHỀ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ TAI NẠN

Theo Nghị định số 37/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, người lao động bị suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 31% trở lên; được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới phù hợp với sức khỏe, nguyện vọng của mình nhưng công việc đó cần phải đào tạo nghề để chuyển đổi công việc sẽ được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để chuyển đổi công việc. Trong đó, mức hỗ trợ do Sở Lao động Thương binh và Xã hội quyết định cụ thể nhưng không quá 50% mức học phí và tối đa bằng 15 lần mức lương cơ sở.

Đặc biệt, trong trường hợp người lao động đã nghỉ hưu hoặc thôi việc nhưng phát hiện bị bệnh nghề nghiệp do yếu tố tác hại của nghề cũ gây nên, đã chủ động đi khám, giám định mức suy giảm khả năng lao động thì sẽ được Quỹ bảo hiểm giảm khả năng lao động thì sẽ được Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hỗ trợ kinh phí khám bệnh, chữa bệnh.

Cũng theo Nghị định này, người sử dụng lao động hàng tháng phải đóng 1% trên quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trường hợp người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm hoặc khoán được thực hiện đóng hàng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần. Từ ngày 01/01/2018 trở đi, Chính phủ sẽ quyết định mức đóng thấp hơn mức đóng nêu trên.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016.

Đầu tư:

  1. 2.      HỘ KINH DOANH THƯỜNG XUYÊN SỬ DỤNG TỪ 10 LAO ĐỘNG  BỊ PHẠT ĐẾN 5 TRIỆU

Đây là một trong những nội dung mới đáng chú ý tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01/06/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, có hiệu lực từ ngày 15/07/2016.

Cụ thể, từ ngày 15/07/2016, hộ kinh doanh thường xuyên sử dụng từ 10 lao động trở lên; kinh doanh ngoài địa điểm đã đăng ký với cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi đăng ký trụ sở và nơi tiến hành hoạt động kinh doanh sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng. Trường hợp không tiến hành hoạt động kinh doanh trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; ngừng hoạt động kinh doanh quá 06 tháng liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện, mức phạt tiền dao động từ 1 - 2 triệu đồng.

Đối với doanh nghiệp vi phạm quy định về việc thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, mức phạt tối đa được áp dụng là 5 triệu đồng; trong đó, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng nếu thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn từ 1 - 30 ngày; phạt từ 1 - 2 triệu đồng nếu thông báo quá hạn từ 31 - 90 ngày; mức phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng được áp dụng với hành vi thông báo quá hạn từ 91 ngày trở lên.

Đối với hành vi không chuyển đổi loại hình doanh nghiệp khi công ty không còn đủ số lượng thành viên, cổ đông tối thiểu theo quy định trong 06 tháng liên tục, mức phạt tiền dao động từ 2 - 5 triệu. Trường hợp tiến hành kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp sẽ chỉ bị phạt từ 20 triệu đồng, trong khi trước đây là từ 25 triệu đồng.

Nghị định này thay thế Nghị định số 155/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013.

Tài chính-Ngân hàng-Tín dụng:

  1. 3.      NĂM 2016, CHÍNH PHỦ DỰ KIẾN VAY 452.000 TỶ ĐỒNG

Nội dung này được nêu tại Kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ và các hạn mức vay nợ năm 2016 ban hành kèm theo Quyết định số 1011/QĐ-TTg do Chính phủ phê duyệt ngày 03/06/2016.

Theo Kế hoạch này, năm 2016, Chính phủ sẽ vay 452.000 tỷ đồng; bao gồm vay để bù đắp bội chi là 254.000 tỷ đồng; phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư là 60.000 tỷ đồng; vay ODA, ưu đãi để cho vay lại là 43.000 tỷ đồng và vay đảo nợ khoảng 95.000 tỷ đồng. Vốn vay được huy động từ các nguồn: Vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ; Vay từ Quỹ bảo hiểm xã hội và SCIC; Vay nước ngoài từ nguồn vốn ODA; ngoài ra, Bộ Tài chính còn xem xét thị trường vốn trong nước và quốc tế để linh hoạt huy động vốn vay thông qua các hình thức khác như phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước, phát hành trái phiếu quốc tế…

Về kế hoạch trả nợ, Chính phủ cho biết năm 2016 sẽ thực hiện trả 273.300 tỷ đồng; trong đó, trả nợ trực tiếp của Chính phủ được bố trí trong dự toán ngân sách Nhà nước là 154.000 tỷ đồng; trả nợ vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại khoảng 24.000 tỷ đồng và đảo nợ khoảng 95.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hạn mức vay được Chính phủ bảo lãnh và vay thương mại trung, dài hạn nước ngoài của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay tự trả năm 2016 cũng đã được phê duyệt tại Quyết định này. Cụ thể, hạn mức vay trong nước được Chính phủ bảo lãnh tối đa là 39.000 tỷ đồng; hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng được Chính phủ bảo lãnh tối đa là 1.500 triệu USD; hạn mức vay thương mại nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức, tín dụng theo phương thức tự vay tự trả là 5.500 triệu USD. Ngoài ra, hạn mức trái phiếu chính quyền địa phương là 12.500 tỷ đồng.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Xuất nhập khẩu:

  1. 4.      GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU TRONG NĂM 2016

Ngày 27/05/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-BCT về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2016, nhằm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu khoảng 10% mà Quốc hội đã đề ra.

Theo Chỉ thị này, Cục Xuất nhập khẩu được giao nhiệm vụ chủ trì theo dõi sát diễn biến thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng như lúa gạo, nông sản, thủy sản; theo dõi tình hình sản xuất lúa gạo, nông sản, thủy sản trong nước và diễn biến cung cầu, giá cả thị trường nội địa; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ điều hành xuất khẩu nói chung và gạo, nông sản, thủy sản nói riêng…

Cục Quản lý cạnh tranh, các Thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài phải rà soát, đánh giá tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp bảo hộ thương mại mà các nước hiện đang áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; chủ động làm việc với các cơ quan chức năng của nước sở tại để giải quyết, khắc phục, tháo gỡ các rào cản này và kịp thời thông tin về chính sách, các rào cản mới của thị trường nhập khẩu tới các Hiệp hội, doanh nghiệp.

Đồng thời, Cục Quản lý cạnh tranh còn có trách nhiệm chủ động đưa các cảnh báo kịp thời trên hệ thống cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam (tại địa chỉ website canhbaosom.vn hoặc earlywarning.vn) nhằm giúp các doanh nghiệp có thể dự báo trước nguy cơ xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá, chủ động ứng phó với các vụ kiện, giảm thiểu thiệt hại do các vụ kiện chống bán phá giá…

Tài nguyên-Môi trường:

  1. 5.      SẼ THẮT CHẶT MỨC TIÊU CHUẨN KHÍ THẢI VỚI Ô TÔ

Tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/06/2016 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các ban, ngành liên quan đề xuất lộ trình thắt chặt mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới đang lưu hành, xe cơ giới nhập khẩu đã qua sử dụng nhằm kiểm soát tốt các nguồn khí thải, cải thiện môi trường không khí và bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Đồng thời khuyến khích sử dụng khí nén tự nhiên làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông, tăng số lượng taxi và xe buýt sử dụng nhiên liệu từ khí nén tự nhiên; khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu khoa học nhằm đổi mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất và hiệu quả sử dụng nhiên liệu trong các ngành công nghiệp nhằm giảm thiểu phát sinh khí thải; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về phòng ngừa, giảm thiểu, xử lý, quan trắc khí thải, sử dụng hiệu quả nhiên liệu. Giai đoạn 2019 - 2020, sẽ rà soát, sửa đổi bổ sung quy định pháp luật về lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải công nghiệp tự động liên tục; đăng ký, kiểm kê khí thải công nghiệp đối với các nguồn khí thải tại các cơ sở có quy mô vừa và nhỏ.

Dự kiến đến năm 2020, 90% cơ sở sản xuất nhiệt điện, 80% cơ sở sản xuất xi măng, 70% cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động liên tục với các thông số theo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 80% các cơ sở sản xuất thép, hóa chất và phân bón hóa học xử lý bụi và các khí thải SO2, NOX, CO đạt Quy chuẩn kỹ thuật môi trường…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

Thông tin-Truyền thông:

  1. SẼ ĐƯA VIỆT NAM RA KHỎI DANH SÁCH PHÁT TÁN THƯ RÁC CAO NHẤT THẾ GIỚI

Quyết định số 898/QĐ-TTg phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 27/05/2016.

Theo đó, nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức về an toàn thông tin; nâng cao uy tín giao dịch điện tử, đưa Việt Nam ra khỏi danh sách 20 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại và phát tán thư rác cao nhất trên thế giới; phát triển tối thiểu 05 sản phẩm an toàn thông tin thương hiệu Việt Nam được sử dụng phổ biến tại thị trường trong nước, Thủ tướng đã đề ra một số giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách; thúc đẩy hợp tác trong nước, quốc tế và kiện toàn bộ máy, phát triển nguồn nhân lực.

Cụ thể như: Ban hành chính sách đãi ngộ cho chuyên gia quản lý, kỹ thuật trình độ cao trực tiếp tham gia bảo đảm an toàn thông tin mạng; Tham gia vào các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng; Thúc đẩy hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các nước trên thế giới; Tổ chức và duy trì nhóm chuyên gia về an toàn thông tin mạng nhằm hỗ trợ, tư vấn, đề xuất cho cấp có thẩm quyền các kế hoạch ứng phó, đảm bảo an toàn thông tin mạng tổng thể của quốc gia…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

  1. ÍT NHẤT 2 DN ĐƯỢC CUNG CẤP DỊCH VỤ VIỄN THÔNG TẠI CÁC TÒA NHÀ CAO TẦNG

Ngày 27/05/2016, UBND TP. Hà Nội đã ra Quyết định số 19/2016/QĐ-UBND ban hành Quy định về lắp đặt, quản lý, sử dụng hộp thư tập trung, hệ thống cáp viễn thông, hệ thống phủ sóng trong các tòa nhà nhiều tầng có nhiều chủ sử dụng trên địa bàn TP. Hà Nội, có hiệu lực từ ngày 06/06/2016.

Nội dung nổi bật nhất của Quyết định này là quy định về việc cho phép ít nhất 02 doanh nghiệp viễn thông được tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông (điện thoại cố định, Internet, truyền hình cáp…) trong các tòa nhà cao tầng; như vậy, người sử dụng có thể được tự do lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, thúc đẩy cạnh tranh trong thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ trong tòa nhà của các doanh nghiệp…

Quyết định này yêu cầu hệ thống cáp viễn thông được lắp đặt trong tòa nhà phải đảm bảo mỹ quan, an toàn, tuân thủ các quy định về phòng, chống, cháy nổ; mỗi căn hộ trong tòa nhà phải được trang bị sẵn một đôi sợi quang từ hộp phân dây hoặc giá đấu dây tới căn hộ; hệ thống cáp, dây thuê bao trong tòa nhà phải được quy hoạch dán nhãn, đánh số để đảm bảo tính chính xác, dễ dàng khi thi công và cung cấp dịch vụ; hệ thống cáp quang lắp đặt trong tòa nhà phải đáp ứng các điều kiện kỹ thuật để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông tại tòa nhà đều có khả năng đấu nối tại tủ phân cáp hoặc giá đấu dây của tòa nhà…

Về việc đầu tư xây dựng hệ thống phủ sóng, Quyết định nêu rõ, chỉ được đầu tư xây dựng hệ thống phủ sóng đối với các tòa nhà từ 10 tầng trở lên và khu vực sóng yếu, không đảm bảo chất lượng dịch vụ theo quy định.

 Chính sách:

  1. 8.      MỤC TIÊU ĐẾN 2017, TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ ĐẠT 6,8%

Nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống nhân dân; tạo chuyển biến rõ rệt về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh…, ngày 02/06/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017.

Tại Chỉ thị, Thủ tướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, sáng kiến nâng cao năng suất lao động trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển. Đồng thời, yêu cầu các Bộ, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh vận động các nước công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam trước ngày 31/12/2018; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư kinh doanh, giảm tối đa các chi phí khởi nghiệp, tạo điều kiện để giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp và công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước…

Dự kiến đến năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt khoảng 6,8%; tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước trên GDP khoảng 20 - 21%; dự toán thu nội địa tăng bình quân tối thiểu 13 - 15% so với đánh giá ước thực hiện năm 2016; dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 5 - 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2016…

  1. 9.      TĂNG CƯỜNG NGĂN CHẶN, GIẢM THIỂU TAI NẠN BOM MÌN

Ngày 01/06/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh; trong đó, yêu cầu các ban, ngành, đơn vị liên quan tăng cường trách nhiệm của mình trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của các tổ 
chức, cá nhân khi thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Đồng thời nghiên cứu đề xuất các mô hình phối hợp, lồng ghép để hỗ trợ nạn nhân bom mìn; ưu tiên nâng cấp các trạm y tế quân dân y kết hợp tại vùng sâu, vùng xa, vùng ô nhiễm bom mìn nặng để cứu chữa kịp thời nạn nhân khi xảy ra tai nạn do bom mìn, vật nổ.

UBND cấp huyện, xã có trách nhiệm phối hợp, xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến việc người dân thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có nguy cơ gây tai nạn; kiên quyết đình chỉ các hoạt động vi phạm, có nguy cơ mất an toàn. Chủ tịch UBND cấp xã và tương đương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn do thu gom, tàng trữ, mua bán, cưa cắt, sử dụng trái phép bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn quản lý…

Nông nghiệp-Lâm nghiệp:

10. QUY ĐỊNH 15 LOẠI KHÁNG SINH ĐƯỢC DÙNG TRONG THỨC ĂN CHĂN NUÔI

Danh mục, hàm lượng kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm với mục đích kích thích sinh trưởng tại Việt Nam đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kèm theo Thông tư số 06/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/05/2016; có hiệu lực từ ngày 15/07/2016.

Theo Danh mục, có 15 loại kháng sinh được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm với mục đích kích thích sinh trưởng, gồm: Bambermycins; BMD (Bacitracin Methylene-Disalicylate); Chlortetracycline; Colistin sulphate; Enramycin; Kitasamycin; Lasalocid sodium; Lincomycin; Monensin; Narasin; Neomycin sulphate; Nosiheptide; Salinomycin sodium; Tylosin phosphate; Virginiamycin.

Tuy nhiên, việc sử dụng các loại kháng sinh nêu trên phải đảm bảo nguyên tắc: Chỉ được sử dụng tối đa 02 loại kháng sinh trong một sản phẩm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm; nếu sử dụng 02 loại phải có căn cứ khoa học; Tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng premix có hàm lượng kháng sinh không vượt quá 20% để trộn vào thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm; Các loại kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm với mục đích kích thích sinh trưởng tại Việt Nam này chỉ được áp dụng đến ngày 31/12/2017. 

Riêng sản phẩm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm đang được phép lưu hành tại Việt Nam có chứa kháng sinh không nằm trong Danh mục nêu trên chỉ được phép lưu hành đến ngày 31/12/2016.

11. DOANH NGHIỆP LIÊN KẾT VỚI NÔNG DÂN TRỒNG LÚA ĐƯỢC HỖ TRỢ THUẾ, ĐẤT ĐAI

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh lúa gạo làm cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người trồng lúa, phát triển bền vững và tham gia hiệu quả vào thị trường toàn cầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1898/QĐ-BNN-TT ngày 23/05/2016 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Quyết định này đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020, trong đó có: Đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa ở vùng sản xuất lúa hàng hóa từ 30% tổng thu trở lên; giảm tổn thất sau thu hoạch dưới 8%; tại các vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa, diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu chiếm từ 20% trở lên; đạt 20% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam…

Với mục tiêu nêu trên, một loạt các giải pháp được nêu ra, bao gồm: Tái cơ cấu sản xuất lúa; Cải tiến công nghệ sau thu hoạch và chế biến; Phát triển thị trường; Giảm tác động của biến đổi khí hậu và tăng cường quản lý rủi ro thiên tai, dịch bệnh; Bảo vệ tài nguyên, môi trường và di sản lúa gạo; Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và đặc biệt là giải pháp về đổi mới chính sách thu hút đầu tư. Trong đó, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, đất đai, thuế đối với các doanh nghiệp liên kết trực tiếp với nông dân, doanh nghiệp chế biến sử dụng công nghệ cao, doanh nghiệp tham gia các dự án liên kết công tư; ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp sản xuất máy móc, vật tư đầu vào, cung cấp giống, doanh nghiệp đầu tư vào các dịch vụ sấy, kho tàng, hậu cần phục vụ thương mại và ưu đãi cho người nông dân mua máy móc sản xuất, áp dụng giống mới…

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

12. ĐIỀU KIỆN BUÔN BÁN THUỐC THÚ Y

Ngày 15/05/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thú y, trong đó đáng chú ý là quy định về điều kiện buôn bán thuốc thú y.

Cụ thể, ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện theo Luật Thú y, tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc thú y còn phải đáp ứng một số điều kiện khác như: Có địa điểm kinh doanh cố định và biển hiệu; Có tủ, kệ, giá để chứa đựng các loại thuốc phù hợp; Có trang thiết bị bảo đảm điều kiện bảo quản thuốc theo quy định; Có sổ sách, hóa đơn chứng từ theo dõi xuất, nhập hàng. Đối với cơ sở buôn bán vắc xin, chế phẩm sinh học phải có tủ lạnh, tủ mát hoặc kho lạnh để bảo quản theo điều kiện bảo quản ghi trên nhãn; có nhiệt kế để kiểm tra điều kiện bảo quản; có máy phát điện dự phòng, vật dụng, phương tiện vận chuyển phân phối vắc xin.

Về điều kiện hành nghề thú y, Nghị định quy định, người hành nghề chẩn đoán, chữa bệnh, phẫu thuật động vật, tư vấn các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thú y tối thiểu phải có bằng trung cấp chuyên ngành thú y, chăn nuôi thú y hoặc trung cấp nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản đối với hành nghề thú y thủy sản; người hành nghề tiêm phòng cho động vật phải có chứng chỉ tốt nghiệp lớp đào tạo về kỹ thuật do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp…

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016.


 

Đang truy cập: 39
Trong ngày: 93
Trong tuần: 815
Lượt truy cập: 1579553
                        

Tel: (+848) 6680 3173 - 6675 5878  Fax: (+848) 3825 1727

Hotline: 0908 006 302 - 1913 569 727

Email: hcm@namvietluat.com - thanhdanh@namvietluat.com

Website: www.namvietluat.com - www.nguoinuocngoai.com